Thứ Bảy, 30/11/2024
Diễn đàn
Thứ Năm, 9/4/2009 14:16'(GMT+7)

"Không nên làm bô - xít Tây Nguyên ào ào bằng mọi giá"

Quyền chủ tịch Liên hiệp, GS. Hồ Uy Liêm cho rằng, Việt Nam cần cân nhắc kĩ, "không thể làm bằng mọi giá", và nên dừng ở mức thí điểm.

Thiếu thông tin mà định làm ào ào thì nguy

- Quan điểm của Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) với các dự án khai thác bô -xít Tây Nguyên như thế nào, thưa ông?

Một là, phải làm sao khai thác đảm bảo bền vững, làm hôm nay phải đảm bảo cho các thế hệ sau này vẫn được hưởng.

Không phải khai thác theo cách càng ngày càng làm kiệt quệ, tàn phá môi trường đến mức sau này con cháu chúng ta không còn gì nữa.

Nói thì dễ, nhưng làm rất khó. Đối với các nhà hoạch định chính sách muốn phát triển đất nước nhanh thì cứ nhằm vào kinh tế. Những tác hại về môi trường có thể trước mắt thì chưa thấy nhưng về lâu dài rất khó xử lý.

Các địa phương thích có thành tích nào đó để quảng bá với người dân nhưng không nghĩ 10 năm, 20 năm hay trăm năm sau, hệ quả trả giá sẽ lớn tới thế nào. Lúc đó có muốn khôi phục cũng khó.

Chưa có một công trình khai khoáng nào lớn một chút mà ta khôi phục được môi trường. Thể hiện rõ nhất ở khu vực Quảng Ninh.

Chúng ta chưa đủ quyết tâm, kiến thức, kỹ năng để khôi phục lại những tổn thất về môi trường do khai thác khoáng sản.

Hai là, Việt Nam đã hội nhập, cái gì cũng phải đưa lên bàn cân là thị trường quốc tế. Sản phẩm làm ra phải bán được và phải có lãi thì khi đó mới đáng đầu tư sản xuất.

Nguồn xuất khẩu duy nhất hiện nay là Trung Quốc. Đến biên giới, nhìn hàng dài cả cây số hoa quả Việt Nam đợi sang biên ở Tân Thanh, mà nghĩ đến hàng triệu tấn alumnina sau này... Việt Nam phải tính kĩ.

Mặt khác, hiện nay Việt Nam chỉ nhập công nghệ trong khi không có đủ chuyên gia để đánh giá công nghệ nào là tốt nhất. Chúng ta cũng không có một cơ sở nào nghiên cứu về nhôm.

Thiếu thông tin vậy mà chúng ta định làm ào ào, từ nay đến 2015 làm tới 6 triệu tấn, thì rất nguy.

Quy trình ngược

- Tại hội thảo của TKV tháng 10/2008 và nhiều bài viết sau đó, nhiều người cho rằng kế hoạch khai thác bô - xít Tây Nguyên đang thực hiện theo quy trình ngược. Góc nhìn của VUSTA?

Đúng là quá trình triển khai tại nhà máy đầu tiên được tiến hành theo quy trình ngược: Thiếu nghiên cứu, đánh giá cụ thể, chi tiết về hiệu quả kinh tế, các tác động tiêu cực về văn hóa, xã hội và môi trường. Điều này dẫn tới nhiều khả năng khi vận hành, các nhà máy này sẽ thua lỗ nặng về kinh tế, để lại các hậu quả nặng nề về môi trường - văn hóa - xã hội trong tương lai.

Ta cũng thiếu hẳn sự chuẩn bị từ quy hoạch để kế hoạch thực hiện các điều kiện kết cấu hạ tầng cần thiết cho các khâu khai thác, sản xuất và vận tải.

Trong quá trình xây dựng quy hoạch, chúng ta đã bỏ qua việc đánh giá môi trường chiến lược - đây là một đòi hỏi bắt buộc của Luật môi trường đã được Quốc hội thông qua tháng 11/2005.

Việt Nam cũng chưa có một chiến lược tổng thể tối ưu, cân nhắc thấu đáo mọi mặt phát triển toàn diện, bao gồm cả quy trình phát triển kết cấu hạ tầng cho Tây Nguyên trong mối liên quan chung với phát triển tổng thể của cả nước.

Nghi ngờ về hiệu quả kinh tế

- Lập luận của TKV là dự án này sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao và mang lại công ăn việc làm cho người dân địa phương. Sau khảo sát, ông thấy lập luận này có đủ thuyết phục?

Về hiệu quả kinh tế, theo dự báo, từ năm 2008 - 2012 sẽ xuất hiện tình trạng dư thừa về nguồn cung alumina, khoảng 1,1 - 2,1 triệu tấn/năm. Từ năm 2013 - 2017 sẽ thiếu hụt khoảng dưới 1 triệu tấn alumnia/năm. Trong khi đó, Việt Nam chưa được đưa vào danh sách quốc gia cung cấp. Nếu dự báo đó đúng, Việt Nam khó có thể tham gia vào thị trường xuất khẩu alumina trên thế giới, đặc biệt là với quy mô lớn. Việt Nam chỉ có một đối tác nhập alumina là Trung Quốc.

Hơn nữa, các dự báo đều thực hiện khi chưa xảy ra cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới. Khủng hoảng đã kéo mức tiêu thụ và giá nhôm, nguyên liệu nhôm giảm đáng kể, chỉ còn 1/2. Thị trường alumina cách đây 5-7 năm tương đối tốt. Đã có lúc, một tấn nhôm giá tới 3000 USD. Nhưng tháng 3/2009, giá nhôm chỉ còn ở mức 1400 USD/tấn và giá alumina là 250 USD/tấn.

Hiện nay, số liệu chưa được TKV cung cấp đầy đủ. Với những chỉ số hiện nay, phỏng đoán khoa học cho thấy, nếu chuyên chở quặng bằng đường ô tô xuống Bình Thuận, mỗi tấn alumina sản xuất ra sẽ có mức lỗ từ 50 -100 USD. Với công suất 600 nghìn tấn/năm mỗi nhà máy, mỗi năm ta sẽ lỗ 60 - 120 triệu USD. Nhiều nhà khoa học cho rằng, mức lỗ có thể cao hơn, nhất là với Nhân Cơ, bây giờ đã thấy lỗ rồi.

Nhiều dự án mở rộng sản xuất alumina trên thế giới đang xem xét tạm dừng hoặc bãi bỏ. Ngay cả Trung Quốc cũng dừng nhiều dự án, với lí do môi trường một phần nhưng nguyên nhân lớn hơn là vì hiệu quả kinh tế.

"Nguyện vọng của một số lãnh đạo Đăk Nông và Lâm Đồng mong muốn triển khai dự án bô - xit tại địa phương mình.

Tuy nhiên có những ý kiến gợi ý rằng, nên xây dựng nhà máy alumina ở vùng duyên hải Bình Thuận. Làm nhà máy ở khu vực này vừa đảm bảo yếu tố kinh tế, yếu tố môi trường và vấn đề an ninh.

Các đối tác nước ngoài thường hơn mình nhiều mặt. Tư duy chiến lược của họ cũng hơn mình. Cho nên trong hợp tác kinh tế cần phải rất khôn ngoan, không thể làm bằng mọi giá."-
GS. Hồ Uy Liêm.

Về tạo công ăn việc làm, tôi không tin là như vậy. Thực tế các dự án xây dựng ở Việt Nam cũng như bài học khai thác khoáng sản ở các nước trên thế giới, người dân địa phương luôn chịu thiệt thòi, nhất là với dân tộc thiểu số Tây Nguyên.

Vận tải là vấn đề đau đầu của dự án. TKV dự kiến xây dựng tuyến đường sắt chuyển bô xít xuống Bình Thuận chi phí có thể khoảng 3,1 tỷ USD. Kế hoạch này, theo ông liệu có khả thi?

Nếu sản xuất alumina trên Tây nguyên chúng ta chỉ có 2 phương án vận chuyển lựa chọn đó là đường bộ và đường sắt. Hiện có phương án xây dựng đường sắt đang được nghiên cứu tiền khả thi. Nhưng sẽ có một số khó khăn do địa hình đồi núi vòng vèo, độ dốc cao nên nếu để đường sắt vận hành được sẽ rất tốn kém.

