(TG)-Sáng 17/3/2020, đã diễn ra Hội nghị BCH Đảng bộ tỉnh khóa XVI lần thứ 31 để thảo luận và cho ý kiến vào một số nội dung: Đề án phát triển KT-XH tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2021-2025; Dự thảo lần 2 Báo cáo chính trị của BCH Đảng bộ tỉnh trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII.
Tại hội nghị, các đại biểu đã nghe Ban cán sự Đảng UBND tỉnh báo cáo Đề án phát triển KT-XH tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2021-2025 theo hướng phát triển bền vững và nâng cao chất lượng tăng trưởng; nghe Tiểu ban Văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đọc Dự thảo lần 2 Báo cáo chính trị của BCH Đảng bộ tỉnh trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII.
Thảo luận về các nội dung trên, các đại biểu tập trung vào một số vấn đề trọng điểm như: Các yếu tố mang lại kết quả tích cực trong phát triển KT-XH của tỉnh thời gian qua; nguyên nhân và giải pháp hạn chế những tồn tại; những mục tiêu, định hướng mang tính đột phá của tỉnh trong thời gian tới. Đặc biệt, các đại biểu bàn sâu về việc làm thế nào để đưa Vĩnh Phúc phát triển KT-XH theo hướng bền vững và nâng cao chất lượng sống thực tế của người dân.
Kết luận hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Thị Thúy Lan nêu rõ: Bên cạnh những kết quả tích cực mà Vĩnh Phúc đạt được thời gian qua cần thẳng thắn nhìn rõ những mặt còn hạn chế, đặc biệt là ở một số chỉ tiêu quan trọng như sự đóng góp của các nhân tố tổng hợp, tỷ lệ giải quyết việc làm, tỷ lệ lao động đã qua đào tạo… đều thấp hơn bình quân chung cả nước.
Riêng thu ngân sách, từ chỗ chỉ đứng sau Hà Nội ở khu vực phía Bắc, chúng ta đã để Quảng Ninh, Hải Phòng lần lượt vượt qua và nếu như không có những điều chỉnh kịp thời và hợp lý, chắc chắn thu ngân sách của tỉnh sẽ còn tụt tiếp.
Chính vì vậy, trong Đề án phát triển KT-XH giai đoạn 2021-2025 và Dự thảo Báo cáo chính trị chuẩn bị cho Đại hội Đảng lần thứ XVII của tỉnh cần chỉ rõ được nguyên nhân đạt được thành công cũng như nguyên nhân vì sao thành công ở một số nội dung, lĩnh vực. Có hay không việc Vĩnh Phúc có nhiều cơ hội, lợi thế, tiềm năng nhưng chưa tận dụng được và giải pháp khắc phục cụ thể.
Về bài học kinh nghiệm, cần nêu bật được tầm nhìn chiến lược trong phát triển các mặt KT-XH, khẳng định tính kiên định trong tư duy đổi mới là lấy công nghiệp làm nền tảng, phát triển dịch vụ - du lịch là mũi nhọn, coi nông nghiệp, phát triển nông thôn là nhiệm vụ quan trọng, lấy nâng cao đời sống thực tế của người dân làm mục tiêu. Lưu ý đến việc tạo động lực mới để thay đổi tư duy cơ cấu kinh tế.
Dự thảo cũng cần có mục tiêu tổng quát về tình hình KT-XH của địa phương, trong đó xác định rõ một số mục tiêu chủ yếu, cụ thể cùng với giải pháp thực hiện khả thi; xác định rõ giải pháp nào được ưu tiên thực hiện để có cơ chế hỗ trợ đầu tư. Đặc biệt, chú trọng xây dựng cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp lớn đột phá trong hoạt động sản xuất kinh doanh để tạo ra chuỗi giá trị kinh tế hiệu quả cho xã hội.
Nhấn mạnh mục tiêu tăng trưởng kinh tế của tỉnh trong giai đoạn tới đạt khoảng 9 đến hơn 10%; kiên định mục tiêu xây dựng đô thị trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Thị Thúy Lan yêu cầu Ban cán sự Đảng UBND tỉnh tiếp thu, tổng hợp ý kiến của các đại biểu để gửi Tiểu ban văn kiện tiếp tục hoàn thiện các Báo cáo chính trị chuẩn bị cho đại hội trong thời gian sớm nhất.
Quá trình xây dựng các văn kiện, báo cáo cần quán triệt quan điểm chỉ đạo của tỉnh là Vĩnh Phúc quyết tâm phấn đấu bắt kịp, tiến cùng và vượt lên các địa phương khác trong quá trình phát triển các mặt KT-XH, hướng tới mang lại sự ấm no thực sự cho mỗi người dân tỉnh nhà.
Thu Hằng