Thứ Bảy, 5/10/2024
Thế giới
Thứ Bảy, 2/6/2012 4:18'(GMT+7)

Ðịnh hướng phát triển bền vững cho tương lai

Nhân viên LHQ phát lương thực viện trợ người dân Xô-ma-li-a.     ( Ảnh: blogcritics.org )

Nhân viên LHQ phát lương thực viện trợ người dân Xô-ma-li-a. ( Ảnh: blogcritics.org )

 

Hội nghị Rio+20 năm nay được tổ chức đúng dịp kỷ niệm 40 năm kể từ Hội nghị lần đầu của LHQ về con người và môi trường và đánh dấu sự ra đời của Chương trình môi trường LHQ tháng 6-1972, tại Xtốc-khôm (Thụy Ðiển). Hội nghị diễn ra tại Ri-ô đề Gia-nê-rô, nơi cách đây 20 năm, Hội nghị cấp cao Trái đất được tổ chức và đã thông qua năm văn kiện quan trọng, trong đó có Chương trình nghị sự 21 là kim chỉ nam cho sự phát triển bền vững của thế giới. Tổng Thư ký LHQ Ban Ki Mun nêu rõ, Hội nghị Rio+20 là sự kiện quan trọng nhất của LHQ trong thế kỷ 21 và là cơ hội lịch sử để xác định con đường phát triển vì một thế giới an toàn hơn, công bằng hơn và thịnh vượng hơn.

Theo yêu cầu của LHQ, Hội nghị Rio+20 phải xác định được mục tiêu xây dựng một nền kinh tế xanh, cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế với chống đói nghèo và bảo vệ môi trường. Hội nghị lần này được kỳ vọng sẽ cung cấp lộ trình để giải quyết các vấn đề cấp bách trong các chiến lược phát triển của thế giới, hướng tới phát triển kinh tế xanh trong môi trường lành mạnh. Hội nghị Rio+20 sẽ tập trung vào hai chủ đề chính, gồm: kinh tế xanh phát triển bền vững và xóa đói nghèo; và khuôn khổ thể chế cho sự phát triển bền vững. Trong đó, các lĩnh vực được ưu tiên thảo luận như tăng trưởng xanh và việc làm, năng lượng, đô thị bền vững, an ninh lương thực và nông nghiệp bền vững, vấn đề nước, đại dương và dịch bệnh.

Trong bối cảnh mô hình tăng trưởng hiện nay của thế giới không chỉ thiếu bền vững mà còn không hiệu quả, nên tăng trưởng xanh trở thành nhu cầu cần thiết và khẩn cấp, nhằm giảm lãng phí các nguồn tài nguyên thiên nhiên và năng lượng. Tuy nhiên, thách thức đối với mô hình này hiện nay là năng lực quản lý kém, thái độ bảo thủ và các hạn chế tài chính. Thế giới hiện có khoảng 190 triệu người thất nghiệp và trong 10 năm tới, sẽ có khoảng 500 triệu người tìm việc làm. Do vậy, các chính sách kinh tế và xã hội để tạo việc làm là hết sức cần thiết nhằm bảo đảm ổn định xã hội. Trong đó, khuyến khích tạo "việc làm xanh" trong các ngành nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ và quản lý, góp phần giữ gìn và khôi phục chất lượng môi trường. Các đô thị đóng góp tới 75% sản lượng kinh tế toàn cầu, nên quá trình đô thị hóa đóng góp không nhỏ vào tăng trưởng kinh tế, đổi mới và giảm đói nghèo trên toàn thế giới. Tuy nhiên, đô thị hóa cũng đồng thời làm tăng các thách thức về kinh tế-xã hội và môi trường. Vì thế, mục tiêu phát triển đô thị bền vững trở nên cấp bách hơn. 

Các nguồn tài nguyên đất đai, nước ngọt, đại dương, rừng và đa dạng sinh học đang bị suy thoái nghiêm trọng, đồng thời biến đổi khí hậu đang tác động xấu tới các nguồn tài nguyên này, ảnh hưởng trực tiếp nguồn thực phẩm của loài người. Do vậy, sự cần thiết phải có những cam kết của các nước nhằm chia sẻ, bảo vệ và tiêu thụ thực phẩm hoặc cải thiện sâu sắc hệ thống thực phẩm và nông - thủy sản toàn cầu. Ðại dương cung cấp 15% tổng lượng prô-tê-in toàn cầu, giúp bảo đảm an ninh lương thực và an ninh kinh tế cho nhân loại, nhưng do quản lý kém, khai thác quá mức dẫn đến cạn kiệt, ô nhiễm và phá hủy hệ sinh thái biển. Trong khi đó, hằng năm có hàng triệu người, nhất là trẻ em chết vì các bệnh liên quan vệ sinh môi trường nước, khan hiếm nước, chất lượng nước.

Thiên tai như động đất, lũ lụt, hạn hán, bão, sóng thần ngày càng tăng và không một quốc gia nào có thể miễn dịch, bất kể mức độ phát triển kinh tế - xã hội. Sự lựa chọn chính xác là các giải pháp nhằm khắc phục hậu quả nhanh chóng và hợp tác cảnh báo thiên tai kịp thời sẽ hạn chế được thiệt hại. Năng lượng bền vững cũng là vấn đề sống còn trong phát triển bền vững, bảo đảm tăng trưởng kinh tế, bảo vệ hệ sinh thái, đồng thời mở rộng sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo nhằm giảm đáng kể lượng khí thải nhà kính cũng như ô nhiễm môi trường...

Các chuyên gia nhận định, Hội nghị Rio+20 sẽ đưa ra những giải pháp, chương trình hành động cụ thể để hướng tới một mô hình kinh tế thịnh vượng và thành công của hội nghị hoàn toàn phụ thuộc những cam kết của các nước, các tổ chức. Tổng thư ký Hội nghị Rio+20 Sa Du-cang khẳng định, phát triển bền vững không phải là để lựa chọn, đó là con đường duy nhất cho phép tất cả nhân loại chia sẻ một cuộc sống tốt đẹp. Tổng Thư ký LHQ Ban Ki Mun nhấn mạnh, nhân loại không thể tiếp tục phá hủy con đường tiến tới thịnh vượng. Vì thế, Hội nghị Rio+20 là cơ hội để khởi động cuộc cách mạng về nhận thức nhằm thúc đẩy tăng trưởng năng động nhưng bền vững trong thế kỷ 21 và tương lai xa hơn.

AN HÒA/Nhan Dan 
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất