Thứ Năm, 28/11/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Bảy, 2/6/2012 15:17'(GMT+7)

Vi phạm quy chế biểu diễn nghệ thuật: Biết sai vẫn cứ làm

Diễn xuất và trang phục phản cảm của ca sỹ trên sân khấu cần phải bị xử phạt nặng.

Diễn xuất và trang phục phản cảm của ca sỹ trên sân khấu cần phải bị xử phạt nặng.

Hoạt động tổ chức biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang trong thời gian qua xuất hiện nhiều biểu hiện tiêu cực, sai phạm trên quy mô cũng như nội dung, cách thức thể hiện.

Nhiều đơn vị, cá nhân tổ chức hoạt động biểu diễn nghệ thuật khi không có giấy phép, hoặc có giấy phép biểu diễn nhưng không đúng nội dung, tùy tiện ký hợp đồng biểu diễn, bán vé thu tiền nhưng không thực hiện đúng hợp đồng, bán vé quá số ghế quy định, tự ý tăng giá vé…

Để PR cho thương hiệu, thương mại hóa chương trình biểu diễn, nhiều đơn vị, cá nhân sẵn sàng quảng cáo sai sự thật, không đúng nội dung, thời gian chương trình biểu diễn; mạo danh, sử dụng không đúng tên, nghệ danh của ca sĩ, diễn viên đã được cơ quan có thẩm quyền cấp phép.

Đã thế, việc các ca sỹ, diễn viên sử dụng thiết bị thu âm trước để thể hiện thay cho biểu diễn thật (hát nhép, nhạc nhái); sử dụng những bài hát chưa được phép phổ biến; người biểu diễn tự ý thêm bớt lời ca và động tác diễn xuất, sử dụng động tác biểu diễn, trang phục phản cảm, không phù hợp với thuần phong mỹ tục của dân tộc... gây nhiều  bất bình trong dư luận.

Bên cạnh đó, lại có hàng loạt những chương trình nghệ thuật vi phạm trắng trợn quy định về bản quyền như chương trình “Đồ rê mí” dỏm do Công ty TNHH Tổ chức biểu diễn nghệ thuật Ba Miền thực hiện; Chương trình “Con sóng yêu thương” do Công ty Sao Đêm tổ chức… những điều này đã gióng lên hồi chuông báo động trong công tác quản lý, hoạt động tổ chức biểu diễn nghệ thuật, biểu diễn thời trang.

Quản lý lỏng lẻo, truyền thông bóp méo

Trong số hơn 100 đơn vị làm công tác nghệ thuật của cả nước, với gần 1.000 diễn viên, ca sĩ, người mẫu chuyên nghiệp phần lớn đã làm tốt công tác chuyên môn, tạo ấn tượng đẹp trong lòng công chúng, người hâm mộ. Tuy nhiên, ở đâu đó vẫn còn có một số ca sĩ, người mẫu, các công ty tổ chức biểu diễn ngang nhiên, cố tình sai phạm. Điều đặc biệt là những nhân tố này đã vô tình hoặc cố ý tạo nên hình ảnh gây hiệu ứng, phản ứng trong đời sống xã hội, tạo nên xu hướng xấu, tác động không nhỏ đến lối sống, hành vi của giới trẻ.

Thừa nhận sai sót trong công tác quản lý, nhưng ông Phạm Quang Long - Giám đốc Sở VH,TT&DL thành phố Hà Nội lại chỉ ra rằng, sai phạm trong hoạt động biểu diễn nghệ thuật, thời trang trên địa bàn Thủ đô trong thời gian qua có lỗi trực tiếp từ giới bầu sô, những người chịu trách nhiệm trực tiếp quản lý, điều hành hoạt động biểu diễn của các ca sỹ, diễn viên, người mẫu. Việc cam kết không vi phạm quy chế biểu diễn đã không được người đứng đầu các đơn vị tổ chức nghệ thuật chấp hành nghiêm chỉnh.

Ông Trần Bình - Giám đốc Nhà hát ca múa nhạc nhẹ Trung ương quy trách nhiệm cho các đơn vị tổ chức biểu diễn với lý do: Khi đã có danh xưng là đơn vị nghệ thuật vậy mà từ trước tới nay vẫn ít hoặc không có đơn vị nào bị quy trách nhiệm trong vi phạm biểu diễn. Những đơn vị này sẵn sàng đổ lỗi cho ca sỹ này, nghệ sỹ kia, vậy thì trách nhiệm quản lý của họ để làm gì, và từ việc thiếu trách nhiệm như vậy đã dẫn tới hàng loạt các vi phạm trong hoạt động biểu diễn như thời gian vừa qua.

Giáo dục ý thức cá nhân, văn hóa biểu diễn đối với thế hệ các ca sỹ trẻ cũng là yếu tố cần được coi trọng. Tuy nhiên, việc làm này hiện nay đang bị bỏ ngỏ. “Cục Nghệ thuật biểu diễn là cơ quan thẩm định, cấp phép cho các hoạt động biểu diễn đã không sâu sát trong công tác quản lý. Lỗ hổng ở chỗ, những năm qua chúng ta đã để mất đi quyền được giáo dục đối với thế hệ trẻ. Các ca sỹ, diễn viên trẻ tuổi khi mới được công chúng để ý là lập tức tự phong mình là “ông hoàng”, “ngôi sao”. Sự nguy hiểm ở chỗ những ca sỹ này đều hoạt động tự do, thiếu sự quản lý, giám sát. Các ca sỹ thiếu sự định hướng của cơ quan chuyên môn dẫn đến sự phát triển tự phát” – NSND Thanh Hoa chia sẻ.

