Thứ Hai, 25/11/2024
Thực tiễn kinh nghiệm
Thứ Tư, 13/3/2013 14:29'(GMT+7)

Phong cách nêu gương của Bác qua những lần về thăm và làm việc tại Hưng Yên

Không lâu sau khi nước nhà giành được độc lập, giữa bộn bề công việc của chính quyền non trẻ, ngày 10/01/1946, Bác đã tranh thủ về thăm hỏi cán bộ và nhân dân Hưng Yên. Mười tháng sau, tức ngày 21/10/1946, kết thúc chuyến thăm nước Pháp, trên đường từ Hải Phòng trở về Hà Nội, Bác nói chuyện với nhân dân huyện Văn Lâm tại ga Đình Dù. Trong những năm miền Bắc nói chung, tỉnh Hưng Yên nói riêng đang ra sức đẩy mạnh phong trào cải tạo và xây dựng xã hội chủ nghĩa, Bác đã tám lần về thăm Hưng Yên vào các ngày 5/1/1958; ngày 3/7/1958; ngày 20/9/1958; ngày 16/10/1958; ngày 25/10/1958; ngày 20/02/1959; ngày 15/9/1961; ngày 5/2/1966. Mỗi lần Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm và làm việc thực sự là niềm vinh dự to lớn, sự cổ vũ, động viên, khích lệ quý báu để cán bộ và nhân dân tỉnh Hưng Yên quyết tâm đi đầu trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc.

1. Tại những cuộc gặp mặt và làm việc với cấp ủy, chính quyền và nhân dân trong tỉnh, Bác gần gũi nói chuyện ân cần, qua đó gửi gắm những tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của mình. Những lời nói của Người được Tỉnh ủy, Ủy ban tiếp thu, thực hiện nghiêm túc trong lãnh đạo, chỉ đạo; được nhân dân lắng nghe, hăng say làm theo để xây dựng quê hương Hưng Yên “đoàng hoàng hơn, to đẹp hơn”. Giờ đây, tư tưởng đó của Người vẫn luôn là tư liệu quý, những trang vàng vô giá và càng trở nên cần thiết trong tình hình hiện nay, khi toàn Đảng và toàn dân đang đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và Nghị quyết 12-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”. Học tập phong cách nêu gương của Người qua lời nói chuyện nhân những lần về thăm và qua những lá thư gửi đồng bào tỉnh Hưng Yên là việc làm cần thiết, giúp cho cán bộ, đảng viên, nhân dân, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp thấu hiểu, học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh - một tấm gương ngời sáng về những phẩm chất cao quý của người cộng sản luôn giản dị, tiết kiệm, "tận trung với nước, tận hiếu với dân"...


Là người am hiểu văn hóa, tâm lý, tính cách của người Á Đông vốn rất giàu tình cảm, trọng nhân cách đạo đức, nên trong quá trình hoạt động cách mạng, Bác cho rằng nêu gương là cần thiết, phải coi trọng và thực hiện linh hoạt. Người nhận định: “Nói chung thì các dân tộc phương Đông đều giàu tình cảm, và đối với họ một tấm gương sống còn giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”1. Thực tiễn cho thấy, khi người cán bộ, đảng viên gương mẫu đều được “dân tin, dân phục, dân yêu”2. Theo Người, cán bộ, đảng viên muốn giáo dục mọi người phải tự mình nêu gương trước, sau đó mới giáo dục bằng lời nói. Từ đó, Bác yêu cầu toàn thể cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo cần phải gương mẫu để nhân dân học tập, noi theo "đảng viên đi trước, làng nước đi sau”3. Người từng dạy: “Nói miệng, ai cũng nói được. Ta cần phải thực hành... Trước hết, mình phải làm gương, gắng làm gương trong anh em, và khi đi công tác, gắng làm gương cho nhân dân. Làm gương cả về ba mặt: tinh thần, vật chất và văn hóa... Muốn làm được ta phải: quyết tâm, trí tâm và đồng tâm”4.


Để trở thành những tấm gương sáng cho quần chúng học tập và noi theo, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt ra những tiêu chuẩn người cán bộ, đảng viên từ đời công đến đời tư cần hướng đến là “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”. Theo Người, cán bộ, đảng viên “gái cũng như trai” phải luôn gương mẫu đi đầu đối với mình, đối với việc và đối với mọi người để trở thành mực thước cho nhân dân và “nhân dân ta và Đảng ta rất tự hào vì có những con người xứng đáng như thế”5. Nhân những chuyến về thăm và làm việc tại Hưng Yên, Bác thường xuyên yêu cầu cán bộ, đảng viên cần phải  nêu cao tinh thần trách nhiệm, không được vì khó khăn mà bi quan ngại khó, ngại khổ, không được xa rời quần chúng, xa rời thực tế, mắc bệnh quan liêu mệnh lệnh mà trở thành xa lạ với nhân dân, nội bộ phải đoàn kết và đoàn kết với nhân dân.


2. Trong lá thư kêu gọi nông dân và cán bộ quyết tâm chống hạn, đẩy mạnh sản xuất vụ Đông – Xuân, ngày 5/1/1958, Bác viết: “Cán bộ không được vì khó khăn mà bi quan ngại khó, thiếu quyết tâm lãnh đạo... Cán bộ các ngành, các cấp phải thi đua làm tròn mọi nhiệm vụ”6 với tinh thần trách nhiệm và tinh thần đấu tranh khắc phục khó khăn. Tại công trường thủy lợi Bắc – Hưng – Hải, Bác yêu cầu cán bộ tỉnh ta: “Cán bộ lãnh đạo và cán bộ các ngành, tư tưởng phải thông, phải thật thông. Phải có quyết tâm khắc phục khó khăn, làm tròn nhiệm vụ. Phải đồng cam cộng khổ với nhân dân. Khuyến khích và giúp đỡ nhân dân phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, nâng cao năng suất... Cuối cùng, mọi người phải đoàn kết chặt chẽ. Đoàn kết giữa cán bộ với cán bộ, giữa cán bộ với dân công, giữa dân công với dân công, giữa cán bộ và dân công với đồng bào địa phương”7. Hơn nữa, Bác yêu cầu người cán bộ làm việc phải công tâm, khách quan, minh bạch, tránh lối tham ô, hủ hóa, lãng phí, xa hoa, tham danh trục lợi, chỉ mong nhận được bổng lộc mà vi phạm kỷ luật của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.


Thấm nhuần quan điểm của Người “Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước”13; “Tự mình phải chính trước, mới giúp được người khác chính”14, sau khi Bác về thăm, ngày 6/1/1958 Tỉnh ủy đã triệu tập ngay cuộc họp mở rộng và ban hành Nghị quyết số 01-NQ/TU, yêu cầu cán bộ cần nêu cao tinh thần, trách nhiệm của người đảng viên gương mẫu, chiến sĩ tiên phong, từ đó mới có thể tập hợp, biến sự quyết tâm của quần chúng thành sức mạnh tập thể ra sức chống hạn sản xuất: “Phải xây dựng tư tưởng quyết tâm chống hạn cho cán bộ, đảng viên tham gia ra thực sự làm nòng cốt trong phong trào để thúc đẩy lực lượng thanh niên, nông hội tích cực công tác chống hạn sản xuất đảm bảo được kế hoạch và lương thực... phải tập trung mọi lực lượng các ngành giới, trừ một số bộ phận thật cần thiết còn tất cả đảng viên, cán bộ từ tỉnh đến huyện, xã phải tập trung vào công tác chống hạn”. Trong Quyết tâm thư ngày 3/7/1958 gửi Trung ương Đảng, Chính phủ và Bác, tập thể cán bộ trong tỉnh đoàn kết một lòng, gương mẫu đi đầu cùng nhân dân sản xuất: “Mỗi cán bộ lãnh đạo từ tỉnh đến xã thiết thực tham gia một tổ đổi công, hợp tác xã để củng cố và phát triển đến cuối năm đạt 60% gia đình nông dân lao động và tổ đổi công và xây dựng thêm hợp tác xã nông nghiệp”.


Theo Người, muốn nêu gương được thì nói phải đi đôi với làm, đảng viên phải làm kiểu mẫu trong công tác và lối sống, trong mọi lúc, mọi nơi để quần chúng noi theo. Phương pháp lấy gương tốt trong quần chúng nhân dân và cán bộ, đảng viên để giáo dục lẫn nhau, lấy quần chúng giáo dục quần chúng là rất sinh động và có sức thuyết phục lớn. Chính thế, Người chủ trương: “Lấy gương người tốt, việc tốt để hằng ngày giáo dục lẫn nhau là một trong những cách tốt nhất để xây dựng Đảng, xây dựng tổ chức cách mạng, xây dựng cuộc sống mới, con người mới”15. Điều này được thể hiện nhất quán trong cả cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Người nói: “Chính phủ sẵn sàng khen thưởng cho những huyện, xã và cá nhân nào xuất sắc nhất trong việc chống hạn. Việc chống hạn là một chiến dịch, cho nên phải có thưởng, có phạt. Cá nhân cán bộ, đồng bào nào xuất sắc nhất sẽ được khen thưởng. Những người nào lười biếng, trốn tránh trách nhiệm là phải phạt”16.


Khoảng gần 14h ngày 5/1/1958, Bác về thăm công trường vét ngòi Triều Dương và công trường khai sông Chợ Thi – Phố Giác thuộc huyện Tiên Lữ. Sau lời hô “Chiến sĩ thủy lợi muôn năm” và hỏi han ân cần “Các cô, các chú làm thủy lợi có vất vả không?.. Làm thủy lợi khó nhọc trong vài năm để được sung sướng muôn đời”, Bác tiến lại gần, bắt tay và thưởng Huy hiệu của Bác cho cụ Đoàn Văn Kiêu (thôn Hoàng Xá, xã Trung Dũng). Cụ Kiêu là người già nhất công trường, với tuổi 83 song cụ vẫn là người thủ mai cừ khôi. Đoạn Quán Chiềng, Bác xuống tặng Huy hiệu cho một cụ già thôn Trịnh Mỹ (xã Ngô Quyền) cùng con cháu làm thủy lợi. Sau đó Bác trao Huy hiệu cho đồng chí Trần Văn Liễn, Bí thư Huyện ủy để thưởng cho các cụ già làm thủy lợi17. Hai nữ đảng viên, đồng chí Dền xã Quyết Tiến (Phù Cừ) và đồng chí Điềm ở Nhật Quang (Phù Cừ) đã nêu cao tinh thần xung phong, góp phần lãnh đạo đơn vị vượt khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ đúng thời hạn. Hai thanh niên ở Văn Lâm, anh Tèo và anh Nguyệt đạt năng suất 2,700m3. Bác vui lòng thưởng Huy hiệu cho những cá nhân cố gắng18... Ngoài việc trực tiếp thưởng Huy hiệu cho các cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào sản xuất, Bác cũng dành nhiều lời khen cho các tập thể như: tặng Cờ thi đua luân lưu “Chống hạn khá nhất” cho huyện Khoái Châu (1958); tặng Huân chương Lao động hạng Nhất cho tám tập thể đạt thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua xản xuất vụ mùa (1959); tặng Cờ “Làm thủy lợi khá nhất” cho huyện Phù Cừ (1960); tặng Huân chương lao động hạnh Ba cho đồng bào, cán bộ tỉnh Hưng Yên, cho cán bộ huyện Mỹ Hào, cho đồng bào và cán bộ Trưng Trắc của huyện Văn Lâm đã đạt nhiều thành tích trong phong trào bổ túc văn hóa (1960); tặng Huân chương lao động hạng Nhất cho cán bộ nhân dân Hưng Yên có thành tích làm thủy lợi giỏi (1961); tặng Cờ luân lưu “Làm thủy lợi khá nhất” cho cán bộ và nhân dân Hưng Yên...


Nêu gương là một mệnh lệnh không lời, có hiệu ứng lan tỏa, lôi kéo quần chúng noi theo. Vì thế, khắp nơi trong toàn tỉnh đã dấy lên các phong trào thi đua “Tiến quân làm thủy lợi”; thi đua chống hạn “vắt đất ra nước, thay trời làm mưa”; thi đua chống úng “nghiêng đồng đổ nước ra sông”... đã đưa Hưng Yên trở thành tỉnh làm thủy lợi khá nhất, là tỉnh được vinh dự tổ chức Hội nghị Thủy lợi toàn miền Bắc, nhiều lần được Trung ương Đảng, Chính phủ và Bác khen ngợi và tặng thường nhiều huân huy chương cao quý.


Chiều ngày 16/9/1961, sau khi nói chuyện với hơn mười lăm nghìn cán bộ, nhân dân, đại biểu tham dự Hội nghị Thủy lợi toàn miền Bắc được tổ chức tại Hưng Yên, Bác về thăm xã Nghĩa Dân, huyện Kim Động. Bác khen các cụ, các cô, các chú, các cháu đã có nhiều cố gắng làm cho đời sống nhân dân, xã viên bằng hoặc cao hơn đời sống cả đồng bào trung nông lớp trên, song làm thế vẫn chưa đủ, cần phải hăng hái trong sản xuất, thực hành tiết kiệm, học tập để mỗi ngày nâng cao đời sống, làm gương cho những xã khác. Bác huấn thị: “Những việc trong hợp tác xã thì Ban Quản trị và xã viên nhất trí mới làm được, phải công bằng, phải cùng làm, không được chọn việc, thu hoạch phải chia đều. Không nên chia phần tốt cho vợ hoặc con mình, còn phần xấu chia cho xã viên. Phải minh bạch tất cả các tài khoản chi, thu trong hợp tác xã... chi thu việc gì xã viên phải biết như mua lưới thuyền xã viên phải biết, tài chính phải công khai... Ban Quản trị không được quan liêu tư túi, tiêu xài không báo cáo để xã viên biết, Ban Quản trị, xã viên đều phải chống tham ô, lãng phí”8


3. Nhân chuyến công tác về Hưng Yên, Bác đã ghi nhận những thắng lợi của vụ chiêm mặc dù thời tiết không ủng hộ. Tuy nhiên, Bác cũng chỉ ra những khuyết điểm của cán bộ cần phải sửa chữa là một số đảng viên và đoàn viên thanh nhiên chưa làm tròn nhiệm vụ gương mẫu. Vì thế, Bác yêu cầu phải kiên quyết động viên và dựa vào lực lượng vô cùng tận của quần chúng: “Chúng ta cần phải phát triển và củng cố lực lượng ấy, làm cho họ hăng hái thật sự”9. Muốn vậy, theo Người, đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo cần gương mẫu đi đầu theo phương châm giáo dục bằng tấm gương sống của chính mình: “Các đảng viên và đoàn viên thanh niên phải tham gia tổ đổi công hoặc hợp tác xã; các đồng chí bộ đội cần phải góp phần xứng đáng vào công cuộc phát nông nghiệp, “thực túc binh cường” và phải cố gắng làm tròn nhiệm vụ của người cách mạng, của đội tiên phong... các đồng chí bí thư và ủy viên, các đồng chí chủ tịch các cấp từ tỉnh đến xã cần phải thật sự tham gia vào một tổ đổi công hoặc một hợp tác xã nông nghiệp, phải lao động thật sự để rút kinh nghiệm và phổ biến kinh nghiệm... Đảng viên, đoàn viên, các chiến sĩ thi đua nông nghiệp, chị em phụ nữ phải làm đầu tầu10. Tại công trường thủy lợi Bắc – Hưng – Hải, Bác nhấn mạnh: “Đảng viên và đoàn viên thanh niên phải xung phong làm đầu tầu, làm gương mẫu”11 để nhân dân hăng hái ra sức xây dựng công trình thủy lợi khó nhọc trong vài năm để hưởng hạnh phúc lâu dài trăm năm. Nói chuyện với hơn một vạn cán bộ và dân công của các huyện Thuận Thành, Gia Lương (Bắc Ninh) và các huyện Văn Lâm, Ân Thi, Phù Cừ, thị xã Hưng Yên, Tiên Lữ (Hưng Yên) đang đào, nạo vét sông Đình Dù (Văn Lâm), Bác đã thân mật động viên và không quên nhắc nhở: “Đảng viên, đoàn viên thanh niên lao động phải gương mẫu làm đầu tàu, tích cực học hỏi kinh nghiệm và truyền bá kinh nghiệm cho anh chị em dân công”12.


Thời gian càng lùi xa, những điều Người nói, những việc Người làm cùng tâm tư, nguyện vọng của Người vẫn còn nguyên giá trị thời sự mà mỗi người cần phải học tập và noi theo. Đó không chlà nhiệm vụ, một yêu cầu bức thiết của công cuộc xây dựng và chỉnh đốn Đảng hiện nay, đó còn là mệnh lệnh từ trái tim mỗi người. Với ý nghĩa đó, để đưa Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay" vào cuộc sống, từ tấm gương và những chỉ dẫn của Người, mỗi cán bộ, đảng viên của Đảng càng phải nghiêm túc thực hiện những Quy định 101-QĐ/TW ngày 7/6/2012 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp. Theo đó, mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo phải thường xuyên "học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" theo tinh thần Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị, phải quán triệt sâu sắc những nội dung học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh năm 2013, để không chỉ học, làm theo hàng ngày mà cao hơn nữa là “học được ở cuộc đời Người để làm người cách mạng và người dân tốt hơn”./.

 

Thùy Dung
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hưng Yên

 

¯¯¯¯¯¯¯¯¯¯¯¯¯¯¯¯¯¯
[1]
Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. CTQG 1995, t.1, tr.263

[2]
Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr.104

[3]; [5]
Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.12, tr.438

[4]
Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.4, tr.150

[6]
Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.9, tr.5-6

[7]; [11]
 Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.9, tr.223-225

[8]
Bác Hồ với Hải Hưng, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hải Hưng xuất bản, 1995, tr.90

[9];
[10] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.9, tr.192-196

[12];
[18] Bác Hồ với Hải Hưng, Sđd, tr.77

[13]
Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr.552

[14]
Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr. 644

[15]
Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.12, tr.558

[16]
Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.9 tr.7-8

[17]
Tài liệu lưu tại Huyện ủy Tiên Lữ

 

 

 


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất