Thứ Năm, 10/10/2024
Đời sống
Thứ Tư, 30/6/2010 18:3'(GMT+7)

Phòng chống tai nạn thương tích trẻ em: Cần sự vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa của các bộ, ngành, địa phương

Tai nạn giao thông và đuối nước là nguyên nhân chủ yếu gây từ vong cho trẻ

Tai nạn giao thông và đuối nước là nguyên nhân chủ yếu gây từ vong cho trẻ

TNTT trẻ em vẫn gia tăng ở tất cả các loại hình và có thể nhanh chóng trở thành nguyên nhân tử vong hàng đầu đối với trẻ em và thanh niên Việt Nam trong những năm tới. Các Mục tiêu Thiên niên kỷ về giảm 2/3 tỷ lệ trẻ tử vong vào năm 2015 có thể sẽ không đạt được nếu chúng ta không giảm được số trẻ tử vong do TNTT.

Nhằm thực hiện các mục tiêu của Chính sách quốc gia phòng chống tai nạn thương tích (TNTT) giai đoạn 2002 – 2010, từ năm 2003 đến nay, với sự hỗ trợ của UNICEF, Dự án Phòng chống TNTT trẻ em đã được triển khai trên khắp toàn quốc. Tuy nhiên, tình hình TNTT trẻ em vẫn còn chưa giảm. TNTT hàng ngày cướp đi mạng sống của nhiều trẻ em, cũng như để lại hậu quả nặng nề ảnh hưởng sự sống còn, phát triển của trẻ và ảnh hưởng không nhỏ đến nguồn nhân lực tương lai của đất nước.

Năm 2010 này là năm kết thúc của chính sách quốc gia về phòng chống TNTT. Các bộ, ngành, địa phương đang tích cực tổng kết, thảo luận nhằm hình thành một khuôn khổ pháp lý mới về phòng chống TNTT trẻ em cho những năm tiếp theo.

Nhằm lấy ý kiến tư vấn của các chuyên gia về việc xây dựng chương trình quốc gia phòng chống TNTT cho trẻ em Việt Nam trong 10 năm tới, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong phòng chống TNTT trẻ em, Bộ LĐ-TB&XH, Bộ Y tế, Bộ GD&ĐT đã phối hợp tổ chức Hội nghị tư vấn cấp cao về xây dựng chương trình quốc gia phòng chống tai nạn thương tích trẻ em giai đoạn 2011 - 2020 ngày 29/6, tại Hà Nội.

Tai nạn thương tích trẻ em vẫn gia tăng

Theo thống kê của 64 Sở LĐ-TB&XH của các tỉnh thành trên cả nước, năm 2009, Việt Nam đã xảy ra trên 75.000 trường hợp TNTT trẻ em, trong đó, tai nạn giao thông và đuối nước là nguyên nhân bao trùm gây tử vong ở lứa tuổi sơ sinh cho đến vị thành niên, vượt xa những nguyên nhân tử vong khác. Tỷ lệ trẻ em bị chết do đuối nước chiếm hơn 46%. Còn theo thống kê của Bộ Y tế năm 2008, toàn quốc đã có 3.523 trẻ em và người chưa thành niên tuổi từ 0-19 bị tử vong do đuối nước, tăng 5,6% so với năm 2007.

Những tai nạn, thương tích xảy ra đối với trẻ em ngoài khuôn viên trường học chủ yếu là tai nạn giao thông và tai nạn đuối nước cũng là kết quả từ những khảo sát của ngành giáo dục. Những tai nạn này tập trung chủ yếu ở các đô thị, những vùng thường xuyên chịu ngập lụt về mùa mưa bão. Còn trong khuôn viên trường học, tai nạn thương tích xảy đến với các em thường do các hoạt động sinh hoạt như va chạm khi chạy nhảy chơi đùa hoặc tai nạn do thiếu an toàn trường, lớp về cơ sở vật chất, thiết bị giáo dục.

Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Trần Quang Quý, nguyên nhân dẫn đến các tai nạn thương tích nêu trên là do điều kiện, môi trường sinh hoạt và học tập của học sinh còn nhiều bất cập, chưa bảo đảm đầy đủ an toàn phòng chống tai nạn thương tích; công tác truyền thông giáo dục chưa đồng bộ, chưa sâu rộng; do đặc điểm tâm sinh lý lứa tuổi học sinh hiếu động, việc chấp hành các quy định của pháp luật về an toàn, phòng chống tai nạn thương tích của các em chưa triệt để; thiếu sự chăm sóc của gia đình hoặc do người lớn thiếu ý thức bảo vệ an toàn cho trẻ…

TNTT trẻ em – “tảng băng chìm” của các vấn đề kinh tế - xã hội

Những con số về tử vong do TNTT là đáng báo động. Tuy nhiên, tử vong do TNTT cũng vẫn chỉ là phần nổi lên của tảng băng chìm về vấn đề TNTT trẻ em.

Theo ước tính của Ngân hàng phát triển Châu Á ADB, mỗi năm nền kinh tế Việt Nam mất khoảng 30.000 tỷ đồng cho việc chi phí cho các dịch vụ cấp cứu điều trị, phục hồi chức năng, mất khả năng lao động do cả tử vong và bệnh tật gây ra.

Trưởng đại diện UNICEF tại Việt Nam, ông Jean Dupraz cho biết, tương ứng với mỗi trẻ bị tử vong do TNTT, nhiều em khác vẫn sống sót với những mức độ khuyết tật và tổn thương khác nhau.

Nhiều gia đình đang khá giả đã nghèo đi khi trong nhà có người bị TNTT, tử vong, chấn thương cột sống hoặc sọ não. Ngoài ra, một thành viên đang đi làm của gia đình có thể bắt buộc phải nghỉ việc để trông nom người bị TNTT, gây ảnh hưởng tới thu nhập của gia đình. TNTT là một nguyên nhân quan trọng dẫn tới nghèo đói của gia đình và xã hội, làm nghèo đất nước và là rào cản đối với sự phát triển của thế hệ tương lai.

Cần các giải pháp chiến lược tổng thể, toàn diện và phối hợp liên ngành

Mặc dù từ năm 2003 đến nay, Dự án Phòng chống TNTT trẻ em đã được triển khai trên khắp toàn quốc, song Việt Nam vẫn chưa có một kế hoạch tổng thể hoặc một chương trình tầm quốc gia về phòng chống TNTT trẻ em để tập hợp được mọi nguồn lực, thống nhất sức mạnh của các bộ, ngành, các tổ chức xã hội trong lĩnh vực phòng chống TNTT cho trẻ em. Nguồn ngân sách bảo đảm thường xuyên, kinh phí cho công tác thu thập số liệu và tập huấn thu thập số liệu cho cán bộ địa phương còn thiếu. Do đó, hệ thống thu thập thông tin, giám sát, báo cáo số liệu TNTT trẻ em còn nhiều hạn chế. Việc hình thành một chương trình can thiệp tổng thể cho giai đoạn 2011 – 2020 là hết sức cần thiết.

Thứ trưởng Thường trực Bộ LĐ-TB&XH Đàm Hữu Đắc cho biết: Vừa qua, Bộ LĐ-TB&XH cùng Uỷ ban Văn hoá giáo dục thanh niên, thiếu niên nhi đồng Quốc hội đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan, UNICEF, Tổ chức Y tế thế giới đã tiến hành nghiên cứu đánh giá tổng thể các can thiệp về phòng chống TNTT trẻ em ở Việt Nam trong thời gian qua, tổ chức hội thảo lấy ý kiến của các bộ, ngành, địa phương về định hướng của công tác phòng chống TNTT trẻ em trong giai đoạn tới. Các kết quả đều cho thấy, để giảm tử vong và tàn tật ở trẻ em Việt Nam do TNTT gây ra, bảo đảm cho các em quyền được sống và phát triển trong môi trường an toàn, ngay từ bây giờ, cần có sự cam kết mạnh mẽ hơn nữa của các bộ, ngành, địa phương, cùng với sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế để tạo ra một mạng lưới vững chắc, rộng khắp trong lĩnh vực TNTT trẻ em. Đồng thời, cần xây dựng một chương trình quốc gia phòng chống TNTT trẻ em với các giải pháp chiến lược tổng thể, toàn diện và phối hợp liên ngành.

Tại Hội nghị, nhiều khuyến nghị đã được đưa ra nhằm phòng chống TNTT ở trẻ em như: Hình thành “Ban chỉ đạo quốc gia liên ngành phòng chống TNTT trẻ em”; Xây dựng kế hoạch hành động toàn diện về phòng chống TNTT trẻ em ở Việt Nam; tăng cường công tác điều phối các nỗ lực phòng chống TNTT ở trẻ em; hoàn thiện hệ thống giám sát và chất lượng thông tin; tăng cường nghiên cứu về kinh tế và dịch tễ học liên quan tới TNTT; cải thiện việc tiếp cận các dịch vụ tư vấn về phòng chống TNTT trẻ em bao gồm các dịch vụ y tế, đặc biệt là cấp cứu và chăm sóc trước viện; nâng cao nhận thức của cộng đồng và huy động sự ứng phó của cộng đồng để phòng chống TNTT...

Xây dựng chương trình quốc gia phòng chống TNTT cho trẻ em Việt Nam trong 10 năm tới chỉ là bước đi đầu tiên. Việc đưa chương trình phát triển rộng và sâu, đem lại hiệu quả thiết thực, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong phòng chống TNTT trẻ em vẫn là một thách thức không nhỏ.

Dương Ngọc

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất