QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN KHU KINH TẾ CỬA KHẨU MỘC BÀI
Lịch sử hình thành và phát triển
Kể từ năm 1996, với chính sách thí điểm lần đầu tiên áp dụng tại cửa khẩu Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh, đến nay cả nước có 26 Khu kinh tế cửa khẩu (KKTCK) thuộc địa bàn của 21 tỉnh; trong đó, có 09 KKTCK giáp biên với Campuchia. Các KKTCK đã từng bước phát triển và khẳng định vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng các tỉnh biên giới nói riêng và cả nước nói chung.
Với tiềm năng, lợi thế cùng vị trí chiến lược, tỉnh Tây Ninh đã được Trung ương quan tâm, thành lập 2 Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài, Xa Mát từ rất sớm. Trong đó, Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài được thành lập theo Quyết định số 210/1998/QĐ-TTg, ngày 27/10/1998 của Thủ tướng Chính phủ, có diện tích trên 21.284 ha, nằm trên địa giới hành chính của 6 xã và 1 thị trấn thuộc 2 huyện Bến Cầu, thị xã Trảng Bàng (4 xã Long Thuận, Tiên Thuận, Lợi Thuận, An Thạnh và thị trấn Bến Cầu thuộc huyện Bến Cầu và 2 xã Phước Bình, Phước Chỉ thuộc thị xã Trảng Bàng).
Cửa khẩu Quốc tế Mộc Bài và Xa Mát được xác định là các cực tăng trưởng trọng điểm trên hành lang phát triển phía Tây Bắc, dọc QL.22 – QL.22B của vùng Thành phố Hồ Chí Minh. Tuy có nhiều lợi thế, tiềm năng cho sự phát triển, nhưng việc triển khai đầu tư xây dựng, phát triển trong những năm qua có những bước “thăng trầm”:
Trên cơ sở Quyết định thành lập, ngày 16/4/1999, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 105/QĐ-TTg về Phê duyệt Quy hoạch chung Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài, tỉnh Tây Ninh thời kỳ từ nay đến năm 2020 với một số khu chức năng như: Đô thị Mộc Bài 600 ha, các khu dân cư tập trung 305 ha, các khu dân cư nông thôn 700 ha; cửa khẩu chính 5 ha, cửa khẩu phụ 2 ha; Trung tâm thương mại quốc tế 25 ha, kho ngoại quan và chợ biên giới 10 ha, Trung tâm thương mại nội địa 15 ha; Hệ thống các khu công nghiệp kho tàng xây dựng 25 ha, các khu công nghiệp khác xây dựng ở những khu vực có nguyên liệu 30 ha; Hệ thống các công trình phục vụ chính trị, văn hoá, giáo dục, y tế và thể dục thể thao 109,4 ha và điểm dân cư tập trung 61 ha; vùng nông nghiệp 16.000 ha, rừng phòng hộ dọc biên giới 1.000 ha, rừng bảo tồn sinh thái và du lịch 600 ha.
Để triển khai thực hiện, ngày 2/3/2007, UBND tỉnh Tây Ninh ban hành Quyết định số 124/2007/QĐ-UBND về việc phê duyệt Quy hoạch chung Đô thị mới Mộc Bài tỉnh Tây Ninh đến năm 2020.
Qua quá trình hoạt động có những nội dung cần phải thay đổi phù hợp với thực tế, do đó, ngày 10/11/2009, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1849/QĐ-TTg về phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng KKTCK Mộc Bài đến năm 2020 với một số khu chức năng như: thương mại dịch vụ, sân golf 370 ha, Khu thương mại Đô thị 457 ha, Thị trấn Bến Cầu 181 ha, khu dân cư nông thôn tập trung 305 ha, đất dân cư nông thôn phân tán 700 ha, khu công nghiệp 300 ha, cụm công nghiệp phân tán 30 ha, khu du lịch sinh thái, thể thao, vui chơi giải trí kết hợp nghỉ dưỡng 600 ha, rừng phòng hộ dọc biên giới 1.000 ha, khu phát triển nông, lâm nghiệp 16.708 ha, đất khác 708 ha.
Trên cơ sở Quyết định số 1849/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Ngày 27/5/2011, UBND tỉnh Tây Ninh đã ban hành Quyết định số 1102/QĐ-UBND về việc phê duyệt đồ án điều chỉnh quy hoạch chung Đô thị mới Mộc Bài, thuộc KKTCK Mộc Bài, với quy mô là 7.400 ha, trong đó đất dân cư 1.033 ha, đất chuyên dụng 963 ha, đất dịch vụ công cộng và thương mại dịch vụ 370 ha, đất công viên sinh thái 600 ha, đất nông – lâm nghiệp 4.283,81 ha, đất giao thông 150,19ha, điều chỉnh Quyết định số 124/2007/QĐ-UBND, ngày 02/3/2007.
Về tình hình đầu tư kết cấu hạ tầng
Tỉnh đã quy hoạch, tổ chức bồi thường giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch được 105 ha từ nguồn ngân sách nhà nước, làm tiền đề thu hút các dự án đầu tư thương mại- dịch vụ phục vụ cho khu vực cửa khẩu.
KKTCK Mộc Bài đã được đầu tư xây dựng Quốc môn, Trạm kiểm soát liên hợp, hoàn chỉnh 40 km đường giao thông, hệ thống chiếu sáng, cây xanh, nhà máy cấp nước 7.000 m3/ ngày đêm, nhà máy xử lý nước thải 3.000 m3/ngày đêm, hệ thống thu gom, xử lý rác thải, và các trụ sở cơ quan quản lý Nhà nước.
Tổng vốn đầu tư các công trình kết cấu hạ tầng tại KKTCK Mộc Bài từ nguồn ngân sách nhà nước đạt 991,78 tỷ đồng, Trong đó vốn TW và vốn ODA 783,01 tỷ đồng, vốn địa phương 208,77 tỷ đồng.
Về tình hình thu hút đầu tư
KKTCK Mộc Bài đã thu hút được 56 dự án đầu tư, trong đó có 19 dự án vốn đầu tư nước ngoài và 37 dự án có vốn đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 401 triệu đô la Mỹ và 8.600 tỷ đồng. Đến nay có 33 dự án đang triển khai hoạt động gồm 11 dự án có vốn đầu tư nước ngoài và 22 dự án có vốn đầu tư trong nước. Tổng diện tích đất các dự án đăng ký sử dụng 1.856 ha.
Những đóng góp của Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài đối với phát triển KT-XH của tỉnh Tây Ninh
Qua hơn 20 năm thành lập và phát triển, KKTCK Mộc Bài đã có những đóng góp nhất định vào sự phát triển chung của tỉnh.
Nộp ngân sách năm 2015 đạt 149,45 tỷ đồng, đến năm 2021 tăng lên 353 tỷ đồng, chiếm khoảng 3,5% tổng thu ngân sách toàn tỉnh. Trong đó, phí qua lại biên giới được tỉnh thông qua Hội đồng nhân dân tỉnh, áp dụng thực hiện từ năm 2014, số thu không ngừng được tăng lên qua từng năm: năm 2014 thu 44,3 tỷ đồng; năm 2015 thu 128,8 tỷ đồng; năm 2020 thu 218,45 tỷ đồng; năm 2021 thu 253,7 tỷ đồng.
Giải quyết việc làm cho 17.500 lao động; Kim ngạch xuất khẩu qua cửa khẩu không ngừng tăng, năm 2005 là 52,38 triệu USD, năm 2010 là 120 triệu USD, năm 2015 là 354,7 triệu USD, đến năm 2021 là 629 triệu USD.
Số lượt phương tiện qua lại cửa khẩu tăng dần qua các năm, năm 2015 đạt 136.785 lượt, đến năm 2019 (trước khi diễn ra dịch bệnh covid – 19) đạt 234.948 lượt, năm 2020 đạt 160.577 lượt, năm 2021 đạt 154.935 lượt.
Số lượt người qua lại cửa khẩu bình quân mỗi năm trên 2 triệu lượt người.
Nhìn lại 20 năm xây dựng và phát triển, Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài đã đạt được một số kết quả quan trọng, cơ sở hạ tầng thiết yếu được quan tâm đầu tư, thu hút được sự quan tâm của các nhà đầu tư và du khách; đóng góp một phần cho ngân sách nhà nước để góp phần ổn định trong cân đối ngân sách. Đặc biệt những năm đầu khi thực hiện chính sách miễn thuế tại khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài, tình hình hoạt động tại đây rất sôi động, thu hút được nhiều du khách đến tham quan, mua sắm; nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước quan tâm, tìm hiểu đầu tư và đăng ký thực hiện dự án.
Quan hệ giao thương với các nước Asean thông qua hoạt động xuất nhập khẩu qua lại cửa khẩu ngày càng được mở rộng; giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống người dân, góp phần đảm bảo an ninh, trật tự khu vực cửa khẩu, khu vực biên giới.
Tuy nhiên, thẳng thắn nhìn nhận, từ khi thành lập đến nay, qua hơn 20 năm xây dựng và phát triển, KKTCK Mộc Bài chưa phát triển như kỳ vọng của tỉnh, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của khu; đóng góp của KKTCK Mộc Bài vào nền kinh tế của tỉnh không đáng kể so với quy mô được duyệt.
Số dự án đầu tư, vốn đăng ký, diện tích đất đăng ký thực hiện dự án nhiều, nhưng việc triển khai thực hiện rất thấp; đến nay, chỉ có 15 % trên tổng diện tích đất đăng ký đầu tư được đưa vào khai thác, sử dụng, chủ yếu là các dự án sản xuất và thương mại - dịch vụ. Các dự án quy mô lớn, sử dụng nhiều đất (khoảng 1.636 ha) trong nhiều năm liền không triển khai được, do đền bù không liền thửa (da beo), làm lãng phí tài nguyên, gây rất nhiều khó khăn trong công tác quản lý nhà nước, cũng như khó khăn cho cả doanh nghiệp và người dân.
Các dự án siêu thị, trung tâm thương mại, chợ đường biên chỉ khởi sắc vào những năm đầu khi áp dụng chính sách bán hàng miễn thuế cho khách nội địa tham quan, du lịch. Khi chính sách này thay đổi, hoạt động thương mại ngày càng bị thu hẹp dần. Cụ thể, doanh thu hoạt động thương mại năm 2011 đạt 1.237 tỷ đồng, năm 2012 đạt 1.250 tỷ đồng, năm 2013 đạt 993 tỷ đồng, năm 2014 đạt 996 tỷ đồng, năm 2015 tiếp tục giảm xuống 386 tỷ đồng, 2016 đạt 434 tỷ đồng, năm 2017 đạt 476 tỷ đồng. Đến tháng 3/2018 các doanh nghiệp mua bán hàng miễn thuế đều ngừng hoạt động do Chính sách bán hàng miễn thuế của Chính phủ bị bãi bỏ. Cơ sở vật chất của một số dự án các Trung tâm thương mại, cửa hàng miễn thuế, các dự án đô thị đến nay bị xúống cấp, hư hỏng, gây thiệt hại cho nhà đầu tư, lãng phí tài nguyên đất đai.
Thu ngân sách từ hoạt động sản xuất kinh doanh tại Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài rất thấp, nếu loại trừ số thu phí hạ tầng cửa khẩu, thì số thu chỉ chiếm chưa đến 1% ngân sách tỉnh.
Quy hoạch chung KKTCK Mộc Bài bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập, không còn phù hợp, nhưng chậm được điều chỉnh, bổ sung. Kết cấu hạ tầng cửa khẩu chậm được mở rộng, nâng cấp gây ra tình trạng quá tải, ùn ứ tại khu vực cửa khẩu.
Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài, với cửa khẩu Mộc Bài là cửa khẩu quốc tế đường bộ lớn nhất phía Nam, trên tuyến biên giới đất liền Việt Nam- Campuchia, nằm ngay trên trục đường Xuyên Á (quốc lộ 22A), không chỉ là cửa ngõ của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, mà còn giữ vai trò quan trọng trong xây dựng, phát triển kinh tế mở, trở thành trung tâm thương mại quốc tế, trên trục hành lang xuyến Á vùng TP. Hồ Chí Minh thuộc tiểu vùng sông Mê Kông trong chiến lược phát triển kinh tế ở phía Nam - Việt Nam. Cửa khẩu Mộc Bài cách TP. Hồ Chí Minh 70 km và Thủ đô PhnomPenh, Campuchia 170 km đường bộ.
Với quy mô 21.284 ha, là khu kinh tế cửa khẩu có diện tích lớn nhất khu vực Châu Á, đứng thứ tư thế giới, dư địa của khu kinh tế đủ lớn để phát triển công nghiệp, đô thị, dịch vụ cửa khẩu là rất lớn.
KKTCK Mộc Bài có địa hình tương đối bằng phẳng, địa chất tốt, ít chịu ảnh hưởng bởi thiên tai, rất thuận lợi cho hoạch định chiến lược phát triển mới.
Được trung ương quan tâm đưa vào chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm giai đoạn 2021 – 2030 về phát triển chuỗi công nghiệp – đô thị gắn với hành lang kinh tế xuyên Á.
|
PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN KHU KINH TẾ CỬA KHẨU MỘC BÀI THEO HƯỚNG KHU CÔNG NGHIỆP - ĐÔ THỊ - DỊCH VỤ CỬA KHẨU MANG TẦM QUỐC GIA, KHU VỰC VÀ QUỐC TẾ
Từ những cơ sở phân tích nêu trên, nhằm phát triển toàn diện KKTCK Mộc Bài theo hướng khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ cửa khẩu mang tầm quốc gia, khu vực và quốc tế, một số vấn đề cần đặt ra trong thời gian tới như sau:
Thứ nhất, đề nghị Trung ương quan tâm, đánh giá để xác định KKTCK Mộc Bài là Khu kinh tế trọng điểm của quốc gia, của khu vực, là cực tăng trưởng quan trọng ở khu vực phía Nam, gắn phát triển kinh tế với đảm bảo vững chắc quốc phòng – an ninh. Với vai trò đó, đề nghị Trung ương quan tâm trong lãnh đạo, chỉ đạo, từ định hướng, mục tiêu điều chỉnh quy hoạch cho ngang tầm trong giai đoạn tới, để việc điều phối, phân bổ nguồn lực, phân công, liên kết phát triển cho cả khu vực, cả vùng một cách đồng bộ, hiệu quả.
Thứ hai, xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội hơn cho KKTCK Mộc Bài so với các mô hình khu kinh tế cửa khẩu hiện nay, nhằm kiến tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi nhất, có khả năng cạnh tranh, thu hút nguồn lực quy mô lớn ở khu vực Tiểu vùng sông Mê Công, khu vực Đông Nam Á và quốc tế. Trong đó, đặc biệt là các chính sách ưu đãi về đầu tư; cơ chế sử dụng nguồn thu được để lại; chính sách phân bổ, sử dụng đất công nghiệp, thương mại, dịch vụ áp dụng riêng cho khu kinh tế theo quy hoạch chung xây dựng được duyệt (trong đó, về đất đai không phụ thuộc vào chỉ tiêu phân bổ đất đai như hiện nay, rất bất cập, không còn dư địa để chuyển đổi phát triển công nghiệp, đô thị, thương mại, dịch vụ).
Thứ ba, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho địa phương để xử lý các vấn đề có liên quan trong khu kinh tế liên quan đến quy hoạch cấp chủ trương đầu tư, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, đánh giá tác động môi trường ..., nhằm cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm thời gian, tạo được sự thông thoáng nhất cho nhà đầu tư.
Thứ tư, phát triển KKTCK Mộc Bài theo hướng đa chức năng, gồm Công nghiệp - Đô thị - Thương mại - Dịch vụ mang tầm quốc gia và quốc tế; lấy công nghiệp hiện đại làm động lực chính cho sự phát triển. Trong đó, công nghiệp phát triển theo hướng công nghệ cao; năng lượng sạch, đô thị sinh thái, thông minh, hiện đại; ưu tiên phát triển dịch vụ Logistics kết nối vùng; phát triển du lịch mang tầm cỡ quốc tế. Đảm bảo sự phát triển KKTCK tạo nên cực tăng trưởng mới, có mối quan hệ tương hỗ, phù hợp định hướng phát triển chung của Vùng TP. Hồ Chí Minh nói riêng và cả nước nói chung.
Thứ năm, Chính phủ có cơ chế phân bổ nguồn lực đầu tư hợp lý cho các công trình kết cấu hạ tầng trọng điểm, mang tính kết nối Vùng, tạo đột phá để khơi thông việc ách tắc giao thông tại các cửa ngỏ vào vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Trước mắt, các bộ, ngành Trung ương quan tâm, hỗ trợ Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Tây Ninh trong quá trình chuẩn bị và sớm khơi thông đầu tư xây dựng cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Mộc Bài.
Thứ sáu, lĩnh vực mời gọi đầu tư, cần chú trọng mời gọi các nhà đầu tư có kinh nghiệm phát triển đô thị, dịch vụ tầm cỡ khu vực Đông Nam Á và quốc tế. Về lĩnh vực đầu tư kết cấu hạ tầng công nghiệp, mời gọi các nhà đầu tư có uy tín, có năng lực tài chính mạnh, có đối tác tiềm năng trong lĩnh vực sản xuất các sản phẩm công nghệ cao, các sản phẩm sử dụng công nghệ tiến tiến, lao động kỹ thuật, các sản phẩm có giá trị gia tăng lớn, các sản phẩm nằm trong chuỗi giá trị cung ứng toàn cầu….
Thứ bảy, các dự án chậm triển khai kéo dài tại KKTCK Mộc Bài cần được giải quyết dứt điểm. Kiên quyết thu hồi các dự án không còn khả thi, chưa đảm bảo về pháp lý theo quy định.
Thứ tám, nội dung điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng KKTCK Mộc Bài phải có chất lượng, có tầm nhìn dài hạn, đảm bảo đúng định hướng, tiến độ đã đề ra để làm cơ sở triển khai các bước tiếp theo mời gọi đầu tư.
Nguyễn Mạnh Hùng,
Phó Bí thư Tỉnh uỷ Tây Ninh