Thứ Ba, 17/9/2024
Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống
Thứ Bảy, 14/6/2014 23:22'(GMT+7)

Phát triển con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước

Phát triển văn hóa vì sự hoàn thiện nhân cách con người và xây dựng con người để phát triển văn hóa

Trao đổi với phóng viên TG, GS.TS Trần Văn Bính nhấn mạnh luôn phải gắn văn hóa với con người, đừng bao giờ nghĩ hoạt động văn hóa là hoạt động tự nhiên, nằm bên ngoài con người. Mỗi hoạt động của văn hóa đều hướng tới cái đích là con người. Văn hóa và con người gắn kết với nhau như hai trang của một tờ giấy vậy. Tờ giấy nào cũng có hai mặt, hai trang. Nếu chúng ta tách rời hai mặt, hai trang đó ra, vô hình chung, chúng ta sẽ xé rách cả tờ giấy đi. Văn hóa đối với con người cũng vậy. Tách văn hóa ra khỏi con người, là hủy hoại con người. Tách con người ra khỏi văn hóa là hủy hoại văn hóa. Con người là chủ thể sáng tạo nên các giá trị văn hóa. Văn hóa có tác động trở lại, hình thành nên những con người. Không thể hình thành con người trọn vẹn nếu tách rời môi trường văn hóa. Như người ta đã nói: “Một con hổ sinh ra đã là con hổ vì nó biết ăn thịt sống. Nhưng một con người sinh ra chưa hẳn đã là con người nếu con người đó không mang sẵn trong mình một nhân tính, lương tâm, tinh thần cộng đồng và tình hữu ái”.

Ngày 9/6, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI (Nghị quyết số 33-NQ/TW) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. GS. TS Trần Văn Bính cũng khẳng định cái đích của chúng ta phải làm sao gắn việc xây dựng phát triển văn hóa với việc hình thành con người mới Việt Nam ở thời đại mới, thời đại Hồ Chí Minh nhưng trong quá trình hội nhập quốc tế, trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đây là những vấn đề rất mới, lịch sử chưa hề có.

Vậy làm thế nào để xây dựng con người mới Việt Nam hiện nay? Theo GS.TS Trần Văn Bính, cần phải nhớ con người mới Việt Nam hiện nay một phần quan trọng chính là con người đã được hình thành trong lịch sử dân tộc, phải làm thế nào để “gốc rễ” đó càng ngày càng phải phải làm cho nó nổi bật hơn, đặc biệt trong xu thế toàn cầu hóa hiện nay. Bước vào thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, lĩnh vực văn hóa thường xuyên bị va vấp, va đập. Điều nguy hiểm nhất là nó dễ bật khỏi gốc rễ của dân tộc. Một khi văn hóa đã bị bật khỏi gốc rễ của dân tộc đó, văn hóa đó sẽ trở thành nên khô héo như một cái cây bị bật ra khỏi gốc vậy. Càng tiến hành toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế, càng phải quan tâm đến văn hóa dân tộc. “Tôi nghĩ rằng, điều đó, 15 năm trước Đảng đã thấy. Và lần này, Đảng một lần nữa khẳng định lại điều đó. Bản sắc dân tộc, mất điều đó thì không còn văn hóa nữa. “Mất bản sắc văn hóa dân tộc là mất tất cả”. – GS.TS Trần Văn Bính chia sẻ.

 
"Mất văn hóa là mất dân tộc"
(GS.TS Trần Văn Bính)
 

Ông lý giải, mất văn hóa là mất dân tộc. Bởi khi văn hóa không tồn tại, tất cả những đạo lý làm người, tình thương lẽ phải, tinh thần yêu nước, ý thức tự hào của con người sẽ mất đi, sẽ không còn tồn tại nữa. Khi con người không còn hiểu về lịch sử của dân tộc mình, không biết yêu và tự hào về lịch sử dân tộc, con người đó sẽ chẳng tìm thấy gốc rễ, cội nguồn của mình từ đâu đến. Một con người cũng như một dân tộc, không biết gốc rễ mình từ đâu đến, họ sẽ không xác định được họ sẽ đi về đâu. Đó là bước đi quyết định của một dân tộc, của một con người. Một công dân bao giờ cũng gắn với mảnh đất cụ thể, với một lịch sử cụ thể, với một chế tài chính trị cụ thể. Phải tập trung xây dựng văn hóa dân tộc của mình.

Càng tiến vào toàn cầu hóa, mỗi quốc gia dân tộc càng phải quan tâm đến văn hóa của mình, biết được giá trị vốn có của dân tộc mình là gì? Điều gì mình đã có và điều gì mình chưa có. Điều gì mình đã có, tốt đẹp thì mình phải phát huy. Điều gì mình chưa có thì mình phải tranh thủ để tiếp thu và phát triển lên. Vì vậy, trong Hội nghị Trung ương 9 (Khóa XI) vừa qua, Trung ương cũng nêu rõ xây dựng con người mới Việt Nam là khẳng định lại những giá trị cũ, bổ sung những giá trị mới mà trước đây chúng ta chưa có hoặc chưa phát triển được.

Xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện

Theo GS.TS Trần Văn Bính, để xây dựng con người Việt Nam trong thời kỳ mới, trước hết, mỗi người hãy nhìn rõ hơn, hiểu rõ hơn về lịch sử dân tộc của mình với những truyền thống tốt đẹp như Nghị quyết đã khẳng định “chăm lo xây dựng con người có nhân cách, lối sống tốt đẹp, với các đặc tính cơ bản: yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo”.

 “Khi nói về học tập chủ nghĩa Mác-Lênin, Bác Hồ đã từng căn dặn đảng viên chúng ta một câu nói mà theo tôi, càng ngày mỗi một đảng viên, mỗi một cá nhân càng phải suy ngẫm nhiều hơn nữa: “Dân tộc Việt Nam ta vốn từ lâu sống rất có tình có nghĩa. Từ ngày có Đảng lãnh đạo, tình nghĩa đó đã phát triển sâu rộng hơn, mở rộng hơn, trở thành tình nghĩa đồng bào đồng chí, tình nghĩa năm châu bốn biển một nhà”. Và Bác nói rằng, học Chủ nghĩa Mác Lênin là phải biết sống với nhau cho có tình, có nghĩa.  Nếu đọc bao nhiêu sách, mà sống không có tình, có nghĩa với nhau, thì làm sao gọi là hiểu Chủ nghĩa Mác- Lênin được. Tôi muốn nói điều này, để rồi không những thế hệ trẻ của chúng ta biết sống với nhau cho có tình, có nghĩa mà ngay thế hệ bây giờ, những cán bộ đảng viên, những người có trách nhiệm cao trong xã hội càng phải thấm thía ý nghĩa nhiều về vấn đề này. Tôi nghĩ rằng, nên chăng, trong việc triển khai Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay cần chú trọng nhân tố này. Bởi vì, Đảng ta đã nhận định một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên đã suy thoái về đạo đức, về văn hóa. Trong những suy thoái về đạo đức, về văn hóa đó, tình nghĩa giữa con người với con người có phần suy yếu đi. Đó là điều rất đáng buồn. Tình nghĩa con người suy yếu đi thì không thể có người cộng sản chân chính được”.

“Bác Hồ đã nói Đảng là đạo đức, là văn minh. Lênin nói với chúng ta rằng một người cộng sản tốt, nếu là người bạn, người đồng chí thì là người bạn, người đồng chí trung thành; nếu là người vợ, người chồng thì là người vợ, người chồng thủy chung; nếu là người con thì phải là người con hiếu thảo. Nhân tố đó cực kỳ quan trọng đối với con người mới của nước ta hiện nay”. – GS.TS Trần Văn Bính nhấn mạnh.

Thứ hai, cần nâng cao trí lực, bồi dưỡng tri thức cho con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, của kinh tế tri thức và xã hội học tập.

Lý giải điều này, GS.TS Trần Văn Bính cho biết, trong quá trình phát triển lâu dài của lịch sử dân tộc, do điều kiện sinh hoạt vật chất, do phương thức sản xuất lúc bấy giờ còn lạc hậu, lỗi thời, dân tộc Việt Nam chưa hình thành được những nhân tố mới mà bây giờ đã trở nên cần thiết. Đó là đưa khoa học vào đời sống, sống như thế nào gọi là khoa học. Đây là một nhân tố cực kỳ quan trọng đối với thời đại mới – thời đại kinh tế tri thức.

Thứ ba, nâng cao ý thức về dân chủ của mỗi người.

GS.TS Trần Văn Bính cho biết, mỗi người đều có quyền trong cộng đồng, nhưng ý thức về dân chủ chưa thể hiện rõ, chưa được phát huy. Bây giờ, đã đến lúc phải phát huy cao hơn tính dân chủ, phương thức sinh hoạt dân chủ trong từng gia đình, trong cộng đồng và trong toàn xã hội. Bởi ý thức dân chủ là cực kỳ quan trọng. Muốn phát huy tính năng động, sáng tạo của mọi người, muốn tạo điều kiện cho mọi người cùng tham gia phát triển đời sống kinh tế của đất nước, cần phát huy tinh thần dân chủ.

“Lúc còn sống, Bác Hồ đã từng căn dặn về điều này rất nhiều. Tiêu đề đầu tiên của đất nước ta sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là Việt Nam dân chủ cộng hòa. Bác đã nhấn mạnh tính chất dân chủ của chế độ mới của chúng ta. Bây giờ đã sau cách mạng Tháng Tám mấy thập kỷ rồi, chúng ta càng đẩy mạnh hơn tính chất dân chủ đó trong đời sống xã hội. Rõ ràng gần đây, Đảng và  Nhà nước ta đã có những chế tài để từng bước, từng bước phát huy đời sống dân chủ trong các tổ chức chính trị xã hội cũng như trong cộng đồng dân cư. Đó là xu hướng cần thiết phải có”. – GS. TS Trần Văn Bính khẳng định.

Thu Hằng


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất