Để dẹp bỏ tệ nạn in lậu, không thể trông chờ vào… con tem, mà cần có biện pháp cứng rắn đối với các hành vi sản xuất và kinh doanh sách lậu.
Dự thảo thông tư dán tem phòng chống in lậu, in giả, sao chép trái phép xuất bản phẩm đã được đưa ra lấy ý kiến, và đại đa số giới xuất bản không đồng tình. Bởi lẽ, dự thảo thông tư đề nghị thống nhất sử dụng tem chung cho các xuất bản phẩm, trừ ấn phẩm điện tử. Trên tem phải có bốn thông tin, bao gồm mã số sách tiêu chuẩn quốc tế; số xác nhận đăng ký xuất bản của Cục Xuất bản; số quyết định xuất bản của giám đốc nhà xuất bản (NXB); số thứ tự theo số lượng bản xuất bản phẩm được in.
Theo lý giải của những người biên soạn dự thảo thông tư, thì tem chung được liên kết với trung tâm dữ liệu của Cục Xuất bản để phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra của các địa phương và thuận tiện cho người đọc có thể dùng điện thoại thông minh tra cứu thông tin, nguồn gốc cuốn sách. Mỗi cuốn sách có một tem được mã hóa như giấy khai sinh, muốn làm giả một cuốn sách thì phải làm giả tem, mà tem đã mã hóa rất khó làm giả.
Trên thực tế, áp dụng thêm việc dán tem sẽ gây khó khăn không nhỏ qua quá trình vận hành của các nhà xuất bản lớn. Ví dụ, mỗi mùa khai giảng, NXB Giáo dục tung ra khoảng 200 triệu bản sách, liệu có được đáp ứng đủ số tem dán lên mỗi bản sách không?
Việc dán tem chung cũng sẽ ảnh hưởng đến giá thành của mỗi ấn phẩm. Nếu con tem chỉ 200 đồng thì một NXB cỡ như NXB Kim Đồng có 400 triệu bản sách hằng năm thì trung bình mỗi năm phải chi 80 tỷ đồng cho con tem. Mặt khác, giá con tem đâu chỉ có chi phí trực tiếp in ấn mà con tem còn phải gánh các chi phí bộ máy quản lý, kiểm tra kiểm soát, giao nhận, lưu kho...
Trong lĩnh vực xuất bản, nhiều năm qua đã áp dụng dán tem cho lịch bloc, nhưng ông Lê Hoàng – Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam cho biết: “Có những vấn đề phát sinh không dễ giải quyết. Ví dụ khi nhà xuất bản mang tem về giao cho đơn vị thành phẩm dán thì nếu con tem thật bị tráo bởi con tem giả thì ai sẽ chịu trách nhiệm khi sự việc được đưa ra xử lý? Thực tế trước đây tại một tổng công ty sách khi kiểm tra kho thì thấy toàn là tem giả vì tem thật bị người xấu trong công ty tráo đưa ra bán bên ngoài cho "đối tác" in lậu lịch…”.
Câu hỏi thiết yếu: dán tem chung có thể ngăn chặn sách lậu không? Rất khó. Bởi lẽ, sách lậu chỉ tập trung vào một số tác phẩm bán chạy. Một khi sách lậu đã tràn lan với giá rẻ, thì người mua chẳng còn ai để ý có dán tem hay không có dán tem. Hơn nữa, trong thời đại kỹ thuật số, tình trạng xâm hại bản quyền nghiêm trọng đối với ngành xuất bản nằm ở sách điện tử, chứ không phải sách in.
Một trong những tiền đề cơ bản để ngăn chặn tình trạng xâm hại bản quyền đối với sách điện tử là phải nâng cao nhận thức của cộng đồng. Hơn nữa, cần làm sao để độc giả thời đại công nghệ số có thể hiểu rằng, không thể chấp nhận việc chỉ cần mua một lần sách điện tử rồi… gửi cho nhiều người cùng đọc!
Để dẹp bỏ tệ nạn in lậu, không thể trông chờ vào… con tem, mà cần có biện pháp cứng rắn đối với các hành vi sản xuất và kinh doanh sách lậu. Đã có nhiều vụ bắt quả tang sách lậu và cũng đã có nhiều vụ khởi kiện, nhưng “thuốc đắng” chưa đủ “giã tật”. Khi những cơ sở in lậu, nếu bị phát hiện chỉ phải nộp phạt hành chính, thì sách lậu vẫn tồn tại!./.
Tâm Huyền (Văn nghệ Công an)