Là cơ quan chủ quản, Bộ VH,TT&DL chỉ rõ sai sót trong việc ban hành quy chế, thủ tục hành chính, văn bản. Ông Hồ Anh Tuấn - Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL cho biết, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về quản lý hoạt động biểu diễn còn thiếu đồng bộ, công tác kiểm duyệt chương trình còn lỏng lẻo, công tác thanh kiểm tra còn bỏ sót do năng lực còn hạn chế đã dẫn đến những sai phạm trong thời gian vừa qua.

Thứ trưởng Hồ Anh Tuấn cũng nêu ra yếu tố kinh tế, lợi nhuận đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động biểu diễn nghệ thuật. Các đơn vị tổ chức biểu diễn đặt lợi nhuận lên trên hết, bỏ qua quy chế, quy định của cơ quan quản lý, cố tình lách luật hòng đạt doanh thu cao.

Song song với đó, Thứ trưởng Tuấn e ngại khi cho rằng, việc giới truyền thông với những tờ báo “lá cải” đã góp phần thổi phồng nhiều hiện tượng không đáng, tiếp tay sự nổi tiếng bằng những tai tiếng. Sự giật gân, câu khách đã làm cho những hành vi sai phạm, phản cảm của một số ca sỹ, người mẫu đáng lẽ ra phải được lên án thì lại có tác dụng cổ súy. Việc chạy theo thị hiếu tầm thường của một bộ phận người đọc đã gây tác hại không nhỏ đến dư luận xã hội.

Chế tài xử lý sao cho hiệu quả?

Chế tài xử phạt nghiêm khắc theo quy định của pháp luật đối với các tổ chức, cá nhân, các công ty tổ chức biểu diễn, người biểu diễn có hành vi vi phạm, đặc biệt là các lỗi mặc trang phục, hóa trang gây phản cảm, không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam được xem là chủ trương đúng đắn nhằm giải quyết sai phạm trong hoạt động biểu diễn trong thời gian tới.

Riêng đối với hành vi sử dụng băng đĩa, các phương tiện kỹ thuật âm thanh khác đã thu sẵn để thay cho giọng hát thật của người biểu diễn hiện vẫn còn nhận được nhiều ý kiến khác nhau. NSND Trần Bình lấy ví dụ về các chương trình biểu diễn nghệ thuật quy mô lớn, có truyền hình trực tiếp nếu không có sự lồng ghép, can thiệp của phương tiện kỹ thuật sẽ ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng nghệ thuật của chương trình.

NSND Thanh Hoa đồng tình với quan điểm cần linh hoạt với việc hát nhép khi cho rằng, những chương trình biểu diễn có bán vé thì đặc biệt cấm không được phép hát nhép, như thế là xúc phạm khán giả, hạ thấp uy tín của người nghệ sỹ và rất mong muốn chất lượng chương trình truyền hình trực tiếp sẽ được nâng cao.

Ông Vương Duy Biên - Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn khẳng định, Cục sẽ quyết tâm xây dựng quy chế phối hợp chung giữa các công ty tổ chức biểu diễn nghệ thuật. Thường xuyên tổ chức các cuộc tiếp xúc với các đơn vị nghệ thuật, công ty tổ chức biểu diễn, các nghệ sỹ, diễn viên, người mẫu, đặc biệt là các đối tượng trẻ để phổ biến các quy định của pháp luật. Qua đó, Cục sẽ tiếp thu các ý kiến để triển khai Nghị định mới của Chính phủ, từ đó xây dựng Thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định, quy định cụ thể cho các trường hợp vi phạm cũng như cách xử phạt.

Là cơ quan thanh tra, ông Phạm Xuân Phúc - Phó thanh tra Bộ VH,TT&DL cam kết sẽ tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đối với hoạt động biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang sau khi cấp phép, tiếp nhận giấy phép biểu diễn. Thẩm định kỹ hồ sơ đề nghị cấp phép tổ chức hoạt động biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang của các đơn vị, tổ chức, cá nhân trước khi cấp phép theo thẩm quyền. Đồng thời, cơ quan thanh tra sẽ xác định rõ trách nhiệm, đặc biệt tăng trách nhiệm cá nhân đối với những người làm công tác quản lý trên địa bàn.

Hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về quản lý hoạt động biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang theo hướng cụ thể, đồng bộ, tăng cường hiệu lực răn đen của các chế tài xử phạt các hành vi vi phạm theo hướng kiến nghị sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 75/2010/NĐ-CP ngày 12/7/2010 của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực văn hóa là động thái tích cực của Bộ VH,TT&DL. Theo đó, cơ quan chủ quản sẽ tập trung mở rộng hình thức phạt bổ sung, tước quyền sử dụng giấy phép công diễn, áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả khác, cấm biểu diễn từ 6 tháng đến 2 năm đối với người biểu diễn vi phạm các quy định đã đề ra.

Bức tranh văn hóa đa màu sắc trong đó có các hoạt động biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang, những năm qua về cơ bản đã đáp ứng được nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của đông đảo quần chúng nhân dân. Việc thực thi quy chế hoạt động, tổ chức biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp, đúng đắn sẽ góp phần làm phong phú hơn, đặc sắc hơn cho các loại hình nghệ thuật mang đậm đà bản sắc trong xu thế hội nhập toàn cầu./.

(Theo: Nguyễn Quỳnh/VOV)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất