Thứ Hai, 30/9/2024
Giáo dục
Thứ Tư, 2/10/2013 22:19'(GMT+7)

Phát triển giáo dục và đào tạo từ công tác khuyến học, khuyến tài ở Hà Nam

Sau gần 17 năm tái lập tỉnh, Hà Nam luôn có có tốc độ tăng trưởng kinh tế khá nhanh, GDP năm 2005 đạt 500 tỷ đồng, đến năm 2012 đã đạt 2.200 tỷ đồng. Từ sự phát triển kinh tế đã tạo tiền đề vật chất để đẩy mạnh phát triển các lĩnh vực của đời sống xã hội, nhất là lĩnh vực giáo dục - đào tạo.  Tỉnh Hà Nam là một trong 10 tỉnh đầu tiên của cả nước hoàn thành tốt mục tiêu Chương trình quốc gia về phổ cập giáo dục tiểu học và trung học; phổ cập giáo dục bậc trung học phổ thông được triển khai tích cực. Chất lượng giáo dục toàn diện có nhiều chuyển biến, tiến bộ rõ rệt, nhất là chất lượng trí dục. Các kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, đại học, cao đẳng, học sinh giỏi quốc gia liên tục nhiều năm đạt kết quả cao.

Ngành giáo dục - đào tạo luôn chú trọng bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục, hiện nay, toàn ngành có 98% số giáo viên đạt chuẩn, 42,5% giáo viên là đảng viên. Công tác xã hội hoá giáo dục, khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập phát triển mạnh, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục. Hệ thống các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, dạy nghề trên địa bàn được mở rộng, nâng cấp; tổ chức liên kết đào tạo, từng bước đáp ứng yêu cầu đào tạo và nhu cầu học tập nâng cao tay nghề của người lao động. Trong những năm gần đây giáo dục Hà Nam đã có nhiều em tham dự học sinh giỏi quốc gia, đã có đội tuyển và cá nhân đoạt huy chương Vàng môn Vật lý khu vực Châu Á - Thái Bình Dương và quốc tế.

Có được thành tựu giáo dục nêu trên do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân là tỉnh đã sớm quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tạo điều kiện cho công tác khuyến học, khuyến tài phát triển, trở thành nhân tố hỗ trợ tích cực cho sự phát triển của giáo dục - đào tạo tỉnh nhà. Phong trào khuyến học, khuyến tài ở tỉnh Hà Nam hình thành rất sớm từ trong các cơ quan, đơn vị, trong cộng đồng dân cư, dòng họ hiếu học, hội đồng hương và trong cả các tôn giáo. Từ sau khi tỉnh Hà Nam được tái lập, mặc dù Hội khuyến học tỉnh được thành lập muộn hơn sơ với các tổ chức xã hội nghề nghiệp, nhưng đã nhanh chóng đi vào hoạt động, chỉ trong thời gian ngắn Hội đã có hệ thống chặt chẽ từ tỉnh đến cơ sở. Nhận rõ được vị trí, vai trò quan trọng của công tác khuyến học, khuyến tài trong cộng đồng xã hội, Chỉ thị số 50-CT/TW, ngày 24/8/1999 về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học" của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa VIII) đã tạo điều kiện cho phong trào khuyến học, khuyến tài ở Hà Nam phát triển mạnh cả về bề rộng và chiều sâu.

Sau gần 14 năm thực hiện Chỉ thị 50-CT/TW, hoạt động khuyến học, khuyến tài ở Hà Nam có bước chuyển biến rõ rệt cả về nhận thức tư tưởng và tổ chức hoạt động, kết quả đạt được rất đáng trân trọng. Đến nay toàn tỉnh đã có 116/116 xã, phường, thị trấn có tổ chức hội và hàng nghìn chi hội khuyến học thôn, làng, dòng họ, hội đồng hương... Trong những năm qua, các cấp hội đã huy động được hàng trăm tỷ đồng, hàng nghìn mét vuông đất do nhân dân đóng góp, hiến tặng để xây dựng, mở rộng trường, lớp cho học sinh. Hàng trăm bộ máy vi tính và xe đạp của hội khuyến học các cấp đã kịp thời đến với các em học sinh nghèo hiếu học. Đặc biệt với tư cách cá nhân, nhiều đồng chí lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh và cán bộ các ban, ngành, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở đã tham gia tích cực đóng góp kinh phí cho các chương trình khuyến học, khuyến tài của tỉnh nhà, đã góp phần cổ vũ, động viên phong trào thi đua học tập trong toàn xã hội.

Hưởng ứng cuộc vận động xây dựng “Gia đình hiếu học” do Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam phát động (từ tháng 5/2013), việc xây dựng “Gia đình hiếu học” là một biểu hiện sống động của việc đưa Nghị quyết của Đảng và chính sách của Nhà nước vào cuộc sống đang từng bước lan toả trong toàn tỉnh Hà Nam, được mọi tầng lớp nhân dân nhiệt tình hưởng ứng. Phong trào này thực sự là hạt nhân, trở thành hành động thiết thực, góp phần tích cực vào thực hiện mục tiêu giáo dục và đào tạo, xây dựng xã hội học tập; đồng thời góp phần vào phong trào “Xóa đói, giảm nghèo”, xây dựng “Gia đình văn hóa”, “Khu dân cư tiên tiến”, “Xây dựng nông thôn mới”, “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” ở mỗi địa phương, cơ quan, đơn vị.

Đến nay, toàn tỉnh đã có 99 gia đình hiếu học tiêu biểu, 17 dòng họ hiếu học tiêu biểu, 20 cộng đồng khuyến học, 10 học sinh nghèo, ngoan, học khá giỏi trên tổng số 64.284 gia đình hiếu học, 1.756 dòng họ hiếu học toàn tỉnh được biểu dương, khen thưởng. Đây là những bông hoa đẹp, thắm sắc, ngát hương trong vườn hoa của hoạt động khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập tỉnh nhà. Nhiều địa phương, đơn vị có phong trào khuyến học, khuyến tài phát triển mạnh, có nhiều “Gia đình hiếu học”, điển hình rất sinh động, tiêu biểu như: Huyện Thanh Liêm có gia đình ông Trần Ngọc Đắc ở xã Thanh Lưu, hai vợ chồng đều không có lương hưu, vợ bị bệnh thấp khớp, phải bán một nửa căn hộ để lấy tiền nuôi hai người con ăn học, cả hai người con của ông bà Đắc đều học giỏi từ THPT, thi đỗ vào Đại học đạt điểm cao, hai người con đều được học các trường ở thành phố Hà Nội. Gia đình ông Phạm Anh Ngọ ở xã Thanh Phong có bốn người con Đại học, trong đó có 02 người con là Thạc sĩ, một người con được ghi danh vào sổ vàng Quốc Tử Giám Hà Nội… Thành phố Phủ Lý có gia đình ông Đinh Ngọc Điểu thuộc Chi hội 9 Phường Lương Khánh Thiện có hai người con học Đại học, trong đó cháu Đinh Ngọc Hải, năm 2012 đạt Huy Chương Vàng Kỳ thi Olimpic Vật lý Quốc tế. Gia đình ông Lại Phúc Thành - xóm 4 xã Liêm Chung là nông dân nghèo, trong 20 năm qua, đã cố gắng làm ăn và chắt chiu nuôi 4 người con ăn học, đến nay cả 4 người con đều tốt nghiệp Đại học… Huyện Bình Lục có gia đình cụ Trần Thị Phước xã Trung Lương là gia đình nông dân nghèo, từ xưa cụ đã xác định con cái phải được học hành mới nên người và mới lập thân, lập nghiệp; vì vậy, hàng ngày còn đói cơm, rách áo, cụ vẫn động viên các con học tập đến nơi, đến chốn. Đến nay, đại gia đình cụ 44 người có trình độ Đại học trở lên, trong đó 16 con trai, gái, dâu, rể và 28 cháu nội, ngoại là cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ; phó giáo sư, đại tá quân đội, hầu hết con cháu cụ đều thành đạt. Gia đình cụ Lê Xuân Bái – Thôn Tiêu Thượng – Xã Tiêu Động là thôn theo đạo công giáo toàn tòng, gia đình cụ có một con là Giáo sư, thiếu tướng quân đội nhân dân Việt Nam, 9 con cháu có học vị Tiến sĩ, Thạc sĩ và Đại học. Gia đình bà Nguyễn Thị Thoa xã Đinh Xá là gia đình đã vượt qua khó khăn, các con ông bà làm đủ nghề để kiếm sống, các con thành đạt đã quan tâm giúp đỡ xây dựng cơ sở vật chất kĩ thuật cho địa phương, đóng góp xây dựng quỹ khuyến học các cấp trong huyện. Gia đình ông Chu Quang Dũng ở xã Bối Cầu, các con cháu đều học hành thành đạt, ông cùng các con còn tích cực tham gia đóng góp cho quỹ khuyến học từ gia đình, đến dòng họ, xã, huyện, tỉnh… Huyện Lý Nhân có gia đình bà Nguyễn Thị Mơ thôn Quan Văn xã Văn Lý, chồng đi bộ đội một mình nuôi 3 người con ăn học, đến nay cả 3 cháu đều tốt nghiệp Đại học, đã nhận công tác. Gia đình cụ Phạm Thị Phận ở xóm 7 Hội Động xã Đức Lý có 1 người con là Thiếu tướng, Giáo sư, Tiến sĩ, 1 người con là Thạc sĩ và 3 người con có trình độ đại học… Huyện Kim Bảng có gia đình cụ Lê Ngọc Xuân ở xã Nhật Tân, một mình nuôi 4 người con đạt bằng cử nhân, trong đó có một người con là Thạc sĩ, một người con là Phó Giáo sư, Tiến sĩ. Gia đình cụ Đỗ Hữu Tích ở Thụy Lôi cả 3 thế hệ ông, con, cháu, có 9 người tốt nghiệp đại học, trong đó có 02 người là Thạc sĩ, 2 người là giảng viên đại học, các cháu đang học phổ thông đều là học sinh giỏi đạt giải cấp tỉnh… Huyện Duy Tiên có gia đình ông Trần Hải Hưng làm ruộng ở thôn Đỗ Nội xã Tiên Hải có 6 người con trai, gái, dâu, rể đều tốt  nghiệp đại học, trong đó có 2 người con đã tốt nghiệp Cao học, 5 người con là đảng viên. Gia đình ông Nguyễn Doãn Kai thôn Nguyễn xã Tiên Nội có 6 người con đã tốt  nghiệp đại học, trong đó có 1 Tiến sĩ, 2 Thạc sĩ, 3 kĩ sư, có 6 cháu tốt nghiệp đại học đang học tiếp văn bằng hai…
   
Các chức sắc tôn giáo cũng tích cực tham gia ủng hộ phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, tiêu biểu như: Sư thầy Thích Đàm Ngọc chùa Đầm Soi thôn Khê Lôi xã Liêm Tiết (huyện Thanh Liêm), ở tuổi xưa nay hiếm, năm nào cũng ủng hộ Quỹ khuyến học từ thôn, xã, huyện, tỉnh và còn ủng hộ các tổ chức xã hội khác. Đại đức Thích Việt Hòa chùa Thịnh Đại (huyện Kim Bảng), Ni sư Thích Đàm Thục chùa Ô Cách xã Thanh Thủy (huyện Thanh Liêm), Thích Đàm Huề chùa Hòa Mạc (huyện Duy Tiên), Thích Đàm Huệ chùa Gòi xã Bình Nghĩa (huyện Bình Lục), Thích Đàm Vân chùa Lũng Xuyên xã Yên Bắc (huyện Duy Tiên), Đại đức Thích Nguyên Đông chùa Tế Cát xã Đức Lý (Huyện Lý Nhân), Đại đức Thích Bản Lượng chùa Thi Sơn (huyện Kim Bảng), Đại đức Thích Thanh Vũ chùa Đọi Sơn (huyện Duy Tiên), Đại đức Thích Thanh Chinh chùa Triệu Xá (Thanh Liêm)…đã thường xuyên tích cực ủng hộ Quỹ khuyến học, nuôi trẻ mồ côi, trẻ không nơi nương tựa được học hành chu đáo. Đại đức Thích Đạo Duyệt chùa Khánh Long thôn Ninh Tảo xã Thanh Bình (huyện Thanh Liêm), cứ vào chủ nhật hàng tháng lại thuyết pháp cho các tín đồ phật tử, trong đó có hàng trăm em học sinh tham gia lớp học tu dưỡng đạo hạnh, em nào đi dự lớp học của Đại đức về nhà đều lễ phép với ông bà, cha mẹ, chăm chỉ học tập. Nhà thờ xứ họ đạo An Phú xã Thanh Hương, nhà xứ Kiện Khê (huyện Thanh Liêm), hàng năm đã dành 100 suất học bổng tặng học sinh nghèo vượt khó. Linh mục còn cho xe đưa học sinh đến các trường đại học nhập học; xứ đạo Kiện Khê còn vận động bà con quê hương tạo điều kiện về nơi ăn, chốn ở cho các thí sinh (không phải thuê)... Đó là nghĩa cử cao đẹp của người tu hành, tâm huyết với sự nghiệp trồng người, khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập của Hà Nam.

Từ khi có tổ chức Hội khuyến học, Hà Nam đã tạo điều kiện cho 45 học sinh, trong đó có các em là con gia đình nghèo, hoàn cảnh rất khó khăn, có cả các em mồ côi, được đi du học tại Nhật Bản (cháu Ngô Thị Phương Hồng ở xã Liêm Thuận, huyện Thanh Liêm đã tốt nghiệp Đại học, hiện nay, cháu đang tiếp tục học để nhận bằng Tiến sĩ; cháu Hồng Hoa ở xã Thanh Hà huyện Thanh Liêm đã tốt nghiệp cao đẳng, đang học tiếp đại học, đổng thời cháu còn đi làm thêm, đã gửi tiền về ủng hộ Quỹ học bổng Lá Xanh; cháu Nguyễn Văn Tú ở Trung tâm mồ côi huyện Bình Lục đang học đại học tại Nhật Bản…). Với nhận thức gia đình hiếu học là một nhân tố quan trọng đối với sự hình thành và phát triển xã hội học tập, dòng họ hiếu học có tác dụng động viên, hỗ trợ gia đình hiếu học phát triển bền vững, hàng năm, Hội khuyến học phối hợp với ngành giáo dục và đào tạo phát động “Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời”, với phương châm “Xã hội học tập” phải được mở rộng và tiếp cận sâu với 5 trụ cột của học tập “Học để biết, học để làm, học để tồn tại, học để cùng chung sống, học để quan tâm đến hành tinh”, “Học tập suốt đời góp phần nâng cao dân trí và năng lực công dân, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và chất lượng cuộc sống của bản thân, gia đình và xã hội”... 
  
Phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập thời gian qua đã tạo được sự chuyển biến tích cực từ cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể và nhân dân trong tỉnh. Các cấp, các ngành và các gia đình đều quan tâm đến việc học tập của thế hệ trẻ và cũng đã quan tâm đến việc học tập thường xuyên, học tập suốt đời của người lớn, nhất là ở nông thôn, thông qua các Trung tâm học tập cộng đồng. Do đó, phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập đã thực sự là phong trào quần chúng sâu rộng và vững mạnh. Phát huy kết quả đạt được và để phong trào khuyến học, khuyến tài ngày càng phát triển sâu rộng trên địa bàn tỉnh trong những năm tới, các cấp uỷ đảng, chính quyền, các ngành, đoàn thể cần triển khai thực hiện tốt một số nhiệm vụ chủ yếu sau:

Một là, tiếp tục quán triệt sâu sắc và tuyên truyền rộng rãi ý nghĩa, mục tiêu, quan điểm Chỉ thị số 11-CT/TW, ngày 13/4/2007 của Bộ Chính trị (khoá X); Thông tri số 10-TT/TU, ngày 12/10/2007 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập”, nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, nhân dân trong tỉnh về tầm quan trọng và sự cần thiết phải xây dựng xã hội học tập, gắn cuộc vận động gia đình hiếu học, dòng họ hiếu học, cộng đồng hiếu học với quá trình xây dựng xã hội học tập ở từng địa phương, cơ quan, đơn vị đảm bảo thiết thực, hiệu quả.

Hai là, tổ chức thực hiện tốt Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, phấn đấu mỗi gia đình, mỗi dòng họ, mỗi cộng đồng khuyến học đăng ký một việc “làm theo” Bác một cách thiết thực nhất, hiệu quả nhất.

Ba là, phải gắn phong trào khuyến học, khuyến tài với các phong trào thi đua yêu nước ở mỗi địa phương, đơn vị với cuộc vận động xây dựng “Gia đình hiếu học”, với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư”, với phong trào “Xoá đói, giảm nghèo”, “Phong trào xây dựng nông thôn mới”, phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”,v.v..

Bốn là, tích cực huy động các nguồn lực của xã hội để đầu tư cho phong trào khuyến học, khuyến tài, quan tâm, khuyến khích và hỗ trợ kịp thời cho học sinh nghèo vượt khó, đạt kết quả tốt trong học tập.
  
 
NCS. Trần Văn Bản
Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Hà Nam
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất