Cảm khái trước người và đất xứ Thanh, nhà sử học Phan Huy Chú đã ghi những dòng tuyệt bút: “Thanh Hóa mạch núi cao vót, sông lớn lượn quanh, biển ở phía đông… Núi sông rất đẹp, là một chỗ đất có cảnh đẹp ở nơi xung yếu… Vẻ non sông tốt tươi chung đúc nên sinh ra nhiều bậc vương tướng, khí tinh hoa tụ quý, cũng khác mọi nơi. Bởi đất thiêng thì người giỏi nên nảy ra những bậc phi thường, vượng khí chung đúc nên xứng đáng đứng đầu cả nước”. Khâm sứ Trung Kỳ, Pasquier thì cho rằng: Thanh Hóa “một bộ phận của nước Đại Việt giàu cảnh đẹp thiên nhiên nhất cũng như về những ký ức lịch sử và truyền thuyết”. Tiến sĩ người Pháp H. Le Breton cũng cho rằng: “Thanh Hóa níu giữ và quyến luyến như mọi địa điểm nhiều kỷ niệm về quá khứ giàu truyền thống và vĩ đại… Thanh Hóa… còn là một hình ảnh của Bắc Kỳ thu nhỏ, nó có châu thổ trù phú và phì nhiêu, vùng Trung du cây cỏ bạt ngàn đồi lượn sóng, vùng cao lầm lỳ mà rừng đại ngàn um tùm bao phủ”. Bức tranh toàn cảnh phản ánh về điều kiện tự nhiên, lịch sử tỉnh Thanh gợi mở tiềm năng lớn về văn hóa gắn với việc phát triển du lịch.
Thanh Hóa có nhiều lợi thế để trong phát triển du lịch. Với nguồn tài nguyên du lịch phong phú bao gồm các di sản thiên nhiên và và sự đa dạng của nó, xứ Thanh có 102 km bờ biển với nhiều bãi biển đẹp như Sầm Sơn, Hải Hòa, Hải Tiến, Nghi Sơn…, các đảo Hòn Mê, đảo Nẹ, bán đảo Nghi Sơn luôn có sức hấp dẫn du khách, nhất là vào dịp mùa hè để về đây nghỉ dưỡng, tắm mát và thưởng thức các đặc sản của biển khơi. Cùng với biển, miền núi tỉnh Thanh có Son Bá Mười (Lũng Cao, Bá Thước) có khí hậu ôn đới mát mẻ không kém gì Sa Pa, Tam Đảo. Hệ thống rừng nguyên sinh Pù Luông, Pù Hu, Xuân Liên… với thảm thực vật, động vật phong phú, nhiều loài được ghi trong sách đỏ. Thác Ma Hao, thác Trai Gái, thác Bảy tầng, thác Muốn, thác Voi… đã và đang được khai thác. Hệ thống hang động từ rừng tới biển: Hang Bo Cúng, Hang Co Láy, Hang Poong, Hang Luôn Lang, Hang Khua… Xuân Thủy (Quan Sơn), hang Mường (Thường Xuân), hang Phi (Quan Hóa), động Vĩnh An, động Từ Thức, động Trường Lâm… với các nhũ đá thiên tạo được người đời thêu dệt thành những thiên tình sử diễm lệ. Hệ thống hồ Bến En, Đồng Mực, Kim Sơn, Suối cá Cẩm Lương… là những điểm đến lý tưởng về du lịch sinh thái. Sông Mã, sông Chu và hệ thống các sông suối của 2 con sông này chảy qua những bản làng của đồng bào Thái, Mường và đổ ra cửa biển, tạo nên bức tranh phong cảnh tuyệt đẹp. Với sông Mã tính từ Cửa Hà lên tới đầu nguồn Mường Lát có 53 ngọn thác, đây thực là điều kiện tốt cho loại hình du lịch mạo hiểm chinh phục thác ghềnh. Về cảnh đẹp của thiên nhiên xứ Thanh. Học giả H. Le Breton ngay từ đầu thế kỷ XX từng nhận xét: “Ngay cả những sử gia Trung Quốc cũng hào hứng ca ngợi những thắng cảnh nổi tiếng nơi đây. Không có một kỳ sơn, thắng trạch nào mà không ẩn chứa một truyền thuyết của nó”.
Lịch sử đã từng in dấu ấn sâu đậm trên miền đất này trong suốt nhiều nghìn năm dựng nước và giữ nước vẻ vang của dân tộc. Núi Đọ, hang Con Moong, hang làng Tráng, mái đá Điều; thời đại đồ đá mới: Đa Bút, Cồn Cổ Ngựa, Gò Trũng, Hoa Lộc; thời kỳ văn hóa Đông Sơn với di chỉ khảo cổ học Đông Lĩnh, Cẩm Giang, Đông Sơn, núi Chè… đã minh chứng xứ Thanh là một trong những nơi ngọn nguồn của sự hình thành con người từ thời kỳ đồ đá đến thời kỳ đồ đồng. Sông Mã không chỉ bồi đắp phù sa tưới tốt ruộng đồng mà còn là nơi khởi nguồn và tỏa rạng nền văn hóa Đông Sơn phát triển rực rỡ khiến cho bạn bè quốc tế phải ngưỡng vọng, tìm hiểu và khám phá. Miền núi địa bàn rộng lớn chiếm 2/3 diện tích cả tỉnh có 6 tộc người sinh sống, điều này tạo nên cho xứ Thanh sự đa dạng về du lịch sinh thái và du lịch tâm linh. Với sử thi “Đẻ đất đẻ nước” của người Mường và “Khăm Panh” của người Thái khá nổi tiếng còn in dấu cổ tích trên mỗi ngọn núi, dòng sông, làng bản miền non cao. Sử thi Đẻ đất đẻ nước- một áng Mo đồ sộ với trên 2 vạn câu đã phản ánh quan niệm của Mường - Việt cổ về tự nhiên, xã hội, con người. Cây Thần - cây Si trong mo Đẻ đất đẻ nước của người Mường cành ngả ra tới đâu thành bản thành làng tới đó, đồi Lai Ly, Lai Láng chót vót giữa đình trời Mường Ký… giúp cho giới nghiên cứu và khách du lịch khám phá và tìm thấy những quan niệm và triết lý biện chứng về vũ trụ, con người, vòng đời, lễ tục, tín ngưỡng, phương thức sản xuất của những người tối cổ buổi hồng hoang lịch sử, để thả hồn hình theo trí tưởng tượng bay bổng mà hình dung và mường tượng về những con người và địa danh thuở hồng hoang in đậm trong trí nhớ và những câu chuyện cổ của các nghệ nhân dân gian nơi miền Tây xứ Thanh này.
Lịch sử đã từng minh chứng, xứ Thanh là miền đất “địa linh nhân kiệt” đã sản sinh cho non sông, đất nước nhiều bậc quân vương, anh hùng hào kiệt và cả các, văn thần, võ tướng. Tiến sĩ người Pháp H. Le Breton cho rằng: “Thanh Hóa … là sân khấu của các bản trường ca lớn của lịch sử Đại Việt”. “ Muốn hiểu thấu đáo lịch sử Đại Việt, phải hiểu lịch sử Thanh hóa… Thanh Hóa đã sản sinh ra các vị khai sáng các triều đại nổi tiếng nhất…”; “ Rừng già che đậy những phế tích kinh kỳ của các triều đại. Những bức tường thành… do nhà Hồ dựng nên đang còn sừng sững giữa vòng vây của bao lèn núi. Không có một ngã ba đường nào mà không còn như lưu lại những vang vọng của giáo gươm xô sát…”. Với 1.535 di tích, ở đó không chỉ hàm chứa các giá trị lịch sử mà còn phản ánh các giá trị của di sản vật thể và phi vật thể đã có sức hấp dẫn và gọi mời du khách thập phương tới những di tích tiêu biểu như:Lam Kinh, Thành nhà Hồ, đền bà Triệu, Lê Hoàn, đền Lý Thường Kiệt, đền Trần Khát Chân, nghè Vẹt, phủ Trịnh, đền Quang Trung… vừa để chiêm bái tỏ lòng biết ơn tiền nhân, ngắm nhìn các kiệt tác về điêu khắc, kiến trúc nghệ thuật, vừa được hòa mình vào các hoạt động lễ hội, trò chơi, trò diễn và các tích trò đặc sắc nơi đây. Với tín ngưỡng thờ mẫu nhưng không đâu nổi tiếng như lễ hội thờ thờ Liễu Hạnh – Mẫu nghi thiên hạ tại đền Sòng mà dân gian mãi còn nhắc nhở: "Nhất vui là hội Phủ Dày/Vui thì vui vậy chẳng tày Sòng Sơn".
Thanh Hóa đã được nhắc tới với “nhiều đặc tính và tập quán, truyền thuyết và lễ nghi huyền bí mà nỗi u hoài cao ngạo bỗng rạng nét tươi vui qua vẻ phô trương, đầy màu sắc của các đình đám riêng biệt ít nơi nào có…”; “… các thiếu nữ vai đeo đèn nhịp nhàng múa hát, ảo tưởng lễ hội, ảo tưởng hân hoan, ảo tưởng một nền nghệ thuật tinh tế…”. Cũng như lễ hội cổ truyền trên phạm vi cả nước, lễ hội cổ truyền ở tỉnh Thanh diễn ra hầu như quanh năm, thường tập trung vào lúc “xuân thu nhị kỳ”, từ non cao Mường Lát theo dòng Mã giang về cửa biển Lạch Trào, hay khởi đầu từ đèo Ba Dội tới đèo Hoằng Mai, nơi đồng bằng bát ngát cánh đồng xanh màu ngô lúa của đôi bờ sông Mã, sông Chu trù phú… bắt gặp đủ sắc màu hội lễ xốn xang, lay động lòng người, biết ơn tiền nhân, hướng về cội nguồn dân tộc, tiêu biểu như lễ hội làng Phú Điền (Hậu Lộc), Am Tiên (Triệu Sơn), Xuân Du (Như Thanh)… tưởng nhớ Bà Triệu với tiếng cồng vọng mãi ngàn năm; hội làng Đồng Cổ (Đan Nê) thờ thần Trống Đồng - hồn thiêng sông núi; Hội làng Phú Khê tôn vinh vị thành hoàng có công giúp vua Lý bình Chiêm; lễ hội Lam Kinh – nhớ vua Lê dựng nghiệp, Hội làng Tép thờ Lê Lai - dũng tướng liều mình cứu chúa; Hội làng Trung Lập thờ vua Lê Đại Hành người xây dựng triều đại Tiền Lê, mở ra thời kỳ phát triển cho vương triều Lý, trong hội có lệ tục cày ruông tịch điền, khuyến khích việc canh nông… Các làng chài ven sông biển mở hội cầu ngư tôn vinh các vị Thủy thần và thần Biển như: Độc Cước, Tứ vị Thánh Nương, Đức ông sông nước, Nam Hải cợ tộc tôn thần – Cá Voi… phù trợ, giúp đỡ ngư dân ra khơi vào lộng bình yên, đánh bắt được nhiều tôm cá. Xứ Thanh là nơi giao lưuvề nghệ thuật âm nhạc, diễn xướng in đậm. trong trò Chiềng làng Trịnh Xá, Trò Xuân Phả, trò Tiên Cuội… các tích trò gắn với các nhân vật là người Ấn Độ, Trung Hoa, Ai Lao, Xiêm Thành, Hoà Lan…
Nói đến Thanh Hoá là nói đến miền đất của dân ca, dân vũ phong phú và đa sắc màu. Sông Mã còn là dòng sông văn hoá làm nên nền văn hoá Đông Sơn nổi tiếng, chở “Câu hò ướt đẫm mồ hôi/bao đời vẫn đẩy trăng trôi với thuyền” một loại dân ca sông nước độc đáo riêng có ở xứ Thanh. Dân ca Đông Anh với lời ca đắm say: “Lên chùa bẻ một cành sen/ăn cơm bằng đèn đi cấy sáng trăng”. Nhiều làn điệu dân ca phong phú và đặc sắc như: hát giao duyên, dân ca nghi lễ, hát đối đáp, hát ru ... ở miền quê nào cũng có. Tộc người Mường vẫn còn giữ được dấu ấn của văn hoá Đông Sơn qua ngôn ngữ, nghệ thuật hoa văn thêu dệt và sử dụng âm nhạc cồng chiêng. Đồng bào các dân tộc thiểu số có vốn văn nghệ dân gian đặc sắc như: Khặp (Thái), Xường rang (Mường), Pả dung (Dao), hát Tơm (Khơ Mú), hát giã cốm (Thổ)... phản ánh điệu hồn với nhiều cung bậc tình cảm tinh tế, thiết tha ngợi ca con người, cuộc sống và cảnh vật thiên nhiên. Mỗi vùng miền, làng bản ở xứ Thanh đều có những sản vật nổi tiếng như: cá mè sông Mực, nước mắm Do Xuyên, chè lam Phủ Quảng, cam, hến làng Giàng, bánh gai Tứ Trụ, phi Cầu Sài, mía tiến Triệu Tường, vịt Trạc Nhật, cà làng Hạc, khoai làng Lăng, bánh chưng Cầu Hậu, cháo đậu Quán Lào… để lúc rời xa nỗi nhớ lại tìm về: Ai về nhớ vải Đông Hoà/Nhớ cau Hổ Bái, nhớ cà Đan Nê/Nhớ dừa Quảng Hán, Lưu Khê/Nhớ cơm chợ Bản, thịt dê Quán Lào… Xứ Thanh vốn nổi tiếng với rượu làng Quảng (Thành phố Thanh Hoá), rượu Hói Đào (Nga Sơn), rượu Cầu Lộc (Hậu Lộc), rượu Ba Làng (Tĩnh Gia)... thức uống này đã bao đời gắn bó với tao nhân mặc khách. Đồng bào Thái các huyện Quan Hoá, Quan Sơn, Lang Chánh, Bá Thước... Uống rượu cần với lời khặp tâm tình, tiếng khèn bè xao xuyến, vừa uống rượu, vừa uống tình đã trở thành văn hoá rượu cần làm mềm lòng du khách.
Những năm qua, hoạt động du lịch đã thúc đẩy các ngành khác phát triển, tạo ra khả năng tiêu thụ tại chỗ cho hàng hóa và dịch vụ; lễ hội truyền thống được khôi phục, phát huy được thuần phong mỹ tục. Nhiều làng nghề khôi phục và phát triển, tạo thêm các điểm tham quan du lịch, sản xuất hàng lưu niệm, thủ công mỹ nghệ phục vụ khách, tạo thêm việc làm và thu nhập; góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng thu nhập, xóa đói, giảm nghèo. Du lịch phát triển đã tạo thêm nguồn thu để tôn tạo, trùng tu các di tích và nâng cao ý thức, trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước, chính quyền địa phương và cộng đồng dân cư giữ gìn, phát triển di sản văn hóa. Tuyên truyền, quảng bá du lịch của tỉnh đã truyền tải được giá trị của di sản thiên nhiên, di sản văn hóa dân tộc và sắc thái văn hóa tỉnh Thanh đến nhân dân và du khách quốc tế, góp phần phát triển kinh tế, tranh thủ sự ủng hộ quốc tế đối với sự nghiệp xây dựng đất nước, quê hương.
Bên cạnh những lợi thế nêu trên, để phát triển du lịch bền vững, du lịch ở Thanh Hóa cũng gặp nhiều thách thức, đó là: So với các điểm du lịch của cả nước và các tỉnh trong khu vực Bắc Trung Bộ, du lịch Thanh Hóa còn phải phấn nhiều mới tiến kịp với những Phong Nha - Kẻ Bàng, di tích cố đô Huế, Khu di tích Nam Đàn - Kim Liên… có sức hút mạnh mẽ bởi tính chuyên nghiệp trong hoạt động xúc tiến, quảng bá và dịch vụ du lịch dã trở thành thương hiệu có uy tín. Du lịch tỉnh Thanh đang đối mặt với việc rác thải ảnh hưởng tới môi trường tại các điểm du lịch Sầm Sơn, Hải Hòa, Cửa Đạt, Phủ Na… Tình trạng chèo kéo, bắt chẹt khách, tăng giá tùy tiện đâu đó vẫn còn, gây phản cảm và phiền lòng du khách. Cơ sở hạ tầng thiếu đồng bộ, dịch vụ chưa đồng bộ; nhiều di tích không được bảo quản đúng mức, tu bổ làm sai lạc và biến dạng so với di tích gốc; công tác quản lý của các cơ quan chức năng chưa đạt hiệu quả… Thanh Hóa có tiềm năng để phát triển du lịch, nhưng cách làm du lịch của Thanh Hóa còn thiếu tính chuyên nghiệp và đồng bộ. Những năm qua làm du lịch mới chỉ làm phần ngọn quanh quẩn với ăn – tắm biển – ngủ và ăn, các điểm vui chơi, mua sắm, làm đẹp, giải trí còn rất khiêm tốn; chưa kết nối các di sản thiên nhiên, di sản văn hóa để tạo thành các tour du lịch dài ngày trong tỉnh và các vùng miền trong cả nước.
Xứ Thanh là đất của “tam vương, nhị chúa”, do vậy mà tư tưởng “bề trên” (nói thiên hạ phải nghe, chứ không nghe thiên hạ nói; thiên hạ phải phục vụ mình chứ mình không phục vụ thiên hạ). Chính điều đó là trở ngại và gây phản cảm đối với du khách. Bởi giờ đây du khách là “Vua – Thượng đế", muốn làm du lịch và phát triển du lịch bền vững, những người làm du lịch tỉnh Thanh phải thực sự xem du khách là Thượng đế. Bên cạnh đó, đội ngũ nhân lực phục vụ ngành Du lịch đã được đào tạo cơ bản còn ít, yếu về trình độ nghiệp vụ, ngoại ngữ, thiếu về kinh nghiệm. Đặc biệt, thiếu người quản lý và phục vụ có trình độ chuyên môn cao trong các cơ sở phục vụ kinh doanh du lịch ở lĩnh vực khách sạn, nhà hàng, các nơi nghỉ dưỡng, các cơ sở vui chơi, giải trí…do đó du lịch Thanh Hóa chưa đáp ứng được nhu cầu hội nhập trong vùng, khu vực và quốc tế.
Du lịch Thanh Hóa mấy năm gần đây đã có bước chuyển nhất định cùng với sự ra đời của Khu nghĩ dưỡng cao cấp FLC, song du lịch Thanh Hóa vẫn chưa thoát khỏi tính mùa vụ, các loại hình du lịch sinh thái, du lịch tâm linh vốn là lợi thế của tỉnh để tạo việc làm mang lại nguồn thu cho người dân và góp phần xóa đói, giảm nghèo đối với vùng đồng bào các dân tộc thiểu số, nông thôn vẫn mang tính tự phát. Về phát triển sản phẩm và thị trường, ngoài sản phẩm trống đồng làm quà tặng là chính, tỉnh nhà chưa tạo ra được các sản phẩm du lịch như quà lưu niệm, hàng thủ công mỹ nghệ hấp dẫn du khách. Sản phẩm du lịch nghèo nàn và trùng lắp giữa các vùng miền, ít sáng tạo, thiếu tính độc đáo, đặc sắc của mỗi làng quê. Nhu cầu du lịch thế giới có nhiều thay đổi, hướng tới những giá trị mới được thiết lập trên cơ sở giá trị văn hoá truyền thống (tính độc đáo, nguyên bản), giá trị tự nhiên (tính nguyên sơ, hoang dã), giá trị sáng tạo và công nghệ cao (tính hiện đại, tiện nghi). Du lịch bền vững, du lịch xanh, du lịch cộng đồng gắn với xoá đói giảm nghèo, du lịch hướng về cội nguồn, hướng về thiên nhiên là những xu hướng nổi trội. Chất lượng môi trường trở thành yếu tố quan trọng cấu thành giá trị thụ hưởng du lịch. Đây là thách lớn với du lịch tỉnh Thanh nói riêng và Bắc Trung Bộ nói chung, nếu không nắm bắt kịp sẽ đứng trước nguy cơ tụt hậu và du lịch tỉnh Thanh mãi là tiềm năng. Tiềm năng văn hóa du lịch tỉnh Thanh thời gian qua đã được đánh thức song mới chỉ khai thác và phát huy bước đầu. Thực hiện chưng trình phát triển du lịch đã được Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XVIII đề ra; để tiềm năng này trở thành nguồn lực quan trọng phát triển kinh tế, đáp ứng nhu cầu tìm hiểu, khám phá về lịch sử văn hóa, danh thắng và vui chơi giải trí của du khách trong và ngoài nước, du lịch Thanh Hóa cần rà soát lại quy hoạch phát triển du lịch, lựa chọn sản phẩm để đột phá, xây dựng sản phẩm mới; khai thác thế mạnh của loại hình văn hóa phi vật thể; cần nghiên cứu, xúc tiến, quảng bá, thu hút các thị trường khách Lào, Thái Lan, Trung Quốc...
Trong công tác quản lý nhà nước cần tăng cường kiểm soát chất lượng dịch vụ, vệ sinh môi trường, nhà vệ sinh công cộng, xử lý tình trạng chèo kéo khách tại các điểm du lịch. Bên cạnh đó, cần phải tăng cường liên kết đẩy mạnh quy hoạch cho đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng trên cơ sở gắn kết các điểm, tuyến du lịch, cụm du lịch, đồng thời có kế hoạch trùng tu bảo quản các cơ sở hạ tầng này một cách thường xuyên, để sử dụng có hiệu quả cho phát triển du lịch. Tiếp tục đẩy mạnh công tác quảng bá du lịch và kêu gọi đầu tư để khai thác thế mạnh của mình phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, khuyến khích các doanh nghiệp du lịch cạnh tranh bình đẳng theo pháp luật quy định. Phát triển du lịch trên cơ sở bảo vệ môi trường sinh thái, giữ gìn bản sắc dân tộc, giữ vững trật tự an toàn xã hội./.
TS. Hoàng Minh Tường
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thanh Hóa