Thứ Ba, 17/9/2024
Giáo dục
Thứ Ba, 15/8/2023 15:4'(GMT+7)

Phát huy vai trò của gia đình, dòng họ trong việc thúc đẩy học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập trên địa bàn tỉnh Yên Bái

Các dòng họ ở xã Việt Hồng, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái luôn vận động thành viên trong gia đình tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng với ý thức học tập suốt đời, độ tuổi từ 15 - 60 tuổi không có ai mù chữ. (Ảnh: Minh Huyền)

Các dòng họ ở xã Việt Hồng, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái luôn vận động thành viên trong gia đình tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng với ý thức học tập suốt đời, độ tuổi từ 15 - 60 tuổi không có ai mù chữ. (Ảnh: Minh Huyền)

PHÁT HUY VAI TRÒ CỦA GIA ĐÌNH, DÒNG HỌ, THÚC ĐẨY HỌC TẬP SUỐT ĐỜI, XÂY DỰNG XÃ HỘI HỌC TẬP

Nhận thức vai trò quan trọng của xây dựng xã hội học tập, Nghị quyết Đại hội XIX tỉnh Yên Bái xác định: Phát huy vai trò của gia đình, dòng học là yếu tố quan trọng thúc đẩy học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập, góp phần giữ gìn, phát huy những phẩm chất tốt đẹp của con người Việt Nam trong thời kỳ mới, thiết thực xây dựng con người Yên Bái “Thân thiện, nhân ái, đoàn kết, sáng tạo, hội nhập”.

Yên Bái là tỉnh miền núi, nằm ở cửa ngõ vùng Tây Bắc của Tổ quốc, có diện tích tự nhiên trên 6.800km2; dân số 84 vạn người; có 30 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 57%. Tỉnh có 09 huyện, thị, thành phố, 173 xã, phường, thị trấn; trong đó có 02 huyện vùng cao đặc biệt khó khăn. 

Đặc biệt, thực hiện Quyết định 281 của Thủ tướng Chính phủ, phong trào xây dựng gia đình, dòng họ, cộng đồng, đơn vị học tập đã phát triển cả bề rộng và chiều sâu có sức lan tỏa, động viên cán bộ, hội viên và nhân dân tích cực học tập góp phần đẩy mạnh việc học tập suốt đời. Toàn tỉnh có 156.000/216.000 gia đình được công nhận gia đình học tập (đạt 72%). Đây là những gia đình tiêu biểu trong việc tự học suốt đời, có nhiều con cháu hiếu học, tham gia phát triển kinh tế, xây dựng quê hương, được Trung ương và Tỉnh khen thưởng trong công tác khuyến học.


Việc xây dựng gia đình, dòng họ học tập ở Yên Bái không chỉ dừng lại ở việc chăm lo cho trẻ em trong độ tuổi học phổ thông mà còn động viên mọi thành viên trong độ tuổi lao động trong gia đình, dòng họ đi học bổ túc văn hóa, học nghề, tìm hiểu pháp luật, nắm chắc chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, tiếp thu khoa học kỹ thuật phục vụ sản xuất, phát triển kinh tế, giảm nghèo vươn lên làm giàu chính đáng.

Nhiều dòng họ tiêu biểu ở Yên Bái đã vượt lên khó khăn về điều kiện kinh tế và trắc trở địa lý vùng cao miền núi động viên con cháu “Chỉ có con đường học tập mới giúp gia đình thoát nghèo” như: Dòng họ Sa dân tộc Thái ở thôn Ba Khe, xã Cát Thịnh, huyện Văn Chấn  với 70 hộ, trên 350 khẩu; có 68 đảng viên; trong đó 5 người trình độ thạc sĩ, 54 người trình độ Đại học, 100% gia đình đạt danh hiệu “Gia đình học tập”. Năm 2007, với sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền, hội khuyến học xã Cát Thịnh, dòng họ Sa xin thành lập Ban Khuyến học với 4 chi hội. Ban Khuyến học Dòng họ hoạt động với quy ước, hương ước cụ thể là “Mỗi gia đình, mỗi thành viên trong dòng họ phải tích cực xây dựng gia đình văn hóa, gia đình học tập, góp phần xây dựng dòng họ văn hóa, dòng họ học tập, phát huy tình làng nghĩa xóm, hưởng ứng tốt các cuộc vận động do cộng đồng, địa phương phát động”, từ đó đã góp phần khơi dậy lòng tự hào, ý chí quyết tâm vượt khó, tự giác học tập, rèn luyện của mỗi thành viên trong dòng họ, đẩy mạnh phong trào xây dựng gia đình học tập, dòng họ học tập tại địa phương. Dòng họ Giàng người Mông xã Chế Tạo, huyện Mù Cang Chải, có 17 người có trình độ đại học, 12 người có trình độ cao đẳng, 15 người có trình độ trung cấp, 16 cháu đang theo học các trường chuyên nghiệp từ trung cấp đến đại học. Con em trong dòng họ Giàng luôn tích cực tuyên truyền, vận động các gia đình xóa bỏ hủ tục, quan niệm lạc hậu, quan tâm chăm lo cho việc học tập của con cháu; trẻ em đến tuổi đi học đều được tạo điều kiện đến trường và không được bỏ học; người lớn, vẫn phải tiếp tục học tập như tham gia các lớp tập huấn, hướng dẫn làm kinh tế, về luật pháp, chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước. Từ nguồn quỹ vận động mỗi gia đình ủng hộ 200.000 đồng/năm, hằng năm đã kịp thời biểu dương, khen thưởng các cháu có thành tích học tập tốt, đồng thời động viên con, cháu không được bỏ học giữa chừng. Bên cạnh đó, dòng họ luôn quan tâm gìn giữ truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc thông qua việc giáo dục con, cháu trân trọng trang phục truyền thống, tín ngưỡng dân gian đặc sắc của người Mông; phát triển, gìn giữ kho tàng dân ca, dân vũ, truyện cổ, nhạc cụ dân tộc truyền thống của dân tộc…


Ngoài ra, có thể kể thêm những dòng họ có bề dày truyền thống học tập và phát triển kinh tế, như: Dòng họ Giàng dân tộc Mông ở xã Suối Giàng, huyện Văn Chấn; dòng họ Nguyễn Ba dân tộc Tày xã Việt Hồng, huyện Trấn Yên; dòng họ Giàng dân tộc Mông xã Trạm Tấu, dòng họ Lò dân tộc Thái Xã Hát Lừu, huyện Trạm Tấu.

Ngoài điển hình là các dòng họ, Yên Bái còn có một số tấm gương tiêu biểu trong xây dựng các mô hình học tập và làm theo Bác, như: thanh niên Giàng A Dê (huyện Mù Cang Chải) với tinh thần tự học, sáng tạo. Anh có homestay phục vụ khách du lịch. Để học tiếng Anh, anh Giàng A Dê đã đề nghị mỗi khách nước ngoài dậy anh 1 giờ tiếng Anh, anh sẽ miễn phí ăn sáng và hướng dẫn tham quan. Giờ đây anh đã giao tiếp với khách nước ngoài khá thành thạo. Hay tấm gương anh Lý Xuân Tuyến xã Cảm Nhân huyện Yên Bình, Yên Bái đã nỗ lực vươn lên, bị bại liệt 2 chân do tai nạn giao thông, anh đã tự mở lớp học miễn phí tiếng Anh cho hàng trăm em học sinh trong vùng. Mặc dù anh không phải thầy giáo nhưng với 2 bằng ngoại ngữ, Lý Xuân Tuyến đã vượt qua số phận với ý nghĩ : “những đứa trẻ trong bản làng heo hút này còn có quá nhiều khó khăn, thiệt thòi nên quyết tâm đem chút sức lực còn lại của mình truyền đạt kiến thức cho các em với mong muốn các em có tương lai tươi sáng hơn”.

Yên Bái đặc biệt quan tâm triển khai các hoạt động hỗ trợ giáo dục trong nhà trường đã góp phần tích cực vào việc duy trì nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học và trung học cơ sở; tăng cường sự phối hợp với ngành giáo dục vận động học sinh ra lớp. Các hoạt động hỗ trợ học sinh bị ảnh hưởng do thiên tai, bão lũ, học sinh có hoàn cảnh khó khăn, bồi dưỡng học sinh giỏi, học sinh năng khiếu, động viên giáo viên giỏi được duy trì, huy động các nguồn lực xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học được đẩy mạnh, nhất là các trường phổ thông dân tộc bán trú góp phần khơi dậy và phát huy truyền thống thi đua yêu nước, hiếu học, nhiệt tình của cán bộ, hội viên, nhân dân, trở thành động lực cho việc phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ thi đua, xây dựng tổ chức Hội Khuyến học ngày càng vững mạnh.

NHỮNG BÀI HỌC KINH NGHIỆM QUÝ

Với những kết quả đạt được trong việc phát huy vai trò của gia đình, dòng họ thúc đẩy học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập, tỉnh Yên Bái rút ra một số bài học kinh nghiệm quý.

Một là, phát huy vai trò nòng cốt của Hội khuyến học các cấp, tăng cường sự phối hợp hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội trong công tác tuyên truyền về vai trò, tầm quan trọng của hoạt động khuyến học nói chung, việc xây dựng gia đình học tập, dòng họ học tập nói riêng, từ đó khơi dậy tinh thần thi đua học tập trong các gia đình, dòng họ.

Hai là, đề cao vai trò của các gia đình, dòng họ, nhất là dòng họ vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong việc tuyên truyền, vận động nâng cao dân trí, phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng cuộc sống no ấm, hạnh phúc. Phát huy vai trò của người có uy tín trong cộng đồng đối với việc xây dựng gia đình học tập, dòng họ học tập.

Ba là, tiếp tục sáng tạo, đa dạng hóa các hình thức vận động, xây dựng Quỹ khuyến học. Hội Khuyến học và các tổ chức cơ sở Hội sáng tạo, linh hoạt trong vận động, xây dựng Quỹ khuyến học. Các tổ chức Hội ưu tiên dùng quỹ khuyến học để khuyến khích, giúp đỡ các thành viên học tập có hiệu quả.

Bốn là, chú trọng công tác phát hiện, bồi dưỡng, nhân rộng những điển hình tiên tiến, nhân rộng những mô hình mới, cách làm hay, có sức lan tỏa trong công tác khuyến học, xây dựng xã hội học tập, làm tốt công tác khen thưởng, giành kinh phí thỏa đáng trong Quỹ khuyến học hằng năm để khen thưởng các gia đình học tập, dòng họ học tập tiêu biểu./.

 

 Nguyễn Minh Tuấn

Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Yên Bái

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất