Thứ Bảy, 23/11/2024
Dân tộc - Tôn giáo
Thứ Sáu, 10/11/2023 17:0'(GMT+7)

Điện Biên: Quan tâm, giúp đỡ người dân giảm nghèo bền vững nhất là đồng bào các dân tộc thiểu số vùng cao

Tham gia chuỗi liên kết trồng bí xanh, trong vụ đầu, các hộ dân được nguồn vốn của Dự án 3 Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi hỗ trợ từ 90 - 95% chi phí giống, phân bón, vật tư.

Tham gia chuỗi liên kết trồng bí xanh, trong vụ đầu, các hộ dân được nguồn vốn của Dự án 3 Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi hỗ trợ từ 90 - 95% chi phí giống, phân bón, vật tư.

BỘ MẶT NÔNG THÔN, BẢN LÀNG NGÀY CÀNG KHỞI SẮC

Điện Biên là tỉnh vùng cao nằm ở biên giới phía Tây Bắc của Tổ quốc, nơi tập trung 82,62% dân số là đồng bào DTTS cuộc sống của bà con nơi đây còn nhiều khó khăn, thiếu thốn.

Theo báo cáo của Ban Dân tộc tỉnh Điện Biên, từ năm 2021-2023, tổng số vốn bố trí thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi trên địa bàn tỉnh là trên 2,168 tỷ đồng.

Trong đó, vốn ngân sách Trung ương là trên 1,965 tỷ đồng, tỉnh đã phân bổ trên 1,941 tỷ đồng, đạt 98,8% kế hoạch. Tính đến ngày 30/9/2023, tỉnh đã giải ngân trên 750 tỷ đồng, đạt 38,64% kế hoạch vốn giao. Đối với vốn ngân sách địa phương, tỉnh đã bố trí và phân bổ gần 97 tỷ đồng. Đến ngày 30/9/2023, đã giải ngân 52 tỷ đồng, đạt 54% kế hoạch vốn giao…

Đánh giá cao kết quả giảm nghèo trên địa bàn tỉnh, đồng chí Lê Thành Đô, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Điện Biên, cho biết: Giai đoạn 2021-2023 là những năm đầu giai đoạn thực hiện các Chương trình MTQG, song với quyết tâm cao, tỉnh Điện Biên đã lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện công tác giảm nghèo và chính sách an sinh xã hội tập trung hoàn thành cơ bản cơ chế, chính sách, hệ thống văn bản chỉ đạo, quản lý tổ chức thực hiện. 

Cây cầu mới giúp người dân trong bản không còn phải chịu cảnh lội suối, ngồi bè mảng đi lại qua sông.

Cây cầu mới giúp người dân trong bản không còn phải chịu cảnh lội suối, ngồi bè mảng đi lại qua sông.

Với những quyết tâm xóa đói giảm nghèo cho vùng đồng bào DTTS trong 6 tháng đầu năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh Điện Biên đã giảm 8,33% so năm 2021. Trong đó, tỷ lệ hộ nghèo các huyện nghèo giảm trên 5,5%; tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS giảm hơn 5%. 100% các huyện nghèo được hỗ trợ đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế-xã hội liên kết vùng, phục vụ dân sinh, sản xuất, thương mại, lưu thông hàng hóa và cung cấp các dịch vụ xã hội cơ bản. 

SỬ DỤNG CÓ HIỆU QUẢ CÁC NGUỒN VỐN ĐẦU TƯ CHO HẠ TẦNG, THÚC ĐẨY PHÁT TRIỂN KINH TẾ

Tại huyện vùng cao Tủa Chùa, tỉnh Đi Biên việc thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới tại cơ sở gặp nhiều khó khăn song huyện đã chủ động khắc phục bằng các giải pháp linh hoạt, sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư cho chương trình.

Ông Nguyễn Minh Tuân, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Triển khai thực hiện chương trình, UBND huyện đã chỉ đạo UBND các xã, các cơ quan, đơn vị sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư cho hạ tầng, lựa chọn các công trình vừa thúc đẩy phát triển kinh tế, vừa đảm bảo phục vụ cho đời sống sinh hoạt của nhân dân để ưu tiên đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng ở các xã. Theo đó, huyện đã đầu tư nâng cấp, cải tạo và làm mới các công trình đường giao thông, thủy lợi, kiên cố hóa kênh mương, kè đập đảm bảo chủ động tưới tiêu cho diện tích đất sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản...

Nhiều công trình giao thông, thủy lợi được hoàn thành và đưa vào sử dụng đã mang lại lợi ích thiết thực, phục vụ phát triển sản xuất và đời sống của Nhân dân. Đến nay ở nhiều xã, các trục đường giao thông nông thôn đã được bê tông hóa, đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện. Đến ngày 30/6/2023, bình quân các xã của huyện đạt 11,09 tiêu chí Nông thôn mới (trong đó có 3 xã: Mường Báng, Mường Đun, Tủa Thàng cơ bản đạt từ 12-14 tiêu chí); các xã còn lại đạt từ 8-11 tiêu chí.

Hay ở xã Phì Nhừ, huyện Điện Biên Đông có 9 hộ nghèo được hỗ trợ làm nhà theo Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững. Gia đình anh Hờ A Dình, bản Háng Trợ (xã Phì Nhừ) mặc dù chăm chỉ lao động song vẫn chưa thể thoát nghèo, 4 người vẫn ở trong ngôi nhà tạm.

Năm 2023, qua rà soát gia đình anh Dình được UBND huyện Điện Biên Đông hỗ trợ 40 triệu đồng từ nguồn Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững; Uỷ ban MTTQ huyện Điện Biên Đông hỗ trợ thêm 10 triệu đồng từ Quỹ “Vì người nghèo” để dựng căn nhà mới.

Anh Hờ A Dình chia sẻ: Từ nguồn hỗ trợ của Nhà nước, tôi đã vay mượn thêm anh em, người thân để xây dựng ngôi nhà kiên cố và khang trang hơn. Đến nay, ngôi nhà tôi đã hoàn thiện xong. Có ngôi nhà mới, gia đình tôi yên tâm lao động, sản xuất, ổn định cuộc sống và phấn đấu thoát nghèo.

Ông Bùi Xuân Thức, Bí thư Đảng ủy xã Phì Nhừ cho biết: Xã Phì Nhừ đã thành lập các tổ giúp việc tới từng hộ, từng thôn để rà soát, xác minh về nhà ở qua đó xác định, phân loại các hộ theo thứ tự ưu tiên. Sau đó, trình Ban chỉ đạo huyện xét duyệt và cấp kinh phí thực hiện. Sau khi được giao vốn, các đồng chí trong Ban Chỉ đạo của xã phân công phụ trách từng hộ, theo từng địa bàn cụ thể đôn đốc và giám sát quá trình triển khai để đảm bảo đúng đối tượng, tiến độ theo yêu cầu đề ra.

Trong giai đoạn 2021-2025, Điện Biên phấn đấu mỗi năm giảm từ 4% trở lên tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều; trong đó, các huyện nghèo giảm trung bình từ 5,5% trở lên; tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS giảm bình quân từ 5% trở lên. Năm 2025, tỉnh có 2 huyện thoát nghèo; tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm còn 18,9%.

Cùng sự chung tay của các cấp chính quyền, sự nỗ lực phấn đấu vươn lên của hộ nghèo, các đối tượng yếu thế, tỷ lệ hộ nghèo tại Điện Biên đã giảm rõ rệt. Trong giai đoạn 2021-2023, tỷ lệ hộ nghèo giảm 4,55% (đạt và vượt mục tiêu đề ra). Với những kết quả đạt được đã góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh và giữ vững trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.

Đặng Hải Triều

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất