Thứ Bảy, 5/10/2024
Thế giới
Thứ Sáu, 1/6/2012 21:37'(GMT+7)

Liệu Syria có lặp lại kịch bản Libya?

Một vụ nổ bom ở Syria.

Một vụ nổ bom ở Syria.

Sau vụ thảm sát ở Houla khiến hơn 100 người Syria thiệt mạng, mặc dù lên án mạnh mẽ tội ác này song cộng đồng quốc tế vẫn bất đồng trong việc tìm giải pháp cho vấn đề Syria.

Syria đang rơi vào một cuộc nội chiến

Theo Đặc phái viên của Liên Hợp Quốc (LHQ) và Liên đoàn Arab, ông Kofi Annan cho rằng, bạo lực gia tăng có thể đẩy Syria đến một cuộc nội chiến toàn diện.

Ngày 31/5, Phe đối lập ở Syria đã ra tối hậu thư yêu cầu Tổng thống Bashar al-Assad trong vòng 48 giờ phải tuân thủ kế hoạch hòa bình 6 điểm do Đặc phái viên Kofi Annan đưa ra nhằm chấm dứt cuộc khủng hoảng kéo dài 14 tháng nay tại nước này.

Người phát ngôn của lực lượng Quân đội Tự do Syria (SFA) tuyên bố: “Chúng tôi ra tối hậu thư tuyên bố, Chính phủ Syria trong vòng 48 giờ phải thực thi các nghị quyết của Hội đồng Bảo an (HĐBA) LHQ. Đó là phải rút quân cũng như các xe tăng, xe quân sự  ra khỏi các thị trấn, làng mạc và cho phép viện trợ nhân đạo. Nếu không chúng tôi sẽ từ bỏ mọi cam kết và có hành động bảo vệ dân thường, các làng mạc và thành phố”.

Trong khi đó, cuộc họp kín của HĐBA LHQ về Syria kết thúc ngày 31/5 đã không đưa ra được bất kỳ quyết định cụ thể nào, đặc biệt trong vấn đề trừng phạt Damascus.

Tại cuộc họp, Đặc phái viên Annan đã cảnh báo rằng, cuộc khủng hoảng tại Syria có thể trở thành một cuộc “nội chiến toàn diện” nếu chính quyền Damascus và phe đối lập vũ trang không tiến hành các cuộc đàm phán chính trị cụ thể.

Phát biểu với báo giới sau cuộc họp, Phó Đặc phái viên quốc tế về Syria, ông Jean-Marie Guehenno khẳng định, các bên tại Syria cần tiến hành đàm phán chính trị cùng với việc thực thi kế hoạch hòa bình của ông Annan mới có thể phá vỡ vòng xoáy bạo lực hiện nay tại Syria.

Ông Guehenno nhận định, điều quan trọng là phe đối lập vũ trang tại Syria cần phải hạ vũ khí, đồng thời cảnh báo về khả năng các nhóm vũ trang và khủng bố bên ngoài sẽ lợi dụng tình trạng bất ổn hiện nay tại Syria.

Đại sứ Mỹ tại LHQ, bà Susan Rice cảnh báo, nếu HĐBA không kịp thời gia tăng sức ép lên Syria, Mỹ và đồng minh có thể cân nhắc hành động “phớt lờ” LHQ. Tuy nhiên, bà Rice không cho biết cụ thể “hành động” này là gì.

Về phía Nga, Đại sứ nước này tại LHQ, ông Vitaly Churkin đã lên tiếng phản đối việc gia tăng áp lực lên Damascus thông qua các biện pháp trừng phạt của LHQ.

Trước đó, Người phát ngôn của Tổng thống Nga Vladimir Putin, ông Dmitry Peskov cho biết, lập trường của Nga trong vấn đề Syria sẽ không thay đổi bất chấp sức ép từ các nước khác.

Trung Quốc cũng kêu gọi cộng đồng quốc tế dành thêm thời gian để kế hoạch hòa bình ở Syria của Đặc phái viên Annan phát huy hiệu quả. Trung Quốc cho rằng, không thể có được giải pháp tức thời cho một cuộc khủng hoảng phức tạp như vậy.

Cùng ngày, trong chuyến thăm Thổ Nhĩ Kỳ, Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon cũng cảnh báo, những vụ bắn giết dân thường tại Syria như vụ thảm sát tại Houla có thể khiến Syria rơi vào cuộc nội chiến.

Cũng trong ngày 31/5, lãnh đạo các nước Mỹ, Pháp, Đức và Italy đã tổ chức hội nghị trực tuyến thảo luận về sự cấp thiết phải chấm dứt tình trạng bạo lực đang leo thang tại Syria. Nguyên thủ các nước cùng chia sẻ quan điểm về tầm quan trọng của việc Chính phủ Syria phải “chấm dứt tình trạng bạo lực” cũng như “tính cấp thiết phải đạt được một quá trình chuyển giao chính trị tại quốc gia này”.

Liệu phương Tây có “vượt mặt” LHQ để can thiệp vào Syria?

Sau cuộc thảm sát ở Houla, hàng loạt quan chức phương Tây đã nhắc đến từ “can thiệp quân sự” vào Syria để lật đổ chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad. Liệu Syria có trở thành một Libya mới?

Theo báo Washington Post, mới đây, Đại sứ Mỹ tại HĐBA LHQ Susan Rice tuyên bố, nếu HĐBA không hành động mạnh mẽ để buộc chính quyền Syria ngừng bắn giết, “các nước thành viên sẽ không có lựa chọn nào khác ngoài việc xem xét hành động độc lập với LHQ”. Trước đó, Mỹ từng can thiệp quân sự vào Kosovo và tấn công Iraq mà không có sự đồng thuận của HĐBA.

Ở Mỹ, hàng loạt nghị sĩ Đảng Cộng hòa và ứng cử viên Tổng thống Mitt Romney đang mở cuộc vận động để Washington hành động mạnh tay với Syria. Báo New York Times cho biết tuần trước,

Chủ tịch Bộ tổng tham mưu liên quân Mỹ Martin Dempsey khẳng định, Mỹ đủ sức mạnh đánh bật lực lượng của Tổng thống al-Assad. “Chúng ta có thể làm bất cứ điều gì” - tướng Dempsey nhấn mạnh.

Tổng thống Pháp François Hollande cũng khẳng định không thể loại bỏ khả năng can thiệp quân sự vào Syria. Ngoại trưởng Australia Bob Carr cho biết, Australia sẽ thảo luận về đề xuất của Pháp.

Ngoại trưởng Bỉ Didier Reynders tuyên bố cộng đồng quốc tế cần triển khai sự hiện diện quân sự tại Syria, thiết lập các vùng an ninh và một lực lượng gìn giữ hòa bình.

Kịch bản Syria giống Libya có nhiều trở ngại

Trong khi Mỹ và một số nước đồng minh đang xem xét khả năng quân sự vào Syria thìgiới quan sát quốc tế nghi ngờ khả năng tương tự như những gì đã xảy ra ở Libya.

“Đó chỉ là một cuộc thảo luận hão. Can thiệp quân sự chắc chắn không phải là một sự lựa chọn. HĐBA LHQ chắc chắn sẽ không thông qua một nghị quyết ủng hộ can thiệp vào Syria” - Hãng tin DW dẫn lời chuyên gia Heiko Wimmen thuộc Viện Quốc tế và an ninh Đức (SWP) nhận định.

Trên thực tế, hiện Nga và Trung Quốc vẫn bác bỏ việc HĐBA đề xuất gia tăng các biện pháp trừng phạt đối với Syria. Theo RIA Novosti, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Gennady Gatilov nhấn mạnh, cần phải có thời gian để kế hoạch hòa bình của đặc sứ Kofi Annan vận hành. Quan trọng hơn, như chuyên gia Andre Bank thuộc Viện Nghiên cứu toàn cầu và khu vực Đức (GIGA), phương Tây thật sự không muốn mạo hiểm.

Dù phe Cộng hòa đang hô hào dữ dội, nhưng chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama đang tập trung vào kỳ bầu cử tháng 11 và kế hoạch rút quân khỏi Iraq và Afghanistan. Trong khi đó, như chuyên gia Andre Bank đánh giá, chính quyền các nước châu Âu không quyết tâm dù vẫn lớn tiếng.

Trong chiến dịch Libya hồi năm 2011, NATO dựa vào Nghị quyết của LHQ để mở cuộc không kích, thiết lập vùng cấm bay ở Libya. Nhưng tình hình ở Syria hoàn toàn khác.

Các chuyên gia phương Tây cho biết, Libya khi đó bị phân chia thành vùng phía đông và phía tây. Ở đó, có một biên giới và lực lượng nổi dậy đủ lực để hoạt động. Do đó, phương Tây có một đối tác. Ngược lại, phe nổi dậy ở Syria tản mát, không kiểm soát một vùng đất nào, các sắc tộc ở Syria chia rẽ sâu sắc.

Chuyên gia Wimmen nhận định, nếu can thiệp quân sự vào Syria, Mỹ và các nước châu Âu sẽ phải triển khai bộ binh như hồi chiến tranh Iraq năm 2003. Đó chắc chắn là điều ông Obama không muốn.

Kể cả khi phương Tây muốn can thiệp quân sự vào Syria thì cũng sẽ rất khó khăn. Báo New York Times dẫn lời một số quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết, Syria là một nguy cơ lớn hơn nhiều so với Libya.

Lầu Năm Góc cho biết, có bốn thách thức lớn ở Syria, trong đó có hệ thống phòng không lợi hại của chính quyền al-Assad và nguy cơ hai đồng minh của Syria là Iran và Nga can thiệp.

Theo trang Global Security, lực lượng vũ trang Syria rất lớn, có khoảng 330.000 lính. Lực lượng phòng không Syria cũng có tới 40.000 lính, được trang bị các hệ thống phòng không mạnh mẽ do Nga sản xuất, bao gồm 130 khẩu đội tên lửa đất đối không và hàng nghìn súng chống máy bay. Ngoài ra, không quân Syria có khoảng 800 máy bay chiến đấu và trực thăng. Năm 2011, chính quyền Syria mua tới 4 tỉ USD vũ khí từ Nga.

Trước đó, báo chí Nga đưa tin, chính quyền Syria muốn mua hệ thống phòng không hiện đại S-300 của Nga. Nhưng hồi tháng 1/2012, truyền thông Israel khẳng định Syria đã sở hữu hệ thống này rồi. Trang CBS cho biết, hồi đầu tháng 3, tướng James Mattis, tư lệnh Bộ chỉ huy trung ương Mỹ, thừa nhận hệ thống phòng không của Syria sẽ khiến phương Tây rất khó thiết lập vùng cấm bay.

Ngoài ra, New York Times cho biết các quan chức Lầu Năm Góc còn lo ngại khả năng hai đồng minh Iran và Nga sẽ âm thầm hỗ trợ lực lượng Syria. Nguồn tin tình báo Mỹ cho biết Iran vẫn đang tiếp tục cung cấp vũ khí hạng nhẹ, rocket, lựu đạn và các thiết bị công nghệ truyền thông cho Syria./.

(Theo: Bích Lan/VOV)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất