Thứ Hai, 23/9/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Hai, 25/6/2012 13:8'(GMT+7)

Vai trò của Nhà nước trong bối cảnh văn hóa - nghệ thuật đã có sự vận động phát triển

 

Có thể khẳng định, việc xuất bản các công trình Thi học và ngôn ngữ học - lý luận văn học phương Tây hiện đại (tác giả: R.Gia-cốp-xơn), Nhiệt đới buồn (tác giả: L. Xtrớt) và Lý luận văn học (tác giả: R.Oen-lếch và A.Oa-ren) đã thể hiện một nỗ lực to lớn của giới trí thức và giới xuất bản ở Việt Nam. Hơn thế nữa, trong ba công trình nói trên có đến hai công trình ra đời hoàn toàn không dựa trên sự tài trợ của các tổ chức nước ngoài hoặc nguồn lực xã hội hóa dưới hình thức liên kết với các công ty truyền thông tư nhân. Ðó là hai công trình do Trung tâm nghiên cứu Quốc học, một tổ chức trực thuộc Ủy ban trung ương Liên hiệp các Hội Văn học, nghệ thuật Việt Nam liên kết cùng Nhà xuất bản Văn học ấn hành.

Nhìn vào sự ra đời của những công trình này, phải thừa nhận thực tế, là đang có một khoảng cách về tri thức giữa giới học thuật ở Việt Nam và thế giới. Các công trình của L. Xtrớt, Gia-cốp-xơn hoặc của Oa-ren và Oen-lếch đều là những tác phẩm hoặc khởi đầu, hoặc mang cảm hứng của cấu trúc luận - một trào lưu tồn tại trong khoảng hai thập niên giữa thế kỷ 20, cho tới khi những biến động của phong trào Tháng Năm năm 1968 làm rung chuyển xã hội phương Tây và khoa học nhân văn ở phương Tây tận gốc rễ. Ở Việt Nam, vượt qua các khó khăn của hoàn cảnh, vẫn có sự tiếp xúc mang tính trực tiếp và cá nhân với các tri thức này. Ví dụ trong công trình Văn học Việt Nam giai đoạn giao thời của hai tác giả Trần Ðình Hượu và Lê Chí Dũng viết trong thập niên 80 của thế kỷ 20, có thể tìm thấy đồng thời những ảnh hưởng của hình thức luận Nga lẫn M. Oép-bơ. Trước khi chính thức được dịch và xuất bản ở Việt Nam, các tư tưởng thi học của Gia-cốp-xơn vẫn góp phần làm nên thành tựu của Phan Ngọc trong những công trình giải thích văn học bằng ngôn ngữ học; và trong những công trình dân tộc học của Từ Chi, vượt ra khỏi hoàn cảnh, vẫn có những tư tưởng của cấu trúc luận.

Tương tự như vậy với điện ảnh, trong hai năm 2010 và 2011, bên những dự án phim thương mại đạt được những con số kỷ lục về doanh thu nhưng nghèo nàn về nghệ thuật, vẫn xuất hiện một số dự án phim nghệ thuật, như: Trăng nơi đáy giếng (Nguyễn Vinh Sơn), Chơi vơi của Bùi Thạc Chuyên...Sự xuất hiện các tác phẩm này đã thu hút sự quan tâm thật sự của giới làm nghề và giới phê bình với nhiều luồng ý kiến khác nhau. Những bộ phim này được đề cập  trong một cuộc hội thảo được Hội Ðiện ảnh tổ chức tại TP Hồ Chí Minh vào tháng 3-2011 với chủ đề Ðiện ảnh phản ánh hiện thực đời sống. Hội thảo có sự góp mặt của nhiều nhà nghiên cứu, lý luận phê bình điện ảnh, những nhà quản lý có trách nhiệm trong các cơ quan quản lý nhà nước về điện ảnh và những đạo diễn điện ảnh có uy tín hiện nay. Ðiều đáng quan tâm trong cuộc hội thảo là hệ tiêu chí mà giới nghiên cứu, lý luận phê bình dựa vào để đánh giá các phim kể trên. Tiếp xúc với một số ý kiến, có thể thấy những khái niệm như "điển hình hóa", "khái quát", "cái cá biệt, hiện tượng", "cái phổ biến"... được lặp lại với một tần số cao trong diễn ngôn của người phát biểu. Sự hiện diện của vốn từ này là sự phản ánh trực tiếp quan niệm mỹ học của chủ nghĩa hiện thực, vốn hình thành trong văn học phương Tây từ thế kỷ 19. Vậy mà, thực tế cho thấy, nghệ thuật nói chung và nghệ thuật điện ảnh đương đại nói riêng đã có những thay đổi vượt ra ngoài cái "khuôn" của chủ nghĩa hiện thực kiểu cổ điển. Ðiều có thể đưa tới câu hỏi: Phải chăng đang tồn tại trạng thái "lệch pha" giữa hệ thống quan niệm của giới nghiên cứu, lý luận phê bình và thậm chí, cả của người quản lý điện ảnh với thực tế điện ảnh, nói cách khác, phải chăng khi thực tế đã thay đổi mà người đánh giá vẫn "đo" bằng những thước đo đã cũ?

Nhìn rộng hơn, chính sự "lệch pha" đó có thể dẫn đến những hệ lụy trong đời sống nghệ thuật nói chung. Trong thời gian qua, nhiều cuốn sách bị thu hồi sau khi xuất bản đã gây ra những tiền lệ xấu trong lĩnh vực xuất bản. Có bộ phim chuyển thể nhập khẩu từ nước ngoài đã không thể ra rạp trong khi tác phẩm văn học gốc lại được dịch, xuất bản một cách rộng rãi. Ngay cả việc trưng bày tác phẩm nhiếp ảnh khỏa thân, cho đến nay, vẫn tiếp tục gây ra sự lúng túng của các cơ quan cấp phép. Vấn đề ở đây không chỉ là việc cấp phép hay không cho một số sản phẩm nghệ thuật (trong đó có cả những sản phẩm thuần túy mang tính thương mại, giải trí) mà là việc có tình trạng những chuẩn mực mà cơ quan quản lý dựa vào để quản lý nghệ thuật đang thật sự có những điểm chưa bắt kịp thực tế?

Những hiện tượng nói trên, thoạt nhìn tưởng như thuộc những lĩnh vực khác xa nhau nhưng nếu nhìn sâu hơn, có thể thấy từ đó, hiện ra một số vấn đề của đời sống văn hóa - nghệ thuật ở Việt Nam hiện nay và đặc biệt, cho thấy những vấn đề đặt ra về vai trò của Nhà nước trong đời sống văn hóa - nghệ thuật. Nhìn ở tầm vĩ mô, trong các ngành nghệ thuật, có thể nói, văn chương là bộ phận có sự phát triển đồng đều, liên tục, quy mô nhất về lý luận và mỹ học. Vậy mà, trong sự phát triển của lý luận văn học ở Việt Nam, tồn tại những khoảng cách tính bằng nhiều thập niên so với sự phát triển của thế giới. Phải chăng, chính sự "chậm phát triển" của lý luận chính là cội rễ của tình trạng bất cập trong quản lý nghệ thuật, vì chính sự phát triển của lý luận là cơ sở để nâng "mặt bằng" nhận thức chung của xã hội về nghệ thuật. Tất nhiên, ở đây còn có vấn đề về vai trò của sự tham gia của giới nghiên cứu khi hướng vào hiện thực đang tiếp diễn của nghệ thuật đương đại.

Trong bất cứ một xã hội nào, Nhà nước cũng đồng thời giữ hai vai trò quan trọng: vừa là nơi quản lý và vừa là nơi bảo trợ. Từ khi chúng ta bắt đầu sự nghiệp đổi mới, trong tiến trình chung là xã hội hóa các hoạt động văn hóa - văn nghệ, thực tế cho thấy Nhà nước vẫn giữ vai trò là người bảo trợ cho các hoạt động văn hóa - nghệ thuật và rộng hơn là nghiên cứu, học thuật. Từ những chương trình như Chấn hưng điện ảnh với số kinh phí lên tới hàng trăm tỷ đồng (ở thời điểm năm 1995), các dự án phim phục vụ những ngày lễ lớn, những chương trình tài trợ nghệ thuật cũng như những tủ sách được Nhà nước tài trợ như tủ sách toàn tập tác giả văn học Việt Nam hay chương trình sưu tầm biên khảo các tư liệu văn hiến về Thăng Long. Trong các chương trình đó, có không ít điểm sáng như việc đầu tư xây dựng Trung tâm chiếu phim Quốc gia và Viện phim Quốc gia, chương trình sách kỷ niệm nghìn năm Thăng Long, hay những dự án phim như Ðừng đốt của đạo diễn Ðặng Nhật Minh. Nhưng bên cạnh đó, cũng có những chương trình mà hiệu quả còn có một số hạn chế như chương trình toàn tập tác giả văn học Việt Nam. Không thể phủ nhận, với kinh phí hỗ trợ từ Nhà nước chương trình này đã góp phần dựng lại một tổng thể về sự phát triển của văn học Việt Nam trong thế kỷ 20 và góp phần nâng cao tri thức chung của toàn xã hội về di sản văn học. Dẫu vậy, vẫn có thể thấy, còn có hạn chế trong chuẩn mực biên tập và xuất bản. Việc sưu tập và xử lý văn bản vẫn chưa đạt đến một chuẩn mực chung cho các công trình của tủ sách này, khiến cho nhiều bộ toàn tập, chất lượng văn bản khó có thể thỏa mãn tiêu chuẩn là một nguồn trích dẫn mang tính học thuật. Chính điều đó đã hạn chế hiệu quả của đồng vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước.

Từ những thành công cũng như hạn chế của những chương trình được Nhà nước tài trợ, có thể thấy một trong những vấn đề cần được đặt ra một cách cấp thiết là cần phải nâng cao chất lượng về mặt chuyên môn của những chương trình này để hiệu quả thật sự tương xứng với kinh phí bỏ ra. Ðiều đó chỉ có thể đạt được khi một mặt, chính các cấp quản lý có sự thay đổi thật sự về tư duy đồng thời được sự tư vấn tốt từ những đơn vị độc lập. Thành công của những dự án như Ðừng đốt cho thấy sự tài trợ chỉ thật sự hiệu quả khi người quản lý chấp nhận được những thay đổi về chuẩn mực thẩm mỹ, vượt qua được cái nhìn mang tính cứng nhắc về mục tiêu tuyên truyền và thật sự hướng đến những giá trị mang tính nhân bản, tính nghệ thuật sâu sắc. Thực tế những thập niên vừa qua cho thấy việc tài trợ cho nghệ thuật, chủ yếu vẫn gắn với việc phục vụ cho những ngày lễ lớn hoặc những sự kiện chính trị quan trọng. Ðây là một nhu cầu tất yếu được đặt ra ở bất cứ quốc gia nào, dù được thể hiện ở những hình thức khác nhau. Dẫu vậy, khi đời sống văn hóa - nghệ thuật đang bị sự chi phối mạnh mẽ của cơ chế thị trường, thì cũng là lúc, yêu cầu đặt ra đối với sự bảo trợ của Nhà nước sẽ phải mở rộng sang việc bảo trợ cho sự phát triển của những khuynh hướng sáng tạo, những cá tính sáng tạo, như là một đối trọng với quy luật của thị trường. Làm được điều đó, Nhà nước sẽ thật sự đóng góp vào sự phát triển lành mạnh của đời sống nghệ thuật, và đời sống văn hóa nói chung. Tất nhiên, cần tránh quan niệm tuyệt đối hóa về vai trò của Nhà nước đồng thời xem nhẹ vai trò của những nguồn lực mang tính xã hội hóa.

TS PHẠM XUÂN THẠCH


Nguồn: Nhân Dân

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất