Những kết quả thiết thực
Thủ đô Hà Nội vinh dự là nơi đầu tiên trong cả nước hưởng ứng Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” do Trung ương Đảng phát động. Báo cáo tổng kết tại Hội nghị, đồng chí Hồ Quang Lợi, Uỷ viên Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội đã khẳng định: “Đây là cuộc vận động có ý nghĩa vô cùng quan trọng cả về nhận thức, tư tưởng, hành động, làm cho toàn Đảng, toàn dân nhận thức sâu sắc về những nội dung cơ bản và giá trị to lớn của tư tưởng và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.
Bốn năm qua, Đảng bộ Hà nội đã bám sát sự chỉ đạo của Ban chỉ đạo Cuộc vận động, tổ chức nhiều hoạt động kịp thời, có sáng tạo phù hợp với những đặc thù của Đảng bộ Thủ đô và yêu cầu của nhiệm vụ mới.
Đã có gần 800 hội thi “Kể chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” được tổ chức từ cơ sở đến thành phố, với hơn 15.000 người tham dự, thuộc nhiều lứa tuổi, thành phần, nghề nghiệp khác nhau, thu hút hàng chục vạn người quan tâm theo dõi. Nhiều cuộc giao lưu, tọa đàm về “Làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” đã được tổ chức. Thông qua đó, đã phát hiện ra nhiều tập thể, cá nhân tiêu biểu, từ đó tạo sự lan tỏa, nhân rộng các hành động, việc làm theo tấm gương đạo đức của Bác trên nhiều lĩnh vực.
Cuộc vận động cũng đã trở thành một đề tài lớn, quan trọng trên báo chí lĩnh vực văn hóa, văn nghệ và các phương tiện truyền thông khác. Các cơ quan thông tấn, báo chí bản tin của thành phố và địa phương duy trì đều đặn chuyên mục, bài viết tuyên truyền về những cá nhân, đơn vị tiêu biểu, những điểm sáng làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trên các mặt công tác và lĩnh vực của đời sống xã hội.
Trong hệ thống giáo dục quốc dân, đã triển khai giảng dậy và học tập đạo đức Hồ Chí Minh một cách đồng bộ. Các bài học được lồng ghép trong các môn văn học, lịch sử, giáo dục công dân và hoạt động ngoại khóa. Đáng chú ý là hội thảo “Văn hóa ứng xử của học sinh trong khu phố cổ”, diễn đàn “5 điều Bác Hồ dạy với nét đẹp của thanh thiếu nhi quận Hoàn Kiếm”.
Công tác tuyên truyền thực hiện Cuộc vận động gắn với hoạt động kỷ niệm các ngày lễ lớn, được tuyên truyền sâu rộng trong các cấp, các ngành, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội, gắn với tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm và phát động các phong trào thi đua, mừng các ngày lễ lớn như kỷ niệm 40 năm thực hiện Di chúc của Bác Hồ, 80 năm ngày thành lập Đảng cộng sản Việt Nam, 120 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, 35 năm giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, kỷ niệm 65 năm ngày cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9, kỷ niệm Đại lễ 1000 năm Thăng Long, ĐH Thi đua yêu nước Thành phố giai đoạn 2005 – 2010 và tuyên truyền kết quả ĐH các cấp.
100% các tổ chức cơ sở đảng trong Đảng bộ Thành phố đã đăng ký nội dung, tiêu chí thực hiện học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, gắn với thực hiện cải cách hành chính, lề lối làm việc, xây dựng nếp sống văn hóa, thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí, xây dựng kỷ luật lao động, tác phong, lối sống... Thông qua cuộc vận động, ý thức tự giác rèn luyện về đạo đức, lối sống của đa số các cán bộ, đảng viên được nâng lên, biểu hiện qua công việc hàng ngày, trong mối quan hệ với đồng chí và đồng nghiệp.
Bốn năm hưởng ứng Cuộc vận động với những cách làm sáng tạo như xây dựng các mẫu xin góp ý kiến của nhân dân đóng góp cho cán bộ đảng viên, xây dựng quy trình lấy ý kiến đóng góp của nhân dân với việc đánh giá chất lượng đảng viên, đã tạo nên sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, tăng cường sự đồng thuận trong xã hội. Cuộc vận động đã trở thành động lực thúc đẩy Đảng bộ thành phố Hà Nội thực hiện có kết quả 9 chương trình công tác lớn, 5 nhiệm vụ trọng tâm và 2 khâu đột phá, đặc biệt là 3 việc lớn: Thực hiện tốt Nghị quyết 15 của Quốc hội về mở rộng địa giới hành chính của Thủ đô, tiến hành thắng lợi ĐH Đảng các cấp tiến tới ĐH Đảng toàn quốc lần thứ XI, tổ chức thành công Đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội.
|
Toàn cảnh hội nghị |
Đúc kết bài học kinh nghiệm
Bên cạnh những kết quả to lớn đạt được, việc thực hiện Cuộc vận động tại Đảng bộ thành phố Hà Nội còn tồn tại một số hạn chế, yếu kém cần khắc phục. Từ thực tiễn triển khai, Ban chỉ đạo Cuộc vận động đã đúc rút một số bài học kinh nghiệm.
Một là, vai trò tiên phong gương mẫu của người đứng đầu, của tập thể lãnh đạo và Ban chỉ đạo các cấp có tính quyết định. Việc chỉ đạo, định hướng các nội dung của Cuộc vận động phù hợp với tình hình và nhiệm vụ chính trị của địa phương cơ sở theo từng thời điểm cụ thể, đúng trọng tâm và kịp thời đúc rút kinh nghiệm triển khai sẽ là tiền đề đẩy mạnh, thực hiện cuộc vận động ở các địa phương, đơn vị.
Hai là, trong thực hiện Cuộc vận động, phải kết hợp chặt chẽ giữa việc “học tập” và “làm theo”, quán triệt và hướng dẫn tổ chức thực hiện, động viên tạo điều kiện để mọi cán bộ, đảng viên, nhân dân tích cực, tự giác làm theo tấm gương đạo đức của Bác, nhất là cán bộ, đảng viên giữ cương vị lãnh đạo chủ chốt các cấp, tránh hình thức đơn điệu.
Ba là, tăng cường giám sát, kiểm tra thường xuyên với các chi bộ, Đảng bộ cơ sở, làm tốt công tác sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm, chú trọng biểu dương, khen thưởng kịp thời những tấm gương điển hình tiên tiến, gắn với các phong trào thi đua yêu nước, triển khai cuộc vận động “toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”.
Bốn là, thực hiện Cuộc vận động gắn với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, đảm bảo ổn định tình hình chính trị, kinh tế - xã hội phát triển, quốc phòng, an ninh vững chắc, đời sống người dân được cải thiện. Có làm được như vậy, Cuộc vận động mới có ý nghĩa và đi vào chiều sâu.
Năm là, Cơ quan thường trực Ban chỉ đạo các cấp phải thực sự chủ động, phát huy tốt vai trò tham mưu với Ban Chỉ đạo Thành phố trong việc xây dựng và triển khai có hiệu quả các nội dung của Cuộc vận động ở địa phương, đơn vị.
Để tiếp tục thực hiện hiệu quả các kết quả đạt được, các cấp ủy Đảng thành phố Hà Nội đã xây dựng kế hoạch thực hiện Cuộc vận động trong thời gian tới.
Kế hoạch thực hiện Cuộc vận động cần bám sát chủ đề hàng năm của từng địa phương, cơ quan, đơn vị, gắn chặt triển khai với nhiệm vụ chuyên môn, lấy kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị để đánh giá chất lượng cuộc vận động. Kế hoạch đó cũng phải đảm bảo phát huy tính dân chủ, nâng cao ý thức chấp hành kỷ luật, gắn bó mật thiết với nhân dân, chống chủ nghĩa cá nhân, quan liêu, tham nhũng, lãng phí, xa dân, suy thoái về đạo đức, lối sống. Các giải pháp thiết thực để thực hiện các nhiệm vụ nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả trong học tập và chiến đấu.
Cần chú trọng việc đăng ký làm theo tấm gương đạo đức của Bác. Đó là cơ sở để tu dưỡng, phấn đấu của mỗi cá nhân, là căn cứ để các cơ quan đơn vị theo dõi, giám sát và đánh giá cán bộ, công chức hàng năm.
Về công tác chỉ đạo điểm, Ban chỉ đạo Cuộc vận động các cấp cần quan tâm hướng dẫn đơn vị chỉ đạo điểm, xây dựng kế hoạch thực hiện đảm bảo tính thiết thực và khả thi. Trong đó, nội dung chỉ đạo điểm cần xác định mục đích, yêu cầu, mục tiêu cần đạt được thông qua công tác chỉ đạo điểm, hướng dẫn các đơn vị xây dựng kế hoạch làm điểm theo các bước thực hiện của cuộc vận động. Với đơn vị được chọn chỉ đạo điểm, cần xác định được tầm quan trọng của công tác chỉ đạo điểm và trách nhiệm của mình để tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch một cách nghiêm túc.
Cuộc vận động Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh có ý nghĩa vô cùng quan trọng cả về nhận thức, tư tưởng, hành động làm cho toàn Đảng, toàn dân nhận thức sâu sắc về những nội dung cơ bản và giá trị to lớn của tư tưởng và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Qua bốn năm, Đảng bộ Hà Nội đã bám sát sự chỉ đạo của Ban chỉ đạo Cuộc vận động Trung ương về nhiệm vụ, mục tiêu chung cũng như trong từng giai đoạn Cuộc vận động, tổ chức nhiều hoạt động kịp thời, có sáng tạo phù hợp với đặc thù của Đảng bộ Thủ đô và yêu cầu mới.
Bảo Anh