Thứ Bảy, 30/11/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Sáu, 14/10/2011 17:31'(GMT+7)

Phong trào “toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đã đi vào cuộc sống ở Quảng Trị

Lễ tuyên dương, khen thưởng đơn vị văn hóa xuất sắc năm 2010 và gia đình văn hóa xuất sắc tiêu biểu 10 năm (2001-2011) ở Quảng Trị, ngày  30/8/2011. Ảnh Internet

Lễ tuyên dương, khen thưởng đơn vị văn hóa xuất sắc năm 2010 và gia đình văn hóa xuất sắc tiêu biểu 10 năm (2001-2011) ở Quảng Trị, ngày 30/8/2011. Ảnh Internet

Từ thực tiễn, có thể nêu một số kết quả chủ yếu trong bức tranh sáng của Phong trào “toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” , hiện Nghị quyết TW 5 (khóa VIII) “Về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc” ở Quảng Trị như sau:

Sau hơn 10 năm thực hiện NQTW5 (khóa VIII) “về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc”, lĩnh vực văn hóa tinh thần ở Quảng Trị đã thực sự có bước chuyển rõ nét. Phong trào “toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đã làm chuyển biến quan trọng về nhận thức của lãnh đạo Đảng, chính quyền các cấp, các ngành và nhân dân về xây dựng, phát triển toàn diện xã hội theo yêu cầu mới.

Ý nghĩa, tầm quan trọng của phong trào ngày càng thấm sâu hơn trong đời sống tinh thần của người dân. Từ nhận thức đúng, phong trào ngày một phát triển mạnh mẽ hơn. Nhiều cấp ủy Đảng đã đưa nội dung xây dựng đời sống văn hóa vào Nghị quyết và xem đó là một tiêu chí đánh giá, xếp loại trong sạch vững mạnh ở các chi, đảng bộ cơ sở. Hàng năm, hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân các cấp đã đưa mục tiêu tổng quát, các chỉ tiêu xây dựng làng văn hóa, gia đình văn hóa vào chương trình hành động của địa phương, đồng thời quán triệt cho cán bộ, đảng viên triển khai học tập, thực hiện, đến từng làng, bản, khu phố, các cơ quan, doanh nghiệp, trường học và các lực lượng vũ trang trong tỉnh...

Nhiều địa phương, đơn vị đã làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến nội dung tiêu chí xây dựng, bình xét và công nhận “làng văn hóa” “đơn vị văn hóa”, “gia đình văn hóa”. Bên cạnh nội dung các tiêu chí của tỉnh, một số địa phương, đơn vị đã bổ sung, cụ thể hóa nhằm đáp ứng với yêu cầu thực tế địa phương, đơn vị mình. Công tác bình xét “làng văn hóa”, “đơn vị văn hóa”, “gia đình văn hóa” được thực hiện dân chủ, công khai, chặt chẽ. Việc công nhận lại “làng văn hóa”, “gia đình văn hóa” hàng năm ở một số địa phương được quan tâm, khắc phục dần tình trạng chạy theo thành tích, số lượng.

Đến nay, toàn tỉnh Quảng Trị có:117.002/134.110 gia đình được công nhận “gia đình văn hóa”, đạt tỷ lệ 87%); 1.467/1.799 làng, bản, khu phố, cơ quan, đơn vị được công nhận làng, bản, khu phố, cơ quan, đơn vị văn hóa, đạt tỷ lệ 81,5%; 850/941 làng văn hóa được Ban Chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” các cấp đánh giá đã thực hiện tốt nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội đạt 90%.

Điểm sáng trong phong trào xây dựng “làng văn hóa” ở Quảng Trị đã có nhiều làng văn hóa phát triển bền vững, toàn diện đạt các chỉ tiêu cấp tỉnh và toàn quốc như: Làng Kỳ Nơi – xã A Túc (huyện Hướng Hóa); Làng Bích La Đông, xã Triệu Đông, (huyện Triệu Phong); Làng Thủy Ba Đông, xã Vĩnh Thủy huyện Vĩnh Linh...

Đây thực sự là những điểm sáng- điển hình tiêu biểu, đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tặng Bằng khen tại Hội nghị tổng kết 20 năm phong trào xây dựng làng văn hóa toàn quốc.

Và điểm nhấn trong phong trào này là tại hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tổ chức tại Hà Nội (tháng 02/2011), Làng Tùng Luật, xã Vĩnh Giang, huyện Vĩnh Linh trở thành một trong 29 làng văn hóa xuất sắc tiêu biểu trong cả nước được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng III, về thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Đông Trường Sơn, Khối phố 3B, thị trấn Khe Sanh, huyện Hướng Hóa và nhiều cá nhân xuất sắc tiêu biểu khác được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tặng bằng khen. Năm 2010, UBND tỉnh tiếp tục ghi nhận và khen thưởng 32 đơn vị văn hóa xuất sắc năm 2010 và 45 gia đình Văn hóa xuất sắc tiêu biểu 10 năm (2001- 2011).

Đặc biệt, từ phong trào "toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đã xuất hiện ngày càng nhiều “làng văn hóa”, “cơ quan văn hóa”, “đơn vị văn hóa” và nhiều “gia đình, dòng họ tiêu biểu”. Đây là những sắc màu góp phần tô thắm thêm sắc đẹp trong vườn hoa xây dựng đời sống văn hóa của tỉnh.

Một trong những dấu ấn của phong trào đó là sau kết quả nhiều năm phấn đấu, 03 huyện, thị xã Quảng Trị, huyện Hải Lăng, huyện Vĩnh Linh đã được Ủy ban Nhân dâm tỉnh công nhận đạt danh hiệu huyện, thị điển hình văn hóa. Chính kết quả này đã góp phần làm cho phong trào xây dựng đời sống văn hóa trở thành một phong trào rộng lớn, toàn dân, toàn diện, bao trùm mọi lĩnh vực của đời sống xã hội và thực sự đi vào chiều sâu, hiệu quả.

Mặt khác, cùng với phòng trào xây dựng làng văn hóa, cơ quan văn hóa, Quảng Trị thực sự chú trọng công tác giáo dục truyền thống cách mạng cho nhân dân, nhất là thế hệ trẻ. Nhiều lễ hội cách mạng, nhiều sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch mang tầm vóc quốc gia và khu vực ở Quảng Trị trong những năm gần đây đã tạo được ấn tượng mạnh mẽ trong tình cảm của đồng bào, đồng chí cả nước và bạn bè quốc tế. Trong điều kiện của một tỉnh còn nghèo, Quảng Trị đã có nhiều cách làm sang tạo nhằm huy động được nhiều nguồn lực để đầu tư tôn tạo các di tích lịch sử, văn hóa quan trọng, xây dựng các thiết chế phục vụ cho hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch từ tỉnh đến cơ sở, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của nhân dân. Sự tham gia tích cực, tự giác của nhân dân vào các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao ngày càng được phát huy. Nhiều nét mới về giá trị văn hóa và chuẩn mực đạo đức từng bước được hình thành. Cái mới, cái đẹp, cái tốt được nhân lên; cái xấu, cái ác, cái tiêu cực đang được cả xã hội lên án và đẩy lùi.

Có thể khẳng định rằng những thành công của phong trào đã có tác động mạnh mẽ, toàn diện, tác động tích cực đến đời sống tinh thần của toàn xã hội, góp phần quan trọng vào việc thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị; phấn đấu hoàn thành các mục tiêu kinh tế - xã hội, quốc phòng – an ninh mà Nghị quyết Đại hội tỉnh Đảng bộ Quảng Trị đã đề ra.

Để có được kết quả trên, trước hết là sự quan tâm lãnh đạo chỉ đạo sâu sát của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban mặt trận Tổ quốc tỉnh, sự phối hợp có hiệu quả của lãnh đạo các sở, ban ngành, đoàn thể, các huyện, thị xã, thành phố và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự hưởng ứng tích cức của cán bộ, nhân dân, các lực lượng vũ trang toàn tỉnh.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, phong trào “toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” vẫn còn một số mặt hạn chế, tồn tại cần được khắc phục, đó là:

Một là, phong trào ở một số địa phương chưa được chú ý đúng mức. Có nơi đề ra kế hoạch nhưng chưa phù hợp với từng thời gian, từng đối tượng cụ thể nên không thực hiện hoặc thực hiện chưa đầy đủ các tiêu chí của phong trào.

Hai là, nếp sống văn hóa mới ở một bộ phận người dân còn chậm được hình thành, nhất là văn hóa, văn minh đô thị; vi phạm an toàn giao thông còn phổ biến nhiều nơi, vệ sinh môi trường đang là vấn đề rất đáng quan tâm. Các biểu hiện thiếu văn minh, văn hoá nơi sinh hoạt công cộng còn bức xúc.

Ba là, sự mai một các giá trị văn hoá truyền thống trong một bộ phận thanh niên có biểu hiện quan ngại làm ảnh hưởng không ít đến đời sống văn hoá tinh thần của nhân dân...

Bốn là, hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở hiện có chưa đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa và sáng tạo của nhân dân.

Năm là, công tác khen thưởng, động viên phong trào ở một số địa phương còn nhiều bất cập nên chưa thu hút, động viên được phong trào. Một số cơ chế, chính sách thu hút các nguồn lực thực hiện xã hội hoá về lĩnh vực xây dựng đời sống văn hóa còn gặp nhiều khó khăn, không ổn định. Sự phối hợp giữa các cấp, các ngành, các đoàn thể trong chỉ đạo, tổ chức, triển khai phong trào có thời điểm, có nơi còn thiếu tích cực, thậm chí còn biểu hiện tính hình thức…

Trong những năm tới, Quảng Trị sẽ đặc biệt quan tâm việc kế thừa, phát huy những kết quả đạt được của phong trào “toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, đồng thời tuyên truyền, nhân rộng các điểm hình tiên tiến để cổ vũ các tầng lớp nhân dân tiếp tục hướng ứng phong trào rất có ý nghĩa nhân văn này.

Để Nghị quyết TW 5 (Khoá VIII) “về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” tiếp tục đi vào cuộc sống, tỉnh ủy Quảng Trị đặc biệt quan tâm, coi trọng chỉ đạo lĩnh vực xây dựng đời sống văn hóa tinh thần. Đó cũng là một trong những nhiệm vụ quan trọng mà Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Trị lần thứ XV, nhiệm kỳ 2010 – 2015 đã để ra. Đó là: tiếp tục đưa phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá" đi vào chiều sâu. Thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, hỏi, đám tang, lễ hội; đẩy lùi các hủ tục, tệ nạn cờ bạc, ma tuý, mại dâm, bạo lực, gây rối trật tự công cộng. Xây dựng, tăng cường hiệu quả hoạt động của hệ thống thiết chế văn hoá, thể thao từ tỉnh đến cơ sở, bảo đảm tính thiết thực và bền vững; từng bước khắc phục tình trạng chênh lệch về mức hưởng thụ văn hoá của nhân dân giữa thành thị và nông thôn, giữa miền núi với đồng bằng. Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong việc xây dựng tư tưởng, đạo đức, lối sống, góp phần xây dựng sự nghiệp văn hoá - thể thao Quảng Trị vững mạnh về mọi mặt; không ngừng nâng cao đời sống văn hoá, tinh thần, thể chất và sức khoẻ của nhân dân, phục vụ tốt cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh...

Nguyễn Chí Linh
Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Quảng Trị

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất