Hơn trăm năm truyền thống
Ngay từ đầu thế kỷ XX, Nam bộ đã
có những trường mỹ thuật để dạy những nghề liên quan đến mỹ thuật ứng
dụng. Mở đầu là Trường Bá nghệ Thủ Dầu Một, thành lập năm 1901 tại Bình
Dương. Tiếp đó là Trường dạy nghề Biên Hòa, chủ yếu đào tạo các ngành
nghề liên quan đến mỹ thuật, mỹ nghệ phục vụ đời sống. Từ năm 1913, ở
Sài Gòn đã có Trường Mỹ thuật Gia Định - là trường duy nhất của Việt Nam
được xếp vào bậc chuyên nghiệp đệ nhất cấp.
Qua hai cuộc kháng
chiến chống Pháp và chống Mỹ, nhiều lớp họa sĩ của trường đã trở thành
những chiến sĩ ra chiến trường, tay cầm súng, tay cầm cọ. Ngày đất nước
thống nhất, mỹ thuật Sài Gòn - TPHCM tập trung một lực lượng hùng hậu:
Các nghệ sĩ từ chiến khu ra, từ miền Bắc vào và lực lượng họa sĩ tại Sài
Gòn... Lực lượng này được đào tạo từ nhiều nguồn: miền Bắc, Liên Xô, Ba
Lan, Tiệp Khắc, CHDC Đức, Trung Quốc, miền Nam, Pháp, Mỹ, Italia, Nhật,
Anh.. Đây là nét đặc trưng riêng và góp phần cho mỹ thuật Sài Gòn -
TPHCM phát triển sâu rộng sau này. Nếu như trước năm 1975, đa số các tác
phẩm mỹ thuật là ký họa thì sau khi hợp nhất, lực lượng nghệ sĩ và tài
năng nghệ thuật của Sài Gòn - TPHCM được nâng lên: Quy mô tác phẩm bắt
đầu lớn hơn, chất lượng sâu hơn, đề tài phong phú hơn, hình thức thể
hiện đa dạng hơn.
Từ năm 1981, giai
đoạn mà cả nước chuyển mình đổi mới, thoát khỏi cơ chế quan liêu, bao
cấp, Hội Mỹ thuật TPHCM ra đời với gần 300 thành viên. Năm 1986, chính
sách mở cửa hội nhập của nhà nước trở thành liều thuốc hồi sinh trên tất
cả các lĩnh vực trong đó có văn hóa nghệ thuật. Triển lãm mỹ thuật xuất
hiện, tiếp đó là các triển lãm chuyên đề, triển lãm mỹ thuật quốc tế,
triển lãm cá nhân và sự ra đời của ngành mỹ thuật ứng dụng. Bên cạnh đó,
sự đầu tư kinh phí của nhà nước, sự hỗ trợ, tìm tòi sưu tập của các nhà
sưu tập tranh tư nhân đã khích lệ nghệ sĩ sáng tạo. Đến nay, Hội Mỹ
thuật TPHCM phát triển chuyên sâu đến 10 lĩnh vực, với hệ thống các CLB:
Họa sĩ trẻ, Họa sĩ nữ, Họa sĩ cao tuổi, Họa sĩ kháng chiến - cựu chiến
binh, Gốm mỹ thuật, Sơn mài Sài Gòn, Đồ họa… Đặc biệt, ở TPHCM là nơi
duy nhất có CLB mỹ thuật người Hoa và người yêu tranh thủy mặc.
Phát
triển là vậy, nhưng thực tế trong giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại
hóa hiện nay, việc đầu tư cho một đô thị lớn, năng động nhất nước như
TPHCM, nhất là trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật vẫn còn nhiều điều đáng
suy ngẫm.
Để mỹ thuật đi vào cuộc sống
Họa sĩ Uyên Huy, Chủ tịch Hội Mỹ
thuật TPHCM nhìn nhận, so với những đầu tư của nhà nước để kích thích
phát triển kinh tế thì sự đầu tư về văn hóa giáo dục, văn hóa nghệ thuật
chưa tương xứng, từ đó đã phát sinh nhiều bất cập. Vấn đề cấp bách nhất
hiện nay theo ông là TPHCM chưa có hệ thống bảo tàng mỹ thuật được xây
dựng mới, đúng chuẩn, hiện đại và mang tính chuyên nghiệp cao. Hàng trăm
tác phẩm của anh em nghệ sĩ sau các trại sáng tác không có chỗ trưng
bày, chỉ triển lãm một lần rồi đành… xếp vào kho. Hoạt động giao lưu,
triển lãm với bạn bè quốc tế hàng năm có nhiều nhưng anh em nghệ sĩ, họa
sĩ chưa có nhiều điều kiện tham gia, nếu có cũng chỉ mang tính nhỏ lẻ,
không đáng kể.
Ở một góc độ khác, ông Vương Duy Biên, Thứ trưởng
Bộ VH-TT-DL cho rằng, có nhiều triển lãm quy mô lớn, trưng bày những
tác phẩm rất giá trị, tổ chức ở bảo tàng hoành tráng nhưng đáng buồn là
khán giả chỉ đông vào ngày khai mạc, những ngày còn lại thì vắng tanh.
“Tôi cũng đang băn khoăn cho cuộc triển lãm điêu khắc 10 năm sắp tới
đây, lại là cảnh đông vui ngày khai mạc, chỉ có anh em trong giới chúc
mừng nhau là chính?”, ông Biên tâm tư. Làm thế nào để tác phẩm, sản phẩm
mỹ thuật đi vào cuộc sống và thu hút công chúng, làm thế nào để các
cuộc triển lãm mỹ thuật hấp dẫn khán giả, công chúng trẻ như lĩnh vực
biểu diễn… rõ ràng không chỉ là nỗi băn khoăn của những người trong
giới.
Họa sĩ Trần Khánh Chương - Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam
nhận định: “TPHCM là địa phương năng động sáng tạo, nơi tập hợp nhiều
nghệ sĩ, họa sĩ giỏi trong cả nước, cũng là đơn vị luôn tiên phong trong
nhiều chính sách đầu tư. Chúng tôi mong rằng sắp tới, lĩnh vực văn hóa
nghệ thuật, nhất là mỹ thuật sẽ được quan tâm hơn, có những giải pháp
chiều sâu và khả thi hơn để phát triển xứng tầm một thành phố lớn”. Ông
còn cho biết thêm, trong tương lai, bất cứ tỉnh thành nào thành lập được
Bảo tàng mỹ thuật, Hội Mỹ thuật Việt Nam sẵn sàng hỗ trợ về tổ chức
chuyên môn cũng như tác phẩm trưng bày.
MINH AN/SGGP