Thứ Năm, 26/9/2024
Nghiệp vụ công tác tuyên giáo
Chủ Nhật, 6/3/2011 21:28'(GMT+7)

Phát huy thế mạnh của báo chí trong truyền thông về bình đẳng giới

Hội thảo nằm trong khuôn khổ Chương trình hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam và Liên hợp quốc về Bình đẳng giới do Ban quản lý dự án Ô (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) phối hợp với Văn phòng Quỹ Dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNFPA) tổ chức.

Mạng lưới GRN thành lập từ tháng 9-2010 là mạng lưới mở, hoạt động trên nguyên tắc tự nguyện nhằm mục tiêu là nâng cao nhận thức của toàn xã hội về bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình, tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật và phản ánh các vấn đề liên quan đến bình đẳng giới trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Theo báo cáo của Dự án Ô, sau bảy tháng hoạt động, mạng lưới đã thu hút được 50 phóng viên đến từ 40 cơ quan truyền thông, một số trung tâm nghiên cứu, tư vấn, các chuyên gia về giới và các cán bộ quản lý nhà nước về bình đẳng giới.

Đã có gần 150 lượt phóng viên được nâng cao năng lực chia sẻ, kinh nghiệm phản ánh về các vấn đề bình đẳng giới; hàng chục bài báo, chương trình phát thanh - truyền hình sau các đợt sinh hoạt mạng lưới. Tại các đợt sinh hoạt, các thành viên cơ hội chia sẻ kinh nghiệm, kỹ năng báo chí, lồng ghép giới trong các sản phẩm truyền thông cũng như nhận thức rõ hơn vai trò của báo chí trong việc thúc đẩy bình đẳng giới và phòng chống bạo lực gia đình.

Đại diện Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, ông Phạm Ngọc Tiến, Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới nhấn mạnh truyền thông có thế mạnh trong tuyên truyền về bình đẳng giới và bạo lực gia đình. Thí dụ như một số chủ trương, chính sách do các nhà quản lý đưa ra mang tính vĩ mô, qua ngôn ngữ và hình ảnh truyền thông đã làm cho người tiếp cận thấy dễ hiểu, dễ tiếp nhận hơn.

Với tư cách đại diện cơ quan quản lý Nhà nước, ông Tiến mong muốn có thêm nhiều hơn nữa những tác phẩm báo chí về bình đẳng giới và bạo lực gia đình. Ông Tiến cũng lưu ý những phóng viên viết về lĩnh vực này cần được học qua các lớp tập huấn để hiểu rõ và truyền tải đúng tinh thần về bình đẳng giới và bạo lực gia đình, tránh đi sâu vào những đề tài giật gân câu khách, trái với thuần phong mỹ tục của dân tộc Việt Nam.

Tại hội thảo, các thành viên mạng lưới cũng được thông báo những nội dung chính của Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020; thảo luận tính phù hợp và khả năng đáp ứng của các sản phẩm truyền thông đối với yêu cầu thực hiện Luật Bình đẳng giới và Phòng chống bạo lực gia đình; xác định các hoạt động ưu tiên của mạng lưới đến cuối năm 2011 về kiện toàn tổ chức, bộ máy, nhân sự cũng như các đề xuất của GRN đối với các cơ quan quản lý nhà nước, các bộ ngành có liên quan và các nhà tài trợ…

Nhóm phóng viên tham gia hội thảo cũng đề xuất Dự án Ô cần tăng cường hợp tác, liên kết chặt chẽ hơn giữa mạng lưới với các cơ quan báo chí, truyền thông, cơ quan quản lý nhà nước, lập trang web để các thành viên chia sẻ thông tin, cũng như tổ chức Giải thưởng hằng năm cho các tác phẩm báo chí, truyền thông xuất sắc về bình đẳng giới, bạo lực gia đình./.

(Theo: ND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất