Thứ Bảy, 5/10/2024
Thế giới
Thứ Bảy, 2/6/2012 3:58'(GMT+7)

Mỹ bác bỏ hành động quân sự tại Xyri trừ phi được sự cho phép của Liên hợp quốc - Kêu gọi thúc đẩy quá trình chuyển giao chính trị tại Xyri

 
Bình luận của Bộ trưởng Panétta được đưa ra một ngày sau khi Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc (LHQ) Xudơn Raixơ (Susan Rice) ám chỉ việc Mỹ và các đồng minh sẽ cân nhắc hành động đơn phương nếu Nga và Trung Quốc tiếp tục phản đối những biện pháp cứng rắn nhằm vào Xyri.

Cùng ngày, Thư ký Nhà Trắng Giây Cácni (Jay Carney) kêu gọi chính quyền Tổng Thống Xyri Basa An Átxát (Basha al-Assad) nhanh chóng tiến hành một cuộc "chuyển giao chính trị hòa bình" tại quốc gia Arập này nếu không muốn một cuộc nội chiến đẫm máu xảy ra. Ông cũng kêu gọi cộng đồng quốc tế cần tiếp tục gây áp lực và cô lập chính quyền Tổng thống Átxát nhằm mở đường cho một quá trình chuyển giao chính trị toàn diện, song vẫn giữ nguyên quan điểm về việc Mỹ sẽ không can thiệp quân sự tại Xyri do lo ngại sẽ càng làm tình hình tại đây thêm hỗn loạn hơn.

Tại Đan Mạch, Ngoại trưởng Mỹ Hilari Clintơn (Hilary Clinton) cũng nhấn mạnh Mỹ tiếp tục ủng hộ kế hoạch hòa bình sáu điểm do Đặc phái viên chung của LHQ và Liên đoàn Arập (AL) Côphi Annan (Kofi Annan) đề xuất, đồng thời bác bỏ một phương án can thiệp quân sự tại Xyri. Phát biểu tại buổi hội đàm với Ngoại trưởng Đan Mạch Vili Xôêđan (Villy Soevndal), bà Clintơn chỉ trích việc chính quyền Tổng thống Átxát đã không tuân thủ kế hoạch mà ông Annan đưa ra, song thừa nhận sự hiện diện của các thanh sát viên LHQ tại Xyri đã phần nào giúp giảm tình trạng bạo lực tại quốc gia này. Người đứng đầu Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết không ủng hộ một sự can thiệp bên ngoài tại Xyri, song nhấn mạnh cần thành lập một liên minh quốc tế để giúp người dân Xyri và Mỹ cũng sẽ tìm kiếm sự đồng thuận của cộng đồng quốc tế. Ngoài ra, bà Clintơn cũng tiếp tục kêu gọi Nga đứng về phía phương Tây nhằm tiếp tục gây sức ép lên chính quyền Xyri chấm dứt tình trạng bạo lực tiếp diễn cũng như ngăn chặn một cuộc nội chiến bùng nổ.

Trong khi đó, phản ứng trước thông tin một chiếc tàu hàng chở vũ khí Nga đã cập cảng Tatớt (Tartus) của Xyri hôm 26/5, Đại sứ Mỹ tại LHQ Raixơ cùng ngày cho rằng đây là hành động "đáng bị chỉ trích" mặc dù không vi phạm luật pháp quốc tế. Bà Raixơ bày tỏ quan ngại hành động này cho thấy vũ khí sẽ tiếp tục được tuồn vào Xyri và có thể được chính phủ nước này sử dụng khiến bạo lực tiếp diễn.

Cũng trong ngày 31/5, Trung Quốc và các nước Arập đã cùng hối thúc các bên đối địch ở Xyri thực thi đầy đủ kế hoạch hòa bình ngừng bắn của Đặc phái viên Annan. Tuyên bố chung bế mạc diễn đàn Trung Quốc - Arập tại thành phố miền Đông Hammamét (Hammamet) của Tuynidi có đoạn: "Cần tránh sự can thiệp nước ngoài cũng như kịch bản vô chính phủ và nội chiến ở Xyri". Theo Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì, cộng đồng quốc tế phải tiếp tục nỗ lực kêu gọi nhà chức trách Xyri thực hiện nghiêm túc và ngay lập tức kế hoạch của ông Annan. Trong khi đó, Tổng thống Tuynidi Mônxép Maduki (Moncef Marzouki) bày tỏ quan điểm của Tuynidi là Trung Quốc có thể đóng vai trò quyết định nhằm chấm dứt tình trạng mất mát của người dân Xyri và ngăn sự can thiệp quân sự nước ngoài.

Trong một diễn biến liên quan, ngày 31/5, sáu đảng mới thành lập tại Xyri đã kêu gọi phe đối lập tiến hành một cuộc đối thoại nghiêm túc nhằm đạt được một giải pháp chính trị đối với tình hình khủng hoảng tại quốc gia Trung Đông này.

Tại buổi họp báo được tổ chức ở thủ đô Đamát (Damasus), sáu đảng trên đã tuyên bố thành lập một liên minh như "một sự hợp nhất chính trị" nhằm xây dựng một nhà nước dân chủ. Liên minh này cũng cam kết hợp tác nghiêm túc với tất cả các đảng nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng cũng như đạt được sự "cân bằng chính trị" tại Xyri. Thông cáo của liên minh này có đoạn viết: "Liên minh ủng hộ các cuộc biểu tình hòa bình của người dân Xyri nhằm đạt được một quá trình chuyển giao chính trị." Thông cáo cũng cho biết cả 6 đảng đều thống nhất tầm quan trọng của việc bảo toàn thống nhất lãnh thổ Xyri, ngăn chặn tình trạng bạo lực cũng như sự can thiệp của nước ngoài vào tình hình trong nước.

Tình hình khủng hoảng tại Xyri ngày càng xấu đi nghiêm trọng sau vụ thảm sát kinh hoàng tại ngôi làng Hula, miền Trung nước này hôm 25/5, khiến ít nhất 108 người thiệt mạng. Sau vụ việc trên, hàng loạt các quốc gia như Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Canađa... đã đồng loạt trúc xuất đại sứ Xyri tại nước mình nhằm gia tăng sức ép lên chính quyền Tổng thống Átxát. Mới đây nhất, Bồ Đào Nha ngày 31/5 cũng tuyên bố trục xuất đại sứ Xyri tại nước này như một hành động lên án vụ thảm sát tại làng Hula./.

Theo TTXVN

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất