Thứ Tư, 4/12/2024
Vĩnh Phúc
Thứ Năm, 27/2/2020 20:51'(GMT+7)

Vĩnh Phúc: Cải thiện môi trường thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp

Vĩnh Phúc đẩy mạnh xúc tiến, cải thiện môi trường đầu tư

Vĩnh Phúc đẩy mạnh xúc tiến, cải thiện môi trường đầu tư

Coi trọng hoạt động xúc tiến đầu tư tại chỗ

Với phương châm “Các nhà đầu tư ở Vĩnh Phúc là công dân của Vĩnh Phúc, thành công của doanh nghiệp chính là thành công của tỉnh”, tỉnh đặc biệt chú trọng đến cải thiện môi trường đầu tư, môi trường kinh doanh, trong đó coi trọng hoạt động xúc tiến đầu tư tại chỗ bằng giải pháp quan tâm và giải quyết ngay các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp đang đầu tư tại tỉnh; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, thực hiện mô hình “cà phê doanh nghiệp” định kỳ thứ sáu hàng tuần UBND tỉnh tổ chức đối thoại với các doanh nghiệp... Xây dựng Đề án cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI); ban hành các giải pháp cụ thể, tháo gỡ các vướng mắc liên quan đến bồi thường, giải phóng mặt bằng các dự án lớn, các dự án đầu tư hạ tầng khu công nghiệp; hoàn thiện hệ thống cơ chế chính sách về thu hút đầu tư và quan tâm đầu tư hạ tầng trong và ngoài các khu công nghiệp...

Do đó, kết quả thu hút đầu tư của tỉnh tăng cao. Năm 1998 toàn tỉnh chỉ có 8 dự án FDI và 1 dự án DDI. Đến hết năm 2019 tổng số dự án còn hiệu lực trên địa bàn tỉnh là 1.139 dự án (gồm 755 dự án DDI với tổng vốn đầu tư đăng ký là 80,9 nghìn tỷ đồng và 384 dự án FDI với tổng vốn đầu tư 5,02 tỷ USD); số dự án đang hoạt động sản xuất kinh doanh là 645 dự án (gồm 281 dự án FDI và 364 dự án DDI), chiếm 56,63% tổng số dự án còn hiệu lực với số vốn thực hiện các dự án FDI đạt 62,09% và các dự án DDI đạt 36,36% tổng vốn đầu tư đăng ký. Từ chỗ chỉ có 1 khu công nghiệp với quy mô 50ha (KCN Kim Hoa) vào năm 1998, đến nay, trên địa bàn tỉnh đã quy hoạch tổng số 50 KCN và cụm công nghiệp (CCN) với tổng diện tích 5.897,23ha. Toàn tỉnh hiện có 9 khu công nghiệp được thành lập và cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng diện tích quy hoạch là 1.842,62ha.

Công tác vận động thu hút các dự án ODA luôn được chỉ đạo quyết liệt và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Các nguồn vốn ODA, NGO đã góp phần quan trọng bổ sung vào nguồn vốn đầu tư phát triển của tỉnh nhằm thực hiện các mục tiêu cải thiện môi trường đầu tư, xây dựng hạ tầng kỹ thuật của tỉnh phục vụ thu hút đầu tư và nâng cao đời sống nhân dân, giảm ô nhiễm môi trường.

Cùng với việc đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài, Tỉnh ủy, UBND tỉnh xác định nhân tố quan trọng để hướng tới mục tiêu phát triển bền vững chính là các doanh nghiệp trong nước, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Do vậy, tỉnh đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp phù hợp với từng giai đoạn, đặc biệt tỉnh đã tạo bước đột phá về chính sách khi Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XV ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 14-01-2013 và Kế hoạch số 4589/KH-UBND ngày 15-8-2013 của UBND tỉnh về phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa đến năm 2020 với nhiều nhiệm vụ, giải pháp quan trọng. Kết quả là sau 23 năm tái lập tỉnh, số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã có những bước phát triển vượt bậc cả về số lượng, quy mô, cơ cấu và chất lượng. Nếu như năm 1997 tỉnh mới chỉ có 91 doanh nghiệp, vốn đăng ký 57 tỷ đồng thì lũy kế đến hết năm 2019, toàn tỉnh có 10.693 doanh nghiệp đăng ký kinh doanh với số vốn đăng ký trên 119 nghìn tỷ đồng, trong đó có 7.792 doanh nghiệp thực tế hoạt động (tương đương gần 73,0% doanh nghiệp đăng ký). Các tập đoàn lớn trong nước như SunGroup, VinGroup, FLC, Hồng Hạc Đại Lải, Lạc Hồng… đã và đang triển khai những dự án có quy mô vốn đầu tư lớn, đóng góp quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Quan tâm đầu tư phát triển tiểu thủ công nghiệp, làng nghề

Tiểu thủ công nghiệp, làng nghề được quan tâm đầu tư phát triển. Hầu hết các làng nghề đều phát triển mạnh, phát huy tiềm năng, không ngừng cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm. Nhiều làng nghề truyền thống đã khẳng định được vị thế trên thị trường như: Làng nghề rắn Vĩnh Sơn; làng nghề đá Hải Lựu; các làng nghề mộc ở Thanh Lãng, Bích Chu, Thủ Độ; làng nghề mây tre đan Cao Phong... Sự phát triển của các làng nghề đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp, xóa đói giảm nghèo và giải quyết việc làm cho một lượng lớn lao động ở nông thôn, chuyển từ lao động nông nghiệp sang làm nghề với mức thu nhập tăng cao.

Nông nghiệp luôn được quan tâm và có nhiều cơ chế, chính sách, cách làm sáng tạo, đột phá, đi tiên phong trong cả nước như: Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 01-11-2002 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIII về chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp giai đoạn 2001- 2005; Nghị quyết số 03-NQ/TU ngày 27-12-2006 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIV về phát triển nông nghiệp, nông thôn, nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2006-2010, định hướng đến năm 2020. Sản xuất nông nghiệp của tỉnh ngày càng đa dạng về cơ cấu sản phẩm và loại hình tổ chức. Tuy sản xuất nông hộ nhỏ lẻ vẫn chiếm tỷ trọng lớn, nhưng loại hình sản xuất quy mô vừa và lớn dần được hình thành, kinh tế trang trại sản xuất hàng hóa, đặc biệt là trang trại chăn nuôi, thủy sản bắt đầu phát triển. Cơ cấu kinh tế nông nghiệp chuyển dịch mạnh theo hướng tăng tỷ trọng ngành chăn nuôi và giảm tỷ trọng ngành trồng trọt. Chăn nuôi đã thực sự trở thành mũi nhọn, đột phá trong quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp; phương thức nuôi công nghiệp và bán công nghiệp dần thay thế phương thức chăn nuôi truyền thống. An ninh lương thực được đảm bảo, sản lượng lương thực có hạt không ngừng tăng qua các năm. Vĩnh Phúc là một trong những tỉnh dẫn đầu miền Bắc về sản xuất ba vụ ổn định trong năm, trong đó vụ đông là vụ sản xuất hàng hóa. Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất (giá so sánh 2010) bình quân toàn ngành giai đoạn 1997-2016 đạt 5,72%/năm. Năm 2019, giá trị sản xuất theo giá so sánh 2010 ước đạt hơn 3,68 nghìn tỷ đồng, tăng 0,05% so với năm 2018. Tỉnh đã xây dựng được thương hiệu một số sản phẩm đặc trưng của địa phương như: Dưa chuột An Hòa (Tam Dương), su su Tam Đảo, thanh long ruột đỏ (Lập Thạch)...

Phát triển các lĩnh vực dịch vụ, du lịch

Các lĩnh vực của khu vực dịch vụ đều tăng trưởng, đáp ứng tốt nhu cầu sản xuất và tiêu dùng của nhân dân. Kinh doanh thương mại trên địa bàn tỉnh phát triển mạnh với sự tham gia của tất cả các thành phần kinh tế, chất lượng các dịch vụ nâng lên. Cơ sở hạ tầng phục vụ kinh doanh thương mại tiếp tục được đầu tư, mở rộng. Tính đến nay trên địa bàn tỉnh có 84 chợ, trong đó 4 chợ hạng I, 11 chợ hạng II và 69 chợ hạng III; có 2 trung tâm thương mại BigC và Co.opmart với nhiều mặt hàng phong phú, đa dạng; có 7 siêu thị đạt chuẩn và nhiều cửa hàng tiện lợi, chất lượng dịch vụ ngày càng cao đáp ứng nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng. Khối lượng lưu chuyển hàng hoá và dịch vụ tiêu dùng đảm bảo đáp ứng tốt nhu cầu sản xuất và tiêu dùng nhân dân. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng xã hội liên tục tăng, bình quân giai đoạn 1997-2016 tăng 18,6%/năm. Năm 2019 ước đạt 51,8 nghìn tỷ đồng, tăng 10,64% so với năm 2018.

Lĩnh vực dịch vụ, du lịch đã khai thác lợi thế của tỉnh về các loại hình du lịch nghỉ dưỡng, du lịch tham quan, nghiên cứu lịch sử văn hoá và du lịch sinh thái kết hợp với tâm linh... Hạ tầng phục vụ du lịch như các tuyến đường giao thông kết nối các khu du lịch, các khách sạn tiêu chuẩn, các khu nghỉ dưỡng… đã và đang được tập trung đầu tư, từng bước nâng cao chất lượng dịch vụ. Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 01-NQ/TU ngày 04-11-2011 về phát triển dịch vụ, du lịch giai đoạn 2011-2020. Công tác quảng bá du lịch Vĩnh Phúc tiếp tục được thực hiện thông qua nhiều kênh thông tin, các hội chợ, hội thảo,… Từng bước xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng của tỉnh. Hạ tầng phát triển du lịch được chú trọng, lập quy hoạch chi tiết 3 khu du lịch dịch vụ trọng điểm của tỉnh gồm: Khu du lịch Tam Đảo I, Khu phía Tây - khu du lịch Đại Lải và Khu danh thắng Tây Thiên. Đã hoàn thiện quy hoạch: Khu dịch vụ, du lịch và đô thị phía Bắc hồ Đại Lải; khu vực núi Sáng, hồ Bò Lạc, hồ Vân Trục là cơ sở quan trọng tạo tiền đề để thu hút các nhà đầu tư vào lĩnh vực du lịch, dịch vụ. Trên địa bàn tỉnh đã hình thành một số khu du lịch có tầm cỡ quốc gia như Tam Đảo I, Flamingo Đại Lải Resort, Khu di tích danh thắng - lễ hội Tây Thiên, FLC Vĩnh Thịnh - An Tường, Sông Hồng Resort, Paradise Đại Lải Resort... Để thúc đẩy mạnh mẽ phát triển du lịch trong thời gian tới, tỉnh tập trung khai thác một số tour, tuyến du lịch mới như tour một ngày chinh phục 3 đỉnh Tam Đảo, tour du lịch con đường tâm linh, tuyến Thanh Lanh - Ngọc Bội - Thác Bản Long, du lịch tâm linh, du lịch thể thao,… Năm 1997, toàn tỉnh đón 45 nghìn lượt khách (trong đó khách quốc tế 2,5 nghìn lượt, khách nội địa 42,5 nghìn lượt). Năm 2019, tổng số lượt khách tham quan du lịch ước đạt 6,1 triệu lượt khách, trong đó, khách quốc tế đạt 43,5 nghìn lượt khách.

Dịch vụ vận tải có những chuyển biến tích cực cả về số lượng và chất lượng phục vụ. Cơ sở hạ tầng giao thông được đầu tư nâng cấp; mạng lưới xe buýt được hình thành, kết nối với thành phố Hà Nội và đến tất cả các huyện, thành phố trong tỉnh.

Hoạt động bưu chính - viễn thông tiếp tục phát triển nhanh, chất lượng ngày càng tốt đã cơ bản đáp ứng được yêu cầu về dịch vụ viễn thông, Internet, thuê kênh… Mạng điện thoại cố định đã phủ tới 100% các xã, thôn. Đến nay, 100% thuê bao Internet trên địa bàn tỉnh là Internet băng rộng. Mạng thông tin di động 3G đã phủ 100% địa bàn các khu dân cư trên địa bàn tỉnh. Di động mạng 4G được phủ sóng tại thành phố Vĩnh Yên và trung tâm các huyện, thành phố trong tỉnh...

Các dịch vụ tài chính, tín dụng phát triển mạnh cả về số lượng và chất lượng. Công tác huy động vốn được thực hiện tốt. Các ngân hàng và tổ chức tín dụng đã mở rộng tín dụng đi đôi với an toàn, chất lượng tín dụng, đảm bảo cung ứng vốn cho nền kinh tế.

Thu Hằng

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất