Chuyển từ kinh tế một chiều, hay còn gọi là kinh tế tuyến tính sang kinh tế tuần hoàn đang trở thành xu thế phát triển tất yếu, một cơ hội phát triển kinh tế cho Việt Nam. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định chủ trương “xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường”, “xây dựng lộ trình, cơ chế, chính sách, pháp luật để hình thành, vận hành mô hình kinh tế tuần hoàn”. Ngày 7/6/2022, Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt Đề án “Phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam”, trong đó nêu rõ quan điểm, mục tiêu cũng như đưa ra các nhiệm vụ giải pháp cụ thể.
Tuy nhiên, để “xanh hóa” nền kinh tế, một trong những vấn đề quan trọng đặt ra là phải đẩy mạnh ứng dụng các thành tựu của khoa học công nghệ, cùng với đó là nguồn lực tài chính cũng như nguồn nhân lực chất lượng cao... So với các vùng, miền khác, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi gặp nhiều bất lợi hơn cả trong tiến trình thực hiện mục tiêu xây dựng nền “kinh tế xanh”. Điều này có nguyên nhân từ xuất phát điểm về kinh tế - xã hội thấp và những vấn đề liên quan đến nhận thức, phong tục tập quán... Đặc biệt, những kết quả ban đầu của quá trình thực hiện mục tiêu “xanh hóa” nền kinh tế rất có thể sẽ tạo ra những “hiệu ứng ngược” trong thực hiện chính sách xóa đói giảm nghèo, an sinh xã hội đối với đồng bào.
Vì thế, vấn đề đặt ra là phải nghiên cứu, triển khai một cách khoa học, cụ thể, có lộ trình nhằm đảm bảo hài hòa giữa “kinh tế xanh” và xóa đói giảm nghèo, an sinh xã hội trước mắt; phải khắc phục được những bất cập, thách thức không nhỏ trong lựa chọn chính sách thực hiện kế hoạch hành động phát triển “kinh tế xanh”.
Mặc dù mục tiêu “chuyển đổi xanh” cho nền kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã được triển khai lồng ghép trong nhiều chương trình, dự án trong những năm qua, nhất là từ khi Chiến lược tăng trưởng xanh được phê duyệt tại Quyết định số 1393/QĐ-TTg, ngày 25/9/2012 của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, vẫn chưa có nhiều mô hình liên kết sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững làm cơ sở phát triển hệ sinh thái nông nghiệp tuần hoàn vùng dân tộc thiểu số và miền núi; hiện tượng sản xuất manh mún, mạnh ai nấy làm còn rất phổ biến; chính sách và công tác bảo vệ môi trường rừng con nhiều bất cập...
Để khắc phục những bất cập, nhiều địa phương câp tỉnh trên cả nước đã ban hành nghị quyết về phát triển kinh tế, công nghiệp theo hướng bền vững, hiệu quả và thân thiện với môi trường; khắc phục những “mâu thuẫn” giữa chủ trương phát triển “kinh tế xanh” và công tác xóa đói giảm nghèo vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Những giải pháp cơ bản được xác định là:
Thứ nhất, phải có cơ chế đảm bảo giải quyết hài hòa “nhu cầu trước mặt” với mục tiêu chiến lược; khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp đổi mới, ứng dụng công nghệ hiện đại, công nghệ cao trong sản xuất, chế biến theo hướng tiết kiệm nhiên liệu, bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm; tăng cường đầu tư chế biến sâu, nâng cao giá trị sản phẩm, thực hiện nghiêm các quy định về bảo vệ môi trường; khuyến khích đầu tư các dự án sản xuất điện mới, sử dụng năng lượng tái tạo…. Các cấp ủy, chính quyền, địa phương, tổ chức đoàn thể cần nâng cao trách nhiệm của mình trong việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp được giao, phân công trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị và tại các đề án về công tác bảo vệ môi trường đã được câp trên ban hành.
Tận dụng lợi thế hạ tầng kinh tế - xã hội, điều kiện tự nhiên, giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc để phát triển du lịch là một trong những giải pháp quan trọng để phát triển "kinh tế xanh" hài hòa với xóa đói giảm nghèo vùng đồng bảo dân tộc thiểu số và miền núi.
Thứ hai, tăng cường tuyên truyền cả về bề rộng và chiều sâu nhằm giúp đồng bào vượt qua các thói quen, khắc phục những bất cập như: sản xuất, tiêu dùng ít thân thiện môi trường; tư duy bảo thủ, ngại tiếp cận và thích nghi với hạ tầng kỹ thuật, công nghệ hiện đại… Đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức nhằm góp phần “chuyển hóa” năng lực của bộ máy chính quyền cấp thôn, xã; không ngừng nâng cao ý thức của doanh nghiệp, người dân. Phải xác định nhất quán, công tác tuyên truyền việc khai thác, sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên phục vụ phát triển nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường không phải chỉ là trách nhiệm của một ngành, một địa phương cụ thể mà phải có sự tham gia, chung tay của tất cả các cấp ủy, chính quyền địa phương, tổ chức đoàn thể và người dân.
Thứ ba, cơ cấu lại ngành công nghiệp theo hướng phát triển xanh, thân thiện với môi trường; giảm tỷ trọng ngành khai thác, tăng tỷ trọng chế biến, chế tạo gắn với đổi mới công nghệ, bảo vệ môi trường. Tận dụng lợi thế hạ tầng kinh tế - xã hội, điều kiện tự nhiên, giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc để phát triển du lịch; quan tâm phát triển đồng bộ, toàn diện văn hóa - xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống, sự hài lòng và hạnh phúc cho nhân dân.
Thứ tư, các sở, ban, ngành có liên quan cần tiếp tục tham mưu về phát triển kinh tế xanh, bền vững, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội. Cơ cấu lại ngành nghề, ưu tiên phát triển các ngành công nghệ cao, phát thải carbon thấp; công nghệ thân thiện với môi trường; sử dụng tiết kiệm năng lượng và tài nguyên; phục hồi tài nguyên và hệ sinh thái trên địa bàn. Việc lựa chọn công nghệ phải được thực hiện không chỉ bởi các nhà đầu tư, mà trước hết bởi các nhà quản lý ngay trong giai đoạn thẩm định, quyết định chủ trương đầu tư các dự án, bảo đảm không cho đưa vào sử dụng công nghệ cũ, lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường hoặc từ chối chấp nhận đầu tư những dự án thuộc lĩnh vực có nguy cơ cao gây ô nhiễm môi trường.
Thứ năm, chú trọng phát huy vai trò các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong địa phương và vai trò cộng đồng trong thực hiện chính sách phát triển kinh tế xanh. Ưu tiên, khuyến khích các dự án đầu tư sản xuất công nghiệp sử dụng công nghệ cao, công nghệ mới, tiết kiệm tài nguyên, năng lượng và thân thiện với môi trường, đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư đổi mới máy móc, thiết bị, công nghệ cho mở rộng sản xuất, nâng cao giá trị, chất lượng sản phẩm và sức cạnh tranh trên thị trường…
Thứ sáu, đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát việc lập và chấp hành các yêu cầu theo báo cáo đánh giá tác động môi trường; theo dõi, kiểm soát chặt chẽ các cơ sở sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm, nhất là việc xả chất thải ra ngoài môi trường; bảo đảm sự hài hòa trong phát triển, góp phần xóa đói giảm nghèo và tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi một cách bền vững./.
Minh Thế - Mạnh Duy