Thứ Ba, 24/9/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Ba, 18/10/2011 10:5'(GMT+7)

Đẹp với ai?

Theo phản ánh của người dân thì đây là đống vữa đám thợ bỏ lại sau khi lắp ghép các bức tranh cho "Con đường gốm sứ ven sông Hồng".

Theo phản ánh của người dân thì đây là đống vữa đám thợ bỏ lại sau khi lắp ghép các bức tranh cho "Con đường gốm sứ ven sông Hồng".

Thực tế, đã có không ít công trình, kể từ khi "đi vào cuộc sống" đã rơi vào tình cảnh của những đứa con ra ở riêng, không được "bố mẹ" chăm chút, đoái hoài. Nó xuống cấp, hư hỏng thế nào gần như là điều không được các bậc sinh thành "đoái trông" đến nữa.

Năm ngoái, nhân kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, UBND Tp Hà Nội đã làm lễ khánh thành "Con đường gốm sứ ven sông Hồng", một công trình gồm những bức tranh tường làm bằng gốm sứ (thể hiện cảnh sinh hoạt, chiến đấu của nhân dân ta suốt mấy nghìn năm lịch sử cũng như những nét văn hóa, danh lam thắng cảnh đặc sắc vùng miền) gắn dọc tường đê bao chạy dài từ cửa khẩu An Dương tới cửa khẩu Vạn Kiếp. Tuy còn ý kiến băn khoăn này khác song về cơ bản, việc thực hiện bức tranh tường hoành tráng này đã được công luận đồng tình ủng hộ. Năm 2009, tác giả của ý tưởng công trình - nữ họa sĩ Nguyễn Thu Thủy đã được nhận giải "Bùi Xuân Phái - vì tình yêu Hà Nội" và bức tranh tường "Con đường gốm sứ ven sông Hồng" (với chiều dài 3.950 mét, diện tích 7.000 mét vuông) sau đó cũng đã được tổ chức Kỷ lục Guiness công nhận là bức tranh gốm  lớn nhất thế giới.

Ai đã từng tận  mắt chiêm ngưỡng bức tranh tường này sẽ thấy nó được thực hiện khá kỳ công. Hình ảnh sinh động - mỗi mảng tường là một nội dung khác nhau, hầu như hiếm khi lặp lại. Có đoạn tường, những người thực hiện đã cho nâng cao so với trước để khỏi phải cắt bớt bức tranh gốm. Nghĩa là, không phải họ "đẽo chân cho vừa giày" mà gọt giày cho vừa chân. Bức tranh chứ không phải bức tường là chủ thể.

Tuy nhiên, đúng như điều mà báo chí từng lo ngại: Ấy là công tác bảo quản, gìn giữ và phát huy tác dụng của công trình. Một điều thật đáng buồn là bức tranh tường đẹp là vậy, song ở nhiều chỗ, do vị trí địa lý, nó trở thành chỗ để đám người vô ý thức, "hàng rong vỉa hè" thoải mái trút xả…"nỗi buồn"! Không khó khăn gì để ta tìm thấy trên các trang mạng những bức ảnh ghi lại cảnh tượng đáng phê phán này. Đài Truyền hình Việt Nam cũng từng có phóng sự phản ảnh việc mất mỹ quan ở một số điểm trên "Con đường gốm sứ…".

Dẫu sao, "thủ phạm" của các hành vi xấu ấy chủ yếu vẫn là những người dân thiếu ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường, không biết trân trọng các giá trị văn hóa nghệ thuật. Tôi trách họ nhưng không trách nặng bằng những người có hành vi sau đây:

Trên vỉa hè dọc theo "Con đường gốm sứ…" đoạn từ dốc Vạn Kiếp lên dốc Bác Cổ, khách bộ hành không khỏi bức xúc khi bắt gặp mấy đống vữa xi măng đã đông két lại, nằm chình ình dưới chân bức tranh tường rực rỡ sắc màu, làm vướng chân người qua lại (không ít cụ già sáng sớm đi tập thể dục đã bị vấp ngã). Theo phản ảnh của người dân trong khu vực thì đây là đống vữa mà những người thợ dùng để lắp ghép các bức tranh gốm lên tường từ năm ngoái. Khi họ lắp xong bức tranh gốm thì đống vữa thừa, họ bỏ lại như thế. Hiện những người dân mỗi khi đi qua đoạn vỉa hè này, họ đều phải "thận trọng"… bước xuống đường bởi đống xi măng khá to, nếu không may vấp phải, không gãy chân thì cũng ngã vỡ mặt!

Thật không sao hiểu nổi! Chẳng lẽ ai đó chỉ lo làm đẹp cho bức tường, còn dưới chân tường thì xấu bẩn thế nào, họ không cần biết?

Tường đẹp mà người dân không có đường vào để ngắm thì cái đẹp ấy dành cho ai, đẹp với ai?

Được biết, đống vữa xi măng chết cứng ấy đã nằm lù lù trên đoạn vỉa hè này từ cả năm nay rồi.

Căn bệnh hình thức - nói mãi vẫn thế!./.

(Theo: Linh Nguyên/CAND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất