Chủ Nhật, 22/9/2024
Chính sách
Thứ Bảy, 25/8/2012 22:10'(GMT+7)

Xã ATK Mỹ Bằng xây dựng nông thôn mới bằng nội lực

Một góc thôn Cây Quýt 2 xã Mỹ Bằng (Yên Sơn - Tuyên Quang).

Một góc thôn Cây Quýt 2 xã Mỹ Bằng (Yên Sơn - Tuyên Quang).

Mỹ Bằng là một trong 19 xã ATK (an toàn khu) của Tuyên Quang. Nơi đây cũng chính là căn cứ địa của cách mạng Lào – nơi đồng chí Cay-xỏn Phôm-vi-hản và Hoàng thân Xu-pha-nu-vông đã ở, làm việc lãnh đạo phong trào cách mạng của nhân dân các bộ tộc Lào trong thời gian từ 1950 -1951. S au hơn 1 năm triển khai xây dựng nông thôn mới, đến nay, Mỹ Bằng đã đạt được 10 tiêu chí, trong đó có các tiêu chí cơ bản như giao thông, thủy lợi, hệ thống sản xuất, y tế…

Trong chuyến thăm và làm việc mới đây tại xã Mỹ Bằng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Cao Đức Phát, Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới đã đánh giá cao kết quả và quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền, người dân xã Mỹ Bằng trong việc thực hiện xây dựng nông thôn mới, vừa triển khai sáng tạo song vẫn đảm bảo đúng tinh thần chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương. Quan trọng hơn, cán bộ và người dân đã nhận thức sâu sắc được xây dựng nông thôn mới là một quá trình liên tục với mục tiêu cuối cùng là hướng tới mỗi hộ gia đình, mỗi người nông dân ngày càng có cuộc sống tốt đẹp hơn.

Chia sẻ kinh nghiệm trong thực hiện xây dựng nông thôn của xã, ông Bùi Quang Hùng, Chủ tịch UBND xã Mỹ Bằng cho biết: Mỹ Bằng không trông chờ, ỷ lại mà huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, đồng thời, phát huy nội lực, sức đóng góp của nhân dân để xây dựng nông thôn mới. Điển hình trong việc thực hiện tiêu chí bê tông hóa đường giao thông nông thôn, với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, xã hỗ trợ xi măng, ống cống và vận chuyển đến thôn, bản; chính quyền cơ sở và các thôn, bản, tổ, xóm tự giải phóng mặt bằng; nhân dân tự nguyện đóng góp vật liệu, công lao động. Nhờ vậy, đến nay, xã đã làm được hơn 70 km đường bê tông nông thôn và phấn đấu từ nay đến cuối năm làm thêm 33 km nữa, đạt 100% đường giao thông nông thôn được bê tông hóa.

Đến thôn Cây Quýt 2, đi trên con đường bê tông khang trang sạch đẹp vừa mới hoàn thành, đồng chí Phạm Văn Đức, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn phấn khởi cho biết: Thực hiện Nghị quyết của Đảng bộ xã về chủ trương làm đường bê tông nông thôn, Chi bộ đã họp và xây dựng Nghị quyết chuyên đề, xác định, cán bộ, đảng viên là người gương mẫu thực hiện, đồng thời vận động gia đình và nhân dân cùng làm theo. Ngay sau đó, thôn đã tổ chức họp và triển khai đến tất cả các hộ dân và được mọi người đồng tình ủng hộ. Các hộ không có lao động trực tiếp thì ủng hộ bằng tiền trị giá 1 ngày công do thôn quy định. Số tiền này tạo điều kiện cho hộ có lao động song lại không có khả năng đóng tiền mua vật liệu đi làm tăng công, lấy tiền chuyển sang đóng góp. Ngoài ra, thôn còn huy động nhân dân đóng góp các vật dụng khác như tre, gỗ, xe vận chuyển cát, sỏi, máy bơm nước, xe chở nước...và đều được quy ra tiền để tính toán mức đóng góp cho phù hợp. Như vậy, nguồn vốn, nguồn lực hiện có trong dân được huy động tối đa. Ngoài ra, thôn còn kêu gọi, vận động con em công tác, làm ăn nơi khác góp tiền ủng hộ qua gia đình hoặc trực tiếp tại Ban xây dựng của thôn. Hàng ngày thôn thông báo công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng và qua các cuộc họp về họ tên, địa chỉ, số tiền các cá nhân, hộ ủng hộ. Cũng theo đồng chí Đức, thôn có 116 hộ, trong đó có14 hộ nghèo nhưng tất cả các hộ nghèo không hộ nào yêu cầu mức đóng góp thấp hơn. Để đẩy nhanh tiến độ làm đường, nhân dân trong thôn đã thống nhất đầu tư mua 1 máy trộn bê tông trị giá hơn 21 triệu đồng. Sau khi con đường hoàn thành, máy trộn bê tông đã được bán thanh lý để hoàn lại tiền cho nhân dân. Mọi việc đều được bàn bạc công khai, dân chủ, nhân dân được bàn, được làm và kiểm tra, giám sát, nên mọi công việc đều diễn ra thuận lợi. Đến nay, thôn đã làm được 8,2 km/8,6 km đường nông thôn; trong đó có 1,5 km đường phục vụ sản xuất kéo dài từ khu vực đồi chè ra đến đồng ruộng, với tổng số tiền đóng góp của nhân dân gần 260 triệu đồng, bình quân mức đóng góp là 600 nghìn đồng/người.

Cũng như thôn Cây Quýt 2, thôn Đá Bàn ngày nay đã đổi mới rất nhiều, đường làng ngõ xóm cũng được bê tông hóa đến từng nhà. Ông Tướng Văn Vi, Trưởng thôn Đá Bàn cho biết: Thôn có 138 hộ, 636 nhân khẩu, trong đó 98% là đồng bào dân tộc Dao, nhờ thực hiện tốt phong trào xây dựng nông thôn mới, chỉ trong năm 2011, toàn thôn có 26 hộ thoát nghèo, giảm số hộ nghèo trong thôn hiện nay xuống chỉ còn 42 hộ.

Ngoài thực hiện xây dựng cơ sở hạ tầng, đến nay, Mỹ Bằng đã hoàn thành quy hoạch ổn định diện tích đất trồng lúa hơn 600 ha, vùng sản xuất chè sạch, vùng trồng mía nguyên liệu… Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Mỹ Bằng Trần Thị Tuyết Mai chia sẻ: Mặc dù là xã miền núi còn nhiều khó khăn nhưng Mỹ Bằng quyết tâm phấn đấu đến đấu năm 2015 đạt chuẩn nông thôn mới. Để thực hiện mục tiêu đề ra trong thời gian tới, xã sẽ tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến với từng người dân; chú trọng thực hiện quy chế dân chủ trong xây dựng nông thôn mới; đồng thời phát huy vai trò, trách nhiệm của cộng đồng trong việc giám sát nâng cao chất lượng các công trình, dự án xây dựng…/.

Vũ Quang Đán - TTXVN

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất