Thứ Bảy, 27/7/2024
Vĩnh Phúc
Thứ Sáu, 28/2/2020 10:5'(GMT+7)

Tinh gọn và hiệu quả

Lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc kiểm tra công tác cải cách hành chính ở cơ sở

Lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc kiểm tra công tác cải cách hành chính ở cơ sở

Quyết tâm thu hút đầu tư

Theo Phó Giám đốc Sở Nội vụ Trần Văn Hòa, điểm nổi bật nhất của Vĩnh Phúc là trong CCHC về thi đua khen thưởng. Theo quy định của Bộ Nội vụ thì thủ tục cấp tỉnh là 25 ngày, cấp huyện xã là 20 ngày làm việc, tuy nhiên Vĩnh Phúc đã  quy định 9 thủ tục cấp tỉnh chỉ còn 12 ngày (giảm 13 ngày), 8 thủ tục cấp huyện và 5 thủ tục  xã đều giảm 8 ngày. Trong lĩnh vực này, Vĩnh Phúc được đánh giá có thành tích đứng đầu cụm thi đua 9 tỉnh đồng bằng sông Hồng.

Vị trí là cửa ngõ Thủ đô, thuộc vùng trọng điểm kinh tế Bắc Bộ, Vĩnh Phúc sau khi được tái lập năm 1997 có xuất phát điểm thấp đã phát huy tiềm năng và lợi thế để phát triển kinh tế - xã hội. Đây là địa bàn thu hút nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước với những thương hiệu lớn như: Honda, Toyota, Piagio, Prime… đưa tỉnh trở thành một trong những địa phương phát triển, có nguồn thu ngân sách tốp đầu cả nước. Có được những kết quả trên là từ nhận thức của Đảng bộ và các cấp chính quyền tỉnh Vĩnh Phúc trong đẩy mạnh cải cách hành chính. Thông qua các Nghị quyết số 60/2012/NQ-HĐND về thông qua Chương trình CCHCgiai đoạn 2012 - 2020; Kế hoạch số 124/2015/KH-TU và Đề án số 01/2016/ĐA-TU về sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức toàn tỉnh. Năm 2017, Hội đồng Nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành 3 Nghị quyết quy định rõ số lượng, chức danh, mức phụ cấp, chính sách, mức khoán kinh phí đối với các tổ chức chính trị - xã hội từ cấp xã xuống tổ dân phố; về chính sách hỗ trợ cho cán bộ được biệt phái, đào tạo, bồi dưỡng, thu hút giai đoạn 2017 - 2021; quy định về hỗ trợ cán bộ thôi việc theo nguyện vọng. Bên cạnh đó, các cơ quan, ban ngành tỉnh Vĩnh Phúc ban hành kế hoạch CCHC theo từng năm và giai đoạn để thực hiện.

Từ đó các cấp, các ngành đã chủ động, tích cực giải quyết các thủ tục hành chính, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp để thu hút đầu tư. Thời gian theo quy định của Trung ương (thủ tục cấp giấy chứng nhận đầu tư của Vĩnh Phúc còn 11 ngày, Trung ương quy định là 15 ngày, thủ tục thẩm tra cấp giấy chứng nhận đầu tư Vĩnh Phúc còn 36 ngày, Trung ương quy định là 40 ngày), không có trường hợp vượt quá thời gian quy định. Các hồ sơ, trình tự giải quyết được niêm yết, công khai, bảo đảm minh bạch hóa, công khai hóa các thủ tục hành chính; các thủ tục sau khi được cấp phép như giới thiệu địa điểm, thu hồi, giao đất, cấp phép xây dựng, đánh giá tác động môi trường... được thực hiện qua Trung tâm hành chính công tỉnh.

Tỉnh Vĩnh Phúc đã triển khai thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trên cả 3 cấp, cấp tỉnh là Trung tâm hành chính công tỉnh gồm 16 sở, ban, ngành và 2 cơ quan trung ương đóng trên địa bàn tỉnh; cấp huyện là Trung tâm hành chính công của 9 huyện, thành phố; cấp xã là bộ phận một cửa tại 137/137 xã, phường, thị trấn với tổng số 1.652 thủ tục hành chính của 170 lĩnh vực. Vĩnh Phúc đang vận hành phần mềm ứng dụng cho bộ phận một cửa tại tất cả các cấp, đã góp phần giải quyết thủ tục hành chính nhanh và tiết kiệm, bảo đảm việc liên thông giữa các cơ quan, người dân dân, tổ chức, doanh nghiệp. Tỉnh cũng thiết lập cơ chế kiểm tra giám sát nội bộ tại các cơ quan, tổ chức trong giải quyết công việc của người dân và doanh nghiệp; công khai số điện thoại đường dây nóng của cơ quan có thẩm quyền cũng như của người có trách nhiệm trong việc giải quyết các khiếu nại tố cáo liên quan đến việc thực hiện thủ tục hành chính, từ đó phát hiện các cán bộ, công chức có hành vi vi phạm, gây nhũng nhiễu, phiền hà trong giải quyết công việc, đồng thời có biện pháp xử lý kịp thời. Kể từ tháng 10.2016, 14h chiều thứ 6 hàng tuần lãnh đạo UBND tỉnh và các cơ quan liên quan sẽ tổ chức gặp gỡ doanh nhân định kỳ tại khuôn viên UBND tỉnh. Thông qua chương trình gặp gỡ này đã tháo gỡ ngay vướng mắc, nắm bắt, hiểu biết, gắn bó, thân thiện, niềm tin giữa nhà đầu tư và chính quyền.

Hiện nay, Vĩnh Phúc cũng đã xây dựng bộ tiêu chí, tổ chức chấm điểm,  xếp hạng chỉ số CCHC hàng năm đối với các cơ quan trên địa bàn tỉnh, kể cả các cơ quan trung ương đóng trên địa bàn. Việc xếp chỉ số CCHC cấp xã được tỉnh giao cho cấp huyện thực hiện hàng năm. Cụ thể như năm 2017 vừa qua, Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh được xếp thứ 1/7 cơ quan trung ương đóng trên địa bàn với tổng 90,3 điểm; Sở Thông tin và Truyền thông đứng đầu 20 sở, ban, ngành với 91,47 điểm; huyện Yên Lạc đứng đầu 9 địa phương với 88,57 điểm. Đây là việc làm để các cơ quan, sở ngành, địa phương nghiêm túc nhìn nhận, khắc phục những hạn chế, phát huy nhân rộng ưu điểm. Qua bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh của Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam, Vĩnh Phúc luôn đứng trong tốp đầu của cả nước (năm 2015 xếp thứ 4/63 tỉnh, thành phố, 2016 xếp thứ 9/63 tỉnh, thành phố, năm 2017 xếp thứ 12/63 tỉnh, thành phố). Các chỉ tiêu về tính năng động và tiên phong của lãnh đạo tỉnh; tính minh bạch và tiếp cận thông tin; chi phí thời gian để thực hiện được đánh giá cao.

Giảm đầu mối, giảm biên chế

Sau hơn 02 năm triển khai Đề án 01 của Tỉnh ủy Vĩnh Phúc và 1 năm triển khai Nghị quyết 18 và 19 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII đã cho thấy sự cần thiết, hiệu quả, phù hợp với xu thế phát triển và hội nhập của tỉnh và đất nước. So với năm 2015, toàn tỉnh Vĩnh Phúc giảm được 169 đầu mối các cấp, tinh giản được 1.529 biên chế, số lượng người hoạt động không chuyên trách giảm được 10.704 người. Một số điểm mới của Vĩnh Phúc là đã sáp nhập các cơ quan hành chính như: Ban Dân vận với Ban Tuyên giáo cấp huyện, đưa công đoàn các ngành và công đoàn cơ sở về trực thuộc Liên đoàn Lao động tỉnh, Phòng Y tế vào Văn phòng HĐND và UBND cấp huyện… Sáp nhập Trung tâm Y tế dự phòng tuyến tỉnh thành Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, sáp nhập 12 trường THPT thành 6 trường, sáp nhập 1 trường trung cấp vào 1 trường cao đẳng… Về chính quyền cơ sở, Vĩnh Phúc mạnh dạn giải thể Chi bộ quân sự cấp xã, phường trên toàn tỉnh; tăng cường kiêm nhiệm chức danh để giảm số người dưới cấp xã, thôn, tổ dân phố… Tuy nhiên, trong thực tiễn triển khai vẫn còn những vấn đề phát sinh cần tiếp tục nghiên cứu tháo gỡ như việc sáp nhập làm dư thừa số lượng cấp phó theo quy định cần có giải pháp để sắp xếp theo lộ trình; một số lĩnh vực vướng mắc và bất cập phải chờ văn bản hướng dẫn từ Trung ương; vị trí cách xa của các đơn vị sau sáp nhập gây khó khăn khi hoạt động…

Để tiếp tục thực hiện tốt hơn nữa công tác CCHC, ngay từ đầu năm 2019 UBND tỉnh Vĩnh Phúc  đã ban hành kế hoạch hành động với 51 nội dung, nhiệm vụ cụ thể giao các ngành, các địa phương thực hiện. Với cách làm quyết liệt,  quyết tâm cao hy vọng tỉnh Vĩnh Phúc sẽ trở thành địa phương tiếp tục là điển hình trong CCHC, có bộ máy hoạt động tinh gọn và hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh và đất nước trong xu thế hội nhập sâu rộng./.

Theo daibieunhandan.vn

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất