Thứ Ba, 24/9/2024
Giáo dục
Thứ Ba, 8/5/2012 10:27'(GMT+7)

Phát huy vai trò Hội Cựu giáo chức Việt Nam

Đại hội đại biểu lần thứ II Hội Cựu giáo chức Việt Nam.

Đại hội đại biểu lần thứ II Hội Cựu giáo chức Việt Nam.

Hội Cựu giáo chức Việt Nam, tổ chức xã hội - nghề nghiệp của những người nguyên nhân là nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đã nghỉ hưu hoặc chuyển ngành, được thành lập từ tháng 7 năm 2004, thời điểm đang triển khai mạnh mẽ quan điểm xã hội hoá giáo dục. Chức năng chủ yếu của Hội là động viên các cựu giáo chức từ hồi phổ thông đến đại học tiếp tục đóng góp kinh nghiệm, hỗ trợ cho ngành phát triển, nâng cao chất lượng toàn diện; đồng thời đoàn kết chăm lo cuộc sống của cựu giáo chức tại cộng đồng. Từ đó đến nay, Hội phát triển tương đối nhanh và có những hoạt động phong phú trên các mặt. Tuy nhiên, Hội cũng đang đứng trước những vấn đề bất cập, vướng mắc ở mức độ nhất định, còn phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức sâu sắc hơn nữa trong hệ thống tổ chức của Hội cũng như đối với cơ quan chức năng quan lý hoạt động Hội cũng như đối với cơ quan chức năng quản lý hoạt động Hội và toàn xã hội. Trên bình diện rộng mở như vậy, rất cần sự quan tâm của ngành Tuyên giáo.

I. Nhà giáo Việt Nam và cựu giáo chức Việt Nam

Trong lịch sử văn hoá dân tộc, người thầy giáo và người thầy thuốc luôn luôn được các thế hệ người Việt Nam yêu mến và kính trọng. Thầy giáo được vinh danh như trí thức về văn hoá. Nhà giáo Việt Nam có truyền thống yêu nước, thương dân và gắn bó với người lao động, trước hết là các học trò và phụ huynh các em. Từ khi có Đảng, truyền thống ấy càng phát huy mạnh mẽ. Nhiều nhà giáo trở thành chiến sỹ cách mạng. Các nhà giáo gắn bó sâu sắc với nhân dân, vượt qua khó khăn gian khổ, xây dựng nền giáo dục mới, phát triển và đổi mới đến ngày nay.

Từ khi được nghỉ theo chế độ, thầy giáo trở thành “cựu giáo chức”. Ở nước ta, danh từ “giáo chức” xuất hiện trong cuộc đấu tranh của các nhà giáo và học sinh miền Nam chống chế độ nguỵ quyền Sài Gòn, phát triển mạnh mẽ ở các vùng đô thị. Trên phạm vi cả nước, những năm cuối của thế kỷ trước và bước sang những năm đầu thế kỷ và thiên niên kỷ này, Ban vận động thành lập hội của các nhà giáo nghỉ hưu, đã lấy cụm từ “Cựu giáo chức” đặt tên hội của mình: Hội Cựu giáo chức Việt Nam. Chữ Cựu làm cho ta nhớ đến Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Hội Cựu thanh niên xung phong… của nước mình.

Suy cảm như vậy để thấy rằng Nhà giáo Việt Nam và Cựu giáo chức Việt Nam là cùng một truyền thống phát triển trong dòng chảy của đất nước và dân tộc. Nghĩ về cựu giáo chức là nghĩ về cả nhà giáo đã qua cả quãng đời giáo dục và dạy học, toàn tâm và toàn đức cống hiến cho sự nghiệp trồng người của đất nước.

II. Ý nghĩa xã hội và nhân văn của sự ra đời, hoạt động Hội Cựu giáo chức Việt Nam

Nhận thức là một quá trình. Nhận thức của lãnh đạo và quản lý xã hội cũng là một quá trình. Các nhà giáo “Cựu giáo chức” tự nhận thức về vai trò của mình cũng là một quá trình tự nhiên như thế. Do vậy cuộc vận động thành lập hội của cộng đồng cựu giáo chức Việt Nam kéo dài tới 10 năm. Ngày 2 và 3 tháng 7 năm 2007, Đại hội lần thứ nhất - đại hội thành lập Hội cựu giáo chức Việt Nam đã diễn ra tại Hà Nội. Nhà giáo Đại tướng Võ Nguyên Giáp tới dự và được Đại hội suy tôn là Chủ tịch danh dự Hội Cựu giáo chức Việt Nam. Giáo sư viện sỹ Phạm Minh Hạc, nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục, nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó trưởng ban thứ nhất Ban Khoa giáo Trung ương được bầu làm Chủ tịch hội. Đó là dấu mốc sự kiện. Điều sâu xa là sự kiện này có ý nghĩa xã hội và nhân văn đáng quan tâm, xét từ góc độ tổ chức quản lý xã hội, xây dựng con người và nền văn hoá Việt Nam.

Thứ nhất: cộng đồng các giáo chức và cán bộ giáo dục về hưu chiếm tới hơn một nửa số cán bộ nhà nước đã về hưu, một số tỉnh có tỷ lệ trên 50%. Hội Cựu giáo chức Việt Nam đại diện cho khoảng một triệu cán bộ giáo viên về hưu, gần tương đương với con số các nhà giáo và cán bộ giáo dục đương chức của nhà nước ta hiện nay.

Thứ hai: Việc thành lập Hội đáp ứng một nguyện vọng sâu xa của các nhà giáo về hưu. Có thấu tấm lòng của các nhà giáo, suốt đời tiếp xúc với con người, gần gũi vun xới cho nhiều thế hệ, lúc về hưu mới thấy tính xã hội gần gũi biết bao, trước hết với những người đồng nghiệp của mình để trò chuyện về xã hội và cuộc sống. Nhà giáo vốn trọng tình cảm, về hưu lại càng như vậy.

Thứ ba: Hội Cựu giáo chức là người tổ chức động viên các nhà giáo tiếp tục tham gia đóng góp, hỗ trợ cho sự nghiệp giáo dục – đào tạo tại các địa phương và nhà trường từ phổ thông đến đại học. Hội là nhịp cầu kết nối nhu cầu và thông tin, là nơi tập hợp và có chương trình kế hoạch hợp lý để chọn công việc hội viên có thể tham gia. Hội và ngành sớm có kế hoạch 4 cùng để giúp nhau phát huy vai trò tốt hơn.

Thứ tư: Từ góc nhìn quản lý khoa học đối với xã hội và các quá trình xã hội, việc ra đời Hội Cựu giáo chức Việt Nam, đặt trong hệ thống các hội trong Mặt trận Tổ quốc, Hội cựu giáo chức có vai trò tích cực trong Hội Người cao tuổi, Hội khuyến học bằng trí tuệ và văn hoá gương mẫu của các cựu giáo chức.

III. Hội Cựu giáo chức với sự nghiệp giáo dục và đào tạo ở nước ta hiện nay

Trong nhiều năm qua, đội ngũ cựu giáo chức nước ta ngày một có thêm nhiều người, ở những mức độ khác nhau và những công việc cụ thể khác nhau, đã chủ động tiếp tục tham gia hoạt động hỗ trợ giáo dục ở các cấp học, nhất là khi có cơ chế đổi mới giáo dục, mở ra nhiều hình thức giáo dục-đào tạo và xã hội hoá giáo dục.

Từ khi thành lập Hội Cựu giáo chức Việt Nam, các hoạt động trên được động viên, tổ chức có kế hoạch từng bước, từng thời gian hoạt động. Lãnh đạo Trung ương Hội, lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo và lãnh đạo công đoàn giáo dục Việt Nam ban hành văn bản cam kết phối hợp chỉ đạo các Hội Cựu giáo chức địa phương, trường Đại học, Học viện thực hiện 4 cùng: cùng đánh giá thực tiễn và chất lượng giáo dục cùng bàn giải pháp đổi mới, cùng tổ chức một số hoạt động, cùng chăm lo đời sống đội ngũ nhà giáo đương chức và nghỉ hưu.

Qua hoạt động thực tiễn, Hội Cựu giáo chức từng bước thể hiện được vai trò tiếp tục đóng góp trong đóng góp cho sự nghiệp giáo dục của đất nước. Trong đó nổi rõ các hoạt động sau:

- Tham gia hoạt động khoa học, tổ chức hội thảo góp ý nhận xét, đánh giá chương trình và sách giáo khoa phổ thông, được đánh giá có chất lượng và được Bộ Giáo dục và Đào tạo hoan nghênh.

- Tham gia nhiều đợt vận động chống học sinh bỏ học ở mỗi địa phương, mỗi đợt cụ thể, có hiệu quả.

- Hội và ngành ở các cấp tháo gỡ khó khăn, xây dựng điển hình và đẩy mạnh phong traà thi đua, nêu gương nhà giáo, giáo dục truyền thống nhà giáo và ngành giáo dục Việt Nam.

- Hội và ngành ở các cấp thực hiện chính sách xã hội đối với cựu giáo chức, đề nghị Nhà nước thực hiện chế độ thâm niên, tổ chức các ngày kỷ niệm truyền thống nhà giáo và ngành giáo dục.

Đồng chí Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nhiều lần nhắc đến vai trò và ý kiến Hội Cựu giáo chức tại Quốc hội và một số hội nghị trong ngành. Lãnh đạo Bộ Giáo dục – Đào tạo thường năm đều có nhận xét, đánh giá cao vai trò Hội Cựu giáo chức.

IV. Hội cựu giáo chức trong hệ thống chính trị - xã hội của đất nước

Là một số tổ chức xã hội - nghề nghiệp, với số lượng đông và có uy tín xã hội ở các cộng đồng dân cư, với những hoạt động ngày một đa dạng và phù hợp, vai trò của Hội Cựu giáo chức ngày càng được thừa nhận ở mức cao hơn. Ở nhiều địa phương, nhất là ở cấp cơ sở, Hội cựu giáo chức khá nổi trội, được cấp uỷ và chính quyền địa phương hoan nghênh và coi như một chỗ dựa tin cậy trong quản lý xã hội, hoạt động xây dựng đời sống văn hoá ở cơ sở.

Nhiều cựu giáo chức tham gia công tác Đảng, nhiều đống chí là cấp uỷ viên, Bí thư chi bộ, tổ trưởng tổ Đảng. Ở không ít các đảg bộ xã, trưởng ban tuyên giáo là cựu giáo chức, như ở Bắc Giang, Đà Nẵng, Long An…

Hội cựu giáo chức là lực lượng chủ yếu và nòng cốt của Hội khuyến học. Hầu hết các cán bộ chủ chốt và thường vụ các hội khuyến học là cựu giáo chức hoặc chiếm tỷ lệ cao nhất. Bởi khuyến học là việc làm vốn đã gắn bó sâu đậm với các nhà giáo.

Hội cựu giáo chức có tính gương mẫu khá rõ trong Hội người cao tuổi và trong tổ chức Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, bởi tính trí tuệ và văn hoá mẫu mực của nhiều nhà giáo lão thành luôn luôn được cộng đồng nể trọng.

Đội ngũ cựu giáo chức Việt Nam tự thấy có trách nhiệm công dân cao đẹp, bằng kiến thức và nhân cách văn hoá và góp phần xây dựng xã hội nhân văn hơn. Họ cũng tự thấy như còn thiếu sót khi chưa làm trọn vẹn trọng trách xây dựng con người khi trong xã hội còn những tệ nạn, tiêu cực, vi phạm pháp luật, tham ô, tham nhũng đây đó vẫn diễn ra. Bởi những kẻ xấu đó trước đã là học trò của họ. Xây dựng con người có nhiều cách, song cách giáo dục bằng văn hoá, giáo dưỡng kiến thức sẽ có tác dụng sâu xa và bền vững nhất.

V. Những bất cập và vấn đề đặt ra hiện nay

1.Công tác tuyên truyền của Hội, trong Hội cũng như công tác tuyên truyền trên bình diện xã hội về Hội Cựu giáo chức Việt Nam còn yếu, chưa được chú ý, chưa đạt yêu cầu dù yêu cầu rất khiêm tốn. Hệ thống Ban Tuyên huấn từ Trung ương Hội đến các Hội địa phương và Hội trực thuộc chưa đẩy mạnh hoạt động này, chưa coi là hoạt động thường xuyên. Do đó, trong xã hội ít người biết tên “Hội Cựu giáo chức”. Nhiều cựu giáo chức vẫn quen xưng mình là nhà giáo về hưu hơn là tên mới. Nhiều hoạt động của hội chưa đuợc thông tin rộng rãi, trong đó có nhiều tấm gương hoạt động tốt cũng chưa được báo chí động viên kịp thời.

2.Công tác tổ chức xây dựng Hội còn dừng trên bình diện rộng, với 57/63 tỉnh thành và 40 trường đại học có tổ chức Hội, song chưa phát triển theo chiều sâu nên số hội viên ở địa bàn cơ sở chỉ chiếm khoảng 60% số cựu giáo chức.

3. Hội gặp nhiều khó khăn về tài chính trong các hoạt động Hội. Việc xét công nhận Hội Cựu giáo chức Việt Nam là một trong các hội đặc thù chưa được quan tâm kịp thời. Văn phòng Trung ương hội mới chỉ được Bộ Giáo dục và đào tạo giúp đỡ một phần kinh phí, nêu các hoạt động chỉ đạo với các địa phương cơ sở chưa có điều kiện mở rộng. Nhiều Hội cựu giáo chức địa phương còn gặp khó khăn tài chính trong triển khai hoạt động. Hệ thống Hội Cựu giáo chức Việt Nam đang rất cần sự quan tâm hơn nữa của các cấp uỷ Đảng và chính quyền như lời phát biểu của đồng chí Trương Tấn Sang tại Đại hội II của Hội (khoá 2009-2014) và bản thân tổ chức Hội đang quyết tâm phấn đấu phát huy nhiều hoạt động tích cực cho Hội, cho ngành giáo dục – đào tạo góp phần xây dựng xã hội dân chủ, công bằng văn minh tốt đẹp trên đất nước ta.

TS. Đỗ Khánh Tặng
Phó Tổng Thư ký Trung ương Hội Cựu giáo chức Việt Nam

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất