Trong chiến lược “Diễn biến hòa bình” chống phá cách mạng Việt Nam, bên cạnh các vấn đề về "dân chủ", "nhân quyền", "dân tộc", "tự do tôn giáo"... các thế lực thù địch thường sử dụng chiêu bài “tự do ngôn luận”, “tự do báo chí”, vu cáo Đảng và Nhà nước Việt Nam vi phạm quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí. Mục tiêu là làm cho báo chí tách rời sự lãnh đạo của Đảng, làm cho các nhà báo mất phương hướng chính trị, mất sức chiến đấu trong hoạt động báo chí, tiến tới gây mất ổn định và rối loạn về tư tưởng xã hội.
Mới đây, có tổ chức báo chí và quan chức ngoại giao nước ngoài lại đưa ra những nhận định, đánh giá sai lệch về tình hình tự do báo chí, tự do internet ở Việt Nam. Họ xuyên tạc rằng Việt Nam "có nhiều hoạt động chống lại giới bloggers khi họ phổ biến các thông tin về các dự án bauxite ở Tây Nguyên"; rằng Việt Nam đang "siết chặt kiểm soát internet, từ các quán cà phê internet tới trang mạng Facebook"; rằng Việt Nam là nước trong số các quốc gia "hạn chế ngôn luận trên internet", và đòi thúc đẩy "tự do báo chí", "tự do internet"!.
Đó là cách nhìn nhận và đánh giá thiếu khách quan, vô căn cứ, không đúng với tình hình tự do báo chí và sự phát triển internet ở Việt Nam, cho thấy thái độ thiếu thiện chí của họ đối với Việt Nam. Những luận điệu trên không có gì mới và chúng được tung ra nhằm hậu thuẫn những người cố tình lợi dụng tự do internet và tự do báo chí để xuyên tạc chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, đưa những thông tin ngụy tạo, truyền bá những thông tin thiếu xác thực, chưa được kiểm chứng, thậm chí cả những ý kiến mạo danh các lão thành cách mạng, các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước lên blog cá nhân, lên các trang mạng phục vụ ý đồ cá nhân.
Những ai đòi Việt Nam mở rộng hơn nữa "tự do báo chí", "tự do internet" cần phải hiểu đúng hơn về các khái niệm trên. Tự do ngôn luận, tự do báo chí là quyền căn bản của con người, nhưng tự do báo chí không có nghĩa là vô tổ chức, là đổi trắng thay đen, là tự do đảo lộn chính-tà... Chúng ta khuyến khích tự do báo chí vì lợi ích của quốc gia, dân tộc, bảo vệ lợi ích của Đảng, Nhà nước và nhân dân. Và lẽ tất nhiên, chúng ta không thể chấp nhận việc lợi dụng tự do báo chí, tự do internet để gây mất ổn định, chống lại Tổ quốc và dân tộc, xuyên tạc chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, xâm phạm lợi ích của công dân. Thực chất "tự do báo chí" và tự do internet mà một số thế lực mong muốn là kiểu tự do vô chính phủ, hoàn toàn trái với dân chủ đích thực. Quyền tự do báo chí, tự do internet ở Việt Nam được pháp luật bảo vệ. Bất kỳ một tổ chức, cá nhân nào lợi dụng tự do báo chí để chống lại Tổ quốc, đi ngược lại lợi ích của nhân dân, vi phạm pháp luật, đều phải bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Điều này là hiển nhiên mà bất cứ một quốc gia độc lập có chủ quyền nào cũng đều phải thực hiện.
Không thể vin vào lý do một số cá nhân lợi dụng báo chí, lợi dụng internet chống lại Tổ quốc, bị chính quyền xử lý mà cho rằng Việt Nam "vi phạm" tự do báo chí, tự do internet, rồi cố tình xuyên tạc và xếp Việt Nam là một quốc gia "hạn chế tự do báo chí”.
Thực tế những năm qua, Nhà nước Việt Nam đã không ngừng hoàn thiện hệ thống pháp luật trong quản lý hoạt động báo chí, xuất bản; cùng với việc quy định trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong hệ thống chính trị thực hiện nghiêm túc quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận, quyền tiếp cận thông tin... chúng ta còn quy định rõ việc xử lý các vi phạm đối với các quyền nói trên. Luật Báo chí và các văn bản pháp luật liên quan luôn bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, quyền hành nghề chính đáng trong khuôn khổ pháp luật của các nhà báo. Đây là việc làm cần thiết để bảo đảm quyền tự do báo chí theo nghĩa đích thực, bảo đảm cho báo chí hoạt động đúng tôn chỉ mục đích, trong khuôn khổ pháp luật; làm cho báo chí thực sự phục vụ lợi ích của quốc gia, dân tộc, không để báo chí bị lợi dụng, bị hoen ố bởi những hành vi trái pháp luật, trái với thuần phong mỹ tục... Đó là việc làm vì lợi ích của quốc gia dân tộc, của nhân dân ở một đất nước độc lập, có chủ quyền.
Cũng cần nói thêm rằng, những luận điệu xuyên tạc, vu cáo trên là sự can thiệp có chủ ý vào tình hình Việt Nam; là giọng điệu lạc lõng trong khi phần lớn các quốc gia, tổ chức quốc tế và nhân dân trên thế giới đều đánh giá cao, nhận xét tích cực về một nước Việt Nam đang đổi mới, ổn định và phát triển, có những bước tiến ngoạn mục, hướng tới một quốc gia phồn thịnh trong tương lai. Năm 2010, trong một cuộc làm việc với Phó thủ tướng, kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Gia Khiêm, chính Ngoại trưởng Mỹ H.Clin-tơn cho biết bà "thực sự phấn khích" về “sự tiến bộ của Việt Nam ngày nay...". Sự tiến bộ đó, như Ngoại trưởng Mỹ khẳng định, hàm chứa cả những tiến bộ về quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí được bảo đảm và phát huy tích cực trong đời sống xã hội.
Thực tế đã chứng minh, tại Việt Nam quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí được quy định rõ trong Hiến pháp, pháp luật, được tôn trọng và được bảo đảm trên thực tế, được cộng đồng quốc tế ghi nhận. Những ai xuyên tạc tình hình “tự do báo chí”, “tự do internet” ở Việt Nam cần phải thấy rằng, những năm qua, báo chí Việt Nam có sự phát triển nhanh về số lượng, loại hình, ấn phẩm; đội ngũ những người làm báo, số lượng người đọc, người truy cập internet... và cơ sở vật chất kỹ thuật, công nghệ, năng lực tài chính của các cơ quan báo chí, truyền thông, cũng như sự tác động và ảnh hưởng xã hội của báo chí, internet đều tăng nhanh. Báo chí thực sự là tiếng nói của Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị-xã hội, là diễn đàn của nhân dân; quyền tự do báo chí ở nước ta được bảo đảm vững chắc bằng pháp luật và thể hiện cụ thể trong thực tiễn.
Đến năm 2010, cả nước có hơn 17.000 người được cấp thẻ nhà báo (tăng gấp 3 lần so với 1986, tăng 1,4 lần so với 2001); có hơn 700 cơ quan báo chí in, gần 70 đài phát thanh-truyền hình, hàng chục tờ báo điện tử và hàng nghìn trang thông tin điện tử... Việt Nam là một trong những nước trên thế giới có tốc độ phát triển nhanh nhất về internet. Đó là kết quả thể hiện rõ ràng, sinh động về quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí ở nước ta, trái ngược hẳn với luận điệu xuyên tạc Việt Nam "hạn chế tự do báo chí", "hạn chế ngôn luận trên internet" như một số thế lực cố tình gán ghép.
Báo chí chân chính phải thực sự là “vũ khí sắc bén trong sự nghiệp phò chính trừ tà”. Mọi sự lẫn lộn "chính”- “tà” đều không đúng với bản chất và vai trò của báo chí nước ta trong tình hình mới. Báo chí phải chung vai gánh vác sự nghiệp cách mạng của Đảng, Nhà nước và nhân dân, góp phần cổ vũ, giáo dục, định hướng tư tưởng, nhân lên những điển hình tốt, đấu tranh chống tiêu cực, phê phán những cái xấu, biểu hiện lệch lạc, đi ngược lại lợi ích của dân tộc và đất nước. Báo chí cách mạng Việt Nam ngày càng phát triển, trở thành lực lượng hùng hậu, luôn đồng hành cùng đất nước, dân tộc, góp phần thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN, thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
(Hưng Hà/QĐND)