Thưa bà, số lượng lễ hội được tổ chức gần đây không tương xứng với chất lượng. Cục Di sản Văn hóa là cơ quan tham mưu cho Bộ VH-TT&DL trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị của lễ hội truyền thống, vậy xin bà cho biết ý kiến trước thực trạng này?
- Cách đây không lâu, chúng tôi có dịp làm việc với các chuyên gia Thụy Điển về việc đánh giá chính sách văn hóa VN. Theo ý kiến của họ, VN có rất nhiều festival nhưng ít festival thành công bởi vì thiếu sự tham gia tự nhiên của cộng đồng. Theo tôi, điều quan trọng để tổ chức festival hay lễ hội là phải có ý tưởng sâu sắc và được nghiên cứu kỹ xuất phát từ nhu cầu thực tiễn. Không nên bắt đầu bằng những chủ trương làm “sự kiện” hoặc “kỷ niệm” và nhất là không nên “đặt hàng” làm festival…
* Theo bà, thế nào là một lễ hội có ý tưởng sâu sắc?
- Năm 2007, Việt Nam tham dự Lễ hội Đời sống dân gian Smithsonian tại Mỹ. Đây là lễ hội bắt đầu tổ chức hàng năm bắt đầu từ từ năm 1964. Mỹ là một nước đa sắc tộc, tôn giáo và có rất nhiều người nhập cư. Mục đích tổ chức lễ hội là dịp để người nhập cư và công dân Mỹ thưởng thức và hiểu biết các giá trị văn hóa từ các dân tộc khác nhau. Trên cơ sở đó, mỗi người tìm thấy sự tương đồng và khác biệt của văn hóa dân tộc mình. Truyền thống văn hóa dân gian và những chủ nhân đích thực là cốt lõi để nghiên cứu, thể hiện tại lễ hội.
“Ở ta, một số lễ hội chưa rõ về mục tiêu, ý tưởng xa vời, thiếu tính thực tế và việc sân khấu hóa các truyền thống một cách thô vụng đã làm lễ hội trở nên nhàm chán. Vì vậy, những lễ hội như vậy không được công chúng hưởng ứng” - TS Lê Thị Minh Lý- Phó Cục trưởng Cục Di sản
|
Điều khiến chúng tôi rất tâm đắc là lễ hội này được tổ chức với chủ đề hết sức rõ ràng. Họ gọi là bữa tiệc có chủ đề. Hay nói một cách khác là quan điểm khoa học về lễ hội được xác định và trở thành nguyên tắc. Thí dụ: lễ hội dân gian thì không có trình diễn của các diễn viên, nhạc công chuyên nghiệp. Lễ hội “sống” thì không dùng các hình thức nghe nhìn như phim, video, cassette để nói thay nghệ nhân… Hình thức trình diễn tại lễ hội không do nhà nghiên cứu, người tổ chức nghĩ ra mà do người thực hành đề xuất. Người tổ chức chỉ hỗ trợ mà thôi.
Còn việc giống nhau của các chương trình kịch bản sân khấu hóa lễ hội có thể do cùng một tác giả và cùng một êkip. Tôi nghĩ ta có thể có những lễ hội hay nếu được chuẩn bị công phu và có sự tham gia chủ động của người dân.
* Các nhà tổ chức lễ hội của ta chưa nhận được sự hưởng ứng của người dân, theo bà là vì sao?
- Để nhận được sự đồng thuận của người dân thì lễ hội phải hướng tới các lợi ích thiết thực với họ. Thay vì xây dựng kịch bản và mời dân diễn thì hãy cũng họ xây dựng nội dung chương trình và giúp họ thực hành. Nhà tổ chức giúp cộng đồng hướng người dân làm lễ hội chứ không nên áp đặt họ phải làm những việc mà trước nay họ không làm hay mặc những trang phục không phải họ thường mặc… Còn với lễ hội đương đại thì phải biết nhu cầu của công chúng để cung cấp cho họ những món ăn tinh thần phù hợp thì họ mới hưởng ứng và thích thú.
Hội chùa Hương hàng năm luôn thu hút du khách
nhưng còn nhiều điều “chướng tai, gai mắt”.
* Việc một ê-kíp “bao thầu” từ lễ hội này đến lễ hội khác với một khuôn mẫu như nhau, nhất là sử dụng một kịch bản sân khấu hóa chỉ thay đổi đôi chút, đã khiến cho lễ hội không còn hấp dẫn. Ý kiến của bà ra sao về vấn đề này?
- Để lễ hội thành công thì phải chuẩn bị công phu và đầu tư nhiều mặt. Nhiều khi, người ta tái hiện lịch sử trong các lễ hội nhưng lại hiểu về lịch sử chưa thấu đáo… Tính sân khấu hoá vốn là một hạn chế dễ làm cho các lễ hội nhàm chán. Dù ai đứng ra tổ chức thì cũng cần phải đầu tư và nghiên cứu công phu thì mới gặt hái thành công và phải làm từng bước thận trọng thì các giá trị truyền thống mới thực sự sống lại…
* Để lễ hội vừa đảm bảo có được ý tưởng tốt đẹp vừa tổ chức tốt thì phải có những người tổ chức chuyên nghiệp. Hiện có không ít công ty tư nhân đứng ra tổ chức sự kiện và họ đã đảm nhận tổ chức nhiều lễ hội. Bà đánh giá ra sao về sự tham gia của họ?
- Tốt chức lễ hội là cả một vấn đề về khoa học quản lý văn hóa. Vì vậy, cần phải được đào tạo bài bản và chuyên nghiệp. Ở nước ngoài, người tổ chức lễ hội rất chuyên nghiệp. Họ làm việc với các nhà nghiên cứu và các nhà quản lý văn hóa để chuẩn bị sao cho chất lượng và chuyên nghiệp. Đội ngũ nhân viên phục vụ hoạt động lễ hội cũng phải được đào tạo bài bản để biết tình huống và biện pháp giải quyết. Còn ở ta thì kiêm nhiệm và thiếu chuyên nghiệp.
* Theo bà, hướng quản lý và tổ chức các lễ hội nên như thế nào?
- Lễ hội được tổ chức là do các địa phương và ngân sách của địa phương nên nhiều khi cơ quan quản lý không thể tham gia ý kiến. Điều có thể làm là chúng tôi khuyến nghị giảm bớt những lễ hội chạy theo sự kiện chỉ có tính thời sự, như thành lập tỉnh, thành phố… Với những sự kiện này, nên tìm hình thức khác để kỷ niệm chứ không nhất thiết tỉnh nào cũng làm lễ hội, vì vừa tốn kém lại, lại ít hiệu quả. Cần chú ý đời sống văn hóa hàng ngày của cộng đồng dân cư thay vì tổ chức những festival hoành tráng mà người dân không thể thưởng thức, tham gia và thích thú.
* Xin bà cho biết định hướng của Cục trong thời gian tới về lễ hội?
- Quan điểm của tôi là không nên phí phạm nhiều tiền vào các lễ hội không rõ mục tiêu mà càng tiết kiệm càng tốt. Làm thế nào để chương trình nhỏ mà có ý nghĩa lớn. Quan trọng là phản ánh được truyền thống văn hoá sống, làm cho người địa phương yêu thích vùng đất họ sống hơn vì có dịp hiểu thêm nét văn hoá nào đó ở địa phương mình mới là điều khó.
* Chân thành cảm ơn bà!
(Theo Nhân Dân điện tử)