Thứ Bảy, 23/11/2024
Vĩnh Phúc
Thứ Sáu, 28/2/2020 14:57'(GMT+7)

Nghe báo cáo một số chuyên đề chuyên sâu về lĩnh vực kinh tế, ngân sách

Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Thị Thúy Lan phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Khánh Linh

Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Thị Thúy Lan phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Khánh Linh

Theo đó, Báo cáo chuyên đề phân tích, đánh giá tốc độ tăng trưởng, quy mô tăng trưởng, chất lượng tăng trưởng giai đoạn 2016 - 2020 của Sở KH&ĐT cho thấy, quy mô kinh tế tiếp tục mở rộng với xu hướng tăng trưởng ổn định, duy trì mức tăng trưởng cao hơn so với mức tăng trưởng chung của cả nước và vượt mục tiêu Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2016 -2020.

Quy mô GRDP năm 2019 đạt 118.400 tỷ đồng, gấp 1,5 lần năm 2015. Trong năm 2020, nếu đạt dự kiến GRDP toàn tỉnh tăng 8 -8,5%, tốc độ tăng trưởng GRDP của tỉnh giai đoạn có thể đạt 8%/năm, gấp 1,2 lần tăng trưởng của cả nước, cao hơn mức tăng bình quân 6,1%/năm của tỉnh trong giai đoạn 2011 - 2015 và vượt mục tiêu Đại hội đề ra là 7 - 7,5%.

Song, do bùng phát dịch Covid-19, việc đạt được mức tăng trưởng như dự kiến rất khó khăn, có thể ảnh hưởng đến tăng trưởng toàn giai đoạn.

Báo cáo cũng chỉ ra một số hạn chế như tăng trưởng trong ngành dịch vụ còn chậm, tỷ trọng thấp so với kỳ vọng; có dấu hiệu chậm lại so với nhiều tỉnh trong cùng vùng đồng bằng sông Hồng; mô hình tăng trưởng còn theo chiều rộng, phụ thuộc nhiều vào mở rộng quy mô nguồn vốn; phụ thuộc nhiều vào số ít doanh nghiệp FDI có thể dẫn đến nguy cơ tăng trưởng thiếu bền vững; thu nhập bình quân đầu người tăng trưởng chưa tương xứng với sự gia tăng quy mô GRDP…

 Trong giai đoạn 2016 - 2020, tổng thu nội địa trên địa bàn tỉnh đạt 142.175 tỷ đồng.

Theo báo cáo đánh giá hiệu quả của việc phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi giai đoạn 2016 - 2020; định hướng đổi mới phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi giai đoạn 2021 - 2025, cơ cấu thu ngân sách nội địa của tỉnh vẫn chưa hợp lý và bền vững bởi tỷ trọng thu từ lĩnh vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài vẫn chiếm 81,1% tổng số thu với phần lớn là đóng góp của các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô, xe máy.

Tại hội nghị, một số ý kiến cho rằng các báo cáo cần đánh giá sâu hơn về những thuận lợi, khó khăn trong quá trình thực hiện; phân tích rõ ưu, nhược điểm tăng trưởng kinh tế, những thành tựu và điểm nghẽn của từng ngành, lĩnh vực để xây dựng kịch bản tăng trưởng cho giai đoạn tới sát với thực tiễn của tỉnh.

Cho ý kiến vào các nội dung này, Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Thị Thúy Lan yêu cầu trong báo cáo cần đánh giá kỹ và thực chất hơn đối với các chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế, nhất là với những lĩnh vực thực hiện chưa tốt, chưa đạt mục tiêu đề ra.

Đặc biệt, trong định hướng nhiệm vụ, các chỉ tiêu giai đoạn 2020 - 2025 cần phân tích kỹ các phân tích, dự báo, nhất là dự báo khu vực ngoài nước; bám sát vào định hướng của Trung ương để xây dựng cho tỉnh phương án phù hợp với địa phương; có kế hoạch tận dụng tốt mọi cơ hội có được, thậm chí phải tạo ra cơ hội để từ đó có những giải pháp đồng bộ phát triển các mặt kinh tế -xã hội, đặc biệt là trong 3 nội dung thiết yếu là việc làm, thu nhập bình quân đầu người và thu ngân sách.

Từ đó, chủ động đưa Vĩnh Phúc bứt phá, vươn lên tận dụng tốt những thời cơ, đẩy lùi khó khăn, thách thức của từng ngành, lĩnh vực khi các hoạt động hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, có thể cạnh tranh với các địa phương trong khu vực.

Về báo cáo đánh giá kết quả thực hiện các chỉ tiêu giai đoạn 2016 – 2020 liên quan đến phát triển đô thị; các chỉ tiêu giai đoạn 2021 – 2025, xem xét khả năng hiện thực hóa mục tiêu xây dựng tỉnh Vĩnh Phúc trở thành thành phố Vĩnh Phúc, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu cơ quan soạn thảo cần xem xét, điều chỉnh các số liệu thống kê khớp theo số liệu của Cục Thống kê; rà soát kỹ các tiêu chí xây dựng Vĩnh Phúc trở thành thành phố trực thuộc Trung ương và phân tích khả năng có thực hiện được hay không, đâu là nguyên nhân khách quan và chủ quan để có câu trả lời tại Đại hội.

Trong báo cáo, cần nêu rõ thực trạng thu ngân sách từ mảng du lịch, dịch vụ còn thấp so với tiềm năng; các giải pháp mang tính chiến lược để tăng nguồn thu từ du lịch, dịch vụ, góp phần cùng với các nguồn thu từ công nghiệp tạo nên sự phát triển ổn định, bền vững cho địa phương. Bên cạnh đó, cũng cần chú ý tới vấn đề bảo vệ môi trường, phát triển nguồn lực con người, xây dựng kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng công nghệ thông tin để bắt kịp với xu thế phát triển của thời đại...

Với một số ý kiến đánh giá chưa sát với thực trạng tình hình kinh tế-xã hội của tỉnh thời gian qua và xu hướng phát triển trong thời gian tới, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu nghiên cứu, xem xét lại và báo cáo tại kỳ họp lần tới của Tiểu ban.

Mai Thanh

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất