Nếu như đầu những năm 2000, thương hiệu của các doanh nghiệp Việt Nam chưa được xuất hiện trong bảng xếp hạng của các tổ chức quốc tế thì đến năm 2020, theo bảng xếp hạng của Forbes Việt Nam, tổng giá trị của 50 thương hiệu hàng đầu đạt trên đạt hơn 12,6 tỉ USD, trong đó 50% doanh nghiệp có sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia, như Viettel, Vinamilk, Thaco, Hòa Phát, Habeco, Vietcombank, PNJ, Vietnam Airlines, Nutifood, Cadivi, Viglacera, Saigontourist…
Nhiều thương hiệu Việt đã gây được tiếng vang trên thị trường khu vực và thế giới. Có thể kể đến như Viettel - Tập đoàn Viễn thông và Công nghệ thông tin lớn nhất Việt Nam - top 15 nhà mạng trên thế giới về thuê bao di động và top 40 thế giới về doanh thu; Công ty cổ phần ôtô Trường Hải (Thaco) đang vươn dần lên vị trí hàng đầu trong khu vực ASEAN; Công ty TNHH Nhà nước một thành viên yến sào Khánh Hòa đứng đầu khu vực châu Á về sản lượng khai thác yến; Công ty CP Sữa TH, doanh nghiệp đầu tiên có được “giấy thông hành” đi vào thị trường Trung Quốc, thị trường có lượng tiêu thụ sữa đứng thứ hai thế giới…
Cũng theo đánh giá của Brand Finance, trong Top 50 thương hiệu giá trị nhất Việt Nam tỷ lệ doanh nghiệp có sản phẩm đạt THQG tăng qua từng năm từ 28% năm 2018 lên 34% năm 2021. Đặc biệt, trong Top 10 thương hiệu giá trị nhất Việt Nam tỷ lệ doanh nghiệp có sản phẩm đạt THQG tăng mạnh mẽ từ 20% năm 2018 lên tới 60% năm 2021. Các doanh nghiệp có sản phẩm đạt THQG Việt Nam đều được Brand Finance định giá và chiếm tỷ trọng cao trong Top 10 thương hiệu giá trị nhất Việt Nam.
Chính vì vậy, trong giai đoạn hiện nay và sắp tới việc phát triển thương hiệu quốc gia không chỉ bao hàm trong đó đại diện là sản phẩm hay doanh nghiệp. Thương hiệu quốc gia bao trùm các nội hàm rộng hơn gắn với tất cả các liên tưởng về quốc gia đó bao gồm cả hình ảnh quốc gia, các yếu tố cứng (cơ sở hạ tầng, các điểm đến, vị trí địa lý chiến lược, các quan niệm về tài sản, ổn định kinh tế, năng suất, chính sách thu hút, dịch vụ và mạng lưới hỗ trợ, chi phí hiệu quả) và các yếu tố mềm (chất lượng cuộc sống, năng lực và chuyên môn của lực lượng lao động, văn hóa quốc gia, quan hệ giữa con người, phong cách quản lý, tinh thần kinh doanh, tính chuyên nghiệp khi giao tiếp thị trường và kinh doanh, tinh thần sáng tạo trong kinh doanh, phát triển kinh tế đặc thù…). Cùng với đó, các quốc gia đều cần xây dựng thương hiệu và định vị thương hiệu quốc gia khác biệt hóa so với quốc gia khác trong một không gian toàn cầu để sự khác biệt đủ hấp dẫn và thu hút. Hình ảnh quốc gia Việt Nam giàu bản sắc dân tộc, hòa nhập nhưng không hòa tan, yêu chuộng hòa bình chính là yếu tố cốt lõi mang tính khác biệt của Việt Nam được phát huy hơn bao giờ hết. Không những vậy, do ngày nay nền sản xuất đang ngày càng tập trung trên nền tảng của khoa học công nghệ tiên tiến nên khai thác được nhiều giá trị gia tăng toàn cầu và dễ dàng để tiếp cận thị trường thế giới hơn thời kỳ trước rất nhiều. Điều này khiến cho các quốc gia nói chung và Việt Nam nói riêng đều cần phát triển thương hiệu quốc gia bằng cách thu hút nguồn lực con người có tri thức và tay nghề cao đến sống, lao động, làm việc và định cư tại quốc gia.
Chính vì vậy, để kế thừa và phát huy những thành quả đã đạt được, trong những năm qua, với vai trò là cơ quan quản lý Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam, Bộ Công Thương đã và đang tiếp tục thực hiện các hoạt động tuyên truyền, quảng bá cho Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam và khuyến khích các doanh nghiệp tham gia xét chọn sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia, cùng chia sẻ và theo đuổi các giá trị cốt lõi của Chương trình, đó là Chất lượng - Đổi mới, sáng tạo - Năng lực tiên phong. Từ đó, hướng tới mục tiêu xây dựng hình ảnh Việt Nam là một quốc gia có uy tín về hàng hóa và dịch vụ với chất lượng cao, tăng niềm tự hào và sức hấp dẫn của đất nước và con người Việt Nam, góp phần thúc đẩy phát triển ngoại thương và nâng cao năng lực cạnh tranh của Thương hiệu quốc gia Việt Nam trên trường quốc tế.
Thu Hằng