Thứ Năm, 28/11/2024
Nghiên cứu trao đổi
Chủ Nhật, 3/6/2012 9:42'(GMT+7)

Phát huy vai trò và sức sáng tạo của nhân dân trong xây dựng, phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc

Một cảnh trong vở “Mộng Bá Vương” do Nhà hát tuồng Đào Tấn biểu diễn. Ảnh: Đào Tiến Đạt (Ảnh minh họa)

Một cảnh trong vở “Mộng Bá Vương” do Nhà hát tuồng Đào Tấn biểu diễn. Ảnh: Đào Tiến Đạt (Ảnh minh họa)

1. Văn hóa – nền tảng tinh thần của xã hội, sức mạnh nội sinh của phát triển

Thấm nhuần sâu sắc tư tưởng văn hóa soi đường cho quốc dân đi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn luôn quan tâm xây dựng, phát triển nền văn hóa dân tộc, xem đó là một trong ba trụ cột của đường lối phát triển đất nước: phát triển kinh tế là trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt, phát triển văn hóa – nền tảng tinh thần của xã hội.

Trên cơ sở vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kế thừa và phát triển những quan điểm, đường lối của Đảng về văn hóa trong suốt 80 năm lãnh đạo cách mạng, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng Cộng sản Việt Nam đã tiếp tục hoàn thiện đường lối phát triển văn hóa. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) nêu rõ: Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, phát triển toàn diện, thống nhất trong đa dạng, thấm nhuần sâu sắc tinh thần nhân văn, dân chủ, tiến bộ; làm cho văn hóa gắn kết chặt chẽ và thấm sâu vào toàn bộ đời sống xã hội, trở thành nền tảng tinh thần vững chắc, sức mạnh nội sinh quan trọng của phát triển(1). Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2011-2020, trong phần trình bày các quan điểm phát triển đất nước, đã nhấn mạnh: tăng trưởng kinh tế phải kết hợp hài hòa với phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, không ngừng nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân(2).

Nâng cao vai trò, năng lực lãnh đạo của Đảng trong sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hội nhập quốc tế đòi hỏi Đảng phải chú trọng hơn nữa tới lãnh đạo phát triển văn hóa; phát huy tốt hơn nữa vai trò và sức sáng tạo của nhân dân trong xây dựng, phát triển văn hóa, bồi đắp vững chắc nền tảng tinh thần gắn kết Đảng với nhân dân, nhân dân với Đảng, tạo thành sức mạnh nội sinh để phát triển đất nước nhanh, bền vững.

2. Nhân dân – chủ thể sáng tạo, thụ hưởng văn hóa

Chủ tịch Hồ Chí Minh – Anh hùng giải phóng dân tộc, Nhà văn hóa kiệt xuất, Lãnh tụ thiên tài của Đảng và toàn thể dân tộc Việt Nam, chính là người thấu hiểu sâu sắc vai trò đặc biệt quan trọng, sức sáng tạo văn hóa vô cùng vĩ đại của quần chúng nhân dân. Trong tư duy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Trong bầu trời không có gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không có gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân”(3). Vận dụng và phát triển luận điểm quần chúng là người sáng tạo nên lịch sử của chủ nghĩa Mác-Lênin vào lĩnh vực văn hóa, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: quần chúng không phải chỉ sáng tạo ra của cải vật chất cho xã hội, quần chúng còn là người sáng tác nữa. Những sáng tác ấy là những hòn ngọc quý(4). Người căn dặn các văn nghệ sĩ: “Chỉ có nhân dân mới nuôi dưỡng cho sáng tác của nhà văn bằng nguồn nhựa sống, còn nếu các nhà văn quên điều đó, nhân dân cũng sẽ quên anh ta”(5). Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường xuyên nhắc nhở, lãnh đạo Đảng, Nhà nước phát huy vai trò chủ thể, sức sáng tạo văn hóa của nhân dân, bảo đảm quyền hưởng thụ các giá trị văn hóa của nhân dân.

Nhận thức sâu sắc bài học có ý nghĩa sống còn sự nghiệp cách mạng là của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân (6), trong quá trình lãnh đạo xây dựng phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn đề cao, tôn trọng, phát huy vai trò, sức sáng tạo của nhân dân. Đảng xác định: mọi người Việt Nam phấn đấu vì dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh đều tham gia sự nghiệp xây dựng, phát triển nền văn hóa nước nhà; công nhân, nông dân, trí thức là nền tảng khối đại đoàn kết toàn dân cũng là nền tảng của sự nghiệp xây dựng, phát triển văn hóa dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước; đội ngũ trí thức gắn bó với nhân dân giữ vai trò quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa(7). Đại hội XI của Đảng nhấn mạnh quan điểm chỉ đạo nhất quán: mở rộng dân chủ, phát huy tối đa nhân tố con người; coi con người là chủ thể, nguồn lực chủ yếu và là mục tiêu của sự phát triển(8).

Nói một cách khái quát, chủ trương của Đảng về phát huy vai trò, sức sáng tạo văn hóa của nhân dân được thể hiện nổi bật trong những luận điểm sau đây:

Thứ nhất, nhân dân Việt Nam với tinh thần yêu nước nồng nàn và những phẩm chất cao đẹp, thông qua những hoạt động thực tiễn vô cùng phong phú, chính là chủ thể chân chính sáng tạo nên những giá trị văn hóa và đời sống tinh thần của dân tộc.

Thứ hai, hiện thực lao động, tranh đấu bền bỉ dựng nước, giữ nước của nhân dân là nguồn cảm hứng vô tận, là mảnh đất màu mỡ đối với sáng tạo văn hóa, văn học, nghệ thuật. Gắn bó máu thịt với đời sống thực tiễn đất nước, sáng tạo những tác phẩm có giá trị tư tưởng, nghệ thuật cao, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, góp phần xây dựng con người Việt Nam là sứ mệnh cao cả của các nhà văn hóa, của văn nghệ sĩ.

Thứ ba, văn hóa quần chúng là một bộ phận quan trọng của nền văn hóa dân tộc; hoạt động văn hóa của nhân dân góp phần nuôi dưỡng, gìn giữ những tinh hoa văn hóa truyền thống, sáng tạo những giá trị văn hóa mới, phát hiện, bồi dưỡng những tài năng văn hóa cho đất nước.

Thứ tư, nhân dân là chủ thể thụ hưởng, tiếp nhận và thực hành văn hóa, làm cho giá trị văn hóa thấm sâu vào mọi mặt, mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, mọi quan hệ của con người, cộng đồng, nhân lên sức mạnh của văn hóa, làm cho văn hóa phát triển bền vững, thật sự là động lực, là nguồn lực nội sinh thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Thứ năm, xây dựng, phát triển văn hóa là sự nghiệp của Đảng, của hệ thống chính trị, của nhân dân. Đảng, Nhà nước chăm lo, bảo đảm mọi điều kiện phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong sáng tạo, hưởng thụ văn hóa. Nhân dân tích cực tham gia sáng tạo, quản lý, truyền bá, thực hiện văn hóa; có nghĩa vụ đóng góp xây dựng, phát triển, bảo vệ văn hóa.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, hiện nay nhân dân Việt Nam đang phát huy vai trò làm chủ và sức sáng tạo của mình trong xây dựng, phát triển nền văn hóa xã hội chủ nghĩa, tạo nên sinh khí của một đất nước đang tiến nhanh trên con đường đổi mới.

3. Sức sáng tạo văn hóa vĩ đại của nhân dân

Vai trò và sức sáng tạo văn hóa của nhân dân trước hết được thể hiện sinh động trong các hoạt động xây dựng môi trường văn hóa, đời sống văn hóa lành mạnh, phong phú... Trong nhiều năm, đặc biệt là những năm gần đây, theo sáng kiến của Mặt trận Tổ quốc, phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa phát triển mạnh mẽ, ngày càng đi vào chiều sâu, thu hút đông đảo nhân dân tham gia với nhiều nội dung, hình thức, phương thức đa dạng, sinh động, phù hợp với cá nhân, gia đình, cộng đồng. Từ phong trào người tốt, việc tốt; xây dựng gia đình văn hóa, đến xây dựng làng văn hóa, tổ dân phố văn hóa, cơ quan văn hóa, doanh nghiệp văn hóa... tuyệt đại đa số nhân dân đã tự nguyện, tự giác, thường xuyên tham gia xây dựng, tự quản, gìn giữ môi trường văn hóa lành mạnh (9).

Hiện nay, phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa được tiếp thêm sinh lực từ việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, chương trình xây dựng nông thôn mới và cuộc vận động thực hiện nếp sống văn minh trong cưới, tang, lễ hội... Những giá trị văn hóa, thông qua phong trào sâu rộng của quần chúng nhân dân, từng bước thẩm thấu vào muôn mặt của đời sống, biểu hiện thành lối sống, nếp sống, quan hệ ứng xử hàng ngày của mỗi con người, của từng cộng đồng, góp phần vào sự ổn định và tiến bộ xã hội.

Vai trò, sức sáng tạo văn hóa tiềm tàng của nhân dân được phát lộ và tỏa sáng trong các hoạt động sáng tác, biểu diễn, truyền bá văn hóa, văn học, nghệ thuật. Hằng năm, trên phạm vi toàn quốc, từng địa phương, cơ sở, các cấp ủy đảng, chính quyền, các cơ quan văn hóa đã tạo môi trường, sân chơi để nhân dân thể hiện tài năng, khát vọng sáng tạo thông qua nhiều hoạt động có sức hấp dẫn, lan tỏa: liên hoan dân ca; hội diễn nghệ thuật quần chúng; ngày hội văn hóa, thể thao, du lịch các dân tộc... Văn hóa, văn nghệ quần chúng luôn bắt nguồn và phản ánh sinh động, chân thực đời sống lao động sản xuất, sinh hoạt của nhân dân, do nhân dân sáng tác, trình diễn để thỏa mãn nhu cầu sáng tạo, giải trí. Các thể loại văn nghệ được nhân dân ưa chuộng thường là các ca khúc, kịch ngắn, hoạt cảnh dân ca, nhạc cụ dân tộc, tấu vui... có nội dung vừa dung dị, hồn nhiên, tươi mới, vừa dí dỏm, khỏe khoắn, sâu lắng. Văn hóa, văn nghệ quần chúng biểu đạt những suy ngẫm, tình cảm, nguyện vọng và sự đánh giá của nhân dân đối với một số vấn đề, hiện tượng xã hội, con người... có ý nghĩa giáo dục, cảnh tỉnh sâu sắc. Văn hóa, văn nghệ quần chúng tạo một không gian ấm áp lưu giữ, truyền bá, tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống. Đây cũng là vườn ươm những tài năng bổ sung cho lực lượng văn hóa, văn nghệ chuyên nghiệp.

Loại hình sinh hoạt văn hóa cộng đồng có sức thu hút mãnh liệt hiện nay là lễ hội. Hằng năm, trên phạm vi cả nước diễn ra hàng nghìn lễ hội truyền thống và hiện đại gắn với sự tưởng niệm, tôn thờ các bậc minh quân, tiên liệt, các anh hùng, nghĩa sĩ, các danh nhân văn hóa, các tổ nghề, thành hoàng... đã có công dựng nước, giữ nước; gắn với các sự kiện lịch sử trọng đại, những ngày kỷ niệm lớn của đất nước, các hoạt động sản xuất, kinh doanh... Nhân dân tự nguyện, thành tâm đến với lễ hội và gửi vào đó niềm tri ân với tổ tiên, các thế hệ tiền bối, những người có công với nước... cùng khát vọng hướng thiện, ước mơ hòa bình, hạnh phúc, thịnh vượng. Lễ hội mở vòng tay lớn thắt chặt quan hệ cộng đồng và thắp sáng triết lý nhân sinh, thức tỉnh, giáo dưỡng đạo lý làm người...

Nhân dân có vai trò quan trọng và thể hiện sức sáng tạo dồi dào trong việc bảo tồn, tôn tạo, nuôi dưỡng và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Đảng Cộng sản Việt Nam xác định: “Di sản văn hóa là tài sản vô giá, gắn kết cộng đồng dân tộc, là cốt lõi của bản sắc dân tộc, cơ sở để sáng tạo những giá trị mới và giao lưu văn hóa. Hết sức coi trọng bảo tồn, kế thừa, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, văn hóa vật thể và văn hóa phi vật thể” (10); Nhà nước cùng nhân dân giữ gìn và tôn tạo những di tích lịch sử văn hóa. Hoàn thành việc sưu tầm vốn văn hóa, văn nghệ các dân tộc (11).

Thực hiện đường lối của Đảng, Nhà nước đã ban hành Luật Di sản văn hóa và đầu tư, hỗ trợ, tạo điều kiện để nhân dân tham gia bảo tồn, tôn tạo, nuôi dưỡng, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, cách mạng. Nhân dân cả nước với tấm lòng trân trọng các di sản văn hóa của Tổ tiên, của các thế hệ đi trước, đã tự nguyện đóng góp sức người, sức của duy tu, bảo dưỡng hàng vạn các di tích lịch sử văn hóa (đền, chùa, lăng miếu, các công trình kiến trúc cổ, các làng nghề truyền thống, danh lam thắng cảnh...) làm giàu có tài nguyên văn hóa của đất nước. Nhân dân, đặc biệt là các nghệ nhân lão thành, các bậc cao niên, còn lưu giữ những di sản văn hóa phi vật thể quý giá: các thư tịch cổ (gia phả, thần phả, ngọc phả...); các bí quyết nghề truyền thống (gốm sứ, đúc đồng, tạc tượng, sơn mài, khảm trai...); văn hóa, văn nghệ dân gian (huyền thoại, cổ tích, ngụ ngôn, truyện cười, trường ca cổ, dân ca, nhã nhạc...).

Để giữ gìn, truyền bá lâu dài giá trị văn hóa truyền thống, nhân dân đã cung cấp cho các cơ quan văn hóa, các nhà văn hóa những tài liệu, tư liệu quý hiếm để xây dựng ngân hàng dữ liệu và các công trình quốc gia (các tổng tập về văn hóa, văn nghệ dân gian, văn hóa, văn nghệ các dân tộc; các công trình sưu tầm, nghiên cứu văn hóa, văn nghệ truyền thống...). Đồng thời, nhân dân trực tiếp thực hiện sứ mệnh này thông qua nhiều hoạt động sáng tạo, thấm đậm tính nhân văn: thành lập các câu lạc bộ văn hóa, nghệ thuật quần chúng, các hội nghề cổ truyền... để phục dựng, biểu diễn, làm sống lại và tươi mới các loại hình, tác phẩm văn hóa, văn nghệ truyền thống ngay tại mảnh đất đã sinh thành, nuôi dưỡng các loại hình, tác phẩm đó. Các câu lạc bộ văn hóa, nghệ thuật quần chúng, các hội nghề truyền thống chính là môi trường giáo dục, truyền bá, nơi các nghệ nhân lão thành dạy nghề, truyền nghề và thắp lên trong tâm hồn thế hệ con cháu tình yêu, lòng tự hào, niềm ham mê đối với các giá trị văn hóa ngàn đời của dân tộc.

Chính nhờ ý thức trách nhiệm, tâm huyết và sự tham gia tích cực của nhân dân, nhiều di sản văn hóa truyền thống đã được hồi sinh, vượt qua sự phá hủy khắc nghiệt của thời gian, tiếp tục tỏa sáng, trở thành di sản văn hóa thế giới, di sản văn hóa quốc gia, có sức thu hút và cảm hóa sâu sắc đối với du khách trong nước và quốc tế, góp phần quan trọng bồi đắp nền tảng văn hóa, văn hiến Việt Nam.

4. Thuận lợi và những khó khăn, thách thức phải vượt qua

Sự nghiệp xây dựng, phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc nói chung, việc phát huy vai trò, sức sáng tạo văn hóa của nhân dân nói riêng là một quá trình lâu dài, gian khổ, vừa có những thuận lợi cơ bản, vừa không ít khó khăn, thách thức.

Thuận lợi cơ bản chính là bề dày, sự giàu có của bản thân nền văn hóa dân tộc được đắp bồi qua mấy ngàn năm lịch sử; là truyền thống nhân văn, yêu văn hóa, trọng văn hóa và tài hoa sáng tạo của nhân dân; là đường lối cách mạng, đường lối phát triển văn hóa đúng đắn của Đảng, sự quản lý văn hóa có hiệu quả của Nhà nước; là mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với nhân dân, nhân dân với Đảng được hình thành, củng cố qua hơn 80 năm cách mạng đầy vinh quang, sóng gió; là quá trình giao lưu, hội nhập văn hóa quốc tế ngày càng rộng mở... Đó là những nhân tố tạo thành sức mạnh to lớn của toàn Đảng, toàn dân trên tiến trình xây dựng văn hóa hôm nay và mai sau.

Trước mắt, việc phát huy vai trò, sức sáng tạo văn hóa của nhân dân còn gặp nhiều khó khăn, trở ngại. Nguồn lực vật chất có hạn của một nền kinh tế có xuất phát điểm thấp, bị tàn phá nặng nề qua mấy chục năm chiến tranh khốc liệt, đang trong quá trình chuyển đổi, phát triển chưa cho phép Đảng, Nhà nước có thể tập trung đầu tư phát triển nhanh, toàn diện hạ tầng văn hóa-xã hội và đáp ứng đầy đủ nhu cầu hưởng thụ văn hóa ngày càng cao, càng đa dạng của nhân dân. Hiện tại, vẫn còn sự chênh lệch về điều kiện và mức hưởng thụ văn hóa giữa các vùng miền; nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, đời sống vật chất, tinh thần của một bộ phận nhân dân còn nhiều khó khăn. Quá trình xây dựng môi trường văn hóa, đời sống văn hóa, sáng tạo văn hóa đang bị tác động của nhiều nhân tố tiêu cực. Các tàn dư lạc hậu, hủ bại của chế độ thực dân, phong kiến chưa bị quét sạch có chiều hướng trỗi dậy. Mặt trái kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế kích thích tâm lý, lối sống thực dụng, vị kỷ, hưởng thụ, hưởng lạc, tôn sùng giá trị vật chất, xem nhẹ các giá trị tinh thần; vọng ngoại, sùng ngoại, học ngoại, xem thường các giá trị văn hóa dân tộc... trong một bộ phận nhân dân. Qua nhiều ngả đường, nhất là qua mạng internet, các trào lưu, xu hướng, trường phái, thị hiếu văn hóa, văn học nghệ thuật xa lạ, phản tiến bộ, các sản phẩm phi văn hóa độc hại; các luận điệu xuyên tạc thâm độc sặc mùi tâm lý chiến của các thế lực thù địch chủ nghĩa xã hội... đang thâm nhập, len lỏi vào đời sống hàng ngày, làm ô nhiễm môi trường văn hóa, kích thích các tệ nạn, tiêu cực xã hội. Hạn chế về tri thức và năng lực quản lý văn hóa; sự thoái hóa, biến chất về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên các ngành, các cấp... gây ảnh hưởng xấu đến nhận thức về hệ giá trị, chuẩn giá trị văn hóa, đến niềm tin và cảm hứng sáng tạo văn hóa của nhân dân.

Để làm tốt công tác quần chúng, phát huy mạnh mẽ vai trò, sức sáng tạo văn hóa của nhân dân, Đảng, Nhà nước đã và đang triển khai các giải pháp tích cực nhằm khai thác các nhân tố thuận lợi, hạn chế, tiến tới xóa bỏ sự tác động của các nhân tố tiêu cực.

5. Trọng trách của Đảng

Văn hóa là sản phẩm sáng tạo của nhân dân, đến lượt mình, văn hóa lại trở thành môi trường nuôi dưỡng đời sống tinh thần, thành bệ đỡ nâng cao tầm vóc nhân dân. Nhằm phát huy những phẩm chất tốt đẹp, tăng sức đề kháng của nhân dân trước sự tác động của các nhân tố tiêu cực, Đảng đặc biệt coi trọng đổi mới, nâng cao chất lượng công tác tư tưởng, tuyên truyền, giáo dục về văn hóa. Trọng tâm hướng vào tuyên truyền các giá trị văn hóa, nhân văn kết tinh trong học thuyết Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, trong đường lối, chủ trương của Đảng; các giá trị tinh hoa của văn hóa dân tộc, nhân loại; định hướng hệ giá trị, chuẩn giá trị và thị hiếu thẩm mỹ của người Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế; vai trò, trách nhiệm của nhân dân trong xây dựng, phát triển văn hóa, giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, ngôn ngữ, chữ viết các dân tộc thiểu số... Công tác tư tưởng, tuyên truyền, giáo dục văn hóa được triển khai thường xuyên, trên tất cả các phương tiện thông tin đại chúng, trong nhà trường, trong cộng đồng với những nội dung, hình thức, phương thức phù hợp với từng địa bàn, từng đối tượng; gắn với biểu dương những nhân tố mới, những điển hình tiên tiến, đấu tranh, phê phán những luận điệu thù địch, những xu hướng, khuynh hướng, sản phẩm phi văn hóa, những tiêu cực, tệ nạn xã hội; uốn nắn những nhận thức, hành vi lệch chuẩn... Theo di huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, công tác tư tưởng, tuyên truyền, giáo dục văn hóa của Đảng đang phấn đấu làm cho nhân dân, ai cũng có lý tưởng tự chủ, độc lập, tự do; làm cho quốc dân có tinh thần vì nước quên mình, vì lợi ích chung mà quên lợi ích riêng; làm cho mọi người từ già đến trẻ, cả đàn ông và đàn bà ai cũng hiểu nhiệm vụ của mình và biết hưởng hạnh phúc của mình nên được hưởng (12).

Đảng quan tâm lãnh đạo Nhà nước xây dựng, từng bước hoàn thiện thể chế, thiết chế, hạ tầng văn hóa-xã hội, tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân phát huy vai trò, sức sáng tạo văn hóa. Nhà nước đã ban hành Pháp lệnh về dân chủ cơ sở làm căn cứ pháp lý để phát huy quyền làm chủ, tự quản của nhân dân trong xây dựng đời sống văn hóa; ban hành các cơ chế, chính sách bảo đảm quyền hưởng thụ, sáng tạo văn hóa của nhân dân, biểu dương, tôn vinh các nghệ nhân, các gia đình, cộng đồng văn hóa... Xác định phát triển cơ sở hạ tầng là một trong ba khâu đột phá chiến lược trong mười năm tới, Đảng, Nhà nước ưu tiên dành nguồn tài chính quốc gia kết hợp với các nguồn lực huy động từ xã hội và cộng đồng doanh nghiệp để đẩy nhanh tiến trình xây dựng hạ tầng văn hóa-xã hội, trọng tâm là một số đô thị lớn và nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa. Đồng thời với việc tiếp tục phát triển hệ thống cầu đường, trường học, trạm xá, bệnh viên, Nhà nước chú trọng đầu tư xây dựng các công trình văn hóa, thiết chế văn hóa cơ sở: làng văn hóa các dân tộc, trung tâm văn hóa, trung tâm biểu diễn nghệ thuật, nhà văn hóa, bảo tàng, thư viện, nhà lưu niệm, sân vận động, nhà thi đấu, sân bãi thể thao, trạm bưu điện văn hóa xã... Đáp ứng nhu cầu tiếp nhận thông tin, thưởng thức văn hóa, văn nghệ của nhân dân, hỗ trợ hoạt động văn hóa quần chúng, chính quyền các cấp đầu tư phát triển hệ thống truyền thanh; thành lập các đội chiếu bóng, các đội văn nghệ lưu động; tổ chức trưng bày, triển lãm nghệ thuật ở các địa phương, các vùng miền...

Là Đảng cầm quyền, có sứ mệnh lãnh đạo xã hội, lãnh đạo Nhà nước, Đảng Cộng sản Việt Nam ý thức sâu sắc trọng trách trước nhân dân, đất nước. Trong quá trình lãnh đạo xây dựng, phát triển văn hóa, Đảng luôn đặt lên hàng đầu nhiệm vụ nâng cao tầm trí tuệ, bản lĩnh chính trị và phẩm chất đạo đức, phấn đấu đổi mới, chỉnh đốn Đảng để Đảng thật sự trong sạch, vững mạnh, là Đảng đạo đức, văn minh theo tư tưởng Hồ Chí Minh. Đảng quan tâm bồi dưỡng, nâng cao tri thức, kinh nghiệm quản lý văn hóa cho đội ngũ cán bộ chủ chốt các cấp, đặc biệt là đội ngũ cán bộ văn hóa cơ sở. Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa X đã ban hành quy định những tiêu chuẩn, phẩm chất cần có của cán bộ quản lý văn hóa các cấp. Đảng chủ trương tiến hành sâu rộng trong toàn Đảng, toàn xã hội Cuộc vận động Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh – cuộc vận động xây dựng đạo đức có quy mô lớn nhất, được tổ chức bài bản, chặt chẽ; từng bước đưa việc học tập, làm theo đạo đức Hồ Chí Minh trở thành hoạt động tự giác, thường xuyên của cán bộ, đảng viên. Một trong những mục tiêu chủ yếu của chủ trương quan trọng này là nâng cao chất lượng văn hóa trong Đảng, văn hóa lãnh đạo, văn hóa quản lý; rèn luyện phẩm chất đạo đức của cán bộ, đảng viên, nhất là của đội ngũ cán bộ chủ chốt và người đứng đầu các cấp, các ngành; đấu tranh loại bỏ các tệ nạn tham nhũng, quan liêu, lãng phí; phát huy vai trò tiên phong, nêu gương sáng về văn hóa của cán bộ, đảng viên trước nhân dân. Thực hiện tốt chủ trương này sẽ củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng; động viên, cổ vũ nhân dân hăng hái, chủ động, tự nguyện tham gia sáng tạo, quản lý, phát triển văn hóa.

Kinh tế thị trường phát triển theo chiều sâu, hội nhập quốc tế ngày càng trực tiếp, sâu rộng, trong đời sống xã hội tất yếu nảy sinh những động thái phức tạp, thậm chí mâu thuẫn và xung đột về lợi ích. Văn hóa, với đặc trưng tinh tế, linh diệu, có khả năng thẩm thấu, cảm hóa lòng người; điều tiết, hóa giải những căng thẳng trong quan hệ xã hội; gắn kết cộng đồng. Và do vậy, phát huy vai trò, sức sáng tạo của nhân dân trong xây dựng, phát triển văn hóa chính là giải pháp cơ bản, hữu hiệu, góp phần quan trọng giữ vững ổn định chính trị-xã hội, tạo động lực to lớn để phát triển đất nước./.

-----------------

(1), (2), (6), (8) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. CTQG, H, 2011, tr.75-76, 98-99, 65, 100.

(3), (4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. CTQG, H, 2009, t.8, tr.276.

(5) Hồ Chí Minh: Văn học nghệ thuật cũng là một mặt trận, Nxb. Văn học, H, 1989, tr.516.

(7), (10) ĐCSVN: Nghị quyết số 03/NQ-TW về Xây dựng, phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, ngày 16-7-1998.

(9) Đến năm 2010, đã có 1,2 triệu người tốt việc tốt được suy tôn ở các ngành, các cấp; hơn 12 triệu gia đình được công nhận danh hiệu Gia đình văn hóa.

(11) ĐCSVN: Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb. CTQG, H, 2006, t.47, tr. 427.

(12) Hồ Chí Minh: Phát biểu khai mạc Hội nghị văn hóa toàn quốc, ngày 24-11-1946.

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất