(TCTG) - Không thận trọng đối với lịch sử sẽ làm tổn hại khôn lường đến cả quá khứ, hiện tại và tương lai. Viết sách lịch sử mà chạy theo thời gian cho kịp “ra mắt” đúng ngày kỷ niệm truyền thống rồi làm “quà tặng” hay chỉ chú ý quan tâm đến vẻ hào nhoáng bên ngoài mà thiếu chiều sâu bên trong thì cuốn sách sử sẽ thiếu thuyết phục đối với hiện thực cuộc sống.
Cách đây không lâu, vào phòng ở của một cán bộ lãnh đạo cấp phòng, tôi vô tình nhìn thấy trên giá sách có một hàng sách xếp liền kề nhau là những cuốn lịch sử, nhưng đã phủ một lớp bụi bặm dày. Lấy cái chổi lau, quét lớp bụi đi rồi lướt mắt qua, tôi thấy những cuốn sách này được làm bằng bìa cứng rất cẩn thận, trình bày trên bìa bắt mắt và nhất là cuốn nào cũng được in ấn công phu, cẩn thận, mỗi cuốn dày hàng trăm trang và xen kẽ là những tấm ảnh màu rõ nét. Hơn hai mươi cuốn sách lịch sử của các đơn vị, địa phương trên giá sách đó là “món quà” của cơ sở tặng anh. Đây là sách lịch sử của các trung đoàn, lữ đoàn, sư đoàn, nhà trường, bệnh viện, xã, phường, thị trấn, huyện, thị xã, thành phố và một số ngành chuyên môn. Trong đó có đơn vị chỉ trong vòng 5 năm mà có tới hai cuốn lịch sử với hai trang bìa khác nhau. Tôi hỏi đã bao giờ anh dành thời gian đọc cuốn sách lịch sử nào chưa, thì anh nói rất thành thật rằng, sau khi được cơ sở tặng mang về, anh chỉ xem qua mấy phút rồi để nó trên giá sách ngày này qua ngày khác.
Những cuốn sách lịch sử này có khá nhiều nội dung trùng lặp, “mô típ” viết từa tựa nhau. Nghĩa là những người viết đã dựa vào một cuốn sách sử được coi là thành công của đơn vị, địa phương, ngành cấp trên rồi về sưu tầm tư liệu, số liệu, nhân vật, sự kiện, thời gian của đơn vị, địa phương mình rồi “viết chắp vào thành lịch sử” của mình. Phương pháp, cách viết như thế hầu như không có gì mới mẻ, dễ tạo cho người đọc một sự đơn điệu đến nhàm chán. Thậm chí nếu chịu khó nghiên cứu, so sánh, đối chiếu, không ít cuốn sử có nội dung, có đoạn giống y hệt nhau vì người viết sử đã “sao chép” lại. Không những thế, do muốn kịp thời cho ra mắt vào thời điểm kỷ niệm, có những cuốn sách lịch sử viết nhanh, viết vội và chưa sưu tầm, chọn lọc kỹ lưỡng, thận trọng về dẫn chứng tư liệu, số liệu nên đã trích dẫn không chính xác và vẫn còn khá nhiều sai sót về lỗi chính tả, ngữ pháp, văn phong. Trên thực tế, có người viết sử không đủ kiến thức toàn diện, trình độ chuyên ngành về sử học nhưng vẫn được lãnh đạo đơn vị, địa phương giao cho viết sử. Do đó, việc nhầm lẫn, sai sót xảy ra cũng là điều dễ hiểu. Mặt khác, có một sự kiện (nhất là sự kiện đó liên quan đến thành tích, chiến công trong chiến đấu) mà địa phương này cũng “nhận” là “của mình”, địa phương khác cũng “coi” là “của mình”. Khi nói về con số, kết quả, hầu như cuốn sử nào cũng “kê thêm” một ít. Thế nên mới có chuyện thật mà như “bịa” rằng: Ở một huyện nọ, sau khi thống kê thành tích chiến đấu của các xã trong huyện (qua các cuốn sách lịch sử) thì tổng số quân địch, vũ khí trang bị mà quân và dân địa phương tiêu diệt và thu được nhiều hơn gấp bốn lần số liệu thực tế (đã được cấp có thẩm quyền chứng thực và công nhận)! Chính cái bệnh “tham” kéo thành tích về mình đã làm ảnh hưởng nhất định đến tính khách quan, chính xác và trung thực vốn có của lịch sử.
Mỗi dịp đơn vị, địa phương tổ chức kỷ niệm năm chẵn ngày truyền thống, ngày thành lập hay đón nhận danh hiệu anh hùng, huân chương vinh dự Nhà nước thường không quên làm những cuốn sách lịch sử. Đó là một việc nên làm và đáng được khuyến khích. Vì thông qua những cuốn sách lịch sử để góp phần tuyên truyền, giáo dục truyền thống lịch sử cho các thế hệ đi sau. Tuy nhiên, để những cuốn sách lịch sử thật sự có ý nghĩa, cần phải triệt để thực hành tiết kiệm trong việc in ấn và phát hành những cuốn sách lịch sử của đơn vị, địa phương; không in ấn tràn lan, không làm quà tặng một cách “vô tư, thoải mái”; đồng thời cũng không nhất thiết phải tái bản sách sử nhiều lần dễ gây tốn kém, lãng phí tiền bạc của công. Những người tham gia biên soạn lịch sử của đơn vị, địa phương phải được lựa chọn chặt chẽ, kỹ lưỡng. Đó là những người có phông kiến thức văn hoá rộng, có trình độ chuyên môn và hiểu biết nhất định về khoa học lịch sử. Dù lịch sử có vẻ vang, rạng ngời đến mấy mà thiếu công sức, trí tuệ biên soạn, đánh giá, thẩm định lịch sử của những người có trình độ, năng lực chuyên môn thì cuốn sử cũng khó có sức thuyết phục đối với người đọc. Trong quá trình biên soạn lịch sử cần tỉ mỉ, kỹ lưỡng, thận trọng, công phu, chấp hành và thực hiện nghiêm ngặt nguyên tắc bảo đảm khách quan, chính xác của các sự kiện, nhân vật, vấn đề lịch sử; tuyệt đối không theo cảm tính và ý chí chủ quan của người đứng đầu hay người viết sử mà làm ảnh hưởng đến tính trung thực vốn có của lịch sử.
Mỗi cuốn sách lịch sử được coi như một tấm gương phản chiếu của quá khứ vào hiện tại. Một cuốn sách lịch sử có ý nghĩa trước hết phải là một cuốn sách tôn trọng các sự thật lịch sử, đánh giá công tâm, công bằng và thẩm định khách quan, chính xác, có lý, có tình đối với các vấn đề lịch sử và được thể hiện bằng ngôn ngữ, văn phong giản dị, trong sáng. Dù chỉ là cuốn lịch sử của đơn vị, địa phương trong phạm vi nhất định cũng cần được đầu tư công sức, trí tuệ, thời gian, vật chất một cách tương xứng để biên soạn thành sách lịch sử có ý nghĩa và giá trị đối với bạn đọc. Không thận trọng đối với lịch sử sẽ làm tổn hại khôn lường đến cả quá khứ, hiện tại và tương lai. Viết sách lịch sử mà chạy theo thời gian cho kịp “ra mắt” đúng ngày kỷ niệm truyền thống rồi làm “quà tặng” hay chỉ chú ý quan tâm đến vẻ hào nhoáng bên ngoài mà thiếu chiều sâu bên trong thì cuốn sách sử sẽ thiếu thuyết phục đối với bạn đọc và hiện thực cuộc sống./.
Nguyễn Văn Hải