Chủ Nhật, 24/11/2024
Giáo dục
Chủ Nhật, 11/8/2013 9:20'(GMT+7)

Sách giáo khoa môn Đạo đức-GDCD sẽ được đổi mới căn bản

Đại biểu tham dự Hội thảo.

Đại biểu tham dự Hội thảo.

Trong đề án đổi mới chương trình sách giáo khoa (SGK) từ nay đến năm 2015, ngành Giáo dục sẽ thay đổi nội dung chương trình SGK môn Đạo đức, giáo dục công dân (GDCD). Theo đó, chương trình SGK của môn học này sẽ được đổi mới căn bản từ cấp Tiểu học đến THPT. Đây là một trong những nội dung quan trong được các nhà quản lý đưa ra tại hội thảo quốc gia về giáo dục đạo đức-công dân trong giáo dục phổ thông Việt Nam diễn ra ngày 10/8, tại Hà Nội.

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển nhấn mạnh: Trong những năm qua, môn Đạo đức-GDCD đã có những đóng góp quan trọng trong việc giáo dục học sinh ý thức và hành vi của người công dân; góp phần hình thành và phát triển ở các em những phẩm chất và năng lực cần thiết của học sinh.

Tuy nhiên, thực tế dạy và học Đạo đức-GDCD trong nhà trường phổ thông còn nhiều hạn chế, bất cập. Nội dung chương trình hiện hành còn nhiều điều chưa hợp lý, nặng giáo dục chính trị, nhẹ giáo dục kỹ năng sống, coi trọng lý thuyết, chưa chú ý vận dụng, thực hành, chưa yêu cầu thể hiện qua việc làm và hành vi cụ thể trong đời sống. Nhiều bài học trong SGK môn Đạo đức-GDCD còn khô khan, gượng ép, chưa phù hợp với đặc điểm tâm lý, tình cảm của học sinh...

Để khắc phục thực trạng trên, theo Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển, ngoài việc giáo viên phải thay đổi phương pháp và nâng cao chất lượng giảng dạy thì cần đổi mới nội dung, chương trình SGK môn Đạo đức-GDCD. Theo đó, nội dung SGK phải thay đổi sao cho hấp dẫn học sinh, phát huy được ý thức tự học, tự chịu trách nhiệm của học sinh đối với bản thân, gia đình và tương lai của đất nước.

Theo TS Trần Đức Thắng, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, nếu như SGK hiện hành được biên soạn theo hướng tiếp cận nội dung, thiên về “dạy chữ”, còn SGK sau năm 2015 cần được biên soạn theo hướng năng lực tiếp cận với kỹ năng sống thực tế hàng ngày của học sinh.

SGK Đạo đức-GDCD sau năm 2015 phải được biên soạn theo hướng mở, có thể kích thích khả năng tư duy, tìm tòi sáng tạo của học sinh, gắn dạy học sinh về hành vi ứng xử trong các mội quan hệ xã hội để góp phần hình thành người công dân tốt của đất nước. SGK mới phải được thiết kế theo hướng hiện đại, với kênh hình và kênh chữ hợp lý, sao cho hấp dẫn người học.

TS Dương Văn Khoa, Khoa Giáo dục Chính trị, ĐH Sư phạm Hà Nội cho rằng, cần đổi tên môn Đạo đức thành môn GDCD và thống nhất tên môn từ lớp 1 đến lớp 12. Chương trình SGK môn GDCD phải định hình được phương pháp giảng dạy, sáng tạo của giáo viên và khả năng vận hành kiến thức, kỹ năng sống vào thực tế của học sinh, để học sinh biết được việc làm nào là nên làm, việc làm nào cần tránh và nguy hại đối với bản thân và xã hội./.

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất