Năm 2022, về xuất nhập khẩu, kim ngạch trao đổi thương mại giữa Việt Nam và các nước Hiệp định CPTPP đạt 104,5 tỷ USD, tăng 14,3% so với năm 2021.
Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam đạt 53,6 tỷ USD, tăng 17,3% so với năm 2021, nhập khẩu đạt 50,9 tỷ USD, tăng 11,3% so với năm 2021. Thặng dư thương mại với các nước CPTPP đạt 2,63 tỷ USD, đặc biệt riêng thặng dư với 3 nước mới có quan hệ FTA là Ca-na-đa, Mê-hi-cô và Pê-ru trong năm 2022 lên tới 11 tỷ USD, chiếm 94% tổng thặng dư thương mại năm 2022 của Việt Nam và tăng 6,7% so với năm 2021. Trong khi đó, kim ngạch trao đổi thương mại giữa Việt Nam và các Thành viên Liên minh châu Âu (EU) đạt 62,24 tỷ USD, tăng 9,2% với năm 2021, trong đó xuất khẩu của Việt Nam đạt 46,8 tỷ USD, tăng 16,7% so với năm 2021, nhập khẩu đạt 15,4 tỷ USD, giảm 8,6% so với năm 2021. Thặng dư thương mại của Việt Nam với các nước EU trong năm 2022 đạt 31,4 tỷ USD, tăng 35,1% so với năm 2021.
Kim ngạch trao đổi thương mại giữa Việt Nam và Vương quốc Anh đạt 6,8 tỷ USD, tăng 3,3% với năm 2021, trong đó xuất khẩu của Việt Nam đạt 6,1 tỷ USD, tăng 5,2% so với năm 2021, nhập khẩu đạt 771 triệu USD, giảm 9,8% so với năm 2021. Thặng dư thương mại của Việt Nam với Vương quốc Anh trong năm 2022 đạt 5,6 tỷ USD, tăng 7,8% so với năm 2021. Trong khi đó, trao đổi thương mại giữa Việt Nam và các nước RCEP đạt 408 tỷ USD, trong đó xuất khẩu của Việt Nam đạt 146,5 tỷ USD, nhập khẩu đạt 261,5 tỷ USD. Thâm hụt thương mại của Việt Nam với các nước Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) là 115 tỷ USD.
Về đầu tư, Việt Nam thu hút được khoảng gần 11,5 tỷ USD tổng vốn đầu tư từ các nước CPTPP, tăng 2,6 tỷ USD so với năm 2021; khoảng 15 tỷ USD từ các nước EU, tăng 13 tỷ USD so với năm 2021 và khoảng 134,7 triệu USD vốn đầu tư từ Vương quốc Anh, giảm 55,4% so với năm 2021.
Trong 8 tháng đầu năm 2023, về xuất nhập khẩu, kim ngạch trao đổi thương mại giữa Việt Nam và các Thành viên CPTPP đạt 63 tỷ USD, giảm 11% với cùng kỳ, trong đó xuất khẩu của Việt Nam đạt 33,1 tỷ USD, giảm 9,3% so với cùng kỳ, nhập khẩu đạt 29,8 tỷ USD, giảm 14,8% so với cùng kỳ. Thặng dư thương mại với các nước CPTPP đạt 3,3 tỷ USD. Trong khi đó, kim ngạch trao đổi thương mại giữa Việt Nam và EU đạt 38,5 tỷ USD, giảm 9,2% với cùng kỳ, trong đó xuất khẩu của Việt Nam đạt 29 tỷ USD, giảm 9,5% so với cùng kỳ, nhập khẩu đạt 9,5 tỷ USD, giảm 5,8% so với cùng kỳ. Thặng dư thương mại của Việt Nam với các nước EU đạt 9,5 tỷ USD.
Kim ngạch trao đổi thương mại giữa Việt Nam và Vương quốc Anh đạt 4,6 tỷ USD, giảm 1,3% với cùng kỳ, trong đó xuất khẩu của Việt Nam đạt 4,1 tỷ USD, giảm 1,7% so với cùng kỳ, nhập khẩu đạt 530 triệu USD, tăng 5,3% so với cùng kỳ. Thặng dư thương mại của Việt Nam với Vương quốc Anh đạt 4,1 tỷ USD. Trong khi đó, trao đổi thương mại giữa Việt Nam và các nước RCEP đạt 242,4 tỷ USD, trong đó xuất khẩu của Việt Nam đạt 93,2 tỷ USD, nhập khẩu đạt 149,2 tỷ USD. Thâm hụt thương mại của Việt Nam với các nước RCEP là 56 tỷ USD.
Về đầu tư, Việt Nam thu hút được khoảng gần 18,1 tỷ USD tổng vốn đầu tư từ các nước CPTPP, tăng 13% so với cùng kỳ; khoảng 3,8 tỷ USD từ các nước EU, tăng 4,1% so với cùng kỳ và khoảng 48,27 triệu USD vốn đầu tư từ Vương quốc Anh, tăng 55,7% so với cùng kỳ.
Chia sẻ về tác động của CPTPP đối với hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp, ông Tô Hoài Nam – Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cho rằng, cùng với các FTA khác, CPTPP đã thật sự là đòn bẩy để thúc đẩy hàng hoá Việt Nam vươn ra thế giới. Đặc biệt, theo ông Tô Hoài Nam, hơn 2 năm gặp sóng gió vì Covid-19, nguồn lực của doanh nghiệp trong nước gần như suy giảm. Tuy nhiên, với các ưu đãi từ các FTA, trong đó có CPTPP đã trở thành điểm tự, vực dậy các hoạt động sản xuất, xuất khẩu và mở cửa thị trường cho doanh nghiệp, nhất là khối doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Ngọc Lâm - Ngọc Lê