Gần đây, Chính phủ đã chỉ đạo tập đoàn TKV xây dựng phương án thiết kế đường sắt đa mục tiêu, đồng nghĩa với việc sẽ phải bỏ tiền ngân sách hoặc đi vay để đầu tư. Vấn đề này cần được tính toán, cân nhắc một cách thận trọng vì lộ trình tuyến đường sắt đi qua là những nơi thưa vắng, dân cư nên hiệu quả về kinh tế xã hội sẽ rât thấp, lại rất tốn kém. Nếu đường sắt chỉ để chở quặng thì lỗ chỏng gọng.


Cẩn trọng lựa chọn công nghệ, nhà thầu

- Hai nhà máy Tân Rai, Nhân Cơ đang sử dụng công nghệ của nhà thầu Trung Quốc với lý do giá rẻ bỏ thầu thấp. Qua đi thực địa tại Trung Quốc và khảo sát, quan điểm của VUSTA như thế nào?

Ở Tây Nguyên, tập đoàn TKV đã xây dựng nhà máy sản xuất alumina ở Tân Rai (Lâm Đồng) và Nhân Cơ (Đắc Nông).

Nhà máy ở Tân Rai đã ký hợp đồng thiết kế, cung cấp thiết bị công nghệ và xây dựng với Chalco, Trung Quốc với giá 466 triệu USD và họ đã vào rồi. Bên Nhân Cơ dự kiến sẽ chấp nhận luôn kết quả này, với giá trị 499,2 triệu USD.

Trong làng công nghệ luyện nhôm thế giới, Chalco thuộc hàng sinh sau đẻ muộn và cũng không phải là nơi có công nghệ tiên tiến nhất như Mỹ, Canada, Úc, Pháp…

Hiện nay, chúng ta đấu thầu dựa trên giá rẻ. Nhưng áp dụng quy luật nhanh, rẻ chưa hẳn đã tốt. Nếu chỉ dựa trên giá rẻ, thì đấu thầu ở đâu, ngành gì, Trung Quốc cũng sẽ thắng thầu. Một số nhà thầu nước khác khi thấy có sự tham gia của nhà thầu Trung Quốc thì đã rút lui.

Hơn nữa, ban đầu, Chalco bỏ giá thầu thấp, khi thắng thầu họ lại yêu cầu tăng giá. Trong trường hợp nhà máy Tân Rai, giá bỏ thầu được chấp nhận là 352 triệu USD, nhưng sau khi đàm phán hợp đồng thầu, họ đã yêu cầu tăng lên 466 triệu USD với lí do biến động tỉ giá. Điều gì sẽ đảm bảo Chalco không đòi tăng giá trong tương lai và tái diễn việc này với Nhân Cơ?

- Nhiều ý kiến cũng quan ngại về công nghệ sử dụng trong chế biến alumina. Qua thực tế khảo sát và đi tham quan Trung Quốc, VUSTA đánh giá như thế nào?

Theo thông tin được cung cấp, tuyệt đại đa số thiết bị là của Trung Quốc, vốn không phải tất cả đều tốt. Hơn nữa, đây chưa hẳn đã là công nghệ tốt nhất của Trung Quốc.

Trên thế giới hiện nay có nhiều công ty, quốc gia có khả năng cung cấp công nghệ sản xuất alumina. Tuy nhiên, không phải bất cứ công ty nhôm nào cũng có thể cung cấp công nghệ tốt, đặc biệt đối với cac quốc gia không có công nghệ sản xuất nguồn. Việc lựa chọn đối tác cung cấp công nghệ sản xuất alumina là hết sức quan trọng trong việc bảo đảm cho nhà máy xây dựng xong vận hành an toàn, cho các chỉ tiêu kỹ thuật và kinh tế tốt.


Chúng ta cần rút bài học kinh nghiệm từ nhà máy đồng Sinh Quyền (Lào Cai) vì do không cẩn trọng trong khâu lựa chọn công nghệ nên cho đến nay khi đã sản xuất được đồng thành phẩm thì giá bán lại thấp do không đạt được độ tinh khiết mà thị trường thế giới yêu cầu. Hơn nữa tỷ lệ đồng còn lại trong chất thải quá lớn (khoảng 7%) thay vỉ 1% như yêu cầu, nên rất lãng phí và phát sinh nhiều vấn đề môi trường.

Việc chọn công nghệ cho cả 2 nhà máy alumina đầu tiên của Việt Nam đều sử dụng công nghệ của một công ty Trung Quốc có thể giúp chủ đầu tư giảm chi phí, nhưng điều đó lại không phải là giải pháp khôn ngoan nhất, đặc biệt là khi chúng ta chưa có hiểu biết về công nghệ và khi mà các công nghệ của Trung Quốc chưa được đánh giá cao, dẫn đến mức độ rủi ro và phụ thuộc sẽ rất cao.

Thêm vào đó, quy trình kĩ thuật mà Chalco sử dụng cho các tỉnh phía Nam Trung Quốc, nơi VUSTA đi tham qua là công nghệ sử dụng để chế biến cho bô xít diaspor, khác hẳn với bô xít gipsit có nguồn gốc phong hóa ở Tây Nguyên.

5 kiến nghị của VUSTA

- Vậy VUSTA sẽ kiến nghị gì với Chính phủ về dự án bô xít?

Chúng tôi đưa khuyến nghị 5 điểm:

Một là, cần tiến hành đánh giá môi trường chiến lược cho quy hoạch và kế hoạch khai thác, chế biến khoáng sản bô - xít ở Tây nguyên. Mục tiêu của môi trường chiến lược là nhận dạng và đánh giá tổng hợp các hậu quả môi trường chính của quy hoạch và kế hoạch. Trên cơ sở đó, lồng ghép các mục tiêu bảo vệ môi trường và quá trình điều chỉnh và thực hiện kế hoạch, quy hoạch. Mặt khác, kế hoạch, quy hoạch cần phải dựa vào dự báo xu thế cung cầu của thị trường và tích hợp đầy đủ các phương pháp đánh giá để khuyến nghị dựa trên các nguyên tắc xây dựng các kịch bản khác nhau.

Hai là, triển khai chương trình điều tra, nghiên cứu Tây Nguyên. Đối với cùng Tây Nguyên, kiến nghị Chính phủ cần sớm đưa chương trình nghiên cứu Tây Nguyên 3 vào để làm cơ sở cho quy hoạch phát triển tổng thể khu vực này. Trong đó bô - xít sẽ tham gia như một ngành công nghiệp đáng lưu tâm. Cần nghiên cứu phân tích và đặt khai thác bô - xít trong quy hoạch tổng thể phát triển khai thác vùng Tây Nguyên Nam Trung Bộ, Đông Nam Bộ để đề ra chiến lược phát triển vĩ mô cấp vùng.

Ảnh: Alcan.com


Ba là, xây dựng chương trình khai thác khoáng sản thí điểm. Trong bối cảnh hiện nay, chỉ nên tập trung vào một nhà máy thí điểm tại Tân Rai, Lâm Đồng, chưa nên nóng vội triển khai xây dựng nhà máy ở Nhân Cơ vì không khả thi. Và vì thị trường alumina trên thế giới hiện nay đang chưa ổn định, hơn nữa ta chưa chuẩn bị chu đáo về hạ tầng kỹ thuật, về nhân công vì thế rủi ro sẽ rất lớn.

Bốn là, hợp lý hơn cả là xây dựng nhà máy alumina ở vùng duyên hải Bình Thuận, vận chuyển quặng tinh bằng đường ống. Trong trường hợp đó, hiệu quả kinh tế chắc chắn sẽ cao hơn. Xử lý bùn đỏ dễ dàng hơn và để đảm bảo an ninh quốc phòng cũng kết quả hơn. Quyền lợi của các tỉnh Tây Nguyên cũng có thể được đáp ứng thích đáng theo cách mà Chính phủ đã giải quyết để chia sẻ quyền lợi giữa Nghệ An và Thanh Hoá khi xây dựng nhà máy xi măng Hoàng Mai.

Năm là, với chức năng nhiệm vụ của mình và khả năng tập hợp các chuyên gia thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau, VUSTA hoàn toàn có thể tham gia các chương trình đánh giá môi trường chiến lược theo quy hoạch bô - xít và chương trình nghiên cứu Tây nguyên 3 để tham mưu, góp phần tư vấn cho Trung ương Đảng và Chính phủ lựa chọn phương án phát triển Tây Nguyên và bô - xít.

  • Thu Hà - Phương Loan (VietNamNet)
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất