Dự Hội nghị có đại diện Ban Tuyên giáo TW; đồng chí Ngô Đức Vượng, UVTW Đảng, Chủ tịch HĐND tỉnh, Nguyên Trưởng BCĐ Cuộc vận động tỉnh cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương và đại diện một số điển hình thực hiện tốt Cuộc vận động.
Sau 4 năm triển khai, thực hiện Cuộc vận động, kết quả làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đã thể hiện ngày càng rõ hơn; các cấp uỷ Đảng, chính quyền trong tỉnh đã tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai Cuộc vận động gắn với việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị, giải quyết các vấn đề nổi cộm, bức xúc của ngành, địa phương, đơn vị. Lề lối làm việc của các cấp được chú trọng sửa đổi, tinh thần phục vụ nhân dân, ý thức trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ được giao của cán bộ, công chức có chuyển biến tích cực.
Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn triển khai Cuộc vận động đã được tiến hành khẩn trương, đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở đảm bảo nghiêm túc theo đúng chỉ đạo của Trung ương.
Nhìn chung, đa số cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh đã có sự nhận thức sâu sắc hơn về những giá trị to lớn của tư tưởng và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; ý nghĩa tầm quan trọng của Cuộc vận động đối với công tác xây dựng Đảng nói riêng và sự nghiệp đối mới của đất nước nói chung; tầm quan trọng của đạo đức đối với sự phát triển của mỗi cá nhân, cộng đồng và xã hội.
Nhằm cụ thể hoá việc học tập và làm theo, ngày 05/10/2007, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Phú Thọ đã ban hành Quy định số 02-QĐ/TU về
“Chuẩn mực đạo đức theo tấm gương Hồ Chí Minh” để các cơ quan, đơn vị; cán bộ, đảng viên và nhân dân căn cứ thực hiện với 5 nội dung chính:
1 - Đối với đất nước phải phấn đấu vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”;
2 - Đối với Đảng phải tin tưởng và tuyệt đối trung thành;
3 - Đối với nhân dân phải hết sức, hết lòng phục vụ;
4 - Đối với công việc phải nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả;
5 - Đối với bản thân phải thực sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư.
Năm chuẩn mực trên trong mỗi nội dung đã được cụ thể hoá thành các nhiệm vụ cụ thể một cách cô đọng, ngắn gọn, dễ nhớ và cần thiết phải thực hiện.
Trên cơ sở Quy định chung, mỗi cơ quan, đơn vị đã căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ cụ thể của mình để xây dựng, tổ chức cho cán bộ, đảng viên thảo luận dân chủ, thống nhất thành chuẩn mực đạo đức của cán bộ, đảng viên đơn vị mình đăng ký phấn đấu thực hiện. Việc thực hiện chuẩn mực đạo đức Hồ Chí Minh có tác dụng tích cực và hiệu quả thực tế, giúp đưa Cuộc vận động trở thành nội dung hoạt động hàng ngày của cơ quan, đơn vị; là một tiêu chuẩn để đánh giá xếp loại cơ sở Đảng và đảng viên hàng năm.
Qua tổng kết đánh giá cho thấy: Các cơ quan, đơn vị đã thực hiện khá nghiêm túc nội dung, chuẩn mực đạo đức theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và các Chỉ thị, Nghị quyết của Tỉnh ủy về không uống rượu buổi trưa trong các ngày làm việc; thực hành tiết kiệm trong việc tổ chức các hoạt động tổng kết, đón nhận các danh hiệu thi đua. Nhiều địa phương đã có cách làm sáng tạo, gắn việc triển khai Cuộc vận động với các nhiệm vụ khác của công tác xây dựng Đảng cũng như các cuộc vận động khác của đơn vị mình.
Việc tổ chức thực hiện lấy ý kiến góp ý, phê bình đối với cán bộ, đảng viên, công chức được BCĐ cấp tỉnh chỉ đạo áp dụng cả 2 hình thức: phát biểu trực tiếp và góp ý bằng phiếu tại hội nghị. Việc tổ chức góp ý, phê bình bằng phiếu được coi là hình thức tổ chức sáng tạo của Phú Thọ, đã có tác dụng khá rõ trong việc giáo dục, nhắc nhở, phòng ngừa sai phạm của tập thể và cá nhân cán bộ, đảng viên, nhất là đối với các đồng chí là lãnh đạo các cấp. Ban chỉ đạo Trung ương đánh giá cao việc tỉnh Phú Thọ xây dựng nội dung thực hiện "chuẩn mực đạo đức theo tấm gương Hồ Chí Minh" và việc tổ chức các hội nghị lấy ý kiến góp ý, phê bình của cán bộ đảng viên đối với các cơ quan, đơn vị.
Sau 4 năm thực hiện Cuộc vận động, các tập thể và cán bộ, đảng viên được gợi ý kiểm điểm đều có những chuyển biến tích cực. Nền nếp, tác phong làm việc nơi công sở được củng cố, có sự thay đổi rõ nét. Đối với cá nhân cán bộ, đảng viên được góp ý đã có sự tự điều chỉnh cả về nhận thức và trong hành động. Thường xuyên gần gũi, lắng nghe ý kiến của nhân dân, thái độ phục vụ nhân dân tốt hơn. Tại khu dân cư, cán bộ, đảng viên, công chức có thái độ hoà đồng hơn, gần gũi hơn với bà con lối xóm, tạo được sự ủng hộ của quần chúng nhân dân.
|
Trưởng BCĐ Cuộc vận động tỉnh trao Bằng khen cho các cá nhân có nhiều thành tích trong thực hiện Cuộc vận động. |
Đã có 651 cuộc thi "kể chuyện tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" được tổ chức ở các cấp với tổng số thí sinh tham dự là 5.542 người. Cùng với hội thi do Ban chỉ đạo các cấp tiến hành, Đoàn TNCS HCM tỉnh đã phối hợp với Sở GD-ĐT tổ chức Hội thi "Chúng em kể chuyện Bác Hồ" dành cho các em thiếu niên, nhi đồng với sự tham gia cả 506 liên đội thiếu niên tiền phong và 28.306 lượt em dự thi; Sở GD-ĐT cũng tổ chức Hội thi "Kể chuyện tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" cho cán bộ, giáo viên trong ngành tham gia.
Công tác tổ chức gặp mặt, biểu dương các tập thể và cá nhân điển hình được triển khai sâu rộng, đạt hiệu quả tốt. 100% đơn vị, huyện, thị, thành và đảng bộ trực thuộc trong toàn tỉnh tổ chức thành công gặp mặt biểu dương các tập thể, cá nhân tiêu biểu làm theo tấm gương đạo đức của Bác. Thông qua việc phát hiện, bình chọn và giới thiệu từ cơ sở, sau từng bước thẩm định đã có 366 tập thể và 648 cá nhân được các huyện, thành thị, đảng bộ trực thuộc tuyên dương, khen thương; 36 tập thể và 50 cá nhân tiêu biẻu xuất sắc được dự buổi gặp mặt cấp tỉnh và ban Thường vụ Tỉnh uỷ tuyên dương, khen thưởng. Năm 2010, nhiều tập thể và cá nhân tiêu biểu trong thực hiện tốt Cuộc vận động cũng đã được biểu dương khen thưởng tại Hội nghị điển hình tiên tiến các địa phương, ban, ngành và tại Đại hội Thi đua yêu nước tỉnh Phú Thọ lần thứ IV. Tại các hội nghị tổng kết 4 năm thực hiện Cuộc vận động, các cấp trong tỉnh đã khen thưởng hàng nghìn tập thể, cá nhân tiêu biểu trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác.
Cuộc vận động sáng tác, quảng bá các tác phẩm văn học nghệ thuật về chủ đề "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” trên địa bàn tỉnh cũng thu được những kết quả tốt đẹp. Tính đến hết tháng 3/2010, Ban Tổ chức đã nhận được 692 tác phẩm, trong đó có 11 truyện ngắn, 10 tản văn, 20 bút ký, 250 bài thơ và một số bài viết thuộc thể loại khác; 23 ca khúc, 1 tập ca khúc, 39 bức tranh, 8 bài sưu tầm, 5 đĩa nhạc CD và một số ảnh nghệ thuật dự thi; 175 tác phẩm báo viết, 100 tác phẩm PT-TH. Hội đồng trách nhiệm chuyên môn đã tuyển chọn được 21 tác phẩm văn học, 23 tác phẩm nghệ thuạt, 29 tác phẩm báo chí tiêu biểu có giá trị về tư tưởng và nghệ thuật để trao giải.
Báo Phú Thọ phối hợp với Tỉnh đoàn tổ chức cuộc thi viết “Tuổi trẻ Đất Tổ học tập tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và những lời dạy của Bác”, đã thu hút được nhiều tác giả tham gia với nhiều tác phẩm báo chí ở nhiều thể loại, biểu dương những tấm gương tiêu biểu làm theo lời Bác trong thanh niên.
Để đạt được những kết quả nêu trên, bên cạnh công tác kiểm tra, đôn đốc; sơ kết, tổng kết được thực hiện nghiêm túc, thường xuyên của BCĐ các cấp, công tác tuyên truyền, cổ động cho Cuộc vận động cũng được tiến hành thường xuyên, liên tục sâu rộng trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Các cơ quan: Báo Phú Thọ, Đài PT-TH tỉnh, Tạp chí Văn nghệ Đất Tổ; các đài PT-TH huyện, thành, thị; các đài truyền thanh xã, phường, thị trấn đã thường xuyên, duy trì chuyên trang, chuyên mục, đẩy mạnh công tác tuyên truyền Cuộc vận động.
Cùng với các phương tiện thông tin đại chúng, hình thức tuyên truyền về Cuộc vận động còn được triển khai mạnh mẽ trên các Bản tin Sinh hoạt Chi bộ, Thông tin Tuyên truyền viên của Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ; các bản tin, tập san của các đơn vị, địa phương và các tổ chức chính trị-xã hội; tổ chức các hoạt động kỷ niệm và các hoạt động văn hoá, văn nghệ, triển lãm, cổ động trực quan, tuyên truyền lưu động, tuyên truyền lồng ghép, nói chuyện chuyên đề, toạ đàm, báo công, giáo dục truyền thống…
Tại Hội nghị, các tham luận của Đảng uỷ Công an tỉnh; Đảng uỷ khối các cơ quan tỉnh; Đảng uỷ phường Gia Cẩm-TP.Việt Trì; đại diện Đảng bộ Công ty Supe Phốt phát và Hoá chất Lâm Thao; Hội Khuyến học xã Ninh Dân, huyện Thanh Ba… đã góp phần minh hoạ và làm rõ hơn những kết quả qua 4 năm thực hiện Cuộc vận động trên địa bàn tỉnh. Đồng thời nêu lên những phương pháp tốt, cách làm hay của các tập thể, cá nhân trong việc làm theo tấm gương đạo đức của Bác…
|
Bí thư TỈnh uỷ Nguyễn Doãn Khánh phát biểu kết luận Hội nghị |
Phát biểu kết luận Hội nghị, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo Cuộc vận động tỉnh Nguyễn Doãn Khánh khẳng định: Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” là một quá trình liên tục, lâu dài để góp phần xây dựng nền tảng đạo đức cho xã hội, thực hiện mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”.
Đồng chí Trưởng Ban Chỉ đạo Cuộc vận động tỉnh đề nghị, trong thời gian tới các cấp uỷ đảng, BCĐ Cuộc vận động các cấp, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị trong tỉnh cần tập trung thực hiện tốt 5 nhiệm vụ trọng tâm:
Một là: Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, tạo sự thống nhất cao về nhận thức và hành động ở tất các các ngành, các cấp, trước hết là trách nhiệm của đồng chí bí thư cấp uỷ, cán bộ lãnh đạo chủ chốt về ý nghĩa, tầm quan trọng của Cuộc vận động; nâng cao ý thức trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, công chức về tinh thần, thái độ phục vụ nhân dân.
Xác định việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh chính là xây dựng nền tảng đạo đức, nền tảng văn hoá, tinh thần xã hội; là công việc lâu dài, phải làm thường xuyên, liên tục và là một trong những giải pháp rất quan trọng để hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của từng địa phương, đơn vị; góp phần xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.
Hai là: Gắn các nội dung Cuộc vận động với thực hiện nhiệm vụ chính trị của mỗi địa phương, cơ quan, đơn vị; với triển khai thực hiện Nghị quyết ĐH đảng bộ các cấp và Nghị quyết ĐH Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII. BCĐ các cấp, cơ quan, đơn vị phải căn cứ vào nội dung đã được BCĐ tỉnh xác định và tình hình thực tiễn của địa phương, đơn vị để bổ sung, cụ thể hoá thành kế hoạch triển khai; đồng thời, tăng cường công tác chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các nội dung đã đề ra.
Ba là: Đẩy mạnh việc làm theo và nêu gương, coi đây là giải pháp động lực của Cuộc vận động. Các cấp uỷ, BCĐ các cấp cần quan tâm phát hiện những tập thể, cá nhân tiên tiến, những tấm gương người lao động, công nhân, nông dân, trí thức… có thành tích xuất sắc; kịp thời biểu dương, khen thưởng, nhân rộng gương người tốt, việc tốt trong công tác, lao động, học tập, sáng tạo và trong đời sống thực tế để tạo ra phong trào và hiệu quả Cuộc vận động, tạo sức lan toả rộng lớn đối với toàn xã hội.
Xác định đây là Cuộc vận động lớn của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, của mọi cấp, mọi ngành và của toàn xã hội, không ai tự cho phép mình đựoc đứng ngoài hoặc thờ ơ với Cuộc vận động.
Bốn là: Quá trình triển khai Cuộc vận động phải gắn chặt với việc thực hiện cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng, tự phê bình và phê bình nghiêm túc trong nội bộ Đảng; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; phát huy và thể hiện rõ nét vai trò trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong phòng, chống tham nhũng, lãng phí, thực hành tiết kiệm; tạo điều kiện thuận lợi và coi trọng sự giám sát và tham gia góp ý của nhân dân đối với đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức; phát huy vai trò giám sát của Hội đồng nhân dân, MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội, quần chúng nhân dân…
Năm là: Tiếp tục phát huy tính chủ động, năng động và sáng tạo trong quá trình triển khai thực hiện Cuộc vận động; tăng cường công tác phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan, ban, ngành trong quá trình tổ chức thực hiện các nội dung kế hoạch của BCĐ tỉnh đã đề ra. Các cấp uỷ đảng và BCĐ các cấp cần khẩn trương khắc phục những hạn chế trong quá trình triển khai thực hiện Cuộc vận động thời gian qua; khắc phục bằng được tình trạng phô trương, hình thức, tiến hành Cuộc vận động theo đợt, kiểu phong trào, thiếu nội dung và thiếu chiều sâu…
Nhân dịp này, 18 tập thể và 18 cá nhân có thành tích xuất sắc trong quá trình thực hiện Cuộc vận động đã được lựa chọn để UBND tỉnh tặng Bằng khen./.
Tin, ảnh: HMT