Thứ Bảy, 23/11/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Ba, 22/8/2017 8:55'(GMT+7)

Điện ảnh Việt: Có cần bắt chước để hội nhập quốc tế?

Phim “Bao giờ cho đến tháng Mười “ (đạo diễn Đặng Nhật Minh) được nhiều thế hệ khán giả Việt Nam yêu thích.

Phim “Bao giờ cho đến tháng Mười “ (đạo diễn Đặng Nhật Minh) được nhiều thế hệ khán giả Việt Nam yêu thích.

Thực tế, rất nhiều bộ phim thuần Việt của đạo diễn trong nước hoặc đạo diễn Việt kiều, đã được quốc tế đánh giá rất cao!

Năm 2008, bộ phim "Bao giờ cho đến tháng Mười" của đạo diễn Đặng Nhật Minh được kênh truyền hình nổi tiếng thế giới CNN xếp vào danh sách "18 bộ phim châu Á kinh điển" với đánh giá làm nức lòng những người yêu điện ảnh nước nhà, rằng "bộ phim vẽ nên một bức tranh sống động kể lại cảm nhận của một góa phụ trẻ tuổi về những di sản trong chiến tranh Việt Nam". Sự vinh danh ấy rõ ràng có thể tự tin cảnh sắc Việt, tâm hồn Việt đã có cơ hội thăng hoa trên màn ảnh quốc tế.

Dù trong danh sách 18 phim châu Á được tôn vinh, chúng ta chỉ có một đại diện duy nhất là "Bao giờ cho đến tháng Mười", xếp sau Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand nhưng cũng đủ để nền nghệ thuật thứ bảy Việt Nam phập phồng phác thảo một tương lai hòa nhập cùng sự phát triển của nền điện ảnh thế giới. Kịch bản "Bao giờ cho đến tháng Mười" được đạo diễn Đặng Nhật Minh viết xong vào mùa thu năm 1983, và một năm sau được Xưởng phim truyện Việt Nam sản xuất.

"Bao giờ cho đến tháng Mười" đoạt Bông Sen Vàng tại Liên hoan phim toàn quốc năm 1985, sau đó tiếp tục tiếp tục được trao giải thưởng của Ban giám khảo Liên hoan phim quốc tế Hawai năm 1985. Bên cạnh nỗi khắc khoải của người vợ mất chồng vì chiến tranh, vẻ đẹp của "Bao giờ cho đến tháng Mười" lấp lánh ở những đêm hát bội, những buổi làm đồng, những phiên chợ âm dương. Chính những góc quay thú vị đó giúp người nước ngoài dù chưa một lần đặt chân đến Việt Nam cũng có thể hiểu thêm con người và đất nước Việt Nam.

Nghệ thuật điện ảnh luôn hội tụ những bộ môn nghệ thuật khác như văn học, hội họa, nhiếp ảnh…Cho nên mỗi bộ phim luôn chứng minh bản lĩnh và bản sắc của một quốc gia. Chúng ta còn nghèo, chưa thể nghĩ đến những bộ phim "bom tấn" như Hollywood, nên chỉ còn con đường chinh phục quốc tế bằng nền văn hóa mang đậm phong thái Á Đông.

Ở đây cần phải nói đến vai trò xã hội hóa điện ảnh. Khi những nhà làm phim trong nước được sự hợp tác của những nhà làm phim Việt kiều thì màn ảnh của chúng ta có thể nhiều điều kiện để có những bộ phim đẳng cấp quốc tế! Có lẽ từ một sự tính toán riêng, các nhà làm phim gần đây hơi chú trọng những cảnh nhà lầu, xe hơi, váy ngắn, môi son… khiến cho hình ảnh nông thôn bỗng dưng ngủ quên trên màn ảnh. Hình như chúng ta quên mất rằng, sự nồng nàn của cảnh sắc Việt Nam mới đủ sức làm nên những tác phẩm điện ảnh vượt ra khỏi biên giới quốc gia.

Sau khi đất nước đổi mới, bộ phim Việt đầu tiên có sức vang ở nước ngoài là "Mùi đu đủ xanh" của đạo diễn Trần Anh Hùng. Tạo dựng phim trường tại Paris, nhưng các cảnh sắc Việt Nam được thể hiện thật quyến rũ trong "Mùi đu đủ xanh".

Nhìn hình ảnh cận cảnh của đạo diễn Trần Anh Hùng đã giúp "Mùi đu đủ xanh" có mặt tại nhiều liên hoan phim quốc tế. Và chúng ta không thể nói khác hơn rằng, chính "vẻ đẹp tiềm ẩn" không lẫn vào đâu được của Việt Nam khi khai thác hiệu quả đã mang lại giải thưởng Camera Vàng cho "Mùi đu đủ xanh" tại Liên hoan phim Cannes năm 1993 và được đề cử giải Phim nước ngoài hay nhất tại giải Oscar năm 1993. Sau thành công của "Mùi đu đủ xanh", hai bộ phim tiếp theo của đạo diễn Trần Anh Hùng là "Xích lô" và "Mùa hè chiều thẳng đứng" cũng tập trung miêu tả hồn Việt lung linh và đều được tán thưởng khắp nơi. Riêng bộ phim "Xích lộ" đã đoạt giải Sư Tử Vàng tại Liên hoan phim Venezia vào năm 1995..

Một bộ phim khác chứng minh đẳng cấp quốc tế của phim Việt là "Ba mùa" của đạo diễn Tony Bùi. Lấy bối cảnh chính tại TP Hồ Chí Minh, "Ba mùa" phản ánh đời sống người Việt trong kinh tế thị trường với những mảnh đời xô dạt, nhưng vẫn thấy được nét nhuần nhị và đôn hậu của bao con người đôn hậu. Những nhà làm phim chứng minh ở đô thị sầm uất nhất của Việt Nam có ba mùa: mùa nắng, mùa mưa và mùa hy vọng.

Người xem "Ba mùa" không thể nào quên được giữa chộn rộn bán mua, gánh hoa sen của cô gái nghèo đi qua như một vùng sáng lung linh bất tận. Không thể nói khác hơn, những đóa sen trong "Ba mùa" làm dịu lại cái nắng Sài Gòn, làm ấm lên cơn mưa Sài Gòn và biểu thị sự lương thiện vẫn nảy mầm, vẫn tỏa hương ngay cả khi chen lấn giành giật mưu sinh. Chính vẻ đẹp thuần Việt đã giúp "Ba mùa" nhận được giải thưởng tại Liên hoan phim Sundance năm 1999.

Tất nhiên, bất cứ giải thưởng nào cũng chỉ mang tính tương đối. Điều đáng quan tâm nhất là những bộ phim càng gần đẳng cấp quốc tế thì càng khẳng định được sức sống của văn hóa Việt Nam. Trước đây chúng ta vẫn than phiền về túi tiền eo hẹp, thì giờ đây người Việt đã đủ khả năng bỏ ra hàng triệu đô la Mỹ để làm phim. Hai bộ phim "Dòng máu anh hùng" và "Áo lụa Hà Đông" thu hút hàng ngàn lượt xem nhờ đầu tư thỏa đáng cho dàn dựng công phu.

"Dòng máu anh hùng" phô diễn những pha võ thuật đẹp mắt, còn "Áo lụa Hà Đông" ca ngợi chiếc áo dài truyền thống. Đáng tiếc là dù qui tụ nhiều gương mặt diễn viên nổi tiếng, nhưng đạo diễn "Dòng máu anh hùng" và "Áo lụa Hà Đông" hơi non tay nên nhiều trường đoạn dông dài phá vỡ cảm xúc người xem, khiến giá trị thẩm mỹ tạm dừng ở mức độ nhất định. Thế nhưng, những hình ảnh thuyết phục nhất của hai bộ phim này đều nằm ở những bối cảnh đồng quê, với cảnh đoàn tàu băng qua triền đồi trong "Dòng máu anh hùng" và dòng sông nhạt nhòa mưa lũ trong "Áo lụa Hà Đông".

Để tiếp tục thể hiện vị trí Việt Nam trên bản đồ nghệ thuật thứ bảy thế giới, cần nhiều nỗ lực cụ thể hơn nữa của những nhà quản lý văn hóa và những nghệ sĩ điện ảnh. Tuy nhiên, có hai nhược điểm dễ thấy ở các bộ phim Việt Nam bước đầu có thể tiếp cận quốc tế là lời thoại và đoạn kết. Phim của chúng ta hơi nhiều lời, và có khi lời thoại rời rạc thiếu chắc lọc đã làm loãng không khí bộ phim.

Điện ảnh khác kịch nói khi phát huy được sức mạnh ngôn ngữ đặc thù. Quá nhiều tình huống trên phim Việt cứ muốn giải quyết bằng lời thoại, thay vì bằng âm nhạc, hay sự chuyển động của camera. Còn về cái kết, thì thật đáng băn khoăn. Hầu như các bộ phim Việt chỉ để kết cho có…cái kết mà thôi. Ngay cả bộ phim tương đối thành công là "Mùa len trâu" của đạo diễn Nguyễn Võ Nghiêm Minh cũng vậy. Ở "Mùa len trâu" có những chi tiết đắt giá mang ấn tượng điện ảnh, nhưng cái kết chưa tương xứng với nhịp điệu bộ phim.

"Mùa len trâu" khép lại hồi ức về câu chuyên vùng sông nước Cà Mau bằng lời thoại khá mông lung. Với thiện chí sánh vai với bè bạn năm châu, cũng dùng lối hồi ức thì lời thoại kết phim của "Mùa len trâu" khi so sánh với lời thoại kết phim của "Hồi ức một geisha" thì quả là một trời một vực. Cái kết phim dẫu mấy câu cũng phải nói được cái đau đáu một số phận, hoặc cái thao thức một thời cuộc, hoặc cái trắc ẩn kiếp nhân sinh. Nếu ví von, thì cái kết của phim Việt chỉ là tiếng kêu rất nhỏ của cánh cửa khép hờ, còn cái kết của những bộ phim quốc tế từng làm chúng ta rúng động là âm thanh tách cách của cái khóa!

Từ phiên chợ âm dương trong "Bao giờ cho đến tháng Mười" cho đến gánh hoa sen trong "Ba mùa" hay đàn trâu bì bõm lội nước trong "Mùa len trâu" đã ít nhiều giúp hồn Việt thăng hoa trên màn ảnh quốc tế. Thế mạnh của điện ảnh Việt Nam là chiều sâu văn hóa của cảnh sắc và con người Việt Nam. Khi và chỉ khi chúng ta khai thác triệt để yếu tố này mới có được những bộ phim đẳng cấp quốc tế! Đó là sự thật đáng suy nghĩ, đáng trân trọng và đáng nâng niu! Điện ảnh Việt không cần thiết phải bắt chước một cách thô thiển để hội nhập toàn cầu!./.

Lê Thiếu Nhơn (Văn nghệ Công an)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất