Thứ Bảy, 27/7/2024
Dân tộc - Tôn giáo
Thứ Sáu, 10/11/2023 9:15'(GMT+7)

Tuyên Quang: Phát huy vai trò của người có uy tín trong cộng đồng để xóa đói giảm nghèo

Vườn na 1.000 cây mang lại giá trị kinh tế cao của gia đình chị Ma Thị Lan, thôn Yên Mỹ 1, xã Hoàng Khai (Yên Sơn). Ảnh Báo Tuyên Quang

Vườn na 1.000 cây mang lại giá trị kinh tế cao của gia đình chị Ma Thị Lan, thôn Yên Mỹ 1, xã Hoàng Khai (Yên Sơn). Ảnh Báo Tuyên Quang

Đồng lòng vì việc chung

Xã Chiêu Yên (Yên Sơn) có 14 thôn, 8 dân tộc với 1.124 hộ, 4.482 khẩu. Người dân trong xã chủ yếu làm nông, lâm nghiệp kết hợp chăn nuôi (chiếm 95%), còn lại là kinh doanh dịch vụ và buôn bán lẻ.

Đồng chí Trần Thị Liên, Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Chiêu Yên cho biết: Thời gian qua, MTTQ xã đã phối hợp với chính quyền, các tổ chức thành viên tuyên truyền, vận động nhân dân hiến được 2.360 m2 đất làm đường. Từ năm 2021 đến nay, đã làm được 17.482 m đường trục thôn và đường nội đồng, vận động nhân dân được gần 600 ngày công lao động, nạo vét được 6.760 m mương nội đồng; tu sửa, phát quang các tuyến đường giao thông.

Thực hiện Đề án xóa nhà tạm, dột nát giai đoạn 2021 - 2025, xã đã thực hiện hỗ trợ xóa được 20 nhà tạm, dột nát, trong đó làm mới 14 nhà, sửa chữa 6 nhà. Ngoài ra, còn tuyên truyền những hộ nghèo ngoài đề án, có nhà tạm, dột nát làm mới 12 nhà. Một trong những điều rất đáng phấn khởi nữa là cuối tháng 5/2023, xã Chiêu Yên sẽ hoàn thành 05 cây cầu trên đường giao thông nông thôn trên địa bàn xã.

Cán bộ và nhân dân thôn Vằng Lè giúp đổ móng nhà cho gia đình anh Lục Văn Ban là hộ nghèo làm mới nhà ở.

Cán bộ và nhân dân thôn Vằng Lè giúp đổ móng nhà cho gia đình anh Lục Văn Ban là hộ nghèo làm mới nhà ở. Ảnh: Báo Tuyên Quang

Đến thăm gia đình anh Lương Văn Hanh và chị Lê Thị Tuyết, thôn Cây Chanh, xã Chiêu Yên khi ngôi nhà của anh chị đã gần hoàn tất. Anh Hanh bị nặng tai, không thể chuyện trò cùng khách, chị Tuyết vợ anh cho biết: gia đình anh chị trước đây sống trong ngôi nhà tạm chừng hơn 30 mét vuông, rất nóng nực, chật chội. Mùa mưa, gió bão từng lột bay hết mái prô xi măng 3, 4 lần rồi… Được nhà nước hỗ trợ 50 triệu đồng, cùng sự giúp sức, hỗ trợ của hai bên gia đình nội, ngoại, nay ước mơ của gia đình anh chị đang dần thành hình… niềm vui lan tỏa theo từng ánh mắt, tiếng cười khi ngôi nhà 100 mét vuông của anh chị không còn là ước mơ nữa mà đã trở thành hiện thực.

Ngoài nỗ lực xóa nhà tạm, dột nát, vươn lên thoát nghèo, nhiều hộ gia đình trong xã đã tích cực hiến đất, ngày công, chung sức cùng chính quyền địa phương xây dựng các hạng mục công trình phát triển kinh tế - xã hội. Anh Bàn Văn Mạnh, thôn Tân Lập cho biết: vừa qua, thực hiện dự án xây cầu Đồng Tráng 1 và Đồng Tráng 2, kết nối giữa thôn Tân Lập với thôn Đán Khao, do hai bên đầu cầu không đủ diện tích đất để thi công, nên gia đình anh và một số hộ đã quyết định hiến đất để nhà nước xây cầu, cụ thể gia đình anh đã hiến gần 150 m2 đất để xây cầu. Anh bảo, trước không có cầu, mỗi lần mưa lũ, bà con hai bên suối không thể qua lại được, rất khổ. Khi nhà nước có chủ trương xây cầu cho thôn thì mọi người trong gia đình anh đều đồng lòng hiến đất để làm cầu. Năm 2022, cây cầu hoàn thành, bà con đi lại bớt vất vả, nông sản giao thương vận chuyển thông suốt, vừa thuận tiện cho bà con trong thôn, vừa góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Mô hình trang trại cây ăn quả của vợ chồng anh Đinh Văn Điện, chị Đào Thị Lệ Tuyết, thôn Quang Sơn là một trong những mô hình tiêu biểu của xã Chiêu Yên cả về diện tích trồng cam sạch hữu cơ, chất lượng 3 sao đến hiệu quả đầu ra trong tiêu thụ, bao tiêu sản phẩm, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Anh Điện chia sẻ: mình là dân làm máy xây dựng từ năm 2012 đến 2016. Năm 2017, do gặp nhiều khó khăn, mình đã quyết định chuyển hướng sang mua đất làm trang trại cây ăn quả.

Ban đầu cũng chỉ trồng 1 - 2 ha cam thôi, nhưng thấy cây cam hợp thổ nhưỡng, khí hậu, mình mua thêm đất của bà con vùng lân cận, hiện gia đình mình có trên 8 ha, trồng chủ yếu cam sành (5 ha); cam V2, cam Vinh, cam canh (3 ha). Ngoài ra, vợ chồng anh cũng trồng được trên 150 gốc chanh tứ thì; bưởi da xanh… tạo công ăn việc làm cho 10 lao động địa phương với mức thu nhập 6 triệu đồng/người/tháng. Đầu ra của cam hữu cơ rất khả quan, thương lái đến cắt, thu mua tận vườn, mỗi năm trừ chi phí mang lại thu nhập   khoảng 700 triệu đồng.

Đồng chí Mông Thanh Vấn, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Chiêu Yên cho biết: Mục tiêu xây dựng nông thôn mới của xã là người dân làm chủ thể, là người thụ hưởng thành quả nông thôn mới. Chính vì vậy, xã tập trung tuyên truyền để dân hiểu, dân tin, để người dân thấy được quyền lợi, trách nhiệm của mình, đặc biệt là những tiêu chí có tác động trực tiếp đến đời sống, sản xuất và sinh hoạt của người dân, từ đó tích cực chung tay cùng với chính quyền hoàn thành mục tiêu chung.

Phát huy vai trò người có uy tin trong cộng đồng

Dẫn chúng tôi đến thăm gia đình bà Hứa Thị Xuân, người có uy tín thôn Yên Cốc, xã Yên Nguyên (Chiêm Hóa), chị Phạm Thị Hồng, Phó Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn hồ hởi giới thiệu: Ở tuổi 65, bà Xuân vẫn hăng say phát triển kinh tế. Bà là tấm gương cho cán bộ, đảng viên, nhân dân của thôn noi theo.

Cơ ngơi của gia đình bà  Xuân gồm ngôi nhà xây khang trang, rộng rãi, sạch sẽ; cây trái sum suê 4 mùa. Chỉ tay về phía ao, bà Xuân bảo: Gia đình vừa đầu tư trên 300 triệu đồng để kiên cố hóa đường bê tông dẫn vào khu sản xuất; cải tạo, kiên cố hóa xung quanh bờ ao, hệ thống tạo oxy, cấp và thoát nước... để nâng cao hiệu quả chăn nuôi cá. Bà Xuân nguyên là giáo viên nghỉ hưu. Năm 2013, sau 2 năm trở về sinh hoạt Đảng tại địa phương, bà được tín nhiệm bầu là người có uy tín trong đồng bào  dân tộc thiểu số.  Giai đoạn này, xã đang tập trung xây dựng nông thôn mới, bà đã tích cực vận động nhân dân tham gia đóng góp sức người, sức của xây dựng cơ sở hạ tầng; tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, phát triển kinh tế hộ gia đình, nâng cao thu nhập.

Phát huy trách nhiệm nêu gương, bà cùng bàn với chồng chuyển đổi diện tích đất sản xuất trồng các loại cây ăn quả; thâm canh, xen canh trồng các loại cây ngắn ngày để lấy ngắn nuôi dài. Hiện nay, mô hình kinh tế tổng hợp của gia đình bà gồm 1,3 ha rừng; trên 100 gốc thanh long đỏ, 100 gốc bưởi, 70 gốc chanh tứ mùa, 50 gốc bưởi diễn; tre mai, tre bát độ. Hàng năm, bà Xuân còn thu được trên 1 tấn bí đỏ, cà pháo nhờ trồng xen vào diện tích chanh tứ mùa. Bên cạnh chăn nuôi cá, gia đình bà còn chăn nuôi lợn sinh sản để bán lợn giống, chăn nuôi gà. Sau khi trừ chi phí, mô hình của gia đình bà đạt khoảng 250 triệu đồng/năm.

Nhiều năm qua, cấp ủy, chính quyền xã Thượng Nông (Na Hang), đồng bào Tày của thôn Bản Khẻ ghi nhận tấm lòng cho đi của ông Hoàng Văn Tại, người có uy tín của thôn. Không chỉ tích cực chuyển đổi cơ cấu, cây trồng vật nuôi, mỗi năm cho nguồn thu khoảng 100 triệu đồng. Trong 8 năm qua, ông đã cho hàng chục lượt hộ dân tộc Mông, khu dân cư Đông Đăm vay vốn với lãi suất thấp để phát triển mô hình chăn nuôi và buôn bán trâu, bò. Mỗi hộ trung bình được vay từ 50 - 70 triệu đồng; tổng nguồn vốn khoảng 600 triệu đồng.

Từ trước năm 2013, tình trạng đói đứt bữa tồn tại ở Bản Khẻ chiếm đến trên 80%. Nguyên nhân là do các hộ dân còn nghèo, không có tiền mua phân bón cho cây lúa, ruộng bỏ không nhiều. Trước tình trạng đó, 10 năm qua, ông Tại bỏ tiền mua phân lót, phân NPK, phân đạm để ứng trước cho bà con trồng lúa. 1 năm 2 vụ lúa, ông Tại ứng khoảng từ 16 - 18 tấn phân các loại, trị giá khoảng 120 triệu. Người dân trả góp tiền phân cho ông sau thu hoạch lúa. Nhờ sự hỗ trợ của ông, 100% diện tích đất lúa của thôn thường xuyên được canh tác, sản lượng đạt trên 140 tấn/năm; tỷ lệ đói đứt bữa chỉ diễn ra ở những hộ nghèo, thường xuyên đau ốm, bệnh tật.

Với khả năng “nói dân tin, làm dân theo”, đội ngũ người có uy tín trên địa bàn tỉnh ta là “hạt nhân” phát triển kinh tế ở địa phương; được đồng bào tín nhiệm, tôn trọng, tin tưởng. Họ vừa chủ động, tiên phong xây dựng mô hình kinh tế hộ gia đình; định hướng và giúp đỡ hướng dẫn nhân dân địa phương cùng phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững, vừa góp sức mình hoàn thành các chương trình xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo,  triển khai đầy đủ các cơ chế, chính sách hỗ trợ sinh kế cho đồng bào tại địa phương./.

TG


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất