Thứ Bảy, 23/11/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Sáu, 20/2/2009 17:7'(GMT+7)

Văn viết khác văn nói.

(Ảnh minh hoạ)

(Ảnh minh hoạ)

Văn viết là chữ nghĩa thể hiện trên mọi văn bản giấy tờ. Chỉ trừ văn viết trong sáng tác (truyện, ký, tiểu thuyết), các nhà văn có thể vận dụng linh hoạt theo phong cách riêng của mình, phát huy sáng tạo cao nhất trong việc dùng từ ngữ, tổ chức câu cú để đạt một hiệu quả diễn tả, biểu hiện nào đó. Còn lại trong mọi loại viết lách mang tính chất hành chính hoặc báo chí thì cách viết phải bảo đảm tính khúc chiết, trong sáng, mạch lạc, tiết kiệm ngôn từ mà giàu lượng thông tin.

Còn văn nói là lới ăn tiếng nói hàng ngày, là khẩu ngữ (parlando). Người ta nghĩ sao nói vậy, tuỳ văn cảnh, tuỳ đối tượng và tuỳ ở trạng thái tâm lý, cảm xúc của họ. Văn nói cần dễ hiểu, gần gũi với đời thường, phù hợp với tính cách người nói và trình độ người nghe.

Vậy nên, không thể lẫn lộn giữa văn viết và văn nói. Có khi nếu là viết thì một đoạn văn, câu văn nào đó được coi là hay, nhưng nếu là nói thì lại dở, trở nên... buồn cười. Ví dụ: trong viết, ta hạ một câu: “Người ta đang hàn gắn những vết thương chiến tranh; còn trong này, chúng ta đang băng dịt một vết thương tâm hồn.” Rõ là một câu hay. Nhưng thử tưởng tượng, trong một không khí tào lao, vui vẻ, một người đàn ông nói với một chị đang tất bật bán thịt cho khách mua rất đông câu trên thì quả là rất ...buồn cươì, không thể “tiêu hoá” .

Trong báo chí, có một tình trạng là rất nhiều người cầm bút đã lẫn lộn, không phân biệt được 2 loại văn viết và nói nêu trên. Tình trạng sử dụng khẩu ngữ trong bài viết của mình là phổ biến. Một đoạn văn viết như thế này có thể tìm thấy ở bất cứ trang báo nào, bất cứ tờ báo nào - kể cả những tờ báo lớn, có uy tín từ lâu: “Tôi lao xe ra khỏi nhà từ sáng sớm. Thời tiết hôm nay hơi bị tuyệt vời. Nghĩ là sẽ đến cơ quan cái đã, lấy thêm mấy tài liệu cho yên tâm. Nhưng thôi, cần gì, xoay sở được. Từ nhà đến cơ quan đâu có gần. Mà cái anh chàng trưởng ban cũng kỳ. Việc quái gì phải lo lắng quá đến mức ấy. Mình đâu phải lũ nhóc mới ra trường mà phải cẩn thận. Đúng là anh ta là bạn thân của gã Trịnh Hâm...” Hoặc nữa: “Làm gì ra có. Của quý thì sức mấy mà kiếm được. Thôi đành “ô kê” phương án “sơ cua” vậy. Biết thế nào “sếp” cũng đâu có ưng. Nhưng biết làm quái gì được hơn. Đâm lao thì phải theo lao chứ còn sao nữa...”. Đó không phải là lời lẽ độc thoại nội tâm hay đối thoại của nhân vật trong truyện hoặc tiểu thuyết nào, mà ở một bài báo. Văn phong kiếu đó là khẩu ngữ vì rất tuỳ tiện, nghĩ sao nói vậy, như nói chuyện hàng ngày.

Một bài báo nói về việc gia nhập WTO của nước ta với những thời cơ và thách thức đã viết: “Đã có bao giờ Việt Nam ở vào vận hội lớn trong việc làm ăn và phát triển kinh tế như lúc này. Cũng làm gì có nhiều thách thức lớn như sắp tới. Nhưng không sao. Càng khó khăn, càng thử thách, chúng ta càng không ngán. Mà việc gì phải ngán? ngán thì còn làm ăn đượcgì...”. Không thể hiểu nổi một đoạn văn như thế lại có thể được đăng mà không hề được biên tập. Đó là khẩu ngữ, chứ không phải văn viết. Phải sửa lại: “ Chưa bao giờ, Việt Nam gặp vận hội lớn đồng thời có nhiều thách thức trong sự nghiệp phát triển kinh tế như lúc này. Nhưng chúng ta biết chấp nhận. Càng khó khăn, càng thử thách, chúng ta càng có dịp rèn luyện bản lĩnh để vượt qua...”.

Một đoạn trong một bài báo khác: “Đã năm lần bảy lượt tôi phôn đến gặp ông “sếp” ở công ty đề nghị gặp để làm việc nhưng không được ông ta “ô kê”. Lúc thì bảo bận. Lúc lại nói sắp đi công tác gấp. Tôi tìm kiếm hoài suốt cả tháng kiên nhẫn chờ đợi, mong gặp bằng được. Nhưng ông ta vẫn mất hút con mẹ hàng lươn. Đúng là ông ta đã lẩn tránh tôi còn hơn cả trạch”. Rõ là một thứ khẩu ngữ quá tuỳ tiện, thiếu nghiêm túc. Có lẽ tác giả bài báo trên cho rằng đang nói về một nhân vật thuộc loại tiêu cực, cần phê phán nên đã tìm đến những từ ngữ không mấy lịch sự để thể hiện nội dung thông tin của mình. Những từ như “phôn” (thay cho “gọi điện thoại”); “ô kê” (thay cho “ đồng ý” hoặc “chấp thuận”); “mất hút con mẹ hàng lươn” (thay cho “mất hút, không hề hồi âm” hoặc “ ông ta vẫn cố tình lảng tránh”)...

Để giữ uy tín cho tờ báo và tác giả, tôi xin không nêu tên cụ thể những bài báo trên cùng người viết. Nhưng tình trạng viết lách bằng lối văn khẩu ngữ như trên đang có khuynh hướng gia tăng hiện nay. Rất cần được cảnh báo và khắc phục./.

Kiều Thẩm

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất