Chủ Nhật, 22/9/2024
Chính sách
Thứ Bảy, 25/8/2012 22:10'(GMT+7)

Chưa thống nhất mức lương tối thiểu cho công nhân

(Ảnh minh hoạ).

(Ảnh minh hoạ).

Ngày 24/8, tại TP Hồ Chí Minh, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tổ chức hội thảo về điều chỉnh về mức lương tối thiểu vùng và đã đưa ra hai phương án điều chỉnh lương tối thiểu vùng vào năm 2013.

Theo đó, mức điều chỉnh lương cao dự kiến tăng từ 400.000 đồng đến 700.000 đồng/tháng.

Với phương án 1, mức lương tối thiểu áp dụng cho vùng 1 tăng từ 530.000 đồng – 700.000 đồng/tháng. Cụ thể, mức lương tối thiểu vùng 1 là 2.700.000 đồng/tháng (hiện tại là 2 triệu đồng/tháng), vùng 2 là 2.400.000 đồng (hiện tại là 1.780.000 đồng/tháng), vùng 3 là 2.130.000 đồng/tháng (hiện tại 1.550.000 đồng/tháng) và vùng 4 tăng là 1.930.000 đồng/tháng (hiện tại là 1.400.000 đồng/tháng).

Còn phương án 2, mức điều chỉnh tương ứng với vùng 1 là 2.500.000 đồng/tháng, vùng 2 là 2.250.000 đồng/tháng, vùng 3 là 1.950.000 đồng/tháng và vùng 4 là 1.800.000 đồng/tháng.

Theo ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, lẽ ra mức lương tối thiểu phải được điều chỉnh sớm hơn bởi theo điều 91, Bộ Luật lao động sửa đổi năm 2012 nêu rõ: Mức lương tối thiểu là mức thấp nhất trả cho người lao động làm công việc giản đơn nhất trong điều kiện lao động bình thường và phải phải đáp ứng được nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ.

Tuy nhiên, trên thực tế, mức lương tối thiểu hiện nay chỉ đáp ứng được 60% nhu cầu sống tối thiểu của người lao động. Để sống được bằng lương, thì mức lương tối thiểu năm 2013 phải đạt 3.118.000 đồng/tháng.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ LĐTB-XH Phạm Minh Huân cho rằng điểu chỉnh lương tối thiểu là việc phải thực hiện nhằm đáp ứng được nhu cầu sống tối thiểu của công nhân trong các doanh nghiệp.

Dự kiến, Chính phủ sẽ công bố điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng vào tháng 10/2012 và bắt đầu thực hiện từ ngày 1/1/2013.

Hiện có hai luồng ý kiến cho rằng: nếu phương án 1 thì sẽ giúp người lao động giảm bớt gánh nặng khó khăn trong bối cảnh giá cả liên tục trượt giá, leo thang song cũng là thách thức cho các doanh nghiệp trong giai đoạn khó khăn của nền kinh tế nếu phải điều chỉnh lại các chi phí, ảnh hưởng đến khả năng chi trả của doanh nghiệp.

Còn phương án 2 sẽ hỗ trợ rất lớn cho người lao động nhưng lại chưa đạt được theo lộ trình điều chỉnh tiền lương như đã đề ra.

Hiện tại, nhiều doanh nghiệp dựa vào mức lương tối thiểu đó để đóng bảo hiểm xã hội, nên sau này người lao động về hưu sẽ nhận được mức lương hưu ít ỏi, tạo gánh nặng cho xã hội.

Các khảo sát do Bộ LĐTB-XH tiến hành mới đây đều cho rằng: việc điều chỉnh mức lương tối thiểu tại TP Hồ Chí Minh (vùng 1) là 2.500.000 đồng/tháng là hợp lý. Một số ít chấp nhận mức lương tối thiểu là 2.700.000 đồng/tháng và phần còn lại chọn mức lương 2.250.000 đồng/tháng.

Trong khi đó, bà Nguyễn Hồng Hà, Phó Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Chi nhánh TP Hồ Chí Minh kiến nghị lùi thời gian tăng lương tối thiểu và chỉ nên tăng lương tối thiểu ở mức 15% hoặc 300.000 – 350.000 đồng/tháng so với mức lương tối thiểu hiện tại để các doanh nghiệp “xoay sở” trong giai đoạn khó khăn này bởi hiện tại nhiều doanh nghiệp cũng đang phải cầm cự do hàng hóa tồn kho, chi phí đầu vào tăng đến 13% nên việc điều chỉnh lương tối thiểu với biên độ lớn sẽ khiến cho không ít doanh nghiệp lao đao./.

(Theo: Nhân Dân)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất