Trong giai đoạn “bão hòa” của âm nhạc Việt Nam hiện nay, việc khán giả tìm đến những thị trường âm nhạc mới có sức hấp dẫn cao là một điều hiển nhiên. Nhìn vào thực trạng đó, có thể phần nào lý giải “căn bệnh” thần tượng một cách thái quá đang ngày càng lan rộng trong giới trẻ.
Giới trẻ chuyển hướng nhạc ngoại
Đã qua rồi thời các bạn trẻ ôm đàn say sưa với những ca khúc với giai điệu vui tươi sôi nổi: “Bình minh sinh viên Việt Nam”, “Đường lên đỉnh vinh quang”, “Nối vòng tay lớn”... Ngày nay, theo thời gian và ảnh hưởng của sự giao thoa với các nền văn hóa, gu âm nhạc của thế hệ trẻ đang có những thay đổi rõ rệt. Nhiều nhóm nhạc nổi tiếng như: Bức Tường, AC&M, Năm Dòng Kẻ... được đánh giá cao về gu âm nhạc, đã trở thành “hàng hiếm” trong làng giải trí. Thực tế, nhạc Việt đang ngập tràn những bài hát có ca từ sáo rỗng uỷ mị rập khuôn “thị trường”, clip minh họa thì khiến người ta phát hoảng với cảnh giường chiếu, nội dung sáo rỗng với những pha tình cảm “phức tạp đến khó hiểu”.
Thực tế, làng giải trí Việt đang rơi vào tình trạng khá hẩm hiu khi thiếu vắng những chương trình lớn, do ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng kinh tế. Từ đầu năm trở lại đây, showbiz chỉ ầm ĩ với vô số scandal gây nhức nhối trong dư luận, điều được nhiều người mong đợi nhất là thông tin về các chương trình hay dự án âm nhạc chất lượng cao thì vẫn nằm trong im lặng. Điều này lý giải tại sao, nhạc Việt đang bị không ít khán giả trẻ thờ ơ.
Nhạc nội “bão hòa”, việc chuyển hướng sang nhạc “ngoại” dần trở thành một điều tất yếu đối với thế hệ trẻ. Sức hấp dẫn của các nghệ sĩ đến từ những quốc gia nổi tiếng về “công nghệ lăngxê thần tượng” như Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản khiến không ai có thể phủ nhận...
Sở hữu ngoại hình tốt, vũ đạo đẹp mắt và lợi dụng được thế mạnh của giọng hát nhờ được rèn luyện trong các “lò” đào tạo “ngôi sao” chuyên nghiệp chính là điều tạo nên sự thành công và khiến danh tiếng của họ ngày càng vang xa trên thế giới. Gần đây, làng nhạc Việt có dịp “bội thực” trước sự đổ bộ liên tiếp của các ngôi sao quốc tế nổi tiếng. Tính trong hai năm trở lại đây, có không dưới mười nhóm nhạc và ca sĩ nổi tiếng sang Việt Nam biểu diễn như: Backstreet Boys, Westlife, Super Junior, 2 AM, JYJ, 2NE1..., chưa kể có những nhóm nhạc Hàn Quốc ghé lại nhiều lần sau đó.
Khi người trẻ “thần tượng” thái quá
Một trong những vấn đề nóng đang được dư luận quan tâm hiện nay là sự thần tượng thái quá của các bạn trẻ. Thực tế, trước mỗi dịp có các “ngôi sao” quốc tế tới Việt Nam tham dự, không hiếm những hình ảnh chầu chực, xếp hàng, chen lấn thậm chí đến ngất xỉu khi chờ thần tượng xuất hiện. Đại nhạc hội MTV Exit 2012 chỉ là một trong số rất nhiều những ví dụ điển hình. Hình ảnh các cô bé tuổi teen cúi xuống... hôn chiếc ghế của một nam ca sĩ nổi tiếng đẹp trai đến từ xứ kim chi trong một đêm diễn hồi đầu năm, cũng khiến không ít người phải suy ngẫm.
Sự thái quá từ giới truyền thông cũng là một trong những nguyên nhân khiến không ít ngôi sao quốc tế ngày càng “sáng giá” trong con mắt fan Việt. Không “sáng giá” sao được khi trên các phương tiện truyền thông, mỗi lần có ban nhạc hay ca sĩ ngoại sang Việt Nam, đều tràn ngập hình ảnh các fan hâm mộ cuồng nhiệt.
Nhìn sâu vào vấn đề thì có thể nhận ra một thực tế: Với những thể hiện như hiện nay, nhạc “nội” vẫn chưa làm thỏa mãn được nhu cầu của các bạn trẻ. Không như suy nghĩ của nhiều người, giới trẻ không “khát” nhạc ngoại mà chỉ là đang “khát” những chương trình nghệ thuật đúng nghĩa và có chất lượng. Có lẽ, đây chính là khoảng thời gian cần nhất những nỗ lực và đầu tư đúng mức từ phía các nghệ sĩ Việt trong hoạt động nghề nghiệp của mình./.
(Theo: Lao Động)