Thứ Hai, 7/10/2024
Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống
Thứ Năm, 29/10/2020 16:55'(GMT+7)

Phát huy vai trò giám sát, phản biện của Mặt trận Tổ quốc, góp phần xây dựng Đảng bộ, chính quyền vững mạnh

Trong những năm qua, một trong những nhiệm vụ trọng tâm được Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh (Đảng bộ Thành phố) xác định là: “Tiếp tục củng cố, kiện toàn tổ chức, đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội theo hướng nâng cao năng lực đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của các giới, các tầng lớp nhân dân. Nâng cao hiệu quả giám sát, phản biện xã hội, khắc phục tình trạng hành chính hóa trong hoạt động của Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) và đoàn thể chính trị - xã hội các cấp”(1). 

Thực hiện chủ trương trên, MTTQ các cấp của Thành phố đã tích cực, thường xuyên tổ chức quán triệt và triển khai Luật MTTQ Việt Nam sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân; Đảng đoàn MTTQ Thành phố tập trung lãnh đạo Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Thành phố xây dựng các chương trình, kế hoạch với hệ thống giải pháp khoa học gắn với thực tiễn nhằm cụ thể hóa và đưa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố, Luật MTTQ từng bước đi vào đời sống nhân dân. 

Có thể dễ dàng nhận thấy sự quan tâm, tham gia tích cực của các giới, các tầng lớp nhân dân tại Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư hàng năm; trong các kỳ sinh hoạt tổ dân phố, sinh hoạt chi hội, tổ hội, chi đoàn thanh niên…; trong các hội nghị, tọa đàm, mạn đàm do MTTQ Thành phố và các tổ chức thành viên tổ chức. Qua đó, người dân tích cực tham gia góp ý và quyết định việc thực hiện các kế hoạch, công trình tại khu dân cư; các khoản huy động đóng góp để nâng cấp, mở rộng các tuyến đường, tuyến hẻm; lắp đặt hệ thống camera quan sát để phòng ngừa tội phạm, phòng chống xả rác bừa bãi, bảo vệ môi trường; công trình chăm lo cho hộ nghèo; tham gia ý kiến sửa đổi, bổ sung các quy ước phù hợp với tình hình thực tế của địa phương…

MTTQ các cấp Thành phố đã phát huy vai trò là một trong những “kênh” quan trọng để nhân dân linh động, sáng tạo thực hiện phương châm “dân biết, dân bàn, dân kiểm tra, dân thụ hưởng”; khơi lên sức sáng tạo, nguồn lực to lớn trong nhân dân.
Công tác giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Thành phố các cấp đã được tập trung, tăng cường trong những năm gần đây và trở thành hoạt động thường xuyên, trọng tâm, có tác động thực tế đến sự phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng - an ninh của Thành phố. Đây cũng là phương thức hiệu quả phát huy quyền làm chủ của nhân dân, góp phần xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền các cấp Thành phố trong sạch, vững mạnh. 

MTTQ các cấp Thành phố phát huy tích cực vai trò chủ trì, phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội trong tổ chức hoạt động giám sát, lắng nghe ý kiến nhân dân, dư luận, báo chí. Qua đó kịp thời báo cáo cấp ủy, người đứng đầu cấp ủy và chính quyền kịp thời giải quyết những phản ánh, kiến nghị, góp ý thiết thực của nhân dân. Từ năm 2015 đến nay, hệ thống MTTQ các cấp Thành phố đã chủ trì, phối hợp tổ chức giám sát ở 20 nội dung với 3.236 cuộc giám sát chuyên đề và đột xuất, trong đó tập trung vào các lĩnh vực mà người dân quan tâm, kiến nghị. Bên cạnh đó, các tổ chức chính trị - xã hội Thành phố cũng tập trung thực hiện hàng loạt các hoạt động giám sát chuyên đề.

Qua giám sát đã phát hiện nhiều nội dung, vụ việc và những hạn chế của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Nhiều ý kiến, kiến nghị sau giám sát được chính quyền các cấp tiếp thu, phản hồi, giải quyết có tình có lý và kịp thời, góp phần bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; hạn chế tình trạng khiếu nại, tố cáo; củng cố niềm tin, tạo sự đồng thuận trong nhân dân.

Song song với hoạt động giám sát, việc tổ chức hoạt động phản biện xã hội của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội Thành phố cũng đã được tập trung và bước đầu đạt được những kết quả quan trọng, góp phần sinh động hơn nội dung, phương thức hoạt động của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội. 

MTTQ các cấp phát huy vai trò chủ trì trong xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch phản biện xã hội hàng năm, lựa chọn nội dung theo nhu cầu của chính quyền và những vấn đề mà nhân dân và xã hội quan tâm để phản biện xã hội. Từ năm 2015 đến nay, đã tổ chức và mời các Ủy viên Ủy ban MTTQ Thành phố, các thành viên Hội đồng tư vấn, chuyên gia, nhà khoa học tham gia 321 hội nghị phản biện xã hội đối với các đề án, kế hoạch liên quan đến việc thực hiện cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố theo Nghị quyết số 54/2017/QH14 của Quốc hội, Dự thảo Đề án thực hiện chính quyền đô thị của Thành phố Hồ Chí Minh… Đặc biệt là những vấn đề liên quan đến quy hoạch đô thị, cấp phép xây dựng, bồi thường - hỗ trợ tái định cư, thoát nước đô thị, rác thải - ô nhiễm môi trường; an ninh trật tự… Các ý kiến phản biện, góp ý của MTTQ Thành phố được các cơ quan soạn thảo đánh giá cao, trở thành cơ sở khoa học và thực tiễn để các cơ quan tiếp thu, nghiên cứu và ứng dụng trong các đề án phát triển kinh tế - xã hội phục vụ đời sống nhân dân thành phố.

Trong quá trình tham gia xây dựng chính quyền kiến tạo của nhân dân, dân chủ trực tiếp ngày càng được mở rộng, nhân dân thực hiện quyền làm chủ của mình thông qua các hình thức trực tiếp và thông qua các tổ chức đại diện của mình. Tại các địa phương, tổ chức và hoạt động của Ban Thanh tra Nhân dân; Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng ở xã, phường, thị trấn luôn được chú trọng, củng cố cả về tổ chức, nâng cao chất lượng hoạt động. 
Trong 5 năm qua, Ban Thanh tra Nhân dân xã, phường, thị trấn đã tổ chức được 2.102 cuộc giám sát; Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng đã tổ chức được 1.217 cuộc giám sát. Qua đó kiến nghị với chính quyền xử lý nhiều vi phạm, góp phần hạn chế những tiêu cực ở cơ sở liên quan đến công tác quản lý nhà nước liên quan đến các lĩnh vực: đất đai, giao thông, thu-chi các nguồn quỹ vận động trong dân, thực hiện chế độ, chính sách đối với các đối tượng được hưởng ưu đãi của Nhà nước…

Đồng hành với nhân dân trong tham gia góp ý xây dựng chính quyền và thực hiện đúng, đủ trách nhiệm của mình, MTTQ các cấp Thành phố đã tập hợp các kiến nghị của những tổ chức thành viên, cử tri và nhân dân Thành phố để phản ánh đến đại biểu Quốc hội, hội đồng nhân dân các cấp; theo dõi, đeo bám việc thực hiện các kiến nghị chính đáng, hợp pháp của cử tri; thông tin kịp thời, đầy đủ đến cử tri có ý kiến, phản ánh. Từ năm 2016 đến nay, Ủy ban MTTQ Thành phố đã kiến nghị 42 vấn đề tại các kỳ họp Hội đồng nhân dân Thành phố liên quan đến các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, những vấn đề người dân Thành phố quan tâm và bức xúc như: ô nhiễm môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, tội phạm và tệ nạn xã hội, chấn chỉnh trật tự đô thị và quản lý sử dụng lòng lề đường, việc cấp phép xây dựng và xóa các dự án “treo”...

Từ năm 2018 đến nay, Đảng đoàn MTTQ Thành phố đã tập trung chỉ đạo Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tổ chức khảo sát đánh giá sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp đối với sự phục vụ của đội ngũ cán bộ, công chức các cơ quan hành chính các cấp thành phố (đã thực hiện 33.740 mẫu phiếu khảo sát; mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính, đạt từ 80% đến 95,74%). Qua kết quả khảo sát hàng năm, Đảng đoàn Ủy ban MTTQ đã kiến nghị, đề xuất với Ban cán sự Đảng UBND Thành phố các giải pháp phù hợp, thiết thực trong cải cách chế độ công vụ, tinh thần trách nhiệm và tận tụy phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ công chức; nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền các cấp, nhất là nâng cao vai trò và trách nhiệm của người đứng đầu, góp phần cải thiện và nâng cao chất lượng chương trình cải cách hành chính. 

MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp cũng đã phối hợp tổ chức tốt các hội nghị đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân. Qua đó, góp phần tạo niềm tin của nhân dân với Đảng và chính quyền, tạo môi trường dân chủ trong đời sống chính trị - xã hội của địa phương.

Từ kết quả thực tiễn đã chứng minh: đổi mới phương thức hoạt động, lấy công tác giám sát, phản biện xã hội làm động lực phát huy dân chủ nhân dân, nâng cao chất lượng công tác vận động nhân dân của MTTQ Thành phố các cấp là tất yếu phù hợp với sự phát triển chung Thành phố, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân trên địa bàn. Công tác giám sát, phản biện xã hội của MTTQ chỉ có thể phát huy tốt nhất khi có sự phối hợp, thực hiện đồng bộ với các hoạt động giám sát của các cơ quan, tổ chức khác trong hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo sâu sát của cấp ủy, sự phối hợp chặt chẽ của chính quyền cùng cấp.

Trong thời gian tới, để phát huy tốt vai trò giám sát, phản biện xã hội Đảng đoàn MTTQ Thành phố xác định cần triển khai hiệu quả một số giải pháp.

Thứ nhất, nâng cao nhận thức của cấp ủy và MTTQ Thành phố các cấp về vai trò, vị trí của MTTQ trong giám sát, phản biện xã hội, nhất là giám sát người đứng đầu, cán bộ chủ chốt các cấp thực hiện quy định nêu gương. 
Các cấp ủy đảng và MTTQ Thành phố các cấp phải xác định rõ vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ giám sát, phản biện xã hội để MTTQ thực sự là một chủ thể, có tiếng nói độc lập, đại diện cho nhân dân trong giám sát việc xây dựng, thực thi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Hai là, tiếp tục phát huy hiệu quả sự phối hợp và thực hiện một cách đồng bộ với các hoạt động giám sát của các tổ chức chính trị - xã hội và các cơ quan, tổ chức khác trong hệ thống chính trị. Ban Thường trực Ủy ban MTTQ các cấp cần tổ chức tốt việc tiếp nhận và xử lý thông tin, thông qua báo cáo của MTTQ cấp dưới, của các tổ chức thành viên, thông tin từ các cơ quan giúp việc của cấp ủy, chính quyền, các cơ quan truyền thông đại chúng và đơn thư, ý kiến phản ánh trực tiếp của các tầng lớp nhân dân làm căn cứ để giám sát. Phát huy vai trò chủ trì của MTTQ các cấp trong xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch giám sát hàng năm. Lựa chọn đúng, chính đáng những nội dung mà nhân dân và xã hội quan tâm, bức xúc để giám sát.

Phát huy các hình thức vận động, tuyên truyền, tập hợp, đoàn kết nhân dân thông qua các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước để sâu sát, kịp thời nắm bắt và phản ánh ý kiến của nhân dân; phát hiện những vướng mắc, bất cập, sai sót trong tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật; lựa chọn thực hiện có hiệu quả 3 hình thức phản biện xã hội để đưa ra các ý kiến phản biện sắc sảo, sát thực, góp phần tăng đồng thuận xã hội, ổn định và phát triển.

Ba là, tiếp tục đổi mới về tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu quả giám sát, phản biện xã hội của hệ thống MTTQ Thành phố và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp. Có các biện pháp nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội về trình độ chuyên môn, năng lực nhìn nhận, phân tích, đánh giá vấn đề, kỹ năng lắng nghe, tổng hợp. Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Ban Thanh tra Nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng và Ban Công tác Mặt trận; nâng cao chất lượng hoạt động của chi đoàn, chi hội khu phố, ấp. 

Bốn là, ứng dụng khoa học - công nghệ, các tiện ích mạng xã hội trong công tác giám sát, phản biện xã hội; đồng thời, phối hợp với các cơ quan báo, đài Thành phố xây dựng chương trình phát sóng, đưa tin nhằm tạo kênh thông tin và tương tác nhiều chiều để các tầng lớp nhân dân thành phố có thêm thông tin, phản ánh, đặc biệt là tiếp nhận các góp ý, đề xuất, hiến kế… từ các chuyên gia, nhà nghiên cứu đối với công tác điều hành, quản lý của chính quyền các cấp thành phố.

Năm là, nghiên cứu xây dựng bộ tiêu chí đánh giá sự hợp tác của đối tượng được giám sát về việc cung cấp thông tin, tổ chức tiếp đoàn giám sát, việc báo cáo nội dung theo yêu cầu của chủ thể giám sát, việc tiếp thu ý kiến sau giám sát; từ kết quả đánh giá này, có kiến nghị với cấp ủy đảng, chính quyền trong việc đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ đối với cá nhân, tổ chức được giám sát khi không đảm bảo các tiêu chí đánh giá của quá trình và sau giám sát./.

 

Tô Thị Bích Châu                                                   

 Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh

______________________
(1) Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ X, nhiệm kỳ 2015 - 2020.

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất