Chủ Nhật, 29/9/2024
Diễn đàn
Thứ Ba, 14/4/2009 16:44'(GMT+7)

Vụ đập bỏ để xây mới đền thờ Lý Chiêu Hoàng: Giám đốc Sở VH-TT-DL Bắc Ninh nói gì?

Giám đốc Nguyễn Đăng Túc (NĐT) khẳng định việc xây mới đền thờ Lý Chiêu Hoàng là do phường Đình Bảng, thị trấn Từ Sơn đầu tư. Vào trước thời điểm đền này được công nhận là di tích lịch sử- văn hoá, phường này đã lập hồ sơ dự án đề nghị Ban Tôn giáo và Sở VH-TT-DL tỉnh thỏa thuận cho phép tu bổ đền. Nếu không (hoặc chưa) được công nhận là di tích lịch sử thì đền này thuộc dạng công trình tín ngưỡng, người dân địa phương có thể góp tiền công đức để trùng tu, tôn tạo và được Ban Tôn giáo của tỉnh đồng ý, việc cấp phép thỏa thuận cho tu bổ đền là chuyện bình thường. Thế nhưng...

Đập bỏ là để "hạ giải"?

Về nguồn gốc xuất xứ của đền thờ Lý Chiêu Hoàng, ông NĐT cho rằng: "Thông tin về đền Rồng có lịch sử hơn 700 năm là chưa chuẩn xác, vì đúng ra cả khu đền này chỉ có một miếu thờ cổ có tượng vua bà Lý Chiêu Hoàng nằm tận trong cùng là từ xưa để lại, trong miếu ấy chỉ còn hiện vật tượng vua bà Lý Chiêu Hoàng, chiếc ngai và một số đồ cúng tế là cổ vật, còn mấy gian đền thờ phía ngoài là mới được nhân dân địa phương xây dựng khoảng chục năm thôi" (?).

Họ có lỗi, nếu họ có đủ giấy tờ chính thức rồi thì còn nói làm gì, trong việc này địa phương sai rồi, họ cứ tưởng có tiền là cứ làm bừa đi.

(GĐ Sở VH-TT-DL Bắc Ninh Nguyễn Đăng Túc)

Nhưng, như tấm bảng "Giới thiệu di tích đền Rồng" treo công khai ở khu vực đền thờ từ hàng chục năm qua thì lại nói rõ: "Đền Rồng thờ Lý triều Thánh hậu nằm trong cụm di tích lịch sử đền Đô - thờ 8 vị vua nhà Lý, đền được xây dựng từ thế kỷ thứ XIII cuối thời Trần Nhân Tông (1281)". Cũng trong một tấm bảng treo ở vị trí long trọng của đền Rồng thuyết minh về "Tiểu sử Lý Chiêu Hoàng" cũng ghi rõ: "Truyền rằng: năm Mậu Dần (1278), Lý Chiêu Hoàng về thăm cố hương Cổ Pháp, giỗ Tổ. Ngày 23-9 năm đó bà qua đời, thọ 62 tuổi, táng ở bìa rừng Báng, phía tây Thọ lăng Thiên Đức hương Cổ Pháp quê nhà. Ngay gần lăng Lý Chiêu Hoàng, từ xưa nhân dân đã xây dựng đền Rồng để thờ bà". Vậy là 2 tấm bảng giới thiệu di tích đặt tại đền Rồng nhiều năm qua đã khẳng định ngôi đền cổ này được khởi dựng từ thế kỷ XIII, đến nay là hơn 700 năm. Đền đã được tu bổ, tôn tạo qua nhiều thời kỳ nhưng chắc chắn chưa có triều đại nào dám đập bỏ xây mới di tích này như cấp phường Đình Bảng dám làm mới đây.

Tiếp theo, ông NĐT nói: "Hôm nay chúng tôi sẽ "tấu" với Bộ  đấy, tinh thần tu bổ đền nó khác cơ, không phải phá sạch đâu. Vì công việc trùng tu đền Rồng hiện nay theo từ của ngành bảo tồn là "hạ giải" mà chương trình này là do UBND TP.Hà Nội hỗ trợ vốn. Nếu nói là phá sạch đền Rồng đi là nó có... dự án trùng tu, tôn tạo đấy. Trùng tu tức là phải "hạ giải" nghĩa là phải tháo dỡ mọi thứ xuống để phân loại".

Phóng viên (PV) hỏi: "Thế "hạ giải" di tích kiểu gì mà tấm ảnh đăng trên Báo chí nhìn qua cổng đền thấy hiện trường ngổn ngang toàn gạch, ngói bị đập vỡ lung tung?". Ông NĐT: "Khái niệm như ông là chưa đúng rồi! Dự án này trùng tu, tôn tạo đấy, phá dỡ tường phải thế thôi ! Nếu cho tu bổ cấp thiết (thay cột, đảo ngói) mà ông lại tháo dỡ lung tung thì sai rồi, còn trùng tu tôn tạo thì nó phải thế thôi".

PV: "Hạ giải theo đúng nghĩa bảo tồn một di tích lịch sử thì phải từ tốn, nắn nót từng viên gạch, viên ngói chứ không phải là đập bỏ như họ đã làm". Ông NĐT: "Nếu tôn tạo mà phải làm như khảo cổ, nắn nót từng tí một thì không được đâu, cái gì bảo tồn lại thì làm, còn cái gì không bảo tồn thì không giữ ".

Họ cứ tưởng có tiền là cứ làm bừa đi!

PV hỏi: "Nhưng cái biển họ treo công khai ở sân đền nói công trình này là tu bổ đền Rồng đấy chứ, có nói gì đến trùng tu, tôn tạo đâu. Chủ tịch UBND phường Đình Bảng cũng nói là có mỗi văn bản thỏa thuận cho tu bổ thôi. Các ông chỉ cho phép tu bổ đền Rồng, mà theo Luật Di sản văn hóa hiện nay thì việc tu bổ di tích lịch sử không được phép phá dỡ để xây mới, ông lý giải sao?". Ông NĐT trả lời: "Phải nói rằng dự án này, TP.Hà Nội cho tiền để trùng tu, tôn tạo còn nếu tu bổ cấp thiết thì nó khác! Chúng tôi báo cáo lên Bộ, lý sự rằng di tích đền Rồng chỉ có mỗi ngôi miếu đền thờ bà Lý Chiêu Hoàng, còn mấy gian ngoài là do dân địa phương xây cách đây khoảng chục năm thôi. Để đảm bảo cho việc "rộng lớn" lên, để hướng tới 1.000 năm Thăng Long thì địa phương có nhu cầu trùng tu, tôn tạo. Miếu thờ trước đây nhỏ thì nay xây to lên".

PV: "Vậy là không những họ "hạ giải" đập bỏ mấy gian thờ ngoài mà họ còn "hạ giải" đập luôn cả ngôi miếu cổ thờ vua bà Lý Chiêu Hoàng nằm ở phía trong đền, thế thì còn gì là tu bổ di tích lịch sử nữa?". Ông NĐT: "Trùng tu là phải làm cả, nếu hạ giải một tí, dỡ một tí, để một tí thì nó thành chắp vá. Các ông cũng phải xem xét vì hôm qua Chủ tịch phường Đình Bảng gọi điện thoại bảo tôi: ông cứ việc "tấu" lên Bộ đi, có nhân chứng sống đây rồi, là một ông già 95 tuổi là người đã xây gian thờ phía ngoài".

Lý giải về nguồn gốc việc tỉnh cho tu bổ đền thờ Lý Chiêu Hoàng, ông NĐT cho biết: phường Đình Bảng đã lập dự án tu bổ đền này trước khi đền được công nhận là di tích lịch sử - văn hóa, tỉnh Bắc Ninh đã có công văn thỏa thuận cho tu bổ trên cơ sở đề xuất của Ban tôn giáo tỉnh vì lúc đó đây là công trình tín ngưỡng chứ chưa phải là di tích lịch sử, đến khi được công nhận là di tích lịch sử rồi thì họ cứ thế làm. PV hỏi: "Sau khi được công nhận đền Rồng là di tích lịch sử - văn hóa thì phường Đình Bảng cứ thế làm chứ không xin phép gì nữa, phải không". Ông NĐT: "Đúng thế".

PV: "Vậy theo quy định của cấp quản lý nhà nước ở tỉnh thì các ông phải làm thủ tục cấp giấy phép cho việc trùng tu, tôn tạo di tích lịch sử đền Rồng chứ? Tại sao lại để cấp phường dùng giấy thỏa thuận cho phép tu bổ một công trình tín ngưỡng trước đó để sau đó đập bỏ để xây mới một di tích lịch sử - văn hóa đã được cấp bằng công nhận do chính Chủ tịch UBND tỉnh ký". Ông NĐT: "Chắc họ nghĩ, cũng là con dấu của UBND tỉnh trên giấy cho phép phường tu bổ di tích trước đó, họ cho rằng hai cái là một, nên sau khi được công nhận di tích lịch sử - văn hóa thì họ không xin phép trùng tu di tích này nữa mà dùng giấy phép trước đó để xây dựng". PV hỏi tiếp: "Thế hôm về dự lễ động thổ cùng với một lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh và một lãnh đạo TP.Hà Nội, khởi công xây lại đền Rồng, ông có băn khoăn không?". Ông NĐT: "Hôm ấy, chúng tôi cũng thấy băn khoăn về mặt thủ tục, vì bây giờ đền Rồng đã là di tích lịch sử - văn hóa rồi, nên đáng lẽ phải làm theo đúng trình tự thủ tục quy định đối với việc trùng tu một di tích lịch sử. Nhưng phải nói, địa phương ấy cũng "mạnh" về kinh tế, thủ tục họ đã xin được "vốn" của TP.Hà Nội, nên tỉnh phải ký thì Hà Nội mới cho tiền chứ".

Bảng ghi tiểu sử Lý Chiêu Hoàng treo tại đền Rồng

Phân trần về vấn đề "Có hay không việc tỉnh Bắc Ninh cấp giấy cho phép đập bỏ để xây mới đền thờ Lý Chiêu Hoàng?", ông NĐT cho rằng đấy chỉ là công việc trùng tu tôn tạo một di tích lịch sử - văn hóa, báo chí nêu thì nhiều việc thấy rất "giật mình", nhưng khi làm trong hoàn cảnh thực tế nó phải thế. PV: "Theo quy định quản lý hành chính của nhà nước cấp tỉnh, thì sau khi đền Rồng được công nhận là di tích lịch sử-văn hóa, thì UBND phường Đình Bảng phải lập dự án trùng tu, tôn tạo đền theo đúng quy định của Luật Di sản văn hóa trình lên tỉnh để được cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt và phải có văn bản thẩm định của tỉnh về di tích lịch sử-văn hóa ấy, việc này UBND phường Đình Bảng đã không làm vì họ cho rằng trước đó họ đã có giấy thỏa thuận cho tu bổ rồi, mặc dù không phải là giấy phép chính thức cho trùng tu, tôn tạo di tích lịch sử-văn hóa. Việc làm này của UBND phường Đình Bảng có sai không?". Ông NĐT: "Họ có lỗi, nếu họ có đủ giấy tờ chính thức rồi thì còn nói làm gì, trong việc này địa phương sai rồi, họ cứ tưởng có tiền là cứ làm bừa đi".

PV: "Vậy thế hôm xuống dự lễ động thổ khởi công đền Lý Chiêu Hoàng, ông có nhắc nhở địa phương phải làm thủ tục trình dự án trùng tu lại di tích lịch sử - văn hóa này không và ông có biết là sau khi các quan khách về, phường sẽ đập bỏ để xây mới đền này không?". Ông NĐT: "Tôi có bảo họ phải làm đúng thủ tục, hôm xuống dự lễ thì tôi có thấy họ phá dỡ gì đâu. Đúng ra, hôm ấy, tôi với một lãnh đạo của tỉnh không định xuống vì cũng cảm thấy có gì không ổn, vì việc này họ xin phép Ban Tôn giáo tỉnh, còn Sở Văn hóa chúng tôi đứng ngoài cuộc, nên tôi cũng thấy tự ái. Nhưng chúng tôi phải xuống vì hôm ấy có một lãnh đạo TP.Hà Nội về dự nên cũng muốn đề nghị Hà Nội hỗ trợ ít vốn cho việc trùng tu chùa Phật Tích".

Thay cho lời kết của bài viết này, người viết thấy đau xót trước cảnh đền cũ đã bị phá mà đền mới thì chưa xây được nên có mấy câu thơ sau:

Đền xưa nay đã phá rồi
Đền nay chưa dựng, bà ngồi ở đâu
Ngẫm từ nay đến mai sau
Mấy pho tượng cổ còn đau hơn mình./.

(Theo: Nguyễn Việt Chiến/Thanh Niên)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất