Thứ Sáu, 3/5/2024
Nhịp cầu Công Thương
Thứ Tư, 22/11/2023 10:21'(GMT+7)

Rà soát, quản lý quy hoạch và đầu tư xây dựng các dự án thủy điện

Đập thủy điện Yaly nhìn từ khu điều hành, Khởi công năm 1993 - Hoàn thành năm 2002

Đập thủy điện Yaly nhìn từ khu điều hành, Khởi công năm 1993 - Hoàn thành năm 2002

RÀ SOÁT TỔNG THỂ VỀ THỦY ĐIỆN

Công tác rà soát tổng thể về thủy điện được triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt từ các Bộ ngành Trung ương đến địa phương trên phạm vi toàn quốc theo các nội dung yêu cầu của Quốc hội và Chính phủ.

Đến nay, công tác rà soát về quy hoạch, đầu tư xây dựng và vận hành khai thác các công trình thủy điện trên địa bàn cả nước đã cơ bản hoàn thành, đáp ứng các yêu cầu đề ra theo Nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ. Kết quả rà soát liên tục từ năm 2012 - 2019, Bộ Công Thương đã phối hợp với UBND các tỉnh xem xét loại bỏ khỏi quy hoạch 8 dự án thủy điện (DATĐ) bậc thang, 472 DATĐ nhỏ và 213 vị trí tiềm năng thủy điện. Đây là các dự án có chiếm nhiều diện tích đất, ảnh hưởng lớn đến môi trường - xã hội hoặc hiệu quả kinh tế thấp. Căn cứ kết quả rà soát, Bộ Công Thương đã thừa ủy quyền của Chính phủ liên tục có các báo cáo kết quả và đã được Quốc hội thông qua tại các Kỳ họp Quốc hội.

Mặc dù, công tác quản lý đầu tư xây dựng các DATĐ vừa và nhỏ thuộc trách nhiệm của UBND các tỉnh, tuy nhiên với trách nhiệm là cơ quan quản lý ngành, Bộ Công Thương đã thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các địa phương và Chủ đầu tư dự án tuân thủ nghiêm túc các quy định của pháp luật nhằm đảm bảo chất lượng xây dựng công trình.

Nhìn chung, qua việc kiểm tra, giám sát chặt chẽ của các cơ quan quản lý nhà nước từ Trung ương đến địa phương, công tác quản lý chất lượng xây dựng đã từng bước được nâng cao. Cụ thể, trong quá trình thực hiện đầu tư xây dựng, việc điều chỉnh quy mô, thay đổi thiết kế bản vẽ kỹ thuật thi công so với Hồ sơ thiết kế đã được cấp có thẩm quyền tham gia ý kiến. Chủ đầu tư các DATĐ đã nhận thức đúng đắn và thực hiện đầy đủ theo quy định của pháp luật, đã có ý thức tăng cường đội ngũ chuyên môn có kinh nghiệm đầu tư xây dựng thủy điện nên việc quản lý chất lượng được ngày càng cải thiện. Mặt khác, trong quá trình thi công Chủ đầu tư các DATĐ đã thường xuyên báo cáo đầy đủ tình hình triển khai xây dựng cho các cơ quan chức năng theo quy định; các đơn vị tư vấn mới thành lập, còn thiếu kinh nghiệm đã quan tâm tuyển dụng đội ngũ cán bộ có chất lượng chuyên môn cao; các nhà thầu thi công đã chú trọng hơn trong việc bố trí nhân lực và thiết bị có chất lượng cao và hiện đại, phù hợp với đặc thù công việc.

Hiện nay việc sử dụng công nghệ hiện đại, tiên tiến từ bước khảo sát, thiết kế, thi công đến vận hành khai thác các DATĐ đã cơ bản hạn chế được những tác động đối với môi trường - xã hội so với giai đoạn trước đây. Cụ thể như sau: Việc khảo sát, tính toán điều kiện địa hình, địa chất, thủy văn để phục vụ cho công tác thiết kế lập dự án đã được cơ quan Tư vấn cập nhật, áp dụng công nghệ đã và đang sử dụng tại các nước tiên tiến (các loại máy đo địa hình, địa chất, đo lưu lượng, phần mềm tính toán…). Từ đó, nhằm xác định chính xác nhất các thông số của dự án đảm bảo lựa chọn phương án tối ưu nhất về kinh tế - kỹ thuật, giảm thiểu ảnh hưởng tới môi trường - xã hội. Việc áp dụng các công nghệ tiên tiến vào thi công xây dựng (máy thi công, vật liệu xây dựng, phương án tổ chức thi công…) không những đảm bảo chất lượng xây dựng, rút ngắn đáng kể thời gian thi công, mà còn giảm thiểu diện tích chiếm đất tạm thời của các công trình phụ trợ và các ảnh hưởng như tiếng ồn, khói bụi, ô nhiễm môi trường… trong quá trình thi công. Ngoài ra, hầu hết Chủ đầu tư các DATĐ đã chủ động nghiên cứu để đầu tư các thiết bị sử dụng cho nhà máy một cách đồng bộ, công nghệ tiên tiến của châu Âu, nâng cao hiệu quả vận hành phát điện, tăng hiệu suất của thiết bị và giảm thiểu tình trạng lãng phí nguồn nước, chủ động hơn trong việc điều tiết, vận hành nhằm hạn chế tối đa cac tác động bất lợi đến vùng hạ du công trình.

Như vậy, có thể nói, công tác rà soát, quản lý quy hoạch và đầu tư xây dựng các DATĐ đã được Bộ Công Thương thực hiện xuyên suốt từ năm 2013 đến nay. Quá trình thực hiện đã được Quốc hội, Chính phủ đánh giá cao và thực tế đã cho thấy các DATĐ cũng đã đóng góp rất lớn trong việc cung ứng điện cho phát triển kinh tế xã hội của đất nước, đảm bảo an toàn vận hành Hệ thống điện.

Công trình thủy điện Hòa Bình, Khởi công năm 1979 - Hoàn thành năm 1994

Công trình thủy điện Hòa Bình, Khởi công năm 1979 - Hoàn thành năm 1994

NGHIÊN CỨU, ĐỀ XUẤT BAN HÀNH CÁC CHẾ TÀI XỬ LÝ VI PHẠM

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều dự án thủy điện chưa chấp hành nghiêm các quy định về xây dựng, chồng lấn quy hoạch, chưa hoàn thiện các thủ tục về môi trường, chậm tiến độ.

Để khắc phục tình trạng công tác xử lý vi phạm thiếu chế tài hoặc chế tài chưa đủ mạnh, Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành và cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất ban hành các chế tài xử lý vi phạm đã được để thực hiện.

Nhằm đảm bảo phù hợp với các quy định tại các Luật hiện hành, Bộ Công Thương đã rà soát, đánh giá và ban hành Thông tư bãi bỏ Thông tư 43/2012/TT-BCT ngày 27/12/2012 của Bộ Công Thương quy định về quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng các dự án thủy điện và vận hành khai thác công trình thủy điện.

Đối với các vi phạm liên quan đến quản lý chất lượng công trình xây dựng đã được quy định tại Luật Xây dựng và được chi tiết tại các Nghị định, thông tư hướng dẫn Luật Xây dựng; vi phạm liên quan đến an toàn điện đã được quy định tại Luật Điện lực và chi tiết tại các Nghị định, thông tư hướng dẫn Luật Điện lực.

Đối với các vi phạm liên quan đến nguồn nước, đã được quy định tại Luật Tài nguyên nước và chi tiết tại các Nghị định, Thông tư hướng dẫn Luật Tài nguyên nước.

Đối với các vi phạm liên quan đến môi trường đã được quy định tại Luật Bảo vệ môi trường và chi tiết tại các Nghị định, Thông tư hướng dẫn Luật Bảo vệ môi trường;…

Có thể khẳng định, hệ thống chế tài để xử lý các vi phạm (nếu có) ngày càng được hoàn thiện và hiện đã cơ bản đáp ứng yêu cầu phục vụ công tác quản lý toàn diện.

Bảo Châu

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất