Thứ Năm, 26/9/2024
Nghiệp vụ công tác tuyên giáo
Thứ Năm, 3/3/2011 13:56'(GMT+7)

Phụ nữ làm tuyên giáo

Tại các Hội thi báo cáo viên giỏi, tỷ lệ báo cáo viên nữ đạt giải cao thường chiếm ưu thế

Tại các Hội thi báo cáo viên giỏi, tỷ lệ báo cáo viên nữ đạt giải cao thường chiếm ưu thế

Khi nói đến “nghề” tuyên giáo, người ta thường nghĩ đó là nghề liên quan đến đường lối, chính trị…thật là "khô khan". Đặc biệt, họ luôn cho rằng những người phụ nữ làm nghề này cũng không tránh khỏi sự ảnh hưởng của tính chất công việc. Nhưng thực tế không phải như vậy! Người viết bài này lại nghĩ khác, chính phái yếu đã mang lại những nét mềm mại, tươi trẻ, sự uyển chuyển, sinh động cho “bức tranh” nghề tuyên giáo.

Bản chất của phụ nữ đã giúp họ thích nghi, tận dụng lợi thế riêng có, khắc phục mặt yếu điểm để vươn lên, khẳng định vị trí, tầm quan trọng cũng như vai trò của mình, từ đó sánh vai cùng “phái mạnh” trong nghề nghiệp vốn đầy phong phú và không kém phần phức tạp này.

Xin được tản mạn ở bài viết này một số suy nghĩ về những thế mạnh của phụ nữ trong nghề tuyên giáo, trước hết là để xã hội nhìn nhận, đánh giá đúng đắn hơn, hiểu rõ hơn về các chị, các cô… và cũng là để minh oan cho cái tiếng “khô khan”  và thêm yêu chính nghề nghiệp mà họ đang gắn bó.

Sự mềm mỏng, nhẹ nhàng

Đặc điểm tính cách này của phụ nữ đã giúp họ rất nhiều trong công tác tuyên giáo. Còn nhớ trong các Hội thi Báo cáo viên giỏi về tư tưởng Hồ Chí Minh, hội thi kể chuyện tấm gương đạo đức của Bác, tỷ lệ phụ nữ tham gia và đạt giải cao chiếm ưu thế, so với anh em. Đối với công tác tuyên truyền, cùng với chuyên môn chắc, kiến thức tốt cộng với giọng nói đầy truyền cảm, nhẹ nhàng của phụ nữ thì việc thu hút người nghe là điều tất nhiên. Bởi ở họ, có sự nhẹ nhàng, mềm mại của âm vực, sự sâu sắc của tính cách, sự hiểu biết của kiến thức, cùng chút lợi thế của phái yếu về ngoại hình. Kể cả với những vấn đề mang tính lý luận, thậm chí chỉ là những con số, số liệu, thì phụ nữ cũng có thể biến buổi báo cáo thành một diễn đàn đầy lôi cuốn.

Biết lắng nghe, biết chia sẻ và quan tâm một cách thấu đáo, sâu sắc

Điều này có thể cũng có ở anh em nam giới, nhưng có lẽ nếu nói về lợi thế thì phụ nữ sẽ “thuận” hơn. Trong nhiều trường hợp, đặc biệt là khi tiếp xúc với quần chúng, thâm nhập vào đời sống nhân dân để tìm hiểu, thăm dò dư luận xã hội, sự quan tâm và lắng nghe của phụ nữ đôi khi làm cho người dân (kể cả những người khó tính) dễ bộc bạch hơn, dễ tâm sự hơn và vì vậy, kết quả công việc đôi khi cao hơn. Bản chất “phụ nữ” và sự sâu sắc của họ đã giúp cho đối tượng tiếp xúc dễ bị cảm hóa và thu phục hơn rất nhiều.

Khả năng chịu đựng dẻo dai, kiên trì và nhẫn nại

Đây là đòi hỏi cần thiết đối nghề, bởi công tác tuyên giáo nhìn ở góc độ nào đó gắn với giáo dục, thuyết phục, vận động. Theo kinh nghiệm ở một số địa phương, khi giải quyết các điểm nóng, giải quyết các vấn đề bức xúc của nhân dân, sự kiên trì, nhẫn nại chính là chìa khoá của sự thành công. Trong một số trường hợp, anh em nam giới thiếu bình tĩnh, còn phụ nữ lại chịu đựng tốt hơn, nhẫn nại hơn, vì vậy hiệu quả công việc sẽ cao hơn, giải quyết được bức xúc của nhân dân, tạo được sự đồng thuận trong xã hội. Sự chịu đựng dẻo dai vốn là đức tính mà phụ nữ có sẵn đã tạo cho họ những lợi thế khi làm nghề.

Bên cạnh những lợi thế, phụ nữ cũng gặp phải những hạn chế nhất định khi làm nghề.

Đòi hỏi vừa phải giỏi việc nước, lại đảm việc nhà luôn đặt ra đối với phái yếu. Nếu cánh mày râu có thể bê trễ chút việc nhà, con cái, thì với phụ nữ, điều này gần như không thể chấp nhận. Gia đình luôn là điểm đỗ bình yên và là hậu phương cần thiết của mỗi chị. Không thể quên việc nhà, lơ là việc nước buộc các chị phải nỗ lực cố gắng hơn nhiều so với các anh. Nhưng chính đặc trưng của nghề nghiệp, sự phức tạp và biến thiên khó lường trong một số lĩnh vực của công tác tuyên giáo, đôi khi công việc phải kéo dài đến cả đêm. Viết báo cáo, chuẩn bị bài nói, từ lên kế hoạch thực tế, thăm dò dư luận xã hội…đã “ngốn” khá nhiều thời gian vật chất của các chị. Nếu như không có sự chia sẻ, sự đồng cảm cùng gánh vác của đấng phu quân và các con, có lẽ phụ nữ các chị sẽ không thể vượt qua.

Những vấn đề tư tưởng hàng ngày, hàng giờ đặt ra trước những biến đổi của tình hình đầy phong phú và phức tạp, buộc người làm công tác tuyên giáo phải tỉnh táo, sáng suốt, vận dụng linh hoạt. Người phụ nữ vốn được coi là “liễu yếu đào tơ” đôi khi gặp những hạn chế về sức khoẻ, thể lực so với cánh mày râu. Việc phải đi công tác dài ngày, thậm chí hàng tháng đi tới những vùng sâu, vùng xa tất yếu phụ nữ gặp nhiều trở ngại.

Nghề tuyên giáo với đòi hỏi cao về hai kỹ năng nói và viết đôi khi tạo cho người phụ nữ “bệnh nghề nghiệp”, thậm chí khi về tới gia đình, có chị em bị ông xã chê là nói nhiều. Thứ bệnh nghề nghiệp này đôi khi là thế mạnh, bởi việc nói khúc chiết, mạch lạc, lôi cuốn, chặt chẽ và logic là điều mà ai cũng cần, nhưng nếu không cẩn thận và biết điểm dừng thì trong gia đình, đôi khi thế mạnh trở thành thế yếu. Đàn ông vẫn thường thích nghe phụ nữ diễn thuyết ở diễn đàn, nhưng lại không thích nghe sự diễn thuyết ấy trong gia đình.

Một vài suy nghĩ cá nhân về phái yếu trong nghề tuyên giáo, coi như là món quà tặng các chị, các cô nhân ngày 8/3. Mong những bóng hồng sẽ mãi mãi yêu nghề như yêu chính gia đình của mình. Và nghề tuyên giáo cũng sẽ giúp các chị bộc lộ, trải nghiệm những thế mạnh riêng có, hạn chế những yếu điểm của mình, mang đến cho các chị sự thành công trong nghề nghiệp, hạnh phúc trong gia đình./.

Minh Huế

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất