Thứ Năm, 9/4/2009 21:47'(GMT+7)
Cần sớm có thị trường điện cạnh tranh mạnh mẽ
Sáng 9/4, tại Hà Nội, Hiệp hội Năng lượng Việt Nam tổ chức hội thảo "Xây dựng thị trường điện cạnh tranh" nhằm thảo luận, lấy ý kiến của các nhà khoa học, nhà quản lý, các tập đoàn kinh tế và doanh nghiệp để Hiệp hội tổng hợp, lựa chọn phương án tái cơ cấu ngành điện Việt Nam trình Chính phủ xem xét trong thời gian tới.
Theo ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam,dự báo các mốc đầu tư xây dựng của ngành điện năm 2010, công suất 19.200 MW, sản lượng điện 112 tỷ kWh tương ứng với sản lượng điện bình quân 1.200 kWh/người/năm, năm 2025, công suất 69.000 MW, sản lượng điện 431 tỷ kWh tương ứng với 3.700 kWh/người/ năm. Tốc độ đầu tư hàng năm tăng gấp 3 đến 4 lần so với hiện nay. Do đó, ngành điện cần có một nguồn lực hết sức dồi dào và to lớn.
Theo những con số dự báo nêu trên, cần sớm có một thị trường điện cạnh tranh mạnh mẽ để thu hút nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia xây dựng ngành điện.
Theo ông Võ Quang Nam, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, thời gian qua, Tập đoàn đã có những bước chuyển mạnh mẽ trong lĩnh vực điện năng góp phần phát triển kinh tế đất nước. Việc cung cấp nguồn điện ổn định và tin cậy nhằm cung cấp đủ nhu cầu phát triển trở nên cấp bách và cần thiết.
Với sự phát triển nhanh chóng, Tập đoàn Dầu khí đã có nhiều dự án đầu tư vào lĩnh vực điện nhưng hiện nay yêu cầu đặt ra là đòi hỏi tập đoàn phải xây dựng một đội ngũ chuyên gia về kỹ thuật, chuyên ngành đồng bộ mới đáp ứng được các mục tiêu đề ra, đồng thời, phải có những đánh giá về cơ hội, thách thức, xác định bước đi cùng với những giải pháp thực hiện, đó là những yêu cầu hết sức khách quan và bức bách.
Tại hội thảo, ý kiến của nhiều chuyên gia cho rằng ngành điện cần tổ chức lại hoạt động cho hợp lý để tạo ra một thị trường có tính cạnh tranh. Ngoài Tập đoàn Điện lực Việt Nam cần phải thành lập các Tổng Công ty phát điện thuộc các Tập đoàn, các Tổng Công ty, các doanh nghiệp để thúc đẩy thị trường điện cạnh tranh phát triển.
Bên cạnh đó, mối quan hệ giữa các khâu điều hành và quản lý của thị trường điện cần có tính minh bạch và khách quan, tránh độc quyền cho một Tập đoàn kinh tế hoặc cho một nhà đầu tư nào đó về quản lý ngành điện. Xung quanh lộ trình tăng giá điện, đề nghị tăng giá điện phù hợp với tốc độ phát triển của nền kinh tế để có đủ sức hấp dẫn thu hút các nhà đầu tư vào thị trường điện./.
TG