Các đại biểu dự Hội thảo quốc tế "Tương lai của Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân: Triển vọng của ASEAN" đã rất quan tâm đến tham luận về vấn đề không phổ biến vũ khí hạt nhân và sự phát triển năng lượng hạt nhân của Việt Nam, do bà Cao Hồng Lan thuộc Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam trình bày.
Trình bày tại hội thảo khai mạc sáng 6/6 tại thủ đô Jakarta, Indonesia, tham luận của bà Cao Hồng Lan khẳng định nguyện vọng hòa bình và mục tiêu phấn đấu của Việt Nam về vấn đề không phổ biến vũ khí hạt nhân và sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình và phát triển kinh tế-xã hội, thể hiện rõ qua quyết định công bố "Chiến lược sử dụng hòa bình năng lượng hạt nhân tới năm 2020" hồi tháng 1/2006, và phê chuẩn "Chiến lược Quốc gia phát triển năng lượng tới năm 2025 và tầm nhìn tới năm 2050" hồi tháng 12/2007 của Chính phủ Việt Nam.
Tham luận còn giới thiệu về những thành tựu phát triển kinh tế nổi bật của Việt Nam kể từ khi tiến hành công cuộc Đổi mới đến nay, và kèm theo đó là nhu cầu năng lượng gia tăng, đòi hỏi phát triển cả năng lượng hạt nhân để đáp ứng nhịp độ tăng trưởng nhanh của nền kinh tế. Hội thảo cũng quan tâm đặc biệt đến tiềm năng phát triển mạng lưới các nhà máy điện hạt nhân của Việt Nam.
Hội thảo do Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế Indonesia (CSIS) tổ chức, với sự tham dự của hơn 60 đại biểu, bao gồm các học giả, nhà nghiên cứu, đại diện các cơ quan nhà nước về năng lượng hạt nhân, một số tổ chức liên quan đến từ các nước thành viên ASEAN, Vương quốc Anh, và quan chức một số Đại sứ quán nước ngoài tại Indonesia, trong đó có Việt Nam, Philippines, Malaysia, Thái Lan và Nga. Các đại diện Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam và Vụ Chính sách Đối ngoại thuộc Bộ Ngoại giao Việt Nam đã tham dự hội thảo.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Tổng Vụ trưởng Vụ Hợp tác ASEAN thuộc Bộ Ngoại giao Indonesia Djauhari Oratmangun đã nhấn mạnh đòi hỏi cấp thiết duy trì hòa bình, hợp tác, an ninh và ổn định ở Đông Nam Á; tầm quan trọng của việc không phổ biến vũ khí hạt nhân và sử dụng hạt nhân vì mục đích hòa bình đối với ASEAN nói chung và mỗi nước thành viên nói riêng; nhấn mạnh mục tiêu chung của ASEAN về một khu vực và thế giới không những không phổ biến vũ khí hạt nhân, mà còn phải tiến tới giải trừ hoàn toàn vũ khí hạt nhân; nêu bật ý nghĩa thiết thực của cuộc hội thảo.
Trong hai ngày, các đại biểu tập trung thảo luận, trao đổi bốn chủ đề đang được quan tâm là "Chu kỳ xem xét lại Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân 2010-2015: Ảo tưởng hay hy vọng?" "An toàn hạt nhân và bảo vệ vật lý các vật liệu hạt nhân," "Sử dụng dân sự công nghệ hạt nhân: Hậu Fukushima," "Hiệp ước khu vực không vũ khí hạt nhân Đông Nam Á và tổng quan về giải trừ và không phổ biến vũ khí hạt nhân"./.
(TTXVN/Vietnam+)