(TG)- Từ 83 mô hình điểm nhóm nòng cốt do Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Vĩnh Phúc thành lập, đến nay mô hình này đã phát huy hiệu quả và được nhân rộng triển khai trên toàn tỉnh.
Theo Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Vĩnh Phúc Nguyễn Tuấn Khanh: MTTQ các cấp trong tỉnh ngày càng thể hiện vai trò quan trọng trong xây dựng nông thôn mới (NTM) bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú, phát huy tốt vai trò nòng cốt trong công tác tuyên truyền, vận động người dân thực hiện có hiệu quả phong trào “Vĩnh Phúc chung sức xây dựng NTM”.
Đến thời điểm này, toàn tỉnh có 91/112 xã đạt 19 tiêu chí NTM, trong đó có 77 xã đã được công nhận đạt chuẩn. Có 2 huyện là Yên Lạc và Bình Xuyên đã đạt chuẩn NTM. Để hoàn thành chương trình xây dựng NTM, tỉnh Vĩnh Phúc xây dựng mục tiêu đến hết năm 2019 phấn đấu có 100% số xã đạt chuẩn NTM. Năm 2020, có 100% số đơn vị cấp huyện đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM.
“Đặc biệt, khi tham gia xây dựng NTM, MTTQ các cấp đã có sáng kiến thành lập mô hình nhóm nòng cốt với nhiệm vụ tuyên truyền vận động nhân dân tại khu dân cư, tích cực tham gia thực hiện để hoàn thành các tiêu chí NTM, đồng thời sau khi xã đã được công nhận hoàn thành tiêu chí NTM thì nhóm nòng cốt tiếp tục tuyên truyền, vận động nhân dân gìn giữ, duy trì có hiệu quả các tiêu chí đó nhằm tạo lập một NTM thực sự hiệu quả và bền vững. Từ 83 mô hình điểm nhóm nòng cốt do Ủy ban MTTQ tỉnh thành lập, đến nay mô hình này đã phát huy hiệu quả và được nhân rộng triển khai trên địa bàn toàn tỉnh”- ông Nguyễn Tuấn Khanh nêu giải pháp thực hiện.
Điển hình như các huyện Yên Lạc, Lập Thạch, Sông Lô, Bình Xuyên, Tam Dương đã xây dựng được 100% nhóm nòng cốt tại các khu dân cư. Trong 2 năm qua, MTTQ các cấp cùng các nhóm nòng cốt đã tuyên truyền, vận động nhân dân tự nguyện tham gia hiến hơn 800.000 m2 đất, góp hơn 250.000 ngày công lao động và hơn 422 tỷ đồng. Bên cạnh đó, triển khai xây dựng hàng nghìn mô hình khu dân cư, tuyến đường, tuyến phố văn hoá, đường làng, ngõ xóm, tuyến phố xanh, sạch, đẹp. Mô hình tự quản an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, xây dựng nếp sống văn hoá trong kinh doanh, ứng xử, không lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, tự quản bảo vệ môi trường, dòng họ khuyến học, cảm hoá, giáo dục người lầm lỗi…được quan tâm thực hiện.
Ghi nhận tại xã Đạo Đức, huyện Bình Xuyên, nhóm nòng cốt đã góp phần tuyên truyền để nhân dân nhận thức rõ việc đạt chuẩn NTM đã khó, việc giữ vững và nâng cao chất lượng các tiêu chí lại càng khó hơn. Kết quả trong năm 2018, tổng giá trị sản xuất của xã Đạo Đức đạt gần 1 nghìn tỷ đồng. Thu nhập bình quân đầu người năm 2018 toàn xã đạt trên 40 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh.
Cùng với đó, Ban Thường trực Uỷ ban MTTQ tỉnh ban hành hướng dẫn nội dung, cách thức, quy trình lấy ý kiến về sự hài lòng của người dân đối với kết quả xây dựng NTM ở cấp huyện, xã và kế hoạch tổ chức lấy ý kiến về sự hài lòng của người dân đối với kết quả xây dựng NTM ở thành phố Phúc Yên và thành phố Vĩnh Yên.
Việc tổ chức lấy ý kiến người dân được thực hiện đúng hướng dẫn, đảm bảo khách quan, minh bạch. Tỷ lệ lấy ý kiến tại thành phố Phúc Yên là 23,59%, thành phố Vĩnh Yên là 22,5% trên tổng số hộ gia đình tại các xã (thành phố Phúc Yên: 4 xã, thành phố Vĩnh Yên: 2 xã). Kết quả có trên 96% ý kiến thể hiện sự hài lòng của người dân đối với kết quả chung về xây dựng NTM tại 2 đơn vị này.
“Thông qua việc lấy ý kiến, MTTQ các cấp nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng, đề xuất của nhân dân, phát huy vai trò làm chủ của nhân dân trong xây dựng NTM. Đồng thời, nêu cao trách nhiệm của MTTQ các cấp trong tỉnh với việc công nhận và công bố địa phương đạt chuẩn NTM”- ông Nguyễn Tuấn Khanh nhấn mạnh./.
Theo daidoanket.vn