Thứ Năm, 28/11/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Bảy, 2/6/2012 3:51'(GMT+7)

Xác định rõ hơn việc “giữ gìn và phát huy di sản văn hóa Tây Nam Bộ trong cơ chế thị trường và hội nhập”

Đoàn Chủ tịch Hội nghị

Đoàn Chủ tịch Hội nghị

 

Với chuyên đề “Giữ gìn và phát huy di sản văn hóa Tây Nam Bộ trong cơ chế thị trường và hội nhập”, Hội nghị đã tập trung làm rõ hơn các nội dung: Giữ gìn phát huy di sản văn hóa vật chất; giữ gìn phát huy bản sắc văn hóa Óc Eo, văn hóa Tây Nam Bộ trong cơ chế thị trường và hội nhập; tình hình văn học - nghệ thuật gần đây và công tác đấu tranh phê phán những quan điểm sai trái trên lĩnh vực văn học - nghệ thuật.

Các diễn giả và đại biểu tham luận của các địa phương đã nêu rõ ý nghĩa và tầm quan trọng của việc gìn giữ phát huy di sản văn hóa Tây Nam Bộ, đây là công việc rất cần thiết, nhất là trong cơ chế thị trường và hội nhập quốc tế, khi nền kinh tế phát triển nhanh trong thế giới bùng nổ thông tin, có nhiều cơ hội cho sự giao thoa văn hóa, trong đó có nhiều nguồn văn hóa tiến bộ để tiếp thu, nhưng cũng không ít những sản phẩm độc hại, ảnh hưởng đến văn hóa của dân tộc.

                 PGS,TS. Nguyễn Hữu Thức
      VT Vụ VH-VN, Ban Tuyên giáo Trung ương

Các tham luận cũng cho thấy, di sản văn hóa Tây Nam Bộ có số lượng đồ sộ, phong phú, đa dạng, các di sản văn hóa vật thể còn nhiều những di tích cổ vật, đình miếu, chùa, nhà thờ, nhà cổ, mộ cổ…; các di sản văn hóa phi vật thể cũng rất phong phú từ các hoạt động sản xuất, tiêu dùng, phong tục tập quán, lễ phục, tín ngưỡng, thơ ca, cải lương, tập tục thờ cúng, trò chơi dân gian… được nhân dân lưu truyền và phát huy khá tốt, tạo nên phong cách người Tây Nam Bộ kiên trung, thật thà, phóng khoáng. Đặc biệt, văn hóa Óc Eo chứa đựng khối lượng lớn các di tích, di chỉ mang đặc trưng rất riêng của vùng sông nước Tây Nam Bộ, đã được chính quyền các địa phương quan tâm bảo tồn, khảo cứu, hướng tới đề nghị công nhận là Di sản văn hóa thế giới. Hầu hết các địa phương đã chủ động, nêu cao tinh thần trách nhiệm, đề ra nhiều giải pháp tích cực, gìn giữ và phát huy những giá trị đích thực của nền văn hóa truyền thống được xây đắp từ trong lao động sáng tạo, góp phần làm phong phú thêm trong tâm hồn, tình cảm, lối sống và nét đặc sắc “rất riêng” của đồng bào Tây Nam Bộ,

Điểm nổi bật mà các đại biểu quan tâm, là làm sáng tỏ vị trí, vai trò của văn hóa Óc Eo trong không gian văn hóa Tây Nam Bộ. Qua đó, làm sáng tỏ nguồn gốc tại chỗ, mang tính bản địa đặc sắc, cùng với các với yếu tố ngoại sinh đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển của nó. Một số nghiên cứu đã cho thấy, quan hệ giữa Óc Eo với bên ngoài, với Đông Nam Á, Trung Hoa, Ấn Độ, thậm chí cả Tây Á, Nam Á là khá rõ nét. Trong đó, văn hóa Ấn Độ đã thâm nhập khá sâu đậm qua phong cách nghệ thuật và đời sống tôn giáo được biểu thị rõ trên nhiều hiện vật. Từ đó, đã khẳng định Óc Eo là một thành thị cổ lớn, nền tảng của một quốc gia cổ đại vào loại sớm trên toàn vùng Đông Nam Á và cả thế giới Địa Trung Hải.


                PGS, TS. Phạm Duy Đức
            Học viện CT-HC quốc gia Hồ Chí Minh

Kể từ công bố đầu tiên của L.Malleret vào nửa đầu thế kỷ XX đến nay, giá trị và tầm vóc của văn hóa Óc Eo – Phù Nam ngày càng được đông đảo các nhà khoa học trên thế giới quan tâm và thừa nhận. Nhiều công trình nghiên cứu đã nhận diện văn hóa Óc Eo và vương quốc Phù Nam là một trong ba trung tâm văn hóa tiêu biểu của nước ta thời cổ đại. Cùng với văn hóa Sa Huỳnh và Đông Sơn, Óc Eo – Phù Nam đã góp phần xây nên nền văn hóa Việt Nam trong lịch sử.

Tuy nhiên, do nhiều yếu tố tự nhiên và lịch sử, Óc Eo trở thành phế tích trong suốt 15 thế kỷ qua. Những gì khoa học, nhất là khảo cổ học làm sống lại nền văn hóa “vang bóng một thời” ấy mới chỉ là một phần rất nhỏ, còn manh mún và dường như vẫn chưa có đủ cơ sở để được công nhận là một Di sản văn hóa thế giới.

Để Óc Eo có đủ tiêu chí cần thiết của Công ước Ủy ban UNESCO về công nhận Di sản văn hóa thế giới, đòi hỏi sự nỗ lực rất cao của các cơ quan nghiên cứu, cơ quan quản lý và các cơ quan bảo tồn di tích, cùng với những định hướng mới, những dự án nghiên cứu mới, quy mô lớn để Óc Eo thật sự vang xa ra cả thế giới và đọng lại sâu sắc trong lòng người dân Việt Nam, cũng như những ai yêu chuộng văn hóa trên thế giới. Đó cũng là nguyện vọng thiết tha không chỉ của các nhà chuyên môn mà còn là yêu cầu bức thiết của nhân dân, được các đại biểu tham dự Hội nghị nêu bật.

Phát biểu kết luận tại Hội nghị, đồng chí Chu Văn Đạt, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương đánh giá cao tinh thần và cách tổ chức các nội dung Hội nghị, vừa kiểm điểm, cặp nhật thông tin, vừa tập huấn cho cán bộ làm công tác tuyên giáo, công tác văn hóa - nghệ thuật có cơ hội nhìn nhận lại hiện trạng các hoạt động văn hóa và những đòi hỏi trong công tác giữ gìn và phát huy di sản văn hóa dân tộc nói chung và văn hóa vùng Tây Nam Bộ nói riêng trong cơ chế thị trường và hội nhập quốc tế; khẳng định vai trò, vị trí quan trọng của việc giữ gìn và phát huy di sản văn hóa Tây Nam Bộ, nhất là trong điều kiện hiện nay, sự giao thoa văn hóa, làm cho nền văn hóa có cả của mình, có cả sự tiếp thu văn hóa bên ngoài. Nhiều ảnh hưởng từ văn hóa tiến bộ của thế giới, nhưng cũng không ít những sản phẩm độc hại rất dễ len lỏi vào đời sống xã hội, ảnh hưởng đến văn hóa của nước nhà. Việc đặt ra vấn đề giữ gìn và phát huy di sản văn hóa Tây Nam Bộ trong cơ chế thị trường và hội nhập hiện nay là rất quan trọng và thiết thực.

Đồng chí Chu Văn Đạt hoan nghênh tinh thần của các địa phương, các nhà nghiên cứu, cán bộ quản lý văn hóa và bảo tồn di tích thuộc các tỉnh Tây Nam Bộ, trong lúc còn rất nhiều khó khăn cả về lý luận và thực tiễn; cả về đội ngũ và vật chất nhưng đã chủ động xây dựng, đào tạo đội ngũ cán bộ; đẩy mạnh công tác tuyên truyền; tăng cường nghiên cứu, sưu tầm tư liệu, bảo tồn những di tích vật thể, các giá trị phi vật thể, vừa tạo ra những nét văn hóa riêng biệt của từng địa phương, vừa vun đắp nền văn hóa chung của cả vùng Tây Nam Bộ và cả nước.

Đồng chí Chu Văn Đạt đề nghị các cơ quan khoa học, các địa phương nhận thức rõ hơn trách nhiệm của mình, chủ động trong công tác bảo tồn, gìn giữ các giá trị văn hóa, coi đây là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của cấp ủy và chính quyền. Trước mắt, đẩy mạnh công tác tuyên truyên; xây dựng đội ngũ cán bộ có đủ năng lực tham gia vào công tác quản lý, bảo tồn, gìn giữ di tích. Ban Tuyên giáo và các cơ quan quản lý văn hóa tham mưu cho cấp ủy và chính quyền có các chủ trương, chính sách chuẩn xác trong công tác bảo tồn và phát huy, phát triển các giá trị văn hóa Tây Nam Bộ. Bởi nó không chỉ mang ý nghĩa văn hóa mà còn có ý nghĩa kinh tế, chính trị và nhiều mặt khác của xã hội với tư cách là nền tảng tinh thần của nhân dân.

Đồng chí Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương cũng nhắc nhở các địa phương, việc nghiên cứu và hoàn thiện hồ sơ đề nghị công nhận Di sản văn hóa thế giới là rất cần thiết, nhưng không được vội vàng và bằng mọi giá để được công nhận. Trong khi chưa được công nhận, các cấp ủy vẫn phải đề cao tinh thần trách nhiệm, tuyên truyền, giáo dục nhân dân, nhất là thế hệ trẻ có ý thức giữ gìn, bảo tồn các giá trị văn hóa, tạo ra nền tảng tinh thần, niềm tự hào dân tộc và lòng yêu nước ngày càng cao.

Phương Vinh

Một di tích, một quần thể hoặc một di sản chỉ được xem là có giá trị nổi bật toàn cầu của Công ước khi Ủy ban Di sản thế giới thấy rằng nó có thể đáp ứng ít nhất một trong 6 tiêu chuẩn dưới đây:

(i) - là một kiệt tác tài năng sáng tạo của con người;

(ii) - thể hiện một sự giao lưu quan trọng gữa các giá trị của nhân loại, trong một khoảng thời gian hoặc trong phạm vi một vùng văn hóa của thế giới, về các bước phát triển trong kiến trúc hoặc công nghệ, nghệ thuật tạo hình, quy hoạch đô thị hoặc thiết kế cảnh quan;

(iii) - là một bằng chứng độc đáo hoặc ít nhất cũng là một bằng chứng ngoại hạng về một truyền thống văn hóa hay một nền văn minh đang tồn tại hoặc đã biến mất;

(iv) - là một ví dụ nổi bật về một kiểu nhà hoặc một quần thể kiến trúc hoặc công nghệ hoặc một cảnh quan minh họa cho một hay nhiều giai đoạn có ý nghĩa trong lịch sử nhân loại;

(v) - là một ví dụ nổi bật về một kiểu định cư truyền thống của con người hoặc một phương pháp sử dụng đất truyền thống, đại diện cho một nền văn hóa (hoặc các nền văn hóa), nhất là khi nó trở nên dễ bị tổn thương dưới tác động của những biến động không thể đảo ngược được;

(vi) - gắn bó trực tiếp hoặc cụ thể với những sự kiện hoặc truyền thống sinh hoạt với các ý tưởng hoặc các tín ngưỡng, các tác phẩm văn học nghệ thuật có ý nghĩa nổi bật toàn cầu.





















Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất