Thứ Ba, 24/9/2024
Nghiên cứu trao đổi
Chủ Nhật, 16/10/2011 13:19'(GMT+7)

Hội nhập phải bằng bản sắc

 

Giống như Liên hoan phim lần thứ XV và XVI, tiêu chí Liên hoan phim Việt Nam lần thứ XVII vẫn là Vì một nền điện ảnh Việt Nam đổi mới và hội nhập. Hội nhập thì rõ rồi, nhưng thật khó hiểu thế nào là đổi mới? Đổi mới đây phải chăng là đổi mới cách nhìn nhận vấn đề, đổi mới phong cách để hợp với khẩu vị phương Tây? Và có phải chăng phong cách như phim Chơi vơi hay Bi, đừng sợ mới chính là phong cách của đổi mới và hiện đại? Nếu hiểu như thế thì sự hội nhập của Việt Nam chỉ còn là sự hòa lẫn vào dòng chảy của thế giới...

Nhìn lại Liên hoan phim XVI, chúng ta hiểu vì sao cả 3 phim do đạo diễn Việt kiều thực hiện đều chung một thông điệp là cội nguồn dân tộc. 14 ngày phép (đạo diễn Nguyễn Trọng Khoa) là một cuộc trở về của chàng trai xa quê hương đã lâu, và từng bước anh thấm thấu tiếng vọng của quê hương qua con cầu khỉ bắc ngang kênh, tiếng đàn bầu và câu vọng cổ ngọt ngào trong đêm.

Chuyện tình xa xứ (đạo diễn Victor Vũ) là hai mối tình của hai chàng trai du học nước ngoài và dù cho hoàn cảnh có khác nhau, âm hưởng cuối cùng vẫn là cuộc về nguồn của cô gái Việt sinh ra và lớn lên ở nước ngoài. Huyền thoại bất tử tôn vinh võ Việt Nam lồng trong câu chuyện cảm động của tình mẫu tử… Cả ba bộ phim đều hướng về quê hương với những đặc thù của dân tộc. Đó là ý thức rất rõ ràng mà người xem dễ dàng nhận ra, dù cũng không thiếu nhiều chi tiết khá ngô nghê do đạo diễn chưa thực sự nhập cuộc vào cuộc sống quê nhà. Chính ở đây có sự đối ngược với xu hướng của một số đạo diễn trong nước.

Khi Chơi vơi muốn thể hiện một bối cảnh Việt Nam chật chội với những nhân vật sống chỉ bằng bản năng, bức bối muốn thoát ra khỏi cái xã hội khốn khó thiếu tình người thì nhân vật Long của Huyền thoại bất tử (đạo diễn Lưu Huỳnh) lại được phả đầy hơi ấm nghĩa tình, dù anh chỉ là người thiểu năng trí tuệ. Kẻ muốn hướng ra ngoài hội nhập theo con đường ngắn nhất để được phương Tây chú ý, người muốn quay trở lại với cội nguồn. Hai con đường dường như đối ngược nhau. Kẻ từ phương trời Tây trở về làm phim, mong muốn được sự ủng hộ của khán giả trong nước, còn người trong nước muốn được sự đồng cảm của nước ngoài hơn là khán giả của nước mình với mơ ước được vinh danh ở các liên hoan phim quốc tế?!

Thực sự, nếu phim Việt Nam được chú ý và vinh danh ở nước ngoài thì đó là niềm tự hào chung của cả dân tộc. Ví như Iran, một đất nước còn nghèo, kinh phí làm phim thấp, nhưng nền điện ảnh của họ đã thành công rực rỡ ở các liên hoan phim quốc tế bởi vì họ là họ, không thể nhầm lẫn được với bất cứ đất nước nào trên thế giới. Và họ đã hội nhập dòng chảy thế giới bằng chính bản sắc dân tộc họ…

Ở đây, khi đặt hai chữ đổi mới lên hàng đầu, phải chăng tiêu chí của các liên hoan phim Việt Nam chỉ đặt nặng vấn đề đổi mới để được hội nhập mà quên rằng muốn hội nhập thực sự thì điện ảnh Việt Nam phải đến với bè bạn năm châu bằng chính bản sắc của mình, chứ không phải chạy theo dòng chảy của người khác để tự cho mình là tiên phong, là đổi mới. Sự thành công của đạo diễn Trương Nghệ Mưu ở các liên hoan phim quốc tế chính là bản sắc Trung Hoa với những phong tục tập quán được khai thác đến tận cùng…

Và chính tố chất Trung Hoa ấy đã làm rung động hàng triệu người xem không cùng ngôn ngữ, nhưng vẫn đồng cảm và chia sẻ cùng tác giả. Tiếng nói ấy tưởng chừng rất riêng, nhưng nó có sức sống tự thân của từng dân tộc và cùng hòa vào tiếng nói chung của nhân loại…

Vì thế, một nền điện ảnh trước khi đặt vấn đề hội nhập, việc tiên yếu nhất của nó chính là bản sắc dân tộc vậy./.

Theo SGGP

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất