Thứ Bảy, 5/10/2024
Thế giới
Chủ Nhật, 3/6/2012 10:37'(GMT+7)

Putin và trọng tâm “truyền thống”

Đúng như bài phát biểu tại Duma Quốc gia Nga ngay sau lễ nhậm chức hồi đầu tháng 5, trong đó khẳng định ưu tiên số 1 trong chiến lược đối ngoại của Nga là tăng cường liên kết trong không gian hậu Xô Viết và đưa Nga trở thành quốc gia đóng vai trò lãnh đạo và là trung tâm thu hút toàn bộ lục địa Á - Âu, Tổng thống V.Putin đã chọn Belarus là điểm đến mở đầu trong lộ trình công du nước ngoài đầu tiên. 

Nhiều ý kiến cho rằng, trong bối cảnh Liên minh Châu Âu (EU) siết chặt các biện pháp trừng phạt chính trị và kinh tế nhằm vào Belarus, chuyến thăm của nhà lãnh đạo số một nước Nga được coi như một bảo đảm đối với Minsk trước những sức ép từ bên ngoài. Tuy nhiên, đây mới chỉ là một phần ý nghĩa của chuyến thăm. Vì trên thực tế, quan hệ giữa Nga - Belarus đang ở tầm cao nhất. Dù hai năm trở lại đây, một vài "nút thắt" đã xuất hiện trong quan hệ song phương xung quanh vấn đề trung chuyển dầu mỏ, tuy nhiên cả hai bên đều nhận ra "vận mệnh" gắn liền với nhau vì lợi ích ở tầm chiến lược. Nga coi Belarus như bức tường thành tự nhiên làm chậm bước tiến của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) trong công cuộc Đông tiến, còn Belarus lại dựa vào Nga trong lĩnh vực kinh tế và ổn định chính trị trước con mắt "nhòm ngó" của phương Tây.

Không chỉ là quan hệ láng giềng thân thiết, việc Nga, Belarus cùng Kazakhstan, thiết lập Liên minh thuế quan - một không gian kinh tế thống nhất nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh của hàng hóa ba nước, đồng thời tạo nòng cốt vững chắc cho Liên minh kinh tế Á - Âu sau này. Vì vậy, hoàn toàn dễ hiểu vì sao trong khi Tổng thống Nga chọn Belarus, Thủ tướng Dmitri Medvedev đã chọn Kazakhstan cho chuyến công du nước ngoài đầu tiên trên cương vị mới. Rõ ràng, chiến lược đối ngoại của Nga trong nhiệm kỳ mới này đặt trọng tâm vào liên minh nhà nước chung nhằm tăng cường sức mạnh cho thế chân kiềng Nga - Belarus - Kazakhstan, qua đó thu hút các nước khác trong không gian hậu Xô Viết cùng tham gia.

Tuy vậy, chính sách đối ngoại Điện Kremlin xây dựng không thể coi nhẹ mối quan hệ với EU. Dù trong nhiều năm qua những nghi kỵ còn sót lại từ thời kỳ Chiến tranh Lạnh vẫn là bức tường ngăn cản quan hệ giữa hai bên song không thể phớt lờ một thực tế rằng EU đang là đối tác thương mại lớn nhất của Nga. Ngược lại, Nga cũng là "bạn hàng" lớn thứ ba của "ngôi nhà chung" 27 thành viên. Trong hai nhiệm kỳ tổng thống từ năm 2000 đến 2008, nguyên thủ nước Nga từng xây dựng các mối quan hệ rất tốt đẹp với các Tổng thống Pháp Jacques Chirac cũng như với Thủ tướng Đức Gerhard Schroder. Việc tạo dựng các liên minh lợi ích với hai trụ cột của EU đã giúp hình thành một số chiến lược quan trọng của Nga ở Châu Âu, đó là hạn chế tư tưởng chống Nga, làm chậm lại quá trình Đông tiến của phương Tây, xây dựng được các mối đồng thuận chống lại một số chính sách của Mỹ, chẳng hạn như cuộc chiến vào Iraq. Tuy nhiên, khi trở lại cương vị Tổng thống, cựu điệp viên Cơ quan tình báo Nga (KGB) phải đối mặt với một Châu Âu có nhiều điểm khác, trong đó các mối quan hệ cũ của ông đã rời khỏi chính trường. Các cử tri đã loại bỏ 2/3 số chính phủ từng có chính sách thân thiện với Nga. Lẽ dĩ nhiên, những thay đổi ở cựu lục địa đòi hỏi ông chủ Điện Kremlin phải thay đổi chiến thuật đối với các đối tác Châu Âu. Chuyến trở lại Berlin và Paris lần này của Tổng thống V.Putin cũng không ngoài mục đích đó./.

HNM

